PGS, TS Đỗ Văn Trụ:

Di sản văn hóa đang cần những tình yêu đích thực

Đó là cách nói hình ảnh và giàu hàm ý của PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trong cuộc trò chuyện dài với chúng tôi. Ông chia sẻ nhiều suy ngẫm chung quanh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, những bài học cho hôm nay và giải pháp trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trao truyền tinh hoa nghệ thuật hát Xoan tới thế hệ sau, tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Văn Mười
Trao truyền tinh hoa nghệ thuật hát Xoan tới thế hệ sau, tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Văn Mười

Lĩnh vực có nhiều văn bản, quy định nhất

- Năm nay là năm thứ 20 kể từ khi thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Có lẽ, có rất nhiều điều để nói khi nhìn lại quãng thời gian đầy ý nghĩa vừa qua của hoạt động Hội, nhất là với một người trực tiếp đứng ra vận động thành lập Hội như ông. Ông có thể cho biết một cách khái quát những việc đã làm được của Hội?

- Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập ngày 23/4/2004, tại Quyết định số 38/2004/QĐ-BNV của Bộ trưởng Nội vụ. Ngay sau khi thành lập, Hội chúng tôi tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trình Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 23/11 là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Từ năm 2005, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam chính thức được tổ chức hằng năm.

Đến nay, Hội có khoảng 20.000 hội viên; họ là các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, đông đảo hơn cả là những người thực hành văn hóa, người yêu, quan tâm và có đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản quý báu của dân tộc. Hội đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan khác tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trong đó, chú trọng hoạt động phản biện xã hội về di sản văn hóa; thành lập các chi hội, trung tâm, đơn vị trực thuộc; trực tiếp cử, giới thiệu các chuyên gia, thành viên của Hội tham gia nhiều sự kiện cấp quốc gia của ngành văn hóa, đóng góp tham luận, ý kiến chất lượng vào quá trình xây dựng luật, chính sách liên quan.

Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, quan điểm xuyên suốt của Hội là luôn đặt mình trong tâm thế đồng hành, là "cầu nối" giữa cộng đồng và chính quyền; xây dựng và tạo lòng tin với cộng đồng, hướng tới cộng cồng, lấy cộng đồng là trung tâm.

- Hội đã tích cực đóng góp ý kiến trong quá trình soạn dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ông có thể chia sẻ thêm một số điểm mới nổi bật của dự luật này?

- Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều. Trong đó, nhiều quy định mới được bổ sung, như quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO; bổ sung quy định liên quan đến loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng; quy định cụ thể về loại hình Ngữ văn dân gian và Nghệ thuật trình diễn dân gian; chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng; quy định thực hiện chế độ báo cáo kiểm kê hằng năm; công bố Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể; Chương trình hành động quốc gia, các báo cáo quốc gia, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Quy định khu vực đô thị mang những giá trị tiêu biểu, đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đối với dân cư địa phương, quốc gia, hoặc cộng đồng quốc tế...

Đặc biệt, lần đầu, di sản tư liệu được đề cập trong dự thảo Luật Di sản văn hóa với một chương riêng, trong đó nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm là, riêng trong ngành văn hóa, có lẽ không một lĩnh vực nào mà có nhiều văn bản, luật quy định như lĩnh vực di sản văn hóa. Việc từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý đã có tác động đẩy mạnh sự nghiệp, phát huy giá trị di sản của chúng ta.

Tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng

- Soi chiếu từ sự vận động của thực tiễn, cùng với những hoạt động của Hội, theo ông, vấn đề khai thác nguồn lực di sản văn hóa hiện nay đang gặp phải bất cập gì?

- Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn liên quan nhiều yếu tố khác, như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động... tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng ứng dụng hiệu quả vốn di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận. Thí dụ: một số khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được thiết kế, xây dựng theo hướng khai thác, lấy cảm hứng từ kiến trúc, hoa văn trang trí của di sản, đặc trưng văn hóa ở địa phương, hoặc khai thác nội dung hoạt động, thực hành di sản để đưa vào làm thành tố trong tổ chức các dịch vụ văn hóa, thu hút rất đông khách du lịch. Không ít các bảo tàng/sưu tập tư nhân, các chương trình nghệ thuật lớn có sử dụng, trưng bày và trình diễn nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nước ta vẫn còn không ít hạn chế. Di sản văn hóa chưa được quan tâm và phát triển tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi vẫn chưa bảo đảm mọi quy định của pháp luật, dẫn đến làm biến dạng di tích. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa còn mỏng; nhiệm vụ kiểm kê di tích, quy hoạch khảo cổ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới sai phạm. Còn nhiều di tích đang xuống cấp, phần lớn các di tích chưa được quan tâm lập quy hoạch. Các bảo tàng còn nhiều hạn chế trong phát huy hiệu quả giá trị bộ sưu tập của mình…

Đặc biệt, nói đến di sản văn hóa là nói đến truyền thống tốt đẹp, các giá trị đạo đức, lối sống, nếp sống lâu đời của xã hội, cộng đồng được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Ai cũng hiểu rằng, bảo tồn di sản văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế-xã hội, nhưng điều đáng báo động là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp, những truyền thống tốt đẹp của cha ông được đúc kết qua nghìn đời đang dần bị mai một.

Một khía cạnh quan trọng nữa là công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp quản lý của chúng ta chưa được thực hiện "đến nơi đến chốn". Thực tế, nhiều trường hợp di sản vật thể bị phá hoại, xuống cấp, mất cắp… đều do người dân, cơ quan báo chí phát hiện ra và việc xử lý của cơ quan chức năng lại dằng dai, chưa thỏa đáng.

- Đến đây, điều mà bạn đọc mong được ông đưa ra ý kiến là, giải pháp cho những vấn đề trên?

- Trước tiên, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa một cách sớm nhất có thể. Bên cạnh đó là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, nêu cao vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Di sản văn hóa đang cần những tình yêu đích thực ảnh 1
PGS, TS Đỗ Văn Trụ là Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia từ năm 2004 đến nay. Kể từ năm 2004, khi Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chính thức được thành lập, cho đến năm 2020, ông giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam kiêm Tổng Biên tập tạp chí Thế giới Di sản-cơ quan ngôn luận của Hội.