Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thu Hà:

Đó là những khoảnh khắc vô giá...

Một sự kiện đặc biệt: Giới thiệu và trưng bày tám bức ảnh tư liệu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sẽ diễn ra trong các ngày từ 24 đến 30/4 tại tỉnh Điện Biên. TS, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trò chuyện với chúng tôi về sự kiện này.
0:00 / 0:00
0:00
TS, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
TS, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Những dấu mốc đặc biệt của lịch sử và sáng tạo nghệ thuật

- Thưa bà, các bức ảnh được giới thiệu tới công chúng trong khuôn khổ Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà có thể chia sẻ thông tin về sự kiện đặc sắc này?

- Các bức ảnh thể hiện sự đóng góp vô cùng quý giá của đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Như tấm ảnh về Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ - Những người chép sử bằng hình ảnh, ghi lại khoảnh khắc của các nghệ sĩ trong ngày 8/5/1954 ngay bên chiến hào. Trong ảnh có 11 người, là những nhà quay phim, nhiếp ảnh tham gia thực hiện bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ. Đây là những nghệ sĩ tiêu biểu, là thế hệ đầu tiên bằng lòng yêu nước, sự dũng cảm, tài năng và tâm huyết đã xây dựng nền điện ảnh dân tộc với những thành tựu ghi dấu như những mốc son trong hành trình sáng tạo nghệ thuật đồng hành với lịch sử đất nước.

Cùng tấm ảnh trên, Cục Điện ảnh giới thiệu và trưng bày bảy bức ảnh tư liệu quý giá khác. Đặc biệt trong đó có tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp cùng các nhà quay phim, phóng viên ảnh mặt trận trước khi tham gia các chiến dịch. Hoặc tấm ảnh được in trích từ bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ cảnh các chiến sĩ đang cùng nhau mang Lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" lên nóc hầm De Castries; hình ảnh này đã trở thành biểu tượng lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ, và là niềm tự hào của đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng các thế hệ những người làm điện ảnh Việt Nam.

Những tác phẩm ảnh được giới thiệu lần này có giá trị lịch sử đặc biệt; ghi dấu mốc cho nghệ thuật điện ảnh và nhiếp ảnh ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Các nhà quay phim, nhiếp ảnh khi đó rất trẻ.

- Hành trình của những tấm ảnh đã đến tay của Ban tổ chức như thế nào, thưa bà?

- Chúng tôi đã có nhiều buổi trao đổi, gặp gỡ với những người con của các nhân vật trong ảnh. Nhiều năm nay, họ đều gìn giữ những kỷ vật vô giá ấy, phần bởi tình cảm gia đình đan cài tình yêu điện ảnh trong họ. Đến nay, tôi tin rằng, các bức ảnh không còn là của riêng mỗi gia đình mà đã trở thành tài sản vô cùng ý nghĩa của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Xúc động hơn, nhiều người con đã tiếp bước cha anh trở thành đạo diễn, quay phim. Cũng có những người con hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác, nhưng những tấm ảnh đã kết nối mối thâm tình suốt hàng chục năm qua và các gia đình đã quyết định trao tặng Cục Điện ảnh để phục vụ Tuần phim cũng như tặng lại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Bà có thể chia sẻ một vài câu chuyện, sự việc trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho sự kiện lần này?

- Tôi rất xúc động trước câu chuyện nhà quay phim, NSƯT Nguyễn Lê Văn, con trai của cố Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy, đã tự đi in lại tấm ảnh tư liệu, ghi chú cẩn thận theo lời kể của cha mình. Ông tự tay giao cho tôi tấm ảnh đang được đóng khung trang trọng treo tại nhà để thực hiện việc in lại ảnh đạt chất lượng trưng bày.

Hay nhà dựng phim Việt Hương, con gái cụ Tiến Lợi; đạo diễn, NSND Như Vũ, con trai cụ Như Ái; đạo diễn Triệu Tuấn, con trai cụ Triệu Đại; nhà biên kịch Nguyễn Thị Lợi, người vợ của cụ Nguyễn Thụ; anh Đoàn Dũng, con trai cụ Nguyễn Thế Đoàn; nhà quay phim Lưu Vinh, con trai cụ Lưu Xuân Thư… đã nhiệt tình đóng góp những bức ảnh tư liệu quý cùng những câu chuyện đi theo mỗi bức ảnh. Mỗi buổi gặp gỡ, trao đổi đều để lại những ân tình, kỷ niệm sâu sắc cho mỗi chúng tôi.

Đó là những khoảnh khắc vô giá... ảnh 1
Đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh chụp ngày 8/5/1954. Nguồn: Cục Điện ảnh

Mong muốn truyền lại niềm tự hào cho thế hệ sau

- Bà cũng có cha là một đạo diễn kỳ cựu, có nhiều đóng góp cho Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, và bản thân bà đã quyết định nối nghề cha. Giờ đây, có dịp nhìn lại hành trình các thế hệ làm điện ảnh Việt Nam với tinh thần "lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành"(một câu thơ của Tố Hữu), bà có cảm xúc gì?

- Cha tôi là đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh. Năm 1954, ông chưa vào ngành điện ảnh. Nhưng 21 năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1975, cha tôi đã là đạo diễn, được phân công theo một trong bốn đoàn làm phim tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh để ghi lại những hình ảnh lịch sử. Cuộc hành quân đặc biệt này xuất phát ngay sau khi kết thúc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ ba, tổ chức tại Hải Phòng. Một đồng nghiệp và đồng đội đặc biệt của cha tôi, đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Xưởng Phim truyện Việt Nam, cũng tiếp tục hành quân cùng các thế hệ trẻ của điện ảnh. Cha tôi cùng các đồng nghiệp đã ghi lại những hình ảnh trong Chiến dịch và những ngày đầu thống nhất đất nước tại miền nam ruột thịt... để làm nên bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông (năm 1975); cùng năm đó, bộ phim đã được trao tặng Giải thưởng Bồ Câu Vàng tại Liên hoan Phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa dân chủ Đức. Về sau, phim được trao giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IV, năm 1977. Bộ phim là một trong năm công trình điện ảnh do cha tôi làm đạo diễn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt III dành cho cụ, năm 2007.

Tôi nghĩ, lớp người đi sau như chúng tôi có cùng một cảm xúc khi nhìn lại những tấm ảnh về người cha mặc áo lính đi ra mặt trận, trên vai họ là ba lô, nhưng trên tay họ không cầm súng mà là máy quay phim, máy ảnh. Sau này, qua những câu chuyện kể của cha, tôi cảm nhận được cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm điện ảnh của ông, và làm nên con người ông, làm nên một đạo diễn với những tác phẩm có giá trị về cuộc chiến tranh cách mạng bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước, được đông đảo công chúng ghi nhận.

- Ban tổ chức có cách thức nào để lan tỏa những bức ảnh tư liệu cùng thông tin lịch sử vô cùng ý nghĩa đến rộng rãi công chúng cả nước, đặc biệt là giới trẻ, góp phần giúp họ hiểu và tự hào hơn về những đóng góp của Điện ảnh Việt Nam với sự nghiệp cách mạng của dân tộc?

- Sự kiện chỉ diễn ra trong mấy ngày. Bởi vậy, chúng tôi rất mong muốn sẽ có được sự hỗ trợ của báo chí lan tỏa những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa đến rộng rãi công chúng. Đối với những bức ảnh tư liệu, do thời gian và điều kiện bảo quản trong quá khứ còn eo hẹp, dẫn đến tình trạng các bức ảnh có dấu hiệu ố vàng. Cục Điện ảnh đã giao cho Viện Phim Việt Nam xử lý kỹ thuật, in tráng ảnh theo kích cỡ 70cm x 90cm để bảo đảm yêu cầu trưng bày. Sau đó, các bức ảnh được trao tặng lại cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!