Người trẻ có những cách yêu khác dành cho Hà Nội
- Thưa anh, tên của bộ phim mà anh và ê-kíp đang thực hiện quả là có gợi nhắc đến “Hà Nội trong mắt ai”, tên của một bộ phim tài liệu nổi tiếng về Hà Nội, ra đời từ hơn 40 năm trước?
- Đúng là tên gọi của bộ phim mà chúng tôi đang làm sẽ khiến nhiều người nghĩ ngay tới bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tuy nhiên, tên gọi này được đặt như một sự tri ân, để nhắc mọi người từng có một bộ phim tài liệu rất nổi tiếng về Hà Nội. Trong khi “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy như một câu hỏi, “Hà Nội trong mắt em” lại dẫn dụ người xem đến Hà Nội của thời đổi mới, thông qua cuộc sống của năm nhân vật chính, đều là những cô gái trẻ, những người con từ bốn phương trời cùng nhau tụ về Hà Nội, dựng xây và đóng góp cho thành phố này.
- Hơn 10 năm trước, anh là đạo diễn của nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng dành cho người trẻ, như “Bộ tứ 10A8”, “Những phóng viên vui nhộn” và nay, trở lại với phim truyền hình sau nhiều năm tập trung thực hiện phim tài liệu, anh vẫn lựa chọn nhân vật chính là người trẻ. Vì sao vậy, thưa anh?
- Kể từ khi hòa bình được lập lại, năm 1954, Hà Nội đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Trong 70 năm, nhiều thế hệ con người đã đến, ở lại, sinh sống, đóng góp cho vùng đất địa linh nhân kiệt này. Đó là một chặng đường dài, có lẽ chẳng thể kể hết, kể sâu trong một bộ phim truyền hình. Do vậy, bộ phim sẽ lựa chọn những lát cắt và đi sâu vào khai thác sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội hôm nay với sức trẻ từ sự đóng góp của những người trẻ muôn phương tụ về đây. Hà Nội đẹp và có được như ngày hôm nay là nhờ sự có mặt của con người bốn phương đến, ở lại và chung tay xây dựng Thủ đô. Dù là ai, dù ở đâu, dù cách nào thì ở mảnh đất này, họ cũng dành cho Hà Nội một tình yêu. Dù tình yêu Hà Nội mỗi người một khác, một cách, tất cả đều là tình yêu dành cho Thủ đô, vì Thủ đô và xây dựng Thủ đô.
- Hiện giờ, anh đã có thể chia sẻ cụ thể hơn về đường dẫn chính của câu chuyện phim với bạn đọc của chúng tôi?
- Vâng, được chứ! Chuyện phim kể về năm cô gái đại diện cho năm tính cách, năm vẻ đẹp khác nhau. Họ đã vô tình gặp nhau tại diễn đàn “Ghét bếp-không nghiện nhà” để cùng trải nghiệm một workshop về mâm cỗ Hà Nội. Từ đây, phim dẫn dắt người xem đến với tính cách, số phận và các đóng góp của năm cô gái cho Hà Nội.
Dù là năm lát cắt nhưng câu chuyện chính của phim tập trung về nghề kiến trúc, về công việc của giới kiến trúc, những người đã đóng góp đáng kể làm nên bộ mặt của Thủ đô. Ở đó, có sự đối lập giữa thương mại và bền vững, giữa giữ và phá, giữa nhìn xa và gần, giữa bảo thủ và phóng khoáng... Đó cũng là câu chuyện của Hà Nội thời đổi mới, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, đan xen truyền thống và hiện đại. Vì thế, tôi đã lựa chọn năm cô gái đại diện cho thế hệ trẻ để nói về vùng đất này.
Trong phim, người xem sẽ thấy Hà Nội được hiện ra với đầy đủ màu sắc, có sự cổ kính của cảnh sắc, sự gìn giữ lối sống truyền thống đan xen sự tươi mới, hiện đại thời hội nhập. Đó là một Hà Nội chứa đựng nhiều va đập thế hệ, nhưng đó đều là cuộc sống, đều là tình yêu, chỉ khác nhau về cách yêu thành phố này mà thôi.
Tôn trọng tính khách quan
- Tích lũy trải nghiệm từ quãng thời gian làm phim tài liệu vừa qua với nhiều giải thưởng đã giúp gì cho anh trong quá trình hình thành nên ý đồ nghệ thuật và thông điệp xuyên suốt cho bộ phim truyện truyền hình về Hà Nội lần này?
- Nhiều câu chuyện thực tế từ quãng thời gian ấy là chất liệu sống động để tôi đưa vào bộ phim này. Chẳng hạn như câu chuyện về vợ chồng kiến trúc sư Nhật Hạ (tên nhân vật trong phim) được lấy từ nguyên mẫu của cặp vợ chồng thực hiện dự án sân chơi trong phố “Think Playgrounds”. Hay các nhân vật Hải “Long Biên”, Nhã Uyên... đều được phát triển từ nguyên mẫu ngoài đời.
Phim tài liệu và phim truyền hình dù khác nhau về thể loại nhưng lại có mối liên quan tới nhau. Việc làm tốt phim tài liệu sẽ cho nhà làm phim cái nhìn chân thật, nâng cao ý thức tôn trọng sự thật. Trong một phim truyền hình về Hà Nội, không thể thiếu những cảnh quay đẹp về Hà Nội nhưng nội dung câu chuyện về Hà Nội hiện đại lại rất cần sự tôn trọng tính khách quan trong cách thể hiện. Câu chuyện về năm cô gái để nói về Hà Nội ngày nay là ý tưởng của tôi nhưng việc hiện thực hóa các tình tiết trong phim là do đội ngũ biên kịch.
- Các bộ phim được khán giả nhớ tới do anh làm đạo diễn thường có chất hài hước, dí dỏm, thông minh pha lẫn sự tinh tế. Còn với “Hà Nội trong mắt em”, không khí của phim sẽ như thế nào, thưa anh?
- Tôi rất thích làm phim hài. Tuy nhiên, trong một bộ phim truyền hình chính thống về Hà Nội hiện đại, yếu tố hài hước được tiết chế, đan cài qua sự xuất hiện của nhân vật Hùng “Long Biên”. Nhân vật này là một con người lầm lỡ, từng có thời gian cải tạo trong trại giam. Qua lát cắt cuộc đời anh, gợi nhớ về Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước, thành phố như một người mẹ đầy nhân từ, dang tay đón những đứa con lầm lỡ trở về làm lại cuộc đời. Vốn là người làm phim tài liệu, tôi muốn đưa chất tài liệu, chất hiện thực của đời sống vào phim truyện này.
Tôi tin là nhiều người sẽ còn rất yêu Hà Nội của một thời đã qua với sự hoài niệm. Do vậy, dù là một bộ phim phản ánh không khí hiện đại của một Thủ đô năng động nhưng ở “Hà Nội trong mắt em”, vẫn có những cảnh quay đầy chất điện ảnh. Tôi vẫn nhớ, trong bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng, có những cảnh quay đẹp, đầy mơ màng về Hà Nội. Để có được những thước phim như vậy, đạo diễn Trần Anh Hùng đã dành rất nhiều thời gian và công sức để tái tạo không khí của Hà Nội một thời. Đối với một bộ phim truyền hình như “Hà Nội trong mắt em”, do sức ép về mặt tiến độ, không có đủ thời gian để trau chuốt kỹ càng như khi làm điện ảnh, nhưng tôi vẫn sẽ để tâm thực hiện một số cảnh quay tạo điểm nhấn về sự đan xen giữa hiện đại và truyền thống của Hà Nội.
- Dẫu thế nào thì Hà Nội là một đề tài được nhiều đạo diễn điện ảnh, truyền hình khai thác. Thực tế này liệu có là một áp lực trở lại với anh?
- Tôi vẫn nghĩ, làm phim là để cho mình (cười), do vậy, tôi không cảm thấy áp lực nào khi bắt tay vào thực hiện bộ phim này.
Một bộ phim về Hà Nội ngày nay, để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả, vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức với các nhà làm phim. Tuy vậy, tôi và ê-kíp của mình vẫn đặt nhiều niềm tin vào sự thành công của bộ phim với sự chuẩn bị kỹ càng, cùng quá trình tuyển chọn diễn viên kỹ lưỡng. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng, như các Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực, Bùi Bài Bình, các Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang, Minh Phương...
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đạo diễn Đào Thanh Hưng (sinh năm 1977) là đạo diễn của nhiều bộ phim ngắn và phim truyền hình nổi tiếng. 10 năm trở lại đây, anh dành tâm huyết cho lĩnh vực phim tài liệu, nổi bật là dự án phim về Không quân “E910-Giảng đường trên mây” phần 1 và phần 2, được Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam trao tặng bằng khen (năm 2023); phim “Sân bóng trên mây” (năm 2023) và phim “Người mẹ trẻ trên đỉnh Vài Thai” (năm 2015) được chọn chiếu trong dự án Sắc màu châu Á trên Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK.