Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến:

Lối sống, văn hóa ứng xử không phải là hằng số

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến có một thời gian dài công tác tại Báo Hànộimới. Đó là một điều kiện thuận lợi cho sự say mê viết, khảo cứu và nghiên cứu quanh chủ đề Hà Nội của ông. Bằng cái nhìn sâu vào dọc dài lịch sử của Kinh đô Thăng Long tới đời sống Hà Nội hôm nay, ông chia sẻ cùng chúng tôi nhiều điều về đổi thay trong đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (bên trái) trong buổi giao lưu với bạn đọc tại Hội sách Hà Nội, tháng 10/2023. Ảnh: BTC
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (bên trái) trong buổi giao lưu với bạn đọc tại Hội sách Hà Nội, tháng 10/2023. Ảnh: BTC

Không nơi nào như Hà Nội

- Trong buổi giao lưu với bạn đọc tại Hội sách mùa thu Hà Nội gần đây, ông có nói đại ý: sống ở Hà Nội nhiều rủi ro hơn ở nơi khác. Ông có thể phân tích cụ thể hơn nhận định này?

- Nhìn cả chặng dài lịch sử xưa nay, từ triều Lý đến triều Lê, khi đất nước bị giặc ngoại xâm xâm chiếm, đích của kẻ địch bao giờ cũng là Kinh đô Thăng Long, đầu não của nước Đại Việt. Thời Trần, giặc Nguyên Mông xâm chiếm Đại Việt, triều đình dụng kế "vườn không nhà trống" ở Thăng Long nên dân chúng kinh thành phải bỏ nhà cửa, sản nghiệp chạy về các vùng quê. Giặc tan, dân kinh thành trở về với hai bàn tay trắng, gây dựng lại từ đầu. Thời Lê cũng vậy.

Thế kỷ 19, khi quân Cờ Đen tràn ngập Hà Nội, chúng cướp phá, đâm chém người vô tội khiến người dân nháo nhác trốn về quê. Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, Trung đoàn Thủ Đô quyết tử với quân Pháp, vì thế gần Tết nhưng dân chúng Hà Nội phải bỏ nhà, bỏ phố tản cư đến năm 1948 mới rậm rịch quay về. Trong chiến tranh chống Mỹ, người Hà Nội hai lần bỏ nhà cửa sơ tán, ở nhờ bà con nông thôn...

Riêng về đời sống tinh thần, tư tưởng cấp tiến bao giờ cũng xuất hiện sớm ở thủ đô và luôn chịu sức ép của truyền thống sâu sắc và nặng nề hơn mọi nơi khác.

- Nhưng thành phố này vẫn luôn thu hút nhiều người đến sống, theo ông là bởi vì những điều kiện khách quan gì?

- Không ở đâu có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như Hà Nội. Người nơi khác phải dành chi phí, thời gian để đến Hà Nội vào Lăng viếng Bác, thưởng thức nghệ thuật ở Nhà hát Lớn, thăm đền Ngọc Sơn, ngắm chùa Trấn Quốc, Văn Miếu-Quốc Tử Giám… Trong khi đó, người Hà Nội chỉ cần ra khỏi nhà là như được chạm vào lịch sử, văn hóa. Được sống ở nơi giàu giá trị lịch sử, văn hóa là một may mắn.

Sự học cũng vậy. Không ở đâu nhiều trường như Thăng Long. Xưa muốn thi đỗ phải ra Thăng Long học, vào Văn Miếu nghe các nhà nho bình văn. Ở đây, người ta yêu chữ. Xưa, người Thăng Long yêu chữ đến mức, hằng ngày, có người quẩy đôi bồ đi khắp thành nhặt những tờ giấy có chữ trên đường để mang về đền Ngọc Sơn đốt, chỉ vì sợ người đi bộ giẫm chân vào chữ Thánh hiền. Nửa đầu thế kỷ 20, Hà Nội có nhiều đầu báo và nhà xuất bản. Ngày nay, Hà Nội là một trung tâm của văn hóa đọc.

Hà Nội cũng là nơi mà người ta phải sống trong không khí cạnh tranh, phải ganh đua mới tồn tại. Môi trường ấy buộc người ta không ngừng vươn lên. Đó cũng là động lực để phát triển bản thân, phát triển xã hội. Hà Nội còn là trung tâm văn hóa nghệ thuật.

Hà Nội là như vậy. Người đến cứ đến, người đi cứ đi. Thống kê dân số cho thấy số người nhập cư nhiều hơn số người rời đi.

Vẻ thanh lịch Hà Nội, không phải ai cũng nhìn ra!

- Nhưng chứng kiến nhiều xô lệch về ứng xử giữa người với người trong cuộc sống hiện nay, nhiều người cho rằng, nét ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch của Hà Nội "chỉ còn trong truyền thuyết". Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi cũng nghe không ít người nói Hà Nội đề cao mình lên, Hà Nội "kiễng chân" khi nói mình "thanh lịch" trong lối sống, trong ứng xử. Lại có người còn cho rằng, Hà Nội có thanh lịch và nó chỉ hình thành khi người Pháp mang văn minh của họ vào. Vậy xa xưa, văn hóa sống và ứng xử của người Thăng Long thế nào? "Dùi đục chấm mắm cáy" chăng?

Trong Vũ Trung tùy bút, nhà nho Phạm Đình Hổ viết về thú chơi cây cảnh ở Thăng Long "không chỉ di dưỡng tinh thần mà còn có ý thế giáo thiên luân", hay về chuyện uống rượu trong ngày Tết thì uống đủ chứ không say, say thì mặt đỏ, ra đường thấy xấu hổ với thiên hạ.

Để khách quan hơn, tôi dẫn sách của người phương Tây viết về nơi đây. Trong cuốn Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng ngoài của Jerome Richard, một thầy tu người Anh sống ở Thăng Long thế kỷ 18, có kể về một bữa ăn mà tác giả được một người Thăng Long mời. Ông mô tả khoanh giò lụa được xắt đều từng miếng, chứng tỏ sự công bằng giữa chủ và khách. Khi ăn xong chủ nhà lấy nước vừa đủ vào chiếc thau đồng sạch bóng, nhúng ướt khăn trắng để đưa cho khách lau tay. Ông cũng mô tả trang phục của người phụ nữ Hà Nội, bên ngoài là áo mầu tối nhưng lớp áo bên trong có mầu sắc như cầu vồng. Đó chẳng phải là sự kín đáo tế nhị sao?

Ông Samuel Baron, một thương nhân, có cha người Hà Lan, mẹ người Việt, sống ở Thăng Long nửa cuối thế kỷ 17, đã viết cuốn Mô tả vương quốc Đàng ngoài. Về sự tế nhị, ông kể: Khi đi thăm người ốm, họ không bao giờ hỏi: "Anh khỏe chưa", mà hỏi: "Dạo này, anh ăn được mấy bát cơm?". Về ẩm thực, họ biết tinh chế các món ăn quê chỉ vì họ là những người sành ăn.

Hà Nội có ý nhị, tao nhã, tế vi, thanh lịch không? Có thật, chẳng phải truyền thuyết, với điều kiện, người ta phải nhìn nhận về chuyện này với cái nhìn khách quan, công bằng.

- Nhưng những "bún mắng", "cháo chửi" ồn ào trên truyền thông xã hội khiến không ít người thiếu thiện cảm khi nhắc đến Hà Nội và người Hà Nội. Theo ông, nguyên nhân của chuyện này là từ đâu?

- Đó là hiện tượng cá biệt, không phải phổ quát. Không một thành phố nào trên thế giới này toàn bích, Hà Nội cũng vậy, vì thế khi nhận xét nên nhìn vào cái phổ quát.

Vậy văn hóa sống ở Hà Nội có xuống cấp không? Có phần có đấy!

Một thời, chúng ta xây dựng văn hóa mới, con người mới, nhưng nội hàm của "văn hóa mới" quá chung chung, rất khó đi vào đời sống trong khi cái gì thuộc về truyền thống đều bị quy kết là sản phẩm của chế độ phong kiến, tín ngưỡng bị đánh đồng với mê tín; những sinh hoạt hằng ngày có chọn lọc, thanh tao bị coi là "lối sống tư sản". Bởi thế, người ta khó ngả về bên này hay bên kia. Thêm nữa, kinh tế thị trường dẫn đến lối sống thực dụng, đồng tiền lên ngôi cũng phần nào làm tha hóa không ít người. Nhưng có phải là cả thành phố không? Chắc chắn là không!

Lớp trẻ trong nhiều gia đình bây giờ vẫn lưu giữ được sự thanh lịch trong lối sống, ứng xử. Có chăng, những biểu hiện của thanh lịch đã khác đi, có sự tiếp biến khi lớp trẻ ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với lối sống, các nền văn hóa trên thế giới.

Lối sống, văn hóa ứng xử không phải là hằng số. Thay đổi mới đúng quy luật. Thay đổi trên cái gốc đã có, gốc vững chắc thì không có gì phải sợ. Nếu ai đó nghi ngờ Hà Nội không còn ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch thì cứ đến các gia đình sống nhiều đời ở Hà Nội sẽ tìm được câu trả lời. Những nét văn hóa này như dòng hải lưu ngầm vẫn cuộn chảy mặc cho bề mặt đại dương băng giá. Có gì mà phải quá lo lắng cho Hà Nội của chúng ta hôm nay?

- Chân thành cảm ơn ông!

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến là tác giả của nhiều cuốn sách về Hà Nội, như: Ði ngang Hà Nội, Ði dọc Hà Nội, 5.678 bước chân quanh Hồ Gươm, Ði xuyên Hà Nội, Hà Nội còn một chút này, Ký ức thời bao cấp…

Năm 2012, ông đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, hạng mục Tác phẩm. Tháng 10/2023 vừa qua, ông là một trong 10 người được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú.