Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái:

Kiến trúc Việt Nam phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn

“Những trải nghiệm sống ở nhiều quốc gia, vùng đô thị phát triển hoặc có đầu tư bài bản về quy hoạch và kiến trúc, như Canada, Mỹ, Pháp, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore đã cho tôi kiến thức phong phú, để so sánh và suy ngẫm về kiến trúc Việt Nam đương đại”- kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái mở đầu câu chuyện với Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái

Cần tiếng nói mạnh mẽ và chủ động

- Thưa ông, từ đầu những năm 2000, ông đã viết Những vấn đề của kiến trúc đương đại Việt Nam. Nay nhìn lại, ông thấy những vấn đề nào trong đó đã được giải quyết và vấn đề nào còn là nan giải?

- Câu hỏi này khó quá (cười), tôi e không trả lời thấu đáo được vì suy cho cùng, chỉ là góc nhìn của cá nhân tôi.

Chúng ta đã có quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị tốt hơn với tầm nhìn chiến lược, tạo cơ hội cho kiến trúc mới, hiện đại được xuất hiện. Tôi lấy thí dụ như thành phố Hà Nội quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, dành cho giáo dục-đào tạo và phát triển công nghệ cao.

Đã xuất hiện những cá nhân kiến trúc sư quyết tâm đi theo con đường kiến trúc kết hợp hài hòa tinh hoa của kiến trúc thế giới và của truyền thống xây nhà, dựng làng của người Việt Nam mình, thuận theo tự nhiên, hài hòa với tự nhiên. Họ đã tạo nên những dấu ấn kiến trúc Việt Nam đương đại.

Tuy nhiên, trong nhiều thập niên chiến tranh liên tục và bị bao vây cấm vận, nguồn lực tài chính và con người dành cho kiến thiết điều kiện sống, trong đó có kiến trúc, bị hạn chế, nên không tránh khỏi tình trạng kiến trúc và xây dựng chỉ đáp ứng được nhu cầu tạm thời, chắp vá, loay hoay giữa các ảnh hưởng kiến trúc thế giới. Chỉ có một vài kiến trúc sư thật tài năng đi theo hướng dân tộc-hiện đại, chưa tạo thành một xu hướng phổ quát, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ qua các thế hệ tiếp sau. Đây cũng là hệ quả của lối đào tạo chuộng bằng cấp, học vị mà thiếu chú trọng nghiên cứu chuyên môn thực chất, trong lĩnh vực kiến trúc.

- Nghiên cứu của ông về ngôi nhà Việt đề cập sự kế thừa tinh hoa kiến trúc truyền thống trong nhiều ngôi nhà Việt hiện đại, trong những thôn làng Việt giữ được nét truyền thống nhưng vẫn có thể phục vụ nhu cầu sống tiện nghi. Nhưng riêng trong kiến trúc đô thị hiện đại, liệu những tinh hoa ấy có còn phù hợp?

- Phù hợp chứ. Thông gió, thoáng khí, đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà là điều hoàn toàn có thể làm được với ngay các tòa chung cư. Người Singapore đã làm được và thiết kế như vậy đã xuất hiện ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). Hành lang rộng, có thiết kế các ô thông gió hợp lý để đưa cả nắng vào, làm thành chỗ phơi quần áo của cư dân, thay vì phơi ở ban-công khiến cho bề ngoài tòa nhà trở nên nhếch nhác, mất thẩm mỹ.

Kiến trúc nhà và làng Việt Nam, dù ở vùng miền nào cũng đều gần gũi với triết lý kiến trúc xanh đương đại. Chỉ cần chúng ta có nghiên cứu và chỉ dạy bài bản cho các thế hệ sinh viên kiên trúc về đặc trưng và triết lý kiến trúc của cha ông, củng cố tư duy nền tảng cho các em là từ đó họ sẽ biết cách phát huy ngay trong quá trình cập nhật kiến thức về kiến trúc hiện đại.

- Chiến tranh đã lùi xa và đất nước đã và đang trải qua gần bốn thập niên đổi mới, hội nhập thế giới. Trước tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như chúng ta đã chứng kiến trong vòng hơn một thập niên qua, kiến trúc Việt Nam lại đang đối diện vấn đề căn bản gì và có cách nào để giải quyết, thưa ông?

- Tình trạng phá vỡ quy hoạch xây dựng ban đầu là vấn đề lớn nhất, như căn bệnh lây lan, dẫn đến sự luẩn quẩn quy hoạch-phá vỡ-khắc phục. Phải thoát khỏi được tình trạng này, bắt đầu từ cách: Tiếng nói phản biện xã hội của giới kiến trúc phải mạnh mẽ hơn, chủ động hơn.

Tôi lấy một thí dụ điển hình của Hà Nội là Khu đô thị mới Linh Đàm, khởi công năm 1997: Quy hoạch ban đầu là khu đô thị kiểu mẫu với đầy đủ hạ tầng cơ sở cho một khu vực dân cư, có cảnh quan sinh thái mặt nước chiếm khoảng 50% tổng diện tích. Nhưng nay, nơi đây chỉ còn san sát các tòa nhà cao tầng giá rẻ, nhiều khu đất dành cho dịch vụ công cộng và không gian chung biến mất, dân số tăng gấp khoảng 10 lần so quy hoạch ban đầu trong khi hạ tầng cơ sở không đáp ứng nổi.

Kiến trúc Việt Nam phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn ảnh 1
Quần thể kiến trúc nhà thờ và nhà nguyện ở nông thôn Hà Nam do một nhóm kiến trúc sư trẻ thiết kế với cảm hứng từ vật liệu truyền thống Việt Nam, gạch, ngói nung và gỗ, hài hòa với cảnh quan chung quanh. Ảnh: LE STUDIO ARCHITECTS

Đầu tư chiều sâu cho thế hệ trẻ

- Lựa chọn học ngành kiến trúc từ khi còn trẻ nhưng sau đó, ông tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu kiến trúc nhiều hơn là thiết kế công trình. Vì sao vậy, thưa ông?

- Cuộc đời xô đẩy tôi (cười). Tôi thích vẽ và chọn học kiến trúc và luật tại Viện đại học Sài Gòn năm 1958 với nhiều ước vọng riêng của tuổi trẻ. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh đã làm thay đổi cuộc sống và nhận thức của rất nhiều người trong thế hệ chúng tôi. Cá nhân tôi lựa chọn ủng hộ hòa bình và độc lập đất nước. Là chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), tôi hoạt động tích cực trong các phong trào xuống đường của sinh viên thành phố, chịu tù tội rồi tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc một kẻ đối lập. Phải đến năm 1976, tôi mới tốt nghiệp đại học, có bằng kiến trúc sư.

Những đổi thay trong hoàn cảnh sống và công việc kể từ sau năm 1975 đem tới cho tôi cơ hội đi qua nhiều đất nước, học hỏi từ đồng nghiệp nước ngoài những tư duy mới, quan sát được tiến trình phát triển quy hoạch và kiến trúc ở nhiều đô thị lớn. Chính vì thế, tôi mong muốn có thể trao lại cho các bạn trẻ những điều tôi thấy và nghĩ về kiến trúc trên thế giới cũng như ở trong nước, mong họ có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho quê hương mình.

- Thử tưởng tượng, nếu ông là kiến trúc sư trẻ, hoặc giả là sinh viên kiến trúc Nguyễn Hữu Thái của năm 2024, ông sẽ xác định quan điểm làm nghề của mình như thế nào và mong ước điều gì từ ngoại cảnh, để góp phần tăng cường sức mạnh cho tiếng nói phản biện xã hội của giới kiến trúc sư, như ông chia sẻ lúc đầu?

- Vấn đề lạc hậu về xu hướng kiến trúc và tự phá vỡ bài bản quy hoạch của chính mình như đã, đang và sẽ còn xảy ra ở Việt Nam là tình trạng chung của nhiều nước đang phát triển. Khi nhìn ra vấn đề, nhiều địa phương ở nước ta đã mạnh dạn và quyết liệt giải quyết hệ lụy do lịch sử để lại. Vì thế, tôi không bi quan về tương lai kiến trúc Việt Nam.

Chỉ có điều, chúng ta có cơ may là ở trong thế giới của thông tin và công nghệ. Thế giới đã và đang làm gì với kiến trúc, quy hoạch đô thị, chúng ta đều có thể biết được ngay lập tức. Chính vì thế, theo tưởng tượng của bạn, tôi sẽ vẫn là một Nguyễn Hữu Thái giỏi tiếng Anh và Pháp, đọc được tiếng Trung như thật là tôi khi xưa (cười), để học từ bên ngoài thế giới được nhiều nhất. Tôi sẽ tìm hiểu, nghiên cứu thành công của những kiến trúc sư Việt Nam trong kết hợp tinh thần dân tộc và hiện đại, thế hệ nào cũng có những gương mặt nổi bật, kể từ thời Đông Dương, như là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, tiếp sau là Ngô Viết Thụ, Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào,... Tôi cũng sẽ “đòi” các thầy trong trường cho đi thăm ngôi làng Triêm Tây, tỉnh Quảng Nam mà nhờ đóng góp kiên trì của kiến trúc sư Việt kiều Pháp Bùi Kiến Quốc, đã có thể tiếp tục chung sống với biến đổi khí hậu và thiên nhiên khắc nghiệt... Rất nhiều thành công của người đi trước là bài học trực quan sinh động cho thế hệ trẻ; những giá trị tản mát ấy cần được hội tụ lại nơi giảng đường chuyên môn. Còn mong ước về ngoại cảnh ư? Không còn tình trạng tự phá vỡ quy hoạch nữa; các quy hoạch được bảo vệ, tôn trọng bởi hệ thống luật pháp nghiêm minh. Trong vòng bảo vệ ấy, kiến trúc sẽ phát huy được sức mạnh của tình thân ái với tự nhiên và tiến bộ về thẩm mỹ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (sinh năm 1940) có nhiều nghiên cứu kiến trúc đã được xuất bản thành sách: Hà Nội trong mắt một người Sài Gòn; Ngôi nhà Việt; Sài Gòn, có một thời như thế; Sài Gòn từ Hòn ngọc Viễn Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh; Thư gửi bạn trẻ-khơi dậy nguồn lực để vươn lên; Xu hướng mới đô thị-kiến trúc thế giới và Việt Nam thời hội nhập; Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam…