Đạo diễn, Nhà sản xuất Nguyễn Quốc Hoàng Anh:

Mong muốn tạo nên một dòng chảy các sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc lập

Lần đầu tiên, Lên Ngàn - một tổ chức tư nhân về sáng tạo sản phẩm văn hóa nghệ thuật, cùng biên đạo múa Tú Hoàng kết hợp Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện chương trình phát triển khán giả. Vở múa “Đối diện với vô cùng”, nơi âm nhạc và vũ đạo kết hợp nhiều nét tinh hoa trong nghệ thuật tuồng với đa dạng ngôn ngữ chuyển động và âm nhạc đương đại, ra mắt trong tháng 8/2024 là kết quả ban đầu khá ấn tượng của sự hợp tác này.
Mong muốn tạo nên một dòng chảy các sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc lập

Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với Giám đốc nghệ thuật của Lên Ngàn, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh - ảnh trên (sinh năm 1990), về những điều mà người trẻ hôm nay mong muốn có thể làm được từ việc khai thác vốn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Như một món quà gửi đến tương lai

- Một tác phẩm không phải “tuồng” được trình diễn chính thức trên sân khấu của Nhà hát Tuồng Việt Nam, sự hợp tác này diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào, thưa anh?

- Từ năm 2019, Lên Ngàn tập trung vào hoạt động của nghệ sĩ trẻ và tìm hiểu thêm về hoàn cảnh lao động nghệ thuật của họ với tâm thế thúc đẩy sự phát triển của các chất liệu nghệ thuật bản địa, đồng thời mở ra cuộc đối thoại cùng các nghệ sĩ quốc tế để có thể tạo nên những tác phẩm mới trong tương quan của không gian nghệ thuật toàn cầu. Năm 2023, tôi có dịp kết nối với biên đạo múa Tú Hoàng, nghệ sĩ múa đã thành danh tại châu Âu với nhiều giải thưởng nổi bật trong lĩnh vực múa đương đại. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau mối quan tâm dành cho sân khấu truyền thống, đặc biệt là với vũ đạo và âm nhạc của tuồng. Cùng với sự đồng hành của Nhà hát Tuồng Việt Nam từ các dự án trước, chúng tôi bắt đầu tạo nên những điểm chạm đầu tiên của “Đối diện với vô cùng”.

Một điều tuyệt vời trong sự kết nối này là nhóm nghệ sĩ Hà Lan và Việt Nam đã nhận được sự chào đón đầy yêu thương và cởi mở của các cô bác, anh chị nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng các nghệ nhân từ làng Phú Mẫn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tinh thần ấy đã làm mờ đi ranh giới đông-tây, địa phương-toàn cầu, đương đại-truyền thống, quá khứ-hiện tại. Sự giản dị và chân thành từ những nghệ nhân, nghệ sĩ gắn bó với truyền thống cùng tình yêu sâu sắc của họ dành cho nghệ thuật tuồng tạo nên vẻ đẹp vượt ra ngoài khái niệm “nghệ thuật”. Chúng tôi học được từ họ nhiều điều bởi chính những đời sống mộc mạc ấy.

- Anh có thể chia sẻ thêm về cách thức sử dụng hoặc tựa vào vũ đạo và âm nhạc tuồng trong “Đối diện với vô cùng” để thể hiện được tinh thần “xóa nhòa ranh giới” như anh vừa nhắc đến?

- Trong lĩnh vực nghệ thuật nào cũng có yếu tố trao truyền và kết nối giữa các thế hệ; mọi sự sáng tạo đều được phát triển, gợi mở từ cái đã có, từ quá khứ, nên chúng tôi chỉ tiếp tục công việc của các thế hệ nghệ sĩ đi trước.

Vì chọn phát triển từ truyền thống nên chúng tôi buộc phải có nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những đặc trưng của vũ đạo tuồng, thể hiện qua các nhân vật điển hình, để từ đó đi sâu đến từng chi tiết động tác, trả lời các câu hỏi tại sao, như thế nào và cân nhắc kết hợp với các chuyển động trong ngôn ngữ nghệ thuật khác như múa đương đại, dân gian, breakdance... Biên đạo múa Tú Hoàng đã phát triển những chất liệu mới này, sử dụng nhiều yếu tố mang tính kịch hay “sự ẩn dụ tinh tế” và kết dính với nhau, vượt xa khỏi lối tiếp cận truyền thống trước đây.

Tương tự, phần âm nhạc của vở diễn là sự kết hợp những bản nhạc gốc của âm nhạc truyền thống Việt với các sáng tác mới lấy cảm hứng từ âm nhạc của nghệ thuật tuồng; các yếu tố của âm nhạc tôn giáo, âm nhạc đương đại thể nghiệm và đặc biệt là chất liệu từ văn hóa đại chúng: Vinahouse (dòng nhạc điện tử được phối theo kiểu Việt Nam, phối với các ca khúc Việt Nam thịnh hành, kể cả các bài dân ca, xuất hiện từ những năm 90, thế kỷ trước-PV).

- Kết quả của vở diễn được đón nhận ra sao từ phía Nhà hát Tuồng Việt Nam và khán giả, thưa anh?

- Các cô bác, anh chị nói với chúng tôi là họ mừng lắm, thấy được vẻ đẹp của vũ đạo và âm nhạc tuồng trong một vẻ đẹp khác của nghệ thuật đương đại; giống như một món quà mà thế hệ hiện tại gửi đến tương lai; truyền thống được phản chiếu qua tấm gương đương đại trở nên đa diện...

Một vài thống kê của chúng tôi về khán giả của ba đêm diễn, tôi tin là sẽ khiến chị ngạc nhiên: ba đêm diễn với gần 1.200 khán giả, 60% số khán giả thuộc Gen Z, 75% số khán giả từ 40 tuổi trở xuống; 65% tổng số khán giả là nữ;

25% tổng số khán giả là người nước ngoài và đến 90% trong số khán giả nước ngoài là mua vé tại quầy.

Mong muốn tạo nên một dòng chảy các sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc lập ảnh 1

Một cảnh trong “Đối diện với vô cùng”. Ảnh: NVCC

Vẻ đẹp thuần khiết của sáng tạo

- Những con số thống kê trên nói gì với đội ngũ sản xuất về hiệu quả của vở diễn?

- Số liệu thống kê khẳng định rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Có lẽ đây là một trong những dự án hiếm hoi mà chủ đầu tư chính lại là nghệ sĩ, tác giả - biên đạo Tú Hoàng, cùng ekip và các đối tác của Lên Ngàn. “Đối diện với vô cùng” có thể là một thí dụ về khởi đầu tiềm năng của mô hình quản trị hệ thống tiêu chuẩn cho công nghiệp văn hóa, trong đó có sự kết nối những nguồn lực sáng tạo từ các nghệ sĩ quốc tế, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Chúng tôi mong muốn xây dựng chiến lược tạo nên một dòng chảy các sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc lập của Việt Nam, đem tới khán giả trong nước và quốc tế hình ảnh một Việt Nam trong phương Đông ở thì hiện tại: bí ẩn, sang trọng, vừa giản dị lại vừa sâu sắc. Nhưng chính vì thế, các tiêu chuẩn về chất lượng nghệ thuật, quy cách xây dựng một tác phẩm/vở diễn phải được bảo đảm, thể hiện truyền thống nghệ thuật Việt Nam được phát triển cùng với sự trân trọng đúng mức giá trị của nền nghệ thuật ấy.

Bên cạnh đó, sự quan tâm và phản hồi tích cực của khán giả trong nước là cơ sở để chúng tôi tiếp tục cùng các đối tác đưa vở diễn đến với đông đảo khán giả hơn nữa, nhất là cộng đồng khán giả trẻ.

- Có thể hiểu là các anh cũng đã xây dựng kế hoạch cho vòng đời của vở diễn này?

- Kế hoạch khai thác vở này của chúng tôi là tối đa 5 năm, kể từ năm 2025. Hiện tại chúng tôi thúc đẩy các bước tiếp theo để đưa vở diễn sang thị trường châu Âu và Mỹ với hình thức bán vé thương mại. Chúng tôi rất vinh dự và hạnh phúc vì lần đầu được hợp tác sản xuất và đồng hành một cách chính danh với Nhà hát Tuồng Việt Nam và mong muốn có thể tiếp tục giới thiệu về sự hợp tác này ra với thế giới.

- Vừa rồi, anh nhắc đến chiến lược tạo nên một dòng chảy sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc lập của Việt Nam, tức là sau “Đối diện vô cùng” sẽ còn các tác phẩm khác, phải không?

- Hiện tại, chúng tôi đang triển khai hai dự án mới được phát triển từ chất liệu nghệ thuật dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Từ quá trình làm việc với các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, các nghệ nhân ở làng tuồng Phú Mẫn, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp thuần khiết của từng cá nhân họ dành cho nghệ thuật truyền thống. Nhờ đó, chúng tôi càng thấm thía rằng, chỉ làm điều khiến cho bản thân mình hạnh phúc mới có thể có được vẻ đẹp thuần khiết ấy trong sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là điều mà chúng tôi lựa chọn với các dự án của Lên Ngàn. Nhưng thay vì tự giới hạn bằng cách định nghĩa nghệ sĩ dựa trên loại hình nghệ thuật, chúng tôi chú trọng đến thực hành, tinh thần thể nghiệm trong nghệ thuật, ở đó, có sự phát triển từ các yếu tố nghệ thuật truyền thống, góp phần để di sản có đời sống thú vị và bền vững hơn trong dòng chảy đương đại.

- Chân thành cảm ơn anh!