Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Tôi không còn đơn độc

Quyết định trở về Việt Nam sau một hành trình dài du ngoạn, biểu diễn khắp nơi trên thế giới, Ngô Hồng Quang chia sẻ với chúng tôi rằng, với anh, âm nhạc dân tộc luôn có sức hấp dẫn đặc biệt và việc trở về Việt Nam chính là để anh trở về với bản thể của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang

Đầu tư mạo hiểm cho một tình yêu thuần khiết

- Ban nhạc Thiên Thanh - Thiên Thanh Band ra mắt công chúng bằng đêm hòa nhạc “Về Kinh Bắc” rất ấn tượng. Nhiều khán giả lần đầu được nghe những giai điệu âm nhạc truyền thống trong một không gian thanh âm khác, vừa gần gũi vừa mới mẻ. Điều gì thôi thúc anh thành lập Thiên Thanh Band?

- Kể từ sau đại dịch Covid-19, tôi dành thời gian ở Việt Nam nhiều hơn. Có điều kiện tham dự nhiều chương trình âm nhạc cũng như các hoạt động nghệ thuật khác ở trong nước, tôi nhận ra, có quá ít ban nhạc dân tộc chứ chưa nói tới ban nhạc dân tộc có mang hơi thở dân gian hiện đại. Tôi nghĩ mình nên có những hoạt động gì đó đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là giúp ích cho những người đang làm trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc. Tôi quyết định thành lập Thiên Thanh Band để tạo ra sân chơi cho giới trẻ yêu âm nhạc dân tộc và muốn theo đuổi con đường này một cách chuyên nghiệp.

Thiên Thanh Band đề cao sự gắn kết của các nhạc cụ dân tộc theo một hình thức tổ chức âm thanh mới, quan tâm nhiều hơn tới hòa âm và sắp xếp nhịp điệu theo một hình thức mới, đa dạng và mang tính quốc tế hơn. Khán giả sẽ thấy một không gian âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện lên theo những chiều kích khác biệt nhưng không hề xa lạ. Đây là cách tôi muốn làm và truyền lửa cho các thế hệ chơi nhạc dân tộc kế tiếp. Mình cần giữ được hồn cốt và những gì tinh túy nhất mà cha ông đã để lại, kết hợp những yếu tố âm nhạc đương đại. Điều này sẽ luôn làm cho âm nhạc dân gian tươi mới.

- Để làm được vai trò “người truyền lửa”, có lẽ việc chọn người nhận lửa-các thành viên Thiên Thanh Band cũng không đơn giản, phải không anh?

- Thiên Thanh Band còn rất trẻ, các bạn đã đến với tôi như một nhân duyên. Qua hơn bốn tháng làm việc cùng nhau, tôi thấy các bạn đã thành những con người khác. Họ vượt qua được thử thách tôi đã đặt ra, tỏ ra rất mong muốn thay đổi bản thân, mong được học tập những điều mới mẻ. Tôi tin chắc là với đà này, Thiên Thanh Band sẽ trở thành một nhóm nhạc chuyên nghiệp, làm được những dự án, tác phẩm phù hợp để giới thiệu ở tầm mức quốc tế.

- Là một khán giả trong đêm “Về Kinh Bắc”, tôi cảm nhận được tình yêu thuần khiết, sự hứng khởi của các bạn trẻ, cả người biểu diễn và khán giả, trong một không gian sáng tạo mới mẻ, gần gũi và có nhiều kết nối với họ. Âm nhạc dân tộc, vì thế chăng, hấp dẫn hơn với khán giả trẻ. Dự định tiếp theo của anh với Thiên Thanh Band là gì?

- Cảm ơn chị đã dành thời gian và tình cảm cho buổi diễn của chúng tôi. Tôi rất vui khi thấy kết quả lao động miệt mài của cả nhóm sau hơn bốn tháng. Bởi sự nhiệt huyết này của họ, tôi nghĩ mình sẽ cần sáng tác nhiều hơn và có kế hoạch cụ thể cho Thiên Thanh Band, như tổ chức thêm show diễn, tour diễn, kết nối với các nghệ sĩ trong nước cũng như quốc tế để trao đổi, lan tỏa âm nhạc của Thiên Thanh Band cũng như học hỏi kinh nghiệm văn hóa âm nhạc của các nước khác. Kế hoạch gần nhất là thu âm để ra album đầu tay “Về Kinh Bắc”. Tôi hy vọng, sau khi album này hoàn thiện, nhóm có thể đi diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp giữa hè này.

- Anh có nói rằng đầu tư cho đêm diễn“Về Kinh Bắc” là một đầu tư mạo hiểm của chính anh, vì sao lại là “mạo hiểm”?

- Nhiều thành viên của Thiên Thanh Band còn chưa tốt nghiệp trường nhạc, chưa có kinh nghiệm biểu diễn, chưa được tiếp cận với những thứ khác hơn trong âm nhạc ngoài bài học ở nhà trường. Hơn nữa, vì tôi không tuyển chọn thành viên một cách chính thức mà đón nhận hết những ai tới với mình nên đây cũng giống như chơi cờ, rất khó đoán định kết quả tiếp theo. Thêm nữa, cá nhân tôi là người đầu tư toàn bộ sức lực và tài chính để thực hiện đêm diễn này. Vì tất cả các yếu tố đó, việc đưa Thiên Thanh Band lên thành những nhân vật chính quả thật là quá mạo hiểm, cả về nghệ thuật và tài chính. May mắn là khán giả đã rất yêu mến âm nhạc của chúng tôi cũng như cách mà tôi tổ chức, lên ý tưởng cho buổi diễn.

- Vậy từ nay, có Thiên Thanh Band, anh hẳn đã bớt cảm giác đơn độc trên hành trình của mình?

- Có lẽ vậy. Thiên Thanh Band đã tựa như một phần con người tôi và tôi sẽ cố gắng nuôi dưỡng, phát triển nhóm thật tốt trên một con đường đi riêng của chất lượng nghệ thuật và tính sáng tạo.

Mục đích của đi là để trở về

- Trước khi ra mắt Thiên Thanh Band, anh đã công bố album “Rạng đông”, một sáng tạo mới của anh từ chất liệu âm nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bào Chăm. Anh có thể chia sẻ đôi nét chính về quãng thời gian ba năm với album này?

- Đó là gần hai năm điền dã liên tục, qua nhiều địa phương, trèo đèo lội suối đến với bà con. Họ đã cho tôi nhiều động lực để sáng tạo bởi chính văn hóa và cách sống của họ cũng như phong cảnh thiên nhiên tươi nguyên ở đó. Sau những trải nghiệm ấy, lại thêm gần một năm nữa để sáng tác, thu âm, và sản xuất đĩa nhạc. Album có điểm đáng kể nữa, các tác phẩm được phát triển từ âm nhạc của đồng bào thiểu số nhưng nhạc cụ và nghệ sĩ trình diễn thì khác, đa dạng hơn, bao gồm cả nhạc cụ của người Kinh, các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Tôi nghĩ, để làm được đúng những gì mình mong muốn và yêu thích, sẽ luôn mất nhiều công sức và thời gian. Nhưng chắc chắn, album này đã cho tôi rất nhiều năng lượng tích cực. Từ lúc sáng tạo cho tới hiện tại, khi trò chuyện cùng chị, tôi vẫn nghe đi nghe lại nhiều lần âm nhạc của mình để nạp thêm năng lượng mỗi khi cảm thấy mệt mỏi. “Rạng đông” cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo và động lực để hướng tới những sản phẩm âm nhạc tiếp theo.

- Anh đã được học tập ở những trường nhạc lớn của thế giới, và đã đạt được danh tiếng nhất định trong thế giới của âm nhạc đương đại, trước khi về nước để thực hiện nhiều dự án hơn. Anh cũng có thể không cần phải trở về hẳn để bớt đối diện những áp lực ngoài âm nhạc và vì thế, có thể tập trung nhiều hơn cho âm nhạc. Tôi nói vậy vì nhớ lại cái gọi là “đầu tư mạo hiểm” với Thiên Thanh Band của anh vừa qua?

- Nhưng nếu tôi không trở về lâu hơn, nhiều hơn, chắc gì đã có một đêm “Về Kinh Bắc” với Thiên Thanh Band hay “Rạng đông” (cười).

Tôi luôn trở về mỗi khi có thể vì mục đích của tôi là đi để trở về. Tôi vẫn nghĩ, mình là một phần rất nhỏ bé của quê hương nên có cơ hội để làm những điều có giá trị và tốt cho quê hương, tôi phải làm ngay. Hành trình âm nhạc của tôi là một thí dụ cho hành động “phải làm ngay” ấy.

Với những bước đi như tôi đã từng bước từ mấy chục năm trước tới giờ, tôi luôn mong muốn và có ước nguyện rằng, đất nước Việt Nam mình, ngoài việc phát triển mạnh về kinh tế, cần có nhiều người quan tâm tới văn hóa hơn nữa và khi chính người Việt Nam có sự quan tâm đầy đủ đến văn hóa của đất nước mình, tự khắc, nền văn hóa ấy, các sản phẩm nghệ thuật từ nền văn hóa ấy sẽ được lan tỏa rộng khắp không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở!

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Tôi không còn đơn độc ảnh 1

Hình ảnh trong buổi biểu diễn “Về Kinh Bắc” của Thiên Thanh Band, tháng 5/2024, tại Hà Nội.

Ảnh: NVCC

Sau khi tốt nghiệp Khoa Âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), năm 2006, Ngô Hồng Quang có một thời gian làm giảng viên tại đây trước khi tu nghiệp thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Amsterdam (Conservatorium van Amsterdam, Hà Lan), năm 2010, và sau đó, tại Nhạc viện Hoàng gia (Koninklijk Conservatorium, Hà Lan).