Nhà văn Lê Quang Trạng:

Khó nhất vẫn ở sự cảm nhận và dấn thân

Lê Quang Trạng là nhà văn trẻ gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt trong dòng sách văn học dành cho thiếu nhi. Cơ hội tham dự Diễn đàn Văn học châu Á, được tổ chức tại Hàn Quốc cuối năm 2023 vừa qua, đã tác động đến cảm hứng sáng tác cũng như suy nghĩ trong anh về vị trí của văn chương và người viết văn trong xã hội hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Khó nhất vẫn ở sự cảm nhận và dấn thân

Cần thoát khỏi vùng an toàn trong sáng tác

- Diễn đàn Văn học châu Á năm 2023, được tổ chức tại Hàn Quốc có lẽ là một trải nghiệm khó quên của anh. Anh có thể chia sẻ thêm một số dư vị ấn tượng về sự kiện này?

- Việc được tham gia Diễn đàn lần này có rất nhiều ý nghĩa đối với cá nhân tôi. Người viết trẻ như tôi có cơ hội mở rộng quan hệ, mở rộng góc nhìn và tư duy về văn học thế giới đương đại. Thông qua Diễn đàn, tôi cũng có thể học hỏi được kinh nghiệm quý báu của nhà văn các nước trong việc nâng cao chất lượng sáng tác.

Một ấn tượng mạnh với tôi là các nhà văn nước ngoài được bạn văn Hàn Quốc đón tiếp thịnh tình. Các sinh hoạt văn chương ở đây được coi trọng. Bên cạnh một số buổi giao lưu, hội thảo, chúng tôi được mời đến tham quan nhiều địa chỉ văn học mà ở đó, có những câu chuyện dẫn dắt đến nền văn học và văn hóa nói chung của các nước, trong đó có Việt Nam. Họ giới thiệu về sách văn học của Việt Nam được dịch ở Hàn Quốc, giới thiệu về quán phở mang thương hiệu Việt Nam hay ngôi nhà của nhà văn Kim Nam-il, Chủ tịch Hội Những nhà văn Hàn Quốc yêu Việt Nam.

- Anh vừa nhắc đến sách văn học Việt Nam được dịch ở Hàn Quốc, vậy anh có "gặp" các tác phẩm này ở bên ngoài những cuộc giao lưu ấy?

- Hiện nay, số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc còn khá khiêm tốn. Nhưng bạn đọc Hàn Quốc rất nồng nhiệt đón nhận văn học Việt Nam. Điều đáng nói là ở Hàn Quốc, sách của một số nhà văn được dịch và xuất bản không chỉ bày trong các thư viện, trường học, cửa hàng lớn mà còn được giới thiệu, bày bán phổ biến ở hầu khắp các tụ điểm công cộng, như ở ga tàu điện ngầm, trạm xe buýt… Thực tế này giúp tôi hiểu rằng, mình có thể tìm cách để dịch sách văn học Việt Nam ra tiếng Hàn Quốc và phát hành rộng rãi hơn nữa tại đây.

- Riêng về lĩnh vực sách văn học dành cho thiếu nhi, qua quan sát của anh nhân Diễn đàn này, anh thấy các nhà văn châu Á quan tâm đến văn học thiếu nhi như thế nào?

- Diễn đàn Văn học châu Á năm 2023 có chủ đề: "Văn học và đô thị châu Á- Điểm hẹn với các nhà văn triển vọng". Diễn đàn này không nói đến văn học thiếu nhi. Nhưng qua trò chuyện, tìm hiểu, tôi cảm thấy nhiều nhà văn ở Hàn Quốc rất tự hào khi có sáng tác dành cho thiếu nhi. Họ viết một cách mạnh dạn, hăm hở và vui sướng khi có vị trí của một nhà văn viết cho thiếu nhi trong xã hội.

- Tôi tin là việc tham gia Diễn đàn Văn học châu Á vừa qua gợi mở nhiều điều cho anh về công việc sáng tác sắp tới?

- Đúng vậy. Sau chuyến đi, tôi nhận ra: Bản thân cần thoát khỏi vùng an toàn để sáng tác một cách phóng khoáng hơn nữa. Tôi cũng cần dấn thân hơn nữa để cống hiến cho bạn đọc nói chung và bạn đọc nhỏ tuổi nói riêng những tác phẩm có chất lượng cao. Đây có thể gọi là bài học lớn từ Diễn đàn này đối với cá nhân tôi.

- Vậy còn chuyện dịch và phát hành sách của anh tại Hàn Quốc chẳng hạn, anh nghĩ thế nào?

- Tôi đã nghĩ đến việc phát hành tác phẩm mình đến bạn đọc các nước khác, không riêng gì Hàn Quốc (cười). Cứ gọi đó là "giấc mơ tôi" đi! Sách dịch luôn là cơ hội tốt để quảng bá, lan tỏa hình ảnh và vẻ đẹp về đất nước, con người Việt Nam cũng như văn chương Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, việc có bản dịch phát hành ở nước ngoài còn là cơ hội để các nhà văn chúng ta học hỏi từ các nền văn học khác.

Khó nhất vẫn ở sự cảm nhận và dấn thân ảnh 1
Lê Quang Trạng (thứ hai, từ trái sang) tham dự Diễn đàn Văn học châu Á. Ảnh: NVCC

Tri ân bằng tác phẩm chất lượng tốt

- Những năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã có sự quan tâm nhất định trong việc đầu tư, khích lệ sáng tác văn học cho thiếu nhi. Trong quan sát của anh, đội ngũ người sáng tác trẻ đã tận dụng cơ hội đó như thế nào?

- Thực tế, các cấp, ngành đã có sự quan tâm sâu sắc, khích lệ các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi thông qua nhiều cuộc vận động sáng tác, cuộc thi, hỗ trợ xuất bản, hỗ trợ truyền thông, tổ chức chương trình giao lưu, diễn đàn… Đây là động lực lớn cho các tác giả; chúng tôi có cơ hội thảo luận, học hỏi để nâng cao khả năng sáng tạo. Những sự quan tâm này cũng tác động tới nhận thức chung của xã hội về vai trò và vị trí của văn học thiếu nhi trong dòng chảy văn học đương đại nói riêng và đời sống văn hóa tinh thần nói chung. Trong cảm nhận chung của tôi, nhiều nhà văn trẻ đã tận dụng tốt cơ hội này, đầu tư có chiều sâu hơn cho sáng tác của mình.

- Vậy còn trong suy tư riêng của anh? Tập truyện thiếu nhi "Cá linh đi học" của anh vừa đạt giải thưởng Văn học dành cho thiếu nhi năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây cũng là một trong 10 cuốn sách được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là sách nổi bật trong năm 2023. Tôi tò mò muốn hỏi: Những ghi nhận này có khiến anh, một lúc nào đó, đọc lại truyện của mình và nhận ra đây đó vẫn cần chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí là viết khác đi nếu tái bản?

- Tôi không muốn làm mất đi cái "vị" nguyên bản của tác phẩm. Vì thế, dù "Cá linh đi học" còn chút ngô nghê, chưa trọn vẹn, tôi vẫn giữ nguyên. Có chăng, tôi sẽ phát triển một chi tiết nào đó thành một tác phẩm mới hoàn chỉnh hơn.

Tôi nghĩ, những trang viết chất lượng tốt mình sáng tác còn ở phía trước. Vấn đề khó nhất với người viết như tôi vẫn ở sự cảm nhận và dấn thân. Nhưng chỉ có những trang viết, tác phẩm chất lượng tốt, được bạn đọc đón nhận mới là lời tri ân ý nghĩa nhất của tôi dành cho mọi sự vinh danh của xã hội trao cho tôi thời gian qua.

- Từ góc nhìn của cá nhân anh, chúng ta cần thêm những biện pháp gì để giúp văn học dành cho thiếu nhi ở Việt Nam được phổ biến rộng rãi hơn nữa, có thêm nhiều tác giả, nhất là người trẻ, tâm huyết với dòng sáng tác này hơn nữa?

- Tôi nghĩ, sự nở rộ các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi ngắn hạn, dài hạn gần đây làm những người viết trẻ như rất phấn khởi vui mừng và tin tưởng rằng những cuộc "đãi cát" này ắt sẽ "tìm được vàng". Bên cạnh đó, việc tạo một thói quen đọc sách hay nói rộng hơn là hình thành và phát triển văn hóa đọc cho các em thiếu nhi cũng không kém phần quan trọng. Tôi nghĩ, nếu cả hai quá trình trên phát triển bổ trợ, đồng bộ và song hành thì ắt hẳn, văn học thiếu nhi nước nhà sẽ tiến nhanh và xa hơn nữa.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhà văn Lê Quang Trạng sinh năm 1996 tại tỉnh An Giang. Anh là

hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều sáng tác của anh đạt các giải thưởng văn học uy tín ở trong nước, như Giải Tư - Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2015-2017, giải Tư - Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2018-2019, giải A - Giải thưởng Văn học-nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI, năm 2021, Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023...