Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuyến:

Không tự "đóng khung" mình trong một lối diễn

Một trong những nghệ sĩ lão thành vừa được đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú là Kim Xuyến. Đây là một sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của bà cho nền kịch nghệ qua nhiều năm tháng gian khó trong chiến tranh và trước thời kỳ Đổi mới của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuyến
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Xuyến

Nhiều khán giả hôm nay yêu mến bà qua các vai diễn trong nhiều bộ phim truyền hình nhưng có lẽ, ít người biết rằng, bà thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên lừng danh của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Nghề diễn đã cho tôi tất cả

- Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đến với bà ở tuổi đã gần 80. Cảm xúc trong bà khi đón nhận danh hiệu ấy?

- Sau 60 năm gắn bó với nghề diễn, được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, tôi hạnh phúc lắm! Khi đón nhận tin vui này, mấy đêm liền, tôi nằm nhớ lại quãng thời gian làm nghề của mình mà bồi hồi xúc động. Nghề diễn đã cho tôi tất cả, được khán giả nhớ tới, có tổ ấm, có các con, đủ nếp tẻ và còn được đón nhận vinh dự lớn lao.

Trước đây, tôi chỉ xác định chuyên tâm làm nghề, không học đạo diễn hay biên kịch, vì tôi tự biết lựa sức mình. 60 năm làm nghề của tôi là quá trình liên tục, không bị ngắt quãng bởi việc học hay các công việc khác. Tôi đã có quãng thời gian biểu diễn phục vụ bộ đội tại chiến trường nhiều cam go, trải qua thời bao cấp thiếu thốn đủ bề nhưng nhờ sự kiên định với nghề, tôi chưa khi nào mảy may có ý nghĩ bỏ cuộc. Đến nay là thời Đổi mới, mang lại nhiều cơ hội phát triển tài năng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Nghề diễn của tôi đã đi qua đủ những thăng trầm cùng sự phát triển của đất nước. Do vậy, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đến với tôi không chỉ mang tới niềm hạnh phúc mà còn có cả nỗi nghẹn ngào.

- Bà đang nhớ lại quãng thời thanh xuân gắn bó với kịch nghệ?

- Năm 1962, mới 17 tuổi, tôi thi tuyển và đỗ vào đội kịch thuộc Đoàn Văn công nhân dân Thủ đô, tiền thân của Đoàn Kịch nói Hà Nội và nay là Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong 5 năm đầu làm nghề, tôi chỉ được thử sức ở những vai phụ, vai quần chúng trên sân khấu. Đến khi tôi tập vai cô du kích trong vở Hà Nội đầu năm 46 (tác giả kịch bản: Bùi Nguyên Cát, đạo diễn: Trần Hoạt), nhờ khả năng thuộc lời thoại, tôi mới bắt đầu được đạo diễn để ý tới. Trong vở Thử lửa (năm 1969), tôi được giao đóng vai cô thanh niên xung phong tên Thục. Lúc đó, tôi đang mang bầu bốn tháng nhưng đã giấu đạo diễn để được nhận vai. Rồi chỉ 20 ngày sau khi sinh con, tôi đã tiếp tục lên sàn diễn. Đoàn lúc đó ít diễn viên lắm. Riêng về diễn viên nữ, có Đức Lưu, Thanh Tú, Kim Xuyến, Lê Mai và vài người nữa. Năm 1976, tôi được giao vai chính trong vở Hoa và cỏ dại do cố Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn.

Thế hệ diễn viên như chúng tôi lúc bấy giờ không chỉ biểu diễn cho khán giả Hà Nội mà còn trực tiếp vào chiến trường biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Đó là khoảng thời gian làm nghề nhiều ý nghĩa và đầy thử thách. Nếu ai đó không chịu đựng được gian khổ, rất dễ bỏ nghề.

- Thưa bà, có thông tin là bà được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý nhưng do thiếu số lượng huy chương tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu cấp quốc gia nên danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú được trao tới bà có phần muộn?

- Thời chiến, không có hội diễn để đi thi (cười). Đến thời bình và sau này là Đổi mới, tôi dù có tham gia nhưng thật khó giành được huy chương biểu diễn vì đoàn có nhiều diễn viên trẻ, tài năng, trong khi tôi đã bắt đầu đứng tuổi. Thời gian cứ trôi đi, mải mê đóng phim truyền hình cũng không màng tới danh hiệu và càng không bận tâm tới huy chương biểu diễn.

Không tự "đóng khung" mình trong một lối diễn ảnh 1

Nghệ sĩ Kim Xuyến (bên trái) và Thanh Tú trong vở Những người Nga (đạo diễn: Dương Ngọc Đức, năm 1977). Ảnh: NVCC

Vai phụ có vị thế không kém vai chính

- Dù đảm nhận các vai phụ nhưng Kim Xuyến vẫn được khán giả nhắc nhớ. Bà có bí quyết gì?

- Năm 1995, tôi tham gia bộ phim truyền hình đầu tiên và sau đó là nhiều bộ phim truyền hình, điện ảnh khác, cho đến tận bây giờ. Cũng giống như sân khấu, tôi chỉ đảm nhận vai phụ vì tôi muốn đi về trong ngày để chăm sóc chồng và sau nữa là cháu nhỏ. Nếu đảm nhận vai chính thì thù lao cao hơn nhưng thời gian đi cùng đoàn làm phim kéo dài cả tháng, tôi không thể thu xếp được việc nhà.

Nhìn lại, tôi vẫn thấy mình may mắn vì dù chỉ đảm nhận vai phụ nhưng đến giờ, gần 80 tuổi rồi, vẫn chưa bị ế (cười), vẫn được các đạo diễn mời và được khán giả nhớ tới. Tôi không có bí quyết gì nhiều ngoài kinh nghiệm diễn xuất được rèn luyện trong suốt 40 năm diễn trên sân khấu và quan sát các hoạt động của đời sống để làm cho vai diễn "đời" hơn.

- Cũng gần 30 năm chuyên đóng vai phụ trên màn ảnh lớn nhỏ, chưa kể với sân khấu, bà có khi nào so sánh vị thế giữa vai chính-vai phụ trong một vở diễn, một bộ phim? Liệu rằng, vai phụ có dễ đóng không, thưa bà?

- Qua nhiều vai diễn đã đảm nhận, tôi thấy vai phụ có vị trí không hề thua kém vai chính. Vai chính có nhiều lớp sẽ đỡ cho diễn viên, không lớp này thì lớp sau còn có cơ hội thể hiện tiếp. Nhưng vai phụ chỉ có một lớp, không còn cơ hội làm lại nên khi đóng phải rất tập trung. Hơn thế, vai phụ có rất ít đất diễn cho diễn viên. Chỉ với vài câu thoại, vài động tác mà diễn viên vẫn tạo ra được "chất" của nhân vật mới là tài.

Nhiều diễn viên đóng vai phụ lại được khán giả nhớ tới nhiều hơn là diễn viên chính. Kỳ thực mà nói, vai phụ rất khó. Tôi vẫn nhớ có lần đạo diễn Bình Trọng, chắc là "cực chẳng đã" mới phải viện tôi tới giúp cho một vai mà chỉ thoại đúng hai câu, nhưng thật khó "xong vai" đối với những người mà anh ấy đã mời. Vai quần chúng tưởng đơn giản nhưng thật ra khi diễn, lại phải rất chi tiết. Chi tiết làm nên vai diễn phụ hay.

- Sau danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, còn điều gì trong nghề nghiệp mà bà cảm thấy tha thiết muốn thực hiện hơn cả?

- Các vai phụ như bà già nông thôn, bà mẹ… của tôi rất dễ bị "trơ" nếu không có nhiều chi tiết và sự sáng tạo. Vì thế, sau khi đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, tôi thấy trách nhiệm của mình với nghề càng được đặt cao hơn, phải tìm cách làm mới để vai diễn gần gũi hơn với đời sống và khán giả không cảm thấy Kim Xuyến đang tự đóng khung mình trong một lối diễn.

Bây giờ sức khỏe đi xuống nhưng tôi vẫn túc tắc làm nghề nên phải chọn lọc vai diễn hơn trước; vai nào phù hợp với sức khỏe, tôi mới dám nhận lời. Nghề diễn vốn đã cực nhọc; việc đóng vai phụ cũng vất vả không kém, nhất là vào những hôm thời tiết khắc nghiệt mà vẫn phải đi ra khỏi nhà từ tám giờ sáng tới hai giờ đêm chỉ để hoàn thành một phân đoạn. Khán giả không hiếm lần nhìn thấy tôi trên truyền hình với một chiếc khăn dấp nước đắp trên đầu và đội thêm cái nón, vì hôm đó trời nắng nóng quá. Nhưng được cái, tôi đã nhận lời vào vai là có trách nhiệm với vai diễn của mình và luôn dành cho các em trẻ trong đoàn sự động viên, khích lệ.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện cởi mở!