Giám đốc điều hành The Outpost Ariel Phạm

Sưu tập nghệ thuật là chia sẻ

Kể từ khi chính thức ra mắt, The Outpost (Hà Nội) là điểm đến khó có thể bỏ qua đối với công chúng yêu thích nghệ thuật đương đại, đặc biệt là các bạn trẻ. Chị Ariel Phạm, người sáng lập và hiện là giám đốc điều hành tổ chức nghệ thuật này, có nhiều chia sẻ với chúng tôi về nguồn cảm hứng gây dựng và vận hành một địa chỉ nghệ thuật đương đại theo mô thức hoàn toàn mới ở Việt Nam, trong hy vọng vào sự phát triển chung của đời sống nghệ thuật đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc điều hành The Outpost Ariel Phạm
Giám đốc điều hành The Outpost Ariel Phạm

Không giữ cho riêng mình

- Ý định sưu tập nghệ thuật đương đại của chị đã được bắt đầu như thế nào?

- Thời còn học đại học ở Anh, tôi thường đến Bảo tàng Tate Britain ở thủ đô London để ngắm một bức tranh, đó là bức Carnation, Lily, Lily, Rose (tạm dịch: Hoa cẩm chướng, hoa huệ, hoa huệ, hoa hồng) của J.S.Sargent (1856-1925). Bức tranh vẽ hai đứa trẻ cầm đèn lồng trong một khu vườn đầy hoa, bao phủ bởi ánh sáng vàng, hồng, tím nhạt. Ánh sáng đó không thể tả bằng lời. Nó khiến tôi rung động và nghĩ đến gia đình. Mỗi khi thấy một điều gì hay, gặp một phong cảnh đẹp, ăn một món ngon, tôi lại nghĩ giá như người thân của mình cũng có được những trải nghiệm đó. Liệu chúng có làm lay động trái tim họ như với tôi?

Dĩ nhiên, tôi không thể mua tranh của danh họa Sargent, tôi chỉ đủ tài chính để sưu tập nghệ thuật đương đại. Nhưng thế cũng là đủ để chia sẻ thế giới trong mắt tôi với những người chung quanh rồi.

- Thực hành bảo trợ nghệ thuật là việc mà chị muốn làm với The Outpost. Nhưng trong thực tế đời sống nghệ thuật Việt Nam, hầu hết các "nhà sưu tập" đều tiến hành việc mua bán tác phẩm nghệ thuật dưới danh nghĩa thanh lọc bộ sưu tập mà thực chất là đầu tư, kinh doanh nghệ thuật. Vậy mô hình của The Outpost có gì khác số đông ấy?

- Tôi rất ngại khi ai đó gọi mình là "nhà sưu tập". Tôi nghĩ công việc của mình là người chia sẻ.

Gần đây, thực hành bảo trợ nghệ thuật của tôi được truyền cảm hứng rất lớn từ Quỹ Han Nefkens (The Han Nefkens Foundation-PV). Han Nefkens, một nhà sưu tập người Hà Lan, đã thành lập Quỹ này với mong muốn hỗ trợ kinh phí sản xuất tác phẩm video art cho các nghệ sĩ mới nổi trên thế giới. Ông nói: "Bằng cách chia sẻ với người khác, tôi trở thành một phần của thế giới. Chia sẻ là liều thuốc giải sự cô đơn, khi bạn chia sẻ, bạn không cô đơn". Phần nào tương tự Han Nefkens, những tác phẩm tôi sưu tập được chảy qua trạm trung chuyển là The Outpost và thâm nhập vào xã hội, tôi không giữ chúng cho riêng mình.

The Outpost không phải là một phòng tranh (gallery), chúng tôi không buôn bán tác phẩm nghệ thuật. Cũng lại khác các trung tâm/không gian nghệ thuật không sưu tập mà chỉ tổ chức chương trình, sự kiện nghệ thuật, The Outpost có một bộ sưu tập riêng. Vì vậy, The Outpost hoạt động như một bảo tàng tư nhân xoay quanh bộ sưu tập của tôi. Như hầu hết các bảo tàng, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là mua tác phẩm để làm dày dặn bộ sưu tập. Cũng có việc bán ra nhưng chủ yếu cho mục đích từ thiện hoặc gây quỹ.

- Trong thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, có cách thức giới thiệu, trưng bày nghệ thuật đương đại nào truyền cảm hứng cho chị hoặc chị muốn học hỏi cho không gian The Outpost?

- Tôi sẽ không so sánh điều kiện hạ tầng cơ sở cũng như tiêu chuẩn trưng bày của Việt Nam với các nước phát triển. Một thí dụ: Trong khi Bảo tàng Tate Britain sử dụng 10 máy chiếu tối tân cho một tác phẩm video art đa kênh thì với điều kiện hiện tại ở Việt Nam, rất có thể ta chỉ có ba máy. Chính vì vậy, điều ta có thể học tập là sự chỉn chu và phương pháp chuyên nghiệp nơi họ.

Mặt khác, về khía cạnh sáng tác và làm chương trình nghệ thuật, một số thể nghiệm đột phá, thú vị nhất hiện nay lại diễn ra tại các nước đang phát triển ở châu Phi, Mỹ latin, châu Á. Đây là nơi viết các chương tiếp theo của câu chuyện nghệ thuật, chân thật và nằm ngoài mọi khuôn thước. Nghệ sĩ sáng tác trên bề dày di sản bản địa, thu hút những khán giả chưa từng trải nghiệm nghệ thuật trước đây, và tách lịch sử nghệ thuật của đất nước mình khỏi các câu chuyện văn hóa phương Tây. Và biết đâu, phương Tây lại đang quan sát sự vận động nghệ thuật tại các tổ chức như The Outpost.

Sưu tập nghệ thuật là chia sẻ ảnh 1
Những màn hình cỡ lớn do The Outpost đầu tư cho Triển lãm đa phương tiện tiêu đề Dị diện, năm 2023. Ảnh: NVCC

Bảo tàng "sống" trong dòng chảy văn hóa

- Để đạt được tiêu chuẩn "bảo tàng", chị và đội ngũ nhân viên xây dựng một nền tảng hệ thống công việc như thế nào? Đến nay, hệ thống ấy đã được bổ sung thêm những gì?

- Tôi không dám nhận là The Outpost đã đạt "chuẩn" bảo tàng bởi nếu chỉ so quy mô của các tổ chức tương tự trong khu vực, chúng tôi vẫn còn cách xa lắm. Tuy vậy, điều cốt lõi với tôi không phải là cơ sở vật chất mà là chất lượng chương trình. Trên phương diện đó, tôi nghĩ, chúng tôi đã đạt một số kết quả thiết thực.

Sau một năm kể từ ngày mở cửa, The Outpost đã sản xuất ba triển lãm tâm huyết, hai khóa đào tạo nghiệp vụ cấp tốc, 15 chương trình vệ tinh, 12 chương trình kết nối cộng đồng sáng tạo, giới thiệu thực hành của 24 nghệ sĩ đương đại, đón 22.000 lượt khách tham quan và 17 buổi trải nghiệm nghệ thuật dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo thời gian, chúng tôi tập hợp được một danh sách nhà thầu có năng lực cho việc thi công triển lãm; các thống kê số liệu về lượt tham quan, hành vi trong lúc tham quan triển lãm cũng như phản hồi của khán giả; mạng lưới các tổ chức đồng nghiệp và báo giới ở trong và ngoài nước. Trên tất cả là một đội ngũ nhân sự yêu nghề cùng tệp khán giả yêu nghệ thuật đương đại. Đây là những cơ sở quý giá để The Outpost liên tục chấn chỉnh và bước tiếp.

- Có gì đó thật sống động trong cung cách vận hành của The Outpost, khác với điều mà nhiều người quen nghĩ về một "bảo tàng nghệ thuật".

- Khái niệm bảo tàng trong thế kỷ 21 đã thay đổi nhiều so với trước đây. Các bảo tàng nghệ thuật trên thế giới đang trải qua một cuộc cải cách lớn để khẳng định chúng "sống" trong dòng chảy văn hóa, là nơi sôi động, mang hơi thở thời đại, nơi công chúng đến và quay lại nhiều lần, liên tục đón nhận các luồng tri thức và trải nghiệm khác nhau. Tôi cho rằng, một không gian nghệ thuật dù đạt tiêu chuẩn bảo tàng hay không, chỉ có thể thật sự "sống" nếu nơi đó tạo ra được đối thoại với các cộng đồng và quang cảnh bên ngoài.

- Chị thấy quang cảnh nghệ thuật thị giác Việt Nam thời gian gần đây có những chuyển động nào đáng được quan tâm? Thực tế ấy tác động thế nào tới hy vọng của chị về The Outpost của ít nhất là 5 năm tới?

- Trong khi tình hình kinh tế chung đang ảm đạm, lại có rất nhiều không gian nghệ thuật mới ra đời. Số lượng triển lãm bùng nổ, nghệ sĩ và giám tuyển trẻ xuất hiện liên tục. Có người gọi đó là xu hướng nhất thời, tôi lại cho đó là sự vận động tất yếu của xã hội. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tái kết nối và giao lưu của con người trở nên mạnh mẽ, xã hội hiện đại cũng từng bước nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Do đó, thị trường nghệ thuật, nơi cung cấp món ăn tinh thần và nền tảng kết nối, trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Khác với 10, 20 năm trước, khán giả của nghệ thuật hiện nay, nhất là giới trẻ, có nhu cầu tìm hiểu về việc "làm" nghệ thuật, như các thực hành của nghệ sĩ, công việc của giám tuyển, vai trò của nhà bảo trợ... Những gì chúng tôi làm ở The Outpost minh họa cho điều này, đóng góp cho sự tiến bộ về nhận thức cũng như ý thức xã hội của người trẻ.

5 năm tới ư? Tôi và The Outpost vẫn đang kiên trì theo đuổi việc thu hút được khán giả và đào tạo nhân sự cho nghệ thuật đương đại. Sau 5 năm, lớp khán giả và nhân sự mới đó sẽ đi tiếp con đường rất dài phía trước.

- Chân thành cảm ơn chị!

Ariel Phạm bắt đầu sưu tập nghệ thuật đương đại Việt Nam và thế giới từ năm 2014. Chị từng theo học Kinh tế học ở Vương quốc Anh và làm việc trong lĩnh vực tài chính ở nước ngoài nhiều năm. Năm 2022, chị sáng lập Tổ chức nghệ thuật The Outpost.