Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long:

Ước mơ tái hiện di sản Việt Nam

Thanh tăm nhỏ từ một số loài cây thuộc họ tre-trúc, tre-nứa được sử dụng làm chất liệu chính, kết hợp khung acrylic để tạo nên phiên bản thu nhỏ những công trình kiến trúc, mỹ thuật danh tiếng trong nước và trên thế giới. Ý tưởng và sản phẩm của kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long đã được giới thiệu ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Tranh thủ từng khoảng thời gian nghỉ ngơi trong khi hoàn thiện Bản đồ Việt Nam để trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh), anh trò chuyện cùng chúng tôi.
0:00 / 0:00
0:00
Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long
Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long

Giữ "lửa" truyền thống

- Quy trình tạo hình theo ý tưởng của anh có gì khác với những sản phẩm thủ công từ tăm tre, thưa anh?

- Tôi đặt tên cho loại hình này là boarc, viết tắt từ hai từ tiếng Anh để chỉ vật liệu: bamboo và acrylic. Đây là cái khác đầu tiên. Trong đó, những đoạn từ thân cây họ tre, có đường kính dưới 1mm, được vót tròn, đều, độ dài, ngắn khác nhau sẽ được xỏ vào các lỗ đục sẵn trên khung acrylic bằng công nghệ cắt laser, từ đó điều hướng và tạo hình cho tăm. Vì vậy, tác phẩm này có độ đồng đều tuyệt đối, khác hẳn nếu so cách làm hoàn toàn thủ công.

Sự khác biệt tiếp theo là kết hợp ánh sáng, rọi từ bên trong, tạo hiệu ứng rất đẹp nhờ khoảng cách đều giữa các cây tăm.

Trong khi cây tre đã là vật liệu truyền thống của đất nước ta suốt bao đời, acrylic hay công nghệ laser lại là chất liệu và công nghệ hiện đại. Trong nhiều năm qua, rất nhiều hội thảo của các làng nghề đã kêu gọi ứng dụng, tích hợp công nghệ cao để các sản phẩm thẩm mỹ hơn, có hiệu quả sử dụng cao hơn… Tôi nghĩ boarc là một thí dụ thú vị đáp lại lời kêu gọi ấy (cười).

- Ngoài ánh sáng, anh có dự định sẽ thêm vào các sản phẩm của mình điều gì để thu hút hơn không? Âm nhạc hay nghệ thuật sắp đặt chẳng hạn?

- Điều này hoàn toàn có thể. Tôi cũng đã thêm âm thanh vào một dự án tương đối đặc biệt trước đây, bản mô phỏng tòa nhà Quốc hội Mỹ, hiện đặt tại một trong những bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng của Ripley (Ripley’s Museum, Mỹ).

Còn việc kết hợp với các dạng thức nghệ thuật khác, tôi cũng sẽ thử trong tương lai gần.

- Không chỉ đặc biệt về vật liệu, anh cũng sở hữu những kỷ lục Việt Nam ấn tượng. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Tôi không nặng về mục tiêu làm ra kỷ lục. Trong nhiều năm qua, Bản đồ Việt Nam là dự án duy nhất mà tôi mong nó đạt được kỷ lục, nhưng không phải cho mình, mà là với hy vọng đem lại cơ hội quảng bá tác phẩm tốt hơn, từ đó có thể có kết quả đấu giá cao hơn và giúp đỡ cho nhiều trẻ em mồ côi hơn.

Mong muốn lớn nhất của tôi là tái hiện nhiều công trình di sản Việt Nam bằng loại hình nghệ thuật này. Tôi cũng đang thực hiện dần dần, từ Ngọ Môn ở cố đô Huế, chùa Một cột, Khuê Văn Các ở Thủ đô Hà Nội đến trống đồng Đông Sơn và sẽ còn các công trình khác nữa…

Ước mơ tái hiện di sản Việt Nam ảnh 1
Một phiên bản tái hiện Chùa Một cột bằng cây tăm giang. Ảnh: Trần Mạnh Hiệp

Hướng đến công chúng rộng rãi

- Anh có nhiều hơn một tác phẩm với boarc mời gọi cộng đồng tham gia thực hiện cùng. Trong trường hợp này, tính cộng đồng trong sáng tạo và cùng hoàn thiện một tác phẩm với boarc có ý nghĩa gì?

- Khi tham gia các tác phẩm cộng đồng, mọi người đều rất hứng thú, vui vẻ, hào hứng vì rất dễ dàng thao tác với boarc. Ai cũng có thể làm được, từ trẻ em mới ba, bốn tuổi hay người đã ngoài 80 tuổi.

Chẳng hạn với một tác phẩm gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều du khách nước ngoài rất hào hứng tham gia. Có những người dành nguyên một ngày để cùng thực hiện tác phẩm với chúng tôi. Tôi tin rằng, những tác phẩm mang tính cộng đồng, bên cạnh việc để lại kỷ niệm cho cá nhân người tham gia còn chứa đựng ý nghĩa xã hội chung lớn hơn, trở thành dấu ấn thời gian. Nếu có thể đạt kết quả đấu giá phục vụ mục đích thiện nguyện, ý nghĩa xã hội của nó sẽ càng lớn đồng thời ý nghĩa với mỗi cá nhân tham gia lại càng sâu sắc.

Tôi luôn tự hào boarc là loại hình có một không hai, khi nó có được khả năng kết nối mọi người một cách mạnh mẽ. Trong khi các loại hình khác đòi hỏi những người thực hiện phải có tay nghề tương đối, boarc và đặc biệt, các dự án cộng đồng với boarc lại không có giới hạn nào về người tham gia, từ tuổi tác, trình độ, địa vị xã hội tới quốc tịch.

- Đến nay, dự án nào khiến anh ưng ý hơn cả?

- Đó là Bản đồ Việt Nam. Đây là tác phẩm vừa mang tính thiện nguyện nhưng cũng chứa đựng các khía cạnh văn hóa, lịch sử và nhất là tinh thần cộng đồng. Đã có hơn 11.000 người tham gia, cũng như đã được chu du qua nhiều địa điểm ở cả ba miền đất nước. Đây cũng là tác phẩm mất thời gian nhất với một năm để thiết kế và gần tám tháng mang theo khắp nơi, nhưng ý nghĩa nhất đối với cá nhân tôi. Nó cũng cho thấy một thế mạnh khác của boarc, khi nhờ vào độ dài linh hoạt của những tăm tre mà cao độ của từng tỉnh, thành phố sẽ được điều chỉnh, từ đó tạo ra cảm giác trực quan nhất về dáng hình của đất nước.

- Được biết, anh mong muốn phổ biến các sản phẩm này nhiều hơn nữa, từ đó tạo kinh phí hỗ trợ cho các bệnh nhi và tạo ra công việc cho người khuyết tật. Có khó khăn nào trong quá trình hiện thực hóa mong muốn ấy không, thưa anh?

- Đến nay, vẫn chỉ có một mình tôi đảm trách mọi khâu công việc. Ban đầu, đó là sở thích, là đam mê của bản thân mình. Theo thời gian và những gì đã trải qua với boarc, tôi hy vọng loại hình này sẽ được thương mại hóa thành công, từ đó, có thể tạo cơ hội hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Ước mơ này, tôi theo đuổi từ năm 2016. Bên cạnh các tác phẩm quy mô lớn như Vũ trụ Mandala, Bản đồ Việt Nam, đều mang mục đích thiện nguyện nhưng không dễ bán theo cách thông thường mà cần qua đấu giá, boarc hoàn toàn phù hợp để làm những mẫu sản phẩm nhỏ, sẵn bán cho khách hàng cá nhân.

Sắp tới, tôi sẽ tổ chức nhiều hơn các buổi workshop để thêm nhiều người có dịp trải nghiệm một công đoạn nào đó cùng với boarc.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long sinh năm 1974, tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp bậc Thạc sĩ, ngành kiến trúc cảnh quan tại Đại học Kỹ thuật quốc gia Belarus (BNTU). Trở về nước, sau một thời gian thực hành công việc của kiến trúc sư tại một số công ty kiến trúc nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh bắt đầu với boarc từ năm 2012. Năm 2016, anh đạt Kỷ lục Việt Nam cho công trình Chùa Một cột bằng tăm giang lớn nhất Việt Nam. Năm 2022, anh xác lập Kỷ lục Việt Nam và kỷ lục châu Á với tác phẩm Vũ trụ Mandala bằng tăm giang và có nhiều người tham gia thực hiện nhất (379 người).