Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long:

Tìm về những điều đẹp đẽ trong nghệ thuật dân tộc

Những giai điệu, thanh âm, những khảo cứu về lịch sử, vùng đất và con người làm nên, lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc của xẩm, ca trù, hát xoan, quan họ, chèo, ngâm Kiều (lẩy Kiều)... có thể là chủ đề câu chuyện ngày qua ngày với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. Bên cạnh công việc sáng tác và biểu diễn tại nhóm Xẩm Hà Thành, anh còn là người khởi xướng và điều phối nhiều dự án khác, tập trung giới thiệu vẻ đẹp của nghệ thuật dân gian dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (thứ tư, từ trái sang) cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình Tinh hoa nhạc Việt. Ảnh: NVCC
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (thứ tư, từ trái sang) cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình Tinh hoa nhạc Việt. Ảnh: NVCC

Trân trọng tri thức quý giá từ nghệ thuật truyền thống

- Được biết, một trong những dự án mới nhất của anh là về ca trù: dựng lại 10 bài hát nói do Nguyễn Công Trứ soạn lời. Vì sao anh lại tập trung vào thể cách này và thi nhân đặc biệt này?

- Qua nhiều lần trò chuyện với Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thái Hà cũng như đọc tư liệu về thời kỳ đầu của thể cách hát nói, bản thân tôi cũng như ông Khuê đều rất muốn "làm gì đó" để nhiều người biết đến vai trò của Nguyễn Công Trứ trong việc định hình thể cách này của ca trù. Ông không chỉ sáng tác lời thơ mà còn có vai trò định hình cả phần âm nhạc của hát nói.

Ông Khuê và giáo phường Thái Hà đã sưu tầm được 65 bài hát nói của Nguyễn Công Trứ với đầy đủ văn bản, bên cạnh đó là hơn 30 văn bản hiện khuyết danh nhưng có nhiều yếu tố nội dung và nghệ thuật rất gần gũi với các bài của Nguyễn Công Trứ. Vẻ tài hoa, sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời và tinh thần buông bỏ ẩn trong từng ý thơ tự do, phóng khoáng song vẫn tuân thủ các quy tắc nhất định của thể cách, tự thân các bài hát nói của Nguyễn Công Trứ đã thể hiện rõ vai trò của ông trong thể cách này, mở ra trang mới cho nghệ thuật ca trù. Ngày nay, hát nói là thể cách phổ biến nhất đối với công chúng khi nhắc đến ca trù.

Trong số 10 bài do ông Khuê và tôi chọn dựng, có tới một nửa là bài hoàn toàn chưa từng được hát. Để thể hiện được những bài này, các nghệ nhân Giáo phường Thái Hà phải tập trong thời gian dài.

- Có lẽ, chi phí cho dự án không phải là ít. Anh có thể chia sẻ về việc sử dụng kết quả dự án này?

- Dự án may mắn nhận được tài trợ từ một quỹ sáng tạo của một tập đoàn kinh tế trong nước, đủ cho khoảng 50% chi phí, còn lại, chúng tôi tự đóng góp cả về tài chính, thời gian, trí lực.

Hiện nay, chúng tôi đã thu âm và ghi hình đồng bộ xong xuôi, hoàn toàn acoustic để nghe thật nhất. Mỗi bài hát nói được thể hiện trong một video riêng. Tôi cũng thực hiện thêm hai video ghi lại cuộc trò chuyện giữa ông Khuê và tôi, giới thiệu về Nguyễn Công Trứ và vai trò của ông đối với thể cách hát nói trong ca trù. Tất cả sẽ được phát trên kênh YouTube do tôi lập ra để quảng bá âm nhạc dân tộc. Tôi hy vọng, đây sẽ là những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa chuẩn mực, các giáo phường khác có thể tham khảo.

- Kênh YouTube của anh cũng có bật nút kiếm tiền đấy chứ?

- (cười) Có, nhưng ba tháng mới được đôi trăm nghìn đồng thôi. Tôi bật nút đơn giản là để thể hiện bản quyền sáng tạo của mình. Còn mục đích lớn nhất vẫn là để góp phần lan tỏa theo cách riêng của tôi những giá trị, những điều đẹp đẽ của nghệ thuật dân tộc tới đồng bào ở khắp nơi trên thế giới. Riêng trong dự án này, tôi có mục đích lớn nhất là nhìn nhận vai trò của Nguyễn Công Trứ trong nghệ thuật ca trù: Ông là người sáng tạo và định hình thể cách hát nói.

- "Theo cách riêng của anh" - ý nói này khiến tôi nhớ lại hồi năm 2009, nhóm Xẩm Hà Thành của anh ra đời, thành viên đều là những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ chuyên nghiệp, trong khi xẩm là nghệ thuật dân gian. Mục đích của các anh, chị khi đó là gì?

- Xẩm vốn chứa đựng yếu tố mưu sinh. Nhưng theo thời gian, yếu tố này không còn nữa. Chúng tôi trân trọng bộ môn này bởi giá trị nghệ thuật và giá trị tinh thần của nó nên mong muốn có thể giữ gìn và lan tỏa giá trị ấy. Vì thế, chúng tôi định hướng ngay từ đầu là làm thật chuẩn chỉ. Chúng tôi có cơ hội được nghe băng ghi âm trong các cuộc điền dã nghiên cứu của người đi trước, nghiền ngẫm và thể hiện lại lời cũ, làm đầy đặn dần lên vốn liếng của xẩm và tiến tới đặt lời mới cho xẩm. Mầu sắc chuyên nghiệp trong cách hát, cách thể hiện lại góp phần hấp dẫn người mới nghe. Dần dà, họ nghe quen nhịp, quen điệu rồi, nếu muốn hát thì có thể biến hóa, tạo dị bản như người xưa vẫn làm.

Khi chúng tôi được thầy Thao Giang hướng theo xẩm, năm 2004, xẩm đang đứng trước nguy cơ thất truyền; cụ Hà Thị Cầu, báu vật duy nhất của xẩm dân gian lúc ấy đã rất cao tuổi, sức khỏe của cụ đúng là biết nay mà khó biết mai... Thành quả của hành trình ấy, là bây giờ đã có câu lạc bộ hát xẩm ở hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, hình thành nên một cộng đồng rồi.

Yên tâm khi nhìn thấy sự tiếp nối thế hệ

- Anh cũng dành nhiều tâm sức cho nghệ thuật hát xoan với dự án ghi âm đầy đủ 13 quả cách-chặng hát chính của xoan với sự hợp tác của phường xoan Thét, một trong bốn phường xoan gốc ở tỉnh Phú Thọ. Những điều đặc biệt mà cá nhân anh tìm thấy từ dự án này là gì?

- Hát xoan có đặc điểm là người ta vừa hát, vừa múa. Tôi chọn ghi âm với mong muốn có thể tập trung giới thiệu giá trị âm nhạc của thể loại này. Trong ba chặng hát của xoan, hát quả cách đặc sắc nhất bởi hầu như không có yếu tố giao thoa vùng miền như chặng hát hội, cũng không chứa đựng yếu tố tương đồng một thể loại hát khác như chặng hát thờ. Ấy thế nhưng chặng hát này ở bốn phường xoan gốc đều có các dị bản, rất thú vị và tôi hy vọng có đủ kinh phí để thu âm chặng hát này tại đủ cả bốn phường xoan gốc và giới thiệu đến công chúng quan tâm.

Điểm đặc biệt thứ hai là tôi cảm nhận thấy sự tự hào của các nghệ nhân cao tuổi và người địa phương về nghệ thuật của họ, lại có sự tiếp nối thế hệ, những bạn trẻ mới tốt nghiệp trung học phổ thông, vẫn yêu, vẫn thấm và hát ra "mầu" của xoan lắm, hoàn toàn bản năng như dòng máu tự nhiên chảy trong người.

Điều này khiến tôi nhớ lại khi dự Liên hoan hát xẩm tỉnh Ninh Bình mở rộng năm 2023, tôi thật sự cảm động khi thấy có cháu gái mới sáu, bảy tuổi, tham gia cả năm ngoái và năm nay, hát hay. Lại có cả những sinh viên gen Z, thành viên câu lạc bộ hát xẩm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, là người miền nam chứ không phải có bố mẹ hay ông bà là người gốc bắc để có gì lưu luyến, thân gần với xẩm-loại hình nghệ thuật ra đời ở đồng bằng Bắc Bộ... Để thấy rằng, phải có gì đó ở xẩm mới cuốn hút các em, làm cho các em say mê đi theo. Tôi tin, đó chính là vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc mình.

- Có không ít người vẫn lo lắng về sự chuyên nghiệp hóa trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng/biểu diễn truyền thống ở một số địa phương sau khi loại hình nghệ thuật ấy được UNESCO ghi danh là di sản của nhân loại. Suy nghĩ của anh về sự tiếp biến của nghệ thuật dân gian và chúng ta, những con người của thời đại số, nên chấp nhận theo cách nào?

- Đặc thù của nghệ thuật dân gian là truyền miệng, sống trong cộng đồng, sống cùng cộng đồng nên sự tiếp biến, thay đổi là đương nhiên. Trăm năm trước, canh hát quan họ đâu như bây giờ, khác cả về không gian, không khí, số lượng người, tâm lý người tham dự... Vấn đề là ta có nhận ra được giá trị cốt lõi của nghệ thuật ấy, của âm nhạc ấy và giữ gìn.

- Chân thành cảm ơn anh!

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long là biên tập viên tại Nhà xuất bản Âm nhạc, giai đoạn 2003-2016. Anh hiện dành nhiều thời gian nghiên cứu, chọn lọc và giới thiệu âm nhạc dân tộc trên nền tảng trực tuyến. Trong đó, phải kể đến dự án đặc biệt: Ngâm Kiều toàn truyện, dài 10 giờ đồng hồ, chia thành 12 chương, với giọng ngâm đầy truyền cảm cùng tiếng đàn tranh, nguyệt, nhị và sáo của nhiều nghệ sĩ tên tuổi.