Nhà thiết kế Claire Driscoll:

Mong muốn giới thiệu nghệ sĩ Việt Nam đến khán giả thế giới

Kể từ khi ra đời tại Hà Nội, năm 2013, không gian sáng tạo Work Room Four luôn nhận được sự tôn trọng từ cộng đồng nghệ sĩ thị giác Việt Nam và đông đảo công chúng trong, ngoài nước bởi hoạt động đa dạng và cách thức vận hành chuyên nghiệp. Nơi đây như một ô cửa sổ mở ngỏ biết bao câu chuyện thú vị về đời sống văn hóa và nghệ thuật đương đại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Claire Driscoll (bên phải) giới thiệu với khách hàng địa phương về hội chợ Art For You lần thứ 12, năm 2019. Ảnh: NVCC
Chị Claire Driscoll (bên phải) giới thiệu với khách hàng địa phương về hội chợ Art For You lần thứ 12, năm 2019. Ảnh: NVCC

Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng chị Claire Driscoll, người Anh, chủ nhân của không gian này.

Một đóng góp vào đời sống nghệ thuật Việt Nam

- Tôi muốn bắt đầu câu chuyện từ việc cùng nhìn lại một chút về 10 năm đã qua của Work Room Four. Mục đích ban đầu có khác nhiều so với hiện tại không, thưa chị?

- Ban đầu, Work Room Four được thành lập bởi bốn người. Chúng tôi muốn nó không chỉ như một không gian trưng bày nghệ thuật mà còn là không gian cho những ý tưởng sáng tạo, cũng như là nơi khai triển chúng. Như bạn đã chứng kiến, Work Room Four nhanh chóng phát triển thành một không gian tổ chức các cuộc triển lãm và hội thảo sáng tạo; giới thiệu nghệ sĩ Việt Nam cũng như nghệ sĩ nước ngoài sống tại Việt Nam và tác phẩm của họ đến với công chúng.

Kể từ năm 2017, tôi đã một mình đảm nhận việc điều hành Work Room Four và sắp xếp hợp lý mô hình để hoạt động như một hệ sinh thái kinh tế tự cấp vốn. Một phần thu nhập từ studio thiết kế và hỗ trợ phát triển thương hiệu ở đa dạng ngành nghề được dùng để tài trợ cho các cuộc triển lãm của các nghệ sĩ thị giác, trong bối cảnh mà kinh phí tổ chức của cá nhân nghệ sĩ còn eo hẹp. Studio thiết kế có bốn người làm việc toàn thời gian, bao gồm cả tôi (cười).

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn duy trì nhiều chương trình giáo dục, hội thảo, đào tạo chia sẻ kỹ năng, các triển lãm với sự tham gia của cộng đồng, giúp thu hẹp khoảng cách trong giáo dục sáng tạo. Chúng tôi mong muốn có thể đóng góp vào nền kinh tế sáng tạo và cơ sở hạ tầng của cộng đồng nghệ thuật và thiết kế tại Việt Nam.

- Chị có thể chia sẻ thêm về quan điểm khi lựa chọn một nghệ sĩ và tài trợ cho họ tổ chức triển lãm ?

- Đó là một quá trình khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào cảm nhận và trực giác cá nhân. Đôi khi, tôi cảm thấy, triển lãm là một thời điểm hoặc một tuyên bố quan trọng trong sự nghiệp của nghệ sĩ và vì vậy, tôi muốn giới thiệu nó một cách sâu sắc hơn với cộng đồng. Theo hướng này, tôi thích thú với vai trò giám tuyển cũng như cách chúng tôi trình bày và truyền đạt về triển lãm tới công chúng. Tôi muốn hỗ trợ họ thể hiện tác phẩm trong một môi trường chuyên nghiệp, tiêu chuẩn quốc tế đương đại. Tôi cũng muốn Work Room Four là một phần trong việc kể câu chuyện nghệ thuật của họ. Tôi tin rằng, câu chuyện nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam nên được biết đến một cách rộng rãi, và đây là đóng góp của tôi cho nghệ thuật ở đây.

Cam kết của Work Room Four, dưới góc độ một phòng trưng bày, là thay mặt các nghệ sĩ tham gia “canh bạc tài chính” để họ có thể tập trung vào việc thực hiện tác phẩm của mình và không phải lo lắng về bất kỳ điều gì liên quan đến cuộc triển lãm.

- Một nghệ sĩ chia sẻ với tôi, với triển lãm giới thiệu loạt sáng tác mới của anh ấy, chị khuyên anh ấy không cần phải giảm giá để việc bán tác phẩm trôi chảy hơn. Vậy “canh bạc tài chính” mà chị vừa nói đến nên được hiểu thế nào?

- Đúng là tác phẩm có thể dễ tiếp cận hơn ở một mức giá nhất định nhưng tôi vẫn cho rằng, việc tổ chức triển lãm không nên được tạo ra với mục đích duy nhất là “để bán hàng”. Chúng tôi tổ chức triển lãm trước hết là để chia sẻ công việc và thực hành của các nghệ sĩ với khán giả. Tất nhiên, sẽ tốt hơn cho chúng tôi nếu bán được tác phẩm, nhưng điều đó trong thực tế không phải lúc nào cũng được bảo đảm. Vì vậy, chúng tôi không thể coi đây là trọng tâm, thay vào đó, chúng tôi tập trung vào việc tạo ra những cuộc triển lãm tốt nhất mà chúng tôi có thể làm với hy vọng rằng, việc này nuôi dưỡng thị trường một cách nhẹ nhàng cùng với sự hỗ trợ nghệ sĩ.

Luôn giữ khát vọng phát triển

- Nhân chị nhắc đến thị trường, mô hình hội chợ nghệ thuật Art For You (tạm dịch: Nghệ thuật dành cho bạn-PV), mà Work Room Four hợp tác cùng một không gian nghệ thuật đã được duy trì qua nhiều năm và hiện tại vẫn là duy nhất ở Việt Nam. Qua đây, chị nhận xét gì về sự thay đổi thị hiếu và cách ứng xử với nghệ thuật của người Việt Nam?

- Hội chợ đã thật sự phát triển trong 10 năm qua, song hành cùng thị hiếu của khán giả. Có một sự cân bằng về số lượng giữa khách hàng Việt Nam và khách hàng nước ngoài sống ở đây. Khách hàng Việt Nam đã phát triển dần dần trong 10 năm qua, ngày càng có nhiều người quan tâm đến các nghệ sĩ mới nổi cũng như việc sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ đã thành danh. Tôi hy vọng xã hội Việt Nam sẽ có sự quan tâm lớn hơn đối với nghệ thuật, sẽ xuất hiện nhiều hơn những người có thể cảm nhận sâu sắc về sức mạnh và giá trị của việc mang nghệ thuật vào nhà mình.

Tôi cũng hy vọng, sẽ có nhiều người mua tác phẩm một cách có trách nhiệm, có nghĩa là mua thông qua làm việc với một phòng trưng bày hoặc người đại diện chứ không phải mua trực tiếp từ nghệ sĩ. Khía cạnh này của thị trường nghệ thuật ở Việt Nam cũng là điều mà Art For You tìm cách giải quyết và một số tiến bộ đang được thực hiện.

- Bên cạnh khía cạnh thị trường nghệ thuật tự phát mà chị vừa đề cập, còn những khó khăn chính nào khác trong việc duy trì Work Room Four?

- Work Room Four hiện ở tại địa điểm thứ tư kể từ khi ra đời. Mỗi lần thay đổi địa điểm là một lần thêm chi phí cho việc tìm kiếm, cải tạo, sửa sang nơi chốn mới. Vì thế, chúng tôi chưa bao giờ chủ động chọn rời đi mà thường phải chấp nhận sự đổi ý từ người cho thuê địa điểm.

Tôi cũng cảm nhận được rằng, chủ nhà thấy những người thuê nhà mà làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật không mấy hấp dẫn (cười) và họ cũng thường thận trọng hơn trong giao dịch... Có lẽ, đơn giản bởi nghệ thuật và thiết kế hiện đại chưa được biết đến một cách rộng rãi ở đây.

Trong khi đó, có một điều buồn không kém là lâu nay, văn hóa trải nghiệm phong cách “tự sướng” (selfie) lan tràn ở Việt Nam; khi đến một không gian nghệ thuật, nhiều người quan tâm đến những bức ảnh họ có thể chụp hơn là đắm mình hoàn toàn vào trải nghiệm triển lãm, đồng thời thu thập kiến ​​thức cũng như hiểu biết.

- Nhưng lại có một điều rất thú vị từ quan sát của tôi về các nhân viên của Work Room Four là họ trẻ và đã ở lại với chị qua những giai đoạn khó khăn trong vận hành không gian này.

- Vì thế mà tôi yêu nhân viên của tôi. Nhóm hiện tại đã cùng tôi vượt qua đại dịch Covid-19, một trải nghiệm đáng quý.

Thực tế, ngành công nghiệp sáng tạo ở đây vẫn còn sơ khai và nhiều bậc cha mẹ không muốn con mình theo đuổi nó. Nếu một bạn trẻ nào muốn đi con đường này, bạn ấy phải là một người quyết tâm, có định hướng với lòng can đảm và niềm tin. Ở Work Room Four, nhân viên đảm đương những công việc mà có lẽ, không giống bất cứ nơi đâu ở Việt Nam, nên tôi càng ngưỡng mộ cách mà họ đón nhận điều khác thường này. Họ đam mê làm việc trong một môi trường sáng tạo, một môi trường công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều sự tinh tế.

- Sự đồng hành của nhân viên hẳn là một điểm tựa ngoại cảnh vững chắc, khuyến khích chị tiếp tục với Work Room Four. Chị mong muốn điều gì cho công việc ở đây trong thời gian tới giữa không ít khó khăn mà chúng ta vừa đề cập?

- Giữa khó khăn, chúng tôi phải có khát vọng phát triển và giữ được khát vọng ấy. Tôi muốn giới thiệu một số nghệ sĩ Việt Nam với khán giả toàn cầu, đưa tác phẩm của họ đến các phòng trưng bày quốc tế. Bởi vậy, tôi hy vọng, Việt Nam sẽ sớm có các hỗ trợ thuế và cơ hội tài trợ cho doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế. Tôi cũng hy vọng vào sự công nhận giá trị của nghệ thuật trong cộng đồng địa phương, tầm quan trọng của nghệ thuật và thiết kế trong một xã hội phát triển, cởi mở.

- Cảm ơn những chia sẻ chân thành từ chị!