Tự thắp ngọn lửa đam mê
- Được biết, anh đã có hơn một lần mang dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến với bạn bè quốc tế. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc một số kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc từ những chuyến đi ấy?
- Với người làm nghệ thuật như chúng tôi, được biểu diễn đã là một hạnh phúc lớn, và sẽ vô cùng hạnh phúc khi được “mang chuông đi đánh xứ người”.
Chuyến đi đầu tiên của tôi là tham dự Liên hoan Âm nhạc truyền thống quốc tế lần thứ 11 Những giai điệu phương Đông (The 11th Traditional International Music Festival “Shark Taronalari”) tại Uzbekistan, năm 2017. Khi đó, tôi chỉ vừa mới ra trường, vì thế, tự bản thân không tránh khỏi áp lực. Ngoài nhiệm vụ hát dân ca, tôi còn phải tập để có thể hòa tấu cồng chiêng, gõ trống hát văn cùng các nghệ sĩ trong đoàn, cả thảy chỉ sáu người. Festival ấy thực chất là một cuộc thi chứ không chỉ thuần túy là cuộc trình diễn của các đoàn nghệ thuật nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, phải nói đoàn Việt Nam đã làm rất tốt, sáu thành viên tham dự đều được nhận bằng xuất sắc và một bằng xuất sắc cho cả đoàn.
Sau thời gian diễn ra Liên hoan, chúng tôi có ba buổi biểu diễn giao lưu với người dân Uzbekistan. Ở một đất nước xa xôi, lại vang lên những làn điệu dân ca xứ sở của mình, được người dân sở tại đón nhận nhiệt tình; họ nhảy, múa phụ họa, tạo thêm sự sôi động, gần gũi... Một cảm giác tuyệt vời dâng lên trong tôi. Tôi càng yêu dân ca, càng thấy cái hay của âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Sau đó, năm 2019, tại liên hoan âm nhạc, lễ hội thời trang và văn hóa diễn ra ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tôi có cơ hội biên tập phần nhạc nền cho cuộc trình diễn áo dài Việt Nam. Tôi đã hát điệu Tứ hoa ngọt ngào trong kho tàng dân ca ví, giặm, hòa với vẻ tha thướt của những tà áo dài quê hương mình... Tôi biết, nhiều người thưởng lãm đã xúc động rơi nước mắt. Hay buổi biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ Ngày Việt Nam tại Pháp năm 2023 cũng để lại rất nhiều dư âm thú vị. Hôm ấy, tôi nhập tâm hát ca khúc “Ví giặm tình quê” và sau buổi biểu diễn, rất nhiều cô chú, anh chị khán giả người Việt đến bắt tay, ôm tôi thật chặt.
- Có cảm tưởng anh đã và đang dành rất nhiều tình cảm đặc biệt cho dân ca ví, giặm?
- Từ nhỏ, những câu ví, lời ru của bà, của mẹ đã ăn sâu trong tôi. Học cấp hai, tôi tham gia Đội nghệ thuật Chim Xanh của Nhà văn hóa thiếu nhi Việt-Đức (tỉnh Nghệ An). Những năm đó, có khá nhiều bạn cùng biểu diễn ví, giặm với tôi, nhưng sau, hầu hết đều theo những ngả đường khác. Bản thân tôi, có lúc, cũng nghĩ, mình nên theo một lối đi khác, biết đâu, sẽ nhanh được nổi tiếng... Nhưng chỉ nghĩ đến đó, tôi đã tự chững lại. Tôi vẫn cho rằng, mình phải trung thành với ví, giặm, nên tự đặt lên vai trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa này của quê hương. Mà có lúc, tôi cũng tự an ủi, mình cứ quyết tâm đi con đường khó, ít người theo, biết đâu có ngày được ghi nhận xứng đáng.
Không cho phép bản thân nhàn rỗi
- Bên cạnh việc hát, anh còn sáng tác ca khúc, viết lời mới cho ví, giặm. Trong bối cảnh hiện nay, việc viết lời mới cho dân ca có những khó khăn gì đối với anh?
- Tôi nhận ra hầu hết các làn điệu ví, giặm được viết đã khá lâu rồi; nếu không có sự thay đổi thì bản thân các tiết mục dân ca sẽ rất cũ. Nghĩ là làm, tôi mày mò tìm cách sáng tạo lời cho nhiều làn điệu để phù hợp tâm tư, suy nghĩ của giới trẻ bây giờ.
Tôi thấy rằng, viết lời khó hơn hát rất nhiều. Thực tế, không phải cứ thích viết thế nào cũng được, mà phải tuân thủ cấu trúc chặt chẽ với hệ thống làn điệu. Người viết lời phải biết cách gieo vần như thơ, ép từ cho phù hợp thanh âm của làn điệu. Thật may mắn, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được về công tác ở Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, được làm việc cùng nhiều nhạc sĩ, soạn giả có tên tuổi, được trau dồi kiến thức viết lời.
“Khúc ca tình bạn” của tôi ra đời là kết quả của những nỗ lực đó và được biểu diễn, được đón nhận nồng nhiệt, tạo động lực cho tôi viết các bài “Tình em câu ví, mùa xuân”, “Những cô gái làng Sen”, “Xe kế trăng vàng”… và được thu âm, phát sóng. Đặc biệt, trong một số ca khúc nhạc nhẹ, tiết tấu hiện đại, tôi vẫn có thể đưa vào được các nét thanh âm của điệu Tứ hoa. Không dừng ở đó, tôi sáng tác thêm các ca khúc chủ đề tình yêu, quê hương đất nước nhưng đều mang âm hưởng dân ca. Tôi luôn tâm niệm, muốn phát triển hơn nữa thì không bao giờ cho phép mình nhàn rỗi.
- Làn điệu và phương ngữ Nghệ Tĩnh là hồn cốt của ví, giặm, nhưng dường như cũng chính thổ âm là rào cản “ngăn” làn điệu ấy được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong đời sống hôm nay. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Đây là vấn đề tôi đã đưa vào luận văn thạc sĩ, tiêu đề “Phương pháp giảng dạy dân ca Nghệ Tĩnh”.
Nhiều năm trước, tôi thành lập Câu lạc bộ Ví, giặm tại Hà Nội, có các bạn trẻ không phải người sinh ra, lớn lên ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia. Tôi đã dạy họ hát ví, giặm. Xin khẳng định lại, phải là người xứ Nghệ thì hát ví, giặm mới đằm vì thổ âm của vùng này rất đặc biệt. Có người bảo, người xứ Nghệ nói như hát, hát như nói, chỉ nói nhanh thôi mà đã như hát rồi... Ban đầu, các bạn ở tỉnh khác tập hát ví, giặm rất “khó vào”. Tôi phải dạy họ làm quen và nói tiếng Nghệ, để khi hát, thể hiện được “chất” của dân ca Nghệ Tĩnh.
- Với nguồn năng lượng dồi dào và lúc nào cũng hết lòng với dân ca, chắc anh có nhiều dự án mới?
- Tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc dạy hát dân ca, viết các làn điệu mới. Cuộc sống luôn thay đổi nên nghệ thuật phải luôn luôn sáng tạo. Tôi rất thấm thía lời dạy của cố Giáo sư Trần Văn Khê: “Đừng nghĩ dân ca chỉ do người già hát, cách đây hàng trăm, hàng chục năm, dân ca là do người trẻ sáng tạo và hát lên…”. Do vậy, trong khả năng của mình, tôi luôn cố gắng hết sức để vừa làm mới, vừa quảng bá và trao truyền dân ca ví, giặm quê mình.
- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!