Cảm phục lớp trẻ hôm nay khi chọn đến với tuồng
- Bà đã từng được những bậc kỳ tài trong nghệ thuật tuồng truyền thống như Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Trà, Đàm Liên, Quang Tốn chỉ dạy. Sau này, bà cũng là người đảm đương công việc như họ. Bà thấy có sự khác nhau như thế nào giữa lớp học sinh của mình và thời bà là học sinh của nghệ thuật tuồng?
- Khóa học cuối cùng mà tôi tham gia giảng dạy là lớp gồm các em học sinh được gửi từ phía nam ra học, tốt nghiệp chừng hơn ba năm trước. Vậy là cũng có đến ba, bốn thế hệ diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện nay từng là học trò của tôi vì tôi tham gia giảng dạy khi vẫn còn công tác tại Đoàn 1 của Nhà hát.
Nói về sự khác nhau giữa việc học tuồng của thế hệ bây giờ và thế hệ của tôi thì thật là khác xa nhau lắm, khác về tâm thế, về đam mê, về sự miệt mài, về sức khỏe…
Xưa, lớp học sinh tuồng như chúng tôi chỉ biết có chuyên môn, học và làm nghề. Cuộc sống khó khăn nhưng là khó khăn chung của cả xã hội, cái đói cái no nếu có cũng là hoàn cảnh chung. Nhưng giờ thì khác, các em phải lao vào thị trường, làm đủ việc để tự trang trải cuộc sống nên chắc chắn có sao lãng việc học chuyên môn.
Tôi chỉ lấy một thí dụ: Hồi chúng tôi đi học, buổi nào được nghỉ là lại tìm cách đến nhà thầy cô, xin được chỉ dạy thêm. Nhớ mãi cái cảnh miệng hát, tay sàng sảy gạo giúp cô Bạch Trà, rồi cùng cô nhặt thóc, nhặt sạn; trò vừa làm vừa hát; cô vừa làm vừa lắng nghe và uốn nắn. Chỉ riêng tập hát một làn điệu cũng thường là suốt hai tuần lễ, tập trên lớp và tập ở nhà. Mọi lúc, nấu cơm, dọn nhà, giặt giũ…, lúc nào câu hát cũng trên môi… Còn nay, khi có thông báo nghỉ học, nghỉ tập là các em cũng nghỉ luôn, tranh thủ đi làm chỗ này chỗ kia để có thu nhập mà "lấy ngắn nuôi dài". Nhiều em mải đi làm thêm nên quên câu hát, điệu múa là chuyện dễ gặp. Lâu lâu mới vào vai là có khi đã chệch choạc rồi; tức là sự nhập tâm không còn sâu đậm hết mức nữa… Trong giờ học mà cứ liếc cái điện thoại thôi, chưa kể sức khỏe kém hẳn so thời chúng tôi, nhiều em phải xin nghỉ tập giữa chừng vì mệt. Tuồng mà, từng câu hát, động tác đều như rút ruột mà ra, nếu không bền sức thì thật khó mà thể hiện cho trọn vẹn nhân vật.
- Thực tế này khiến bà thấy lo lắng cho điều gì hơn cả?
- Cái tinh tế, tinh hoa của nghệ thuật mà cha ông ta để lại liệu có còn giữ được lâu dài cho nhiều thế hệ sau… Trước kia, thầy cô có bao nhiêu vốn liếng đều nhả hết cho chúng tôi, như con tằm nhả tơ. Thầy cô nào cũng nói với chúng tôi ý này: Chúng ta là người làm nghề nên phải giữ lấy nghề để truyền lại cho thế hệ sau, sau nữa, để không bao giờ mất đi truyền thống nghệ thuật của cha ông. Thầy cô trao cho chúng tôi 12, 13 phần, chúng tôi may giữ được 10 phần, được gọi là "thế hệ vàng" của nghệ thuật tuồng truyền thống. Nay, cuộc sống chi phối nhiều, sự nhập tâm giữ lại vốn truyền thống của các em phần nào bị hạn chế, khó mà giữ được trọn vẹn 10 phần tinh hoa, mực thước của vốn nghề.
Nhưng cũng phải nói thật, trong hoàn cảnh hiện giờ, các em trẻ chọn tuồng và giữ cho được đến sáu, bảy phần tinh hoa, đối với riêng tôi, đã là tốt lắm rồi, phải rất cảm ơn các em ấy. Thế nên, tôi cũng vẫn học các thầy cô của tôi khi xưa, có bao nhiêu vốn liếng, đều mong muốn được trao hết cho các em, còn từng em thâu nhận đến đâu là tùy sở nguyện.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Khiêm bên học trò, diễn viên trẻ Kiều Phương Anh, người học vai nữ tướng Đào Tam Xuân từ bà và giành Huy chương bạc, Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc năm 2020. Ảnh: NVCC |
Còn nhiều hy vọng có "chân truyền"
- Như bà vừa chia sẻ, hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, tâm thế của người trẻ dành cho nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có những người dẫu đã chọn đi theo học tuồng một cách chuyên nghiệp, cũng đã đổi khác. Bà có cho rằng, người làm công việc giảng dạy, trao lại kiến thức nghệ thuật tuồng cho thế hệ hôm nay cũng nên hoặc cần cân nhắc về các phương pháp truyền nghề, để có sự thích ứng hoàn cảnh?
- Với người khác thì tôi không rõ, nhưng riêng tôi thấy là về phương pháp thì không thiếu, vấn đề là cần sự tương thông giữa hai bên thầy và trò, thầy có trao hết, sáng tạo cách trao đến mấy nhưng trò không nhập tâm thì cũng khó; còn một khi trò nhập tâm và đam mê thì cách truyền dạy nào của thầy cũng dễ đem lại hiệu quả. Khi các em vững vàng về kiến thức nền tảng, lắng nghe phân tích nhân vật của thầy cô để cảm và hiểu được về nhân vật, thấm nhuần được cái tinh hoa, tinh tế của nghề thì thỏa sức biến hóa, sáng tạo trong từng nét diễn, vừa phát huy truyền thống vừa thể hiện được cá tính nghệ sĩ của mình.
Từ trải nghiệm của tôi, có thể nói là: xưa, trò toàn tranh thủ tìm đến thầy để được học. Nay, nhiều trò tranh thủ đi làm việc khác ngoài tuồng… nên người thầy có trách nhiệm với nghề và sự nghiệp truyền nghề lại chọn cách tìm đến trò và suy tính làm thế nào cho trò có hứng học (cười).
- Được biết, bà còn tham gia biểu diễn và truyền nghề cho lớp trẻ tại các đội tuồng không chuyên ở quê nhà và một số địa phương khác…
- Tôi còn tham gia Câu lạc bộ UNESCO Sen Việt, biểu diễn cả các vai trong những tiết mục hát-múa nữa. Tôi tham gia cho vui, cho đỡ nhớ nghề. Cũng có phần mong muốn tìm được các em trẻ say nghề, lại có thanh, có sắc, có sức khỏe để báo tin cho Nhà hát của tôi khi họ cần, giữ cơ may liên tục có sự tiếp nối các thế hệ nghệ sĩ trẻ nhiệt tâm với tuồng. Nói vui là những người như chúng tôi đang "đi đường vòng" hỗ trợ Nhà hát. Ở nhiều địa phương, ngay như quê tôi, vẫn còn giữ gìn được các đội tuồng không chuyên. Hiện nay, kinh tế khấm khá hơn, bà con có điều kiện đầu tư cho các hoạt động văn nghệ của quê hương mình. Họ diễn phục vụ làng xóm, diễn giao lưu với các địa phương khác, truyền tình cảm dành cho tuồng đến nhiều người trẻ nên tôi càng mong muốn góp phần nào.
Như trong đại gia đình của tôi, ông nội tôi là người kéo nhị trong đội tuồng truyền thống ở thôn, bố tôi từng có thời gian là diễn viên của Đội, đến tôi là đi theo chuyên nghiệp. Chồng tôi, Nghệ sĩ Ưu tú Hán Văn Thân, học trước tôi một khóa, là diễn viên cùng Nhà hát. Nay, hai con của chúng tôi tuy không theo nghiệp tuồng nhưng lại có cháu gái, con của em trai ruột tôi, cháu trai bên nhà chồng tôi, đang là diễn viên của Nhà hát. Cháu gái tôi là diễn viên Kim Ngân, đóng vai Mẹ Lê trong vở tuồng về đề tài Cách mạng "Tình mẹ" hay lắm, mà vào vai Hồ Nguyệt Cô cũng rất ngọt, khiến bà Minh Gái ưng luôn, đây vốn là vai "đinh" của bà Minh Gái (Nghệ sĩ Nhân dân Minh Gái là một trong những diễn viên xuất sắc của Nhà hát Tuồng Việt Nam, cùng thế hệ với Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Khiêm-PV). Con bé tuy vóc dáng thấp nhỏ nhưng được cái thông minh, học nhanh, lại có sự tinh tế với nghề nên tôi cũng thêm phần tin tưởng. Thêm cậu cháu rể cùng là diễn viên của Nhà hát nữa, thế là chúng tôi có ba con, cháu tiếp nối nghề.
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc gặp gỡ ấm áp này!