Tiến sĩ Phạm Việt Long: Mong muốn giúp cộng đồng hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu

“Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa” là chuyên khảo thứ hai về văn hóa truyền thống Việt Nam của Tiến sĩ Phạm Việt Long, vừa được xuất bản trong tháng 6/2024. Đây là một tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu, giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ hơn về một di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng ông.
Tiến sĩ Phạm Việt Long
Tiến sĩ Phạm Việt Long

Một nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn

- Thưa ông, ông đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để nghiên cứu và sau đó, hoàn thành chuyên khảo về tín ngưỡng thờ Mẫu trong bối cảnh cũng có không ít công trình nghiên cứu về đề tài này. Có lẽ, với riêng ông, phải có một niềm thôi thúc nào đó?

- Đúng vậy. Tôi nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu với một niềm đam mê sâu sắc và sự thôi thúc muốn đóng góp vào việc khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Khi làm luận án tiến sĩ, tôi đã thực hiện đề tài “Phong tục tập quán của người Việt thể hiện qua tục ngữ, ca dao (trong quan hệ gia đình)” và sau đó, chuyển thành sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản với tựa đề “Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình”, năm 2004.

Khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sự quan tâm của tôi đối với đề tài này càng tăng lên. Mặc dù việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã được phổ biến nhưng thực tế trong đời sống, vẫn còn không ít người chưa hiểu biết toàn diện, đầy đủ về tín ngưỡng này. Điều đó dẫn đến tình trạng tín ngưỡng thờ Mẫu bị một bộ phận cộng đồng lợi dụng, thương mại hóa để kiếm tiền một cách bất minh.

Vì vậy, rất cần một công trình nghiên cứu toàn diện để giúp cộng đồng hiểu biết đúng đắn về tín ngưỡng thờ Mẫu và những giá trị lớn lao của nó.

Tiến sĩ Phạm Việt Long: Mong muốn giúp cộng đồng hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 1

Hầu đồng là một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Ảnh: ĐĂNG KHOA

- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một số câu chuyện, trải nghiệm ấn tượng đối với cá nhân ông qua từng bước nghiên cứu?

- Tôi có cơ hội tham dự nhiều buổi hầu đồng và sự kiện tôn vinh nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại đây, qua trò chuyện với các thanh đồng, cung văn, tôi hiểu sâu thêm về tâm tư, nguyện vọng của họ cũng như những câu chuyện lý thú liên quan quá trình hầu thánh của họ. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia tổ chức một số sự kiện tôn vinh đội ngũ hầu đồng; nhờ vậy, tôi không chỉ được chứng kiến thành công mà còn cả sai sót trong các khâu tổ chức, từ đó rút ra những kết luận quan trọng cho công trình nghiên cứu của mình.

Trải nghiệm này không chỉ giúp tôi tiếp cận gần hơn với thực tế mà còn mang lại nhiều bài học quý báu, giúp tôi hiểu rõ hơn về nhiều khía cạnh tinh tế, sâu sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Không ít người thường chỉ biết đến tín ngưỡng thờ Mẫu qua nghi lễ hầu đồng, trong khi giá trị của tín ngưỡng này còn được tích hợp ở nhiều thành phần khác như truyền thuyết, lời hát chầu văn, văn khấn, tranh, tượng thờ, bài trí...

- Từ thực tiễn phong phú này, ông hẳn đã phải cân nhắc nhiều trong việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu?

- Tôi tiếp cận từ góc độ văn hóa và sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, chủ yếu là văn hóa học, nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa. Tôi không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn xuất phát từ thực tiễn thực hành tín ngưỡng này. Tôi đặt con người, cụ thể là đội ngũ hầu đồng, vào vị trí trung tâm trong công trình nghiên cứu của mình.

Từ thời phong kiến, thời chiến tranh, có những lúc hoạt động hầu đồng bị cấm, song vẫn có những nghệ nhân tích cực gìn giữ, tiếp nối đời trước, truyền cho đời sau, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì thế đã tạo nên một dòng chảy liên tục, không bị đứt gãy. Việc bảo đảm chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đã góp phần hạn chế những hành vi tiêu cực, thương mại hóa tín ngưỡng...

Bằng cách tiếp cận này, tôi có thể hiểu sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, tâm linh mà tín ngưỡng thờ Mẫu mang lại, cũng như cách nó được thực hành và truyền tải qua các thế hệ. Những trải nghiệm, câu chuyện, sự tương tác trực tiếp với các thanh đồng và cung văn giúp tôi xây dựng nên một bức tranh toàn diện, sinh động về tín ngưỡng thờ Mẫu. Tôi hy vọng, công trình góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng, đầy đủ hơn về di sản văn hóa quý báu này.

Còn nhiều “vỉa tầng” để tiếp tục khám phá

- Nhân câu chuyện này, chúng tôi nhận thấy, trong truyền thống văn hóa ứng xử nói chung ở nước ta, có một thực tế, người dân vừa tôn kính, ngưỡng vọng hình tượng người nữ/Mẹ/Mẫu, cả trong khía cạnh tinh thần, tâm linh và trong đời sống thực nhưng đồng thời dường như vẫn chấp nhận một tồn tại là chưa hoàn toàn có sự bình đẳng. Mong ông có thể chia sẻ một kiến giải?

- Hiện tượng vừa tôn kính, ngưỡng vọng phụ nữ nhưng đôi khi lại chưa thật sự bình đẳng là một thực tế phản ánh tính đa dạng và đa ứng xử trong văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam không chỉ mang tính nguyên gốc bản địa mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhiều nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Trung Hoa. Một đặc trưng của văn hóa Trung Hoa cổ đại là trọng nam khinh nữ. Trải qua một nghìn năm đô hộ và hàng nghìn năm ảnh hưởng, văn hóa Trung Hoa đã lan tỏa và xâm nhập khá sâu rộng vào xã hội Việt Nam, tạo nên sự phức tạp trong văn hóa người Việt.

Chính vì vậy, ở những vùng, những bộ phận dân cư, hay trong những tình huống cụ thể, sự tôn kính, ngưỡng mộ phụ nữ có thể mạnh mẽ, bền vững khi các giá trị văn hóa cổ truyền được thể hiện. Tuy nhiên, ở những trường hợp khác, sự thiếu bình đẳng vẫn tồn tại. Điều này là do sự đan xen giữa các yếu tố văn hóa truyền thống và những ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai, dẫn đến những mâu thuẫn cũng như đa dạng trong cách ứng xử đối với phụ nữ ở xã hội Việt Nam.

- Trở lại với công trình nghiên cứu “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa”, nét mới ở đây là các kết quả nghiên cứu không chỉ được gói gọn trong văn bản và hình ảnh của sách mà còn được bổ sung nhờ tích hợp qua mã QR, nhờ đó, bạn đọc có thêm nguồn tham khảo video, tư liệu sống động, liên quan nhiều nhân vật cụ thể được nhắc đến trong sách. Ý tưởng này được khởi đầu như thế nào, thưa ông?

- Thật ra, đây không phải là phát kiến của riêng tôi mà là kết quả từ sự học hỏi một số người đã ứng dụng công nghệ này vào tác phẩm của họ. Nhận thấy lợi ích, sự tiện dụng của việc sử dụng mã QR, tôi đã quyết định áp dụng phương pháp này vào cuốn sách của mình. Điều này không chỉ giúp bạn đọc tiếp cận với những tư liệu một cách dễ dàng, sinh động hơn mà còn tăng tính tương tác và hấp dẫn, dễ hiểu cho nội dung nghiên cứu của tôi.

- Sau khi cuốn sách được xuất bản, còn điều gì mà ông thấy chưa chạm tới, hoặc mong muốn nghiên cứu bổ sung trong thời gian tới?

- Thú thật, tôi đã đi điền dã nghiên cứu tín ngưỡng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có cơ hội tới các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Tôi sẽ phải tiếp tục phấn đấu, nghiên cứu thêm để rút ra những vấn đề lý luận khái quát hơn, sâu hơn về văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bên cạnh các công trình nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Phạm Việt Long còn là tác giả của bảy tác phẩm văn học đã được xuất bản, trong đó nổi bật là tiểu thuyết “Bê trọc” (Nhà xuất bản Thanh niên, năm 1999), tái bản ba lần, được chuyển thể thành phim truyền hình bốn tập “Nhật ký chiến trường”. Ông nguyên là Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), người sáng lập Viện Nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ (năm 2018, nay là Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển).