Nhưng để hiện thực hóa tốt hơn những mong muốn ấy, để có nhiều hơn nữa những tác phẩm tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, đáp ứng được kỳ vọng, mong đợi của nhân dân trong bối cảnh hiện nay, còn có không ít rào cản, "bài toán hóc búa" cần được sớm tháo gỡ, có lời giải.
Con người, thân phận con người luôn là trung tâm của tác phẩm lớn
- Thưa ông, giữa bối cảnh xã hội hiện nay, có không ít băn khoăn từ phía nhiều văn nghệ sĩ về thế nào là tác phẩm "chất lượng cao", là tác phẩm "xứng tầm thời đại". Ông có thể chia sẻ các bình luận, kiến giải giúp làm sáng tỏ hơn băn khoăn kể trên?
- Có nhiều góc nhìn về điều này. Riêng từ góc nhìn chuyên môn, đó là những tác phẩm bao gồm tính sáng tạo, tính phát hiện, sự đổi mới về ngôn ngữ nghệ thuật, về phong cách, tiếp thu được tinh hoa sáng tạo văn học nghệ thuật thế giới để làm mới các giá trị của văn hóa dân tộc mình. Nhưng quan trọng hơn, theo tôi, là tác phẩm phải đặt ra được những vấn đề lớn của dân tộc, của lịch sử, của ngày hôm nay… Có thể kể tới những đề tài về chiến tranh, về lịch sử dựng nước, giữ nước, mở cõi của dân tộc, đề tài về con người trong và sau chiến tranh với những diễn biến tâm lý trong từng tầng lớp xã hội, biết bao số phận cá nhân, số phận gia đình, số phận thế hệ thời hậu chiến làm đau đáu con tim chúng ta…
Đề tài lớn của ngày hôm nay cũng rất nhiều, có thể đề cập tới khát vọng vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu của thế hệ công dân mới với tư duy mới; ở đó có kiến giải về những yếu tố nào làm nên khát vọng ấy, trong đó có những gì bảo đảm sự tiếp nối tinh thần của cha ông, làm vẻ vang, tô đậm thêm truyền thống dân tộc. Xây dựng tư duy văn hóa mới, nền văn hóa mới với những con người mới cũng là chủ đề lớn, rất cần có sự kiến giải con người mới là như thế nào, bao hàm những đặc tính gì từ chính lực lượng văn nghệ sĩ, những người sáng tạo, được xem như tinh túy, tinh hoa của văn hóa và văn học nghệ thuật của dân tộc.
Từ những đề tài về lịch sử, chiến tranh hay cuộc sống hôm nay, có thể nói, con người, thân phận con người luôn là trung tâm trong sáng tác văn học nghệ thuật và đây là một cốt lõi làm nên tác phẩm văn học nghệ thuật có tầm vóc lớn. Nhưng như tôi đã từng đề cập, giới văn nghệ sĩ mà lực lượng nòng cốt là đội ngũ tự nguyện tham gia mái nhà chung Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật từ cấp trung ương đến địa phương rất đông đảo, sáng tác rất nhiều song số lượng tác phẩm lớn lại chưa được nhiều như nhân dân mong đợi.
- Thực tế này khiến ông suy nghĩ như thế nào về sứ mệnh/trách nhiệm xã hội của một văn sĩ, nghệ sĩ, nhất là khi đề cập vai trò của họ làm nên tác phẩm có tầm vóc lớn trong khi nhiều người sáng tác cũng bị phân tâm trước việc kiếm sống vì họ làm nghề và nuôi nghề độc lập, không có nguồn thu nhập ổn định?
- Đúng là có thực tế xã hội đã khác, đông đảo, đa dạng hơn về thành phần. Như hôm nay, trước khi gặp chị, tôi ở trong Ban Giám khảo chấm giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, mới xem bốn phim đầu tiên thì thấy mỗi tác phẩm tìm tòi, khai thác theo hướng đề tài với phong cách làm phim hoàn toàn khác nhau, chưa biết xem hết các phim thì còn thấy thế nào…
Thế hệ chúng tôi đã trải qua những thời kỳ mà cả xã hội như đắm mình trong hào khí chung của dân tộc, "cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục" (lời bài hát "Đường ra mặt trận", nhạc sĩ Huy Du, phổ thơ Chính Hữu - PV) nên dù có nhiều vất vả, gian lao nhưng cũng có cái thuận lợi riêng. Nay, hào khí chung ấy đôi khi không được vang vọng nữa, trăm người trăm ngả dưới bầu trời hội nhập thế giới nên đây vừa là lợi thế vừa là khó khăn…
Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, tinh thần tự nguyện cống hiến và sáng tạo hướng đến nhân dân vẫn là cốt lõi của cốt lõi làm nên tác phẩm có tầm vóc, hoàn thành sứ mệnh của người sáng tạo văn học nghệ thuật. Tinh thần ấy không khác gì tinh thần tự nguyện của thế hệ cha anh đã gia nhập đội ngũ văn nghệ sĩ song hành cùng đất nước, nhân dân qua các thời kỳ cách mạng. Từ tinh thần ấy, mới có những áng văn chương, những bài ca, tiếng hát góp phần trực tiếp làm nên biết bao kỳ tích của dân tộc.
Không có một tác giả, nghệ sĩ tài năng nào lại không yêu đất nước mình, dân tộc mình, Tổ quốc mình. Họ đi vào cuộc sống, hòa mình với cuộc sống và nhân dân ở nhiều góc độ. Với tình yêu ấy, họ sẽ biết cách phát huy đóng góp của mình cho Tổ quốc bằng và thông qua tác phẩm.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, để có tinh thần tự nguyện như vậy cũng cần phải có sự giáo dục và tự giáo dục để có được nhận thức mới, trước tiên là của một công dân trong thời đại mới, về trách nhiệm xã hội của mình.
"Người tạc tượng", tác giả Đỗ Nhuận - một trong những vở opera được công diễn đầu tiên sau năm 1975, đã được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng lại với phần biên tập âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Ảnh: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam |
Gỡ vướng mắc cơ chế, tiếp động lực cho sáng tạo
- Thưa ông, có một thực tế khác là trong bối cảnh kinh tế thị trường, các tác giả văn học nghệ thuật cũng không dễ dàng đưa tác phẩm bề thế, tâm huyết của mình tới công chúng vì họ không còn nguồn lực tài chính đầu tư cho trưng bày hoặc trình diễn, sản xuất tác phẩm sau khi đã dồn mọi thứ cho sáng tác. Tác phẩm cứ mãi ở trong xưởng, trên bàn giấy thì thật khó phát huy được giá trị, thưa ông?
- Chị đang đề cập đến một khía cạnh, đúng là rất hóc búa đối với giới văn nghệ sĩ chúng tôi.
Nhân đây, tôi muốn nhắc lại câu chuyện: Năm 2021, Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là một chủ trương rất đúng đắn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho lực lượng sáng tạo yên tâm sáng tác trong một thời gian nhất định, có điều kiện vật chất để đi thực tế ghi chép từ cuộc sống là chất liệu cho tác phẩm, đặc biệt là trong đó có hỗ trợ công bố tác phẩm mới. Tuy nhiên, quá trình thể chế hóa để thực hiện Chương trình này lại gặp rất nhiều vướng mắc, làm chậm lại, kéo dài quy trình thủ tục, phần nào làm nản lòng giới văn nghệ sĩ vốn rất tinh tế và nhạy cảm trước cái thực, cái vật chất, trước đồng tiền. Tôi lấy thí dụ: khi triển khai Chương trình này, cơ quan quản lý nhà nước đề xuất phía văn nghệ sĩ phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho việc sáng tác, cho tác phẩm, nhưng chúng tôi nói không thể có cái định mức như vậy trong sáng tạo được. Thảo luận qua lại rồi cũng đạt sự đồng thuận nhưng lại thay thế bằng định mức chi cho tác phẩm văn học nghệ thuật. Chúng tôi thấy rất khó khăn, căn cứ vào đâu để đề ra mức chi từng này tiền hỗ trợ cho một bài hát, một bức tranh, một vở nhạc kịch…? Thêm bao khó khăn khác, cho đến hiện tại, Chương trình nói trên chưa triển khai được là bao trong thực tế.
- Nhân đây, ông có thể chia sẻ đánh giá khái quát của ông về hiệu quả xã hội của việc sử dụng nguồn ngân sách mà hằng năm, Nhà nước, Chính phủ luôn dành đầu tư cho tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao, thông qua hệ thống các giải thưởng cấp khu vực và quốc gia, các đặt hàng sáng tác?
- Còn nhiều hạn chế trong việc giúp lan tỏa các tác phẩm này. Để đánh giá một tác phẩm thế nào là lớn sau khi đưa nó ra được với công chúng thì phải cần thời gian để chứng nghiệm sự lan tỏa của nó trong xã hội, để nó chứng tỏ sức sống, sinh lực, khẳng định giá trị của mình. Nhưng để có sự lan tỏa ấy lại cần một sự quảng bá liên tục, lặp đi lặp lại, bằng nhiều phương thức song việc này tiếc là chưa được nhìn nhận rộng dài để tiếp tục có cơ chế đầu tư đúng cách. Bằng chứng nhãn tiền là chúng ta thấy nhiều bộ phim, bản nhạc giao hưởng, vở nhạc kịch được nhà nước đặt hàng tiền tỷ nhưng chỉ công diễn một, hai buổi là dừng lại. Cứ như thể chỉ cần làm ra tác phẩm, công diễn để hoàn thành một nhiệm vụ, một hợp đồng, một công tác tài chính là xong nên dẫn đến lãng phí chính những tác phẩm, những tâm huyết của văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ cần có sự thay đổi ở chỗ này, tức là cần có cơ chế cho việc quảng bá, tổ chức khán giả, tổ chức dư luận để tạo nên một âm vang cho tác phẩm đã được nhà nước tin tưởng văn nghệ sĩ và đặt hàng; ở đây, có thể cần một sự hợp lực của xã hội thông qua xây dựng hệ thống các quỹ xã hội hóa cho văn học nghệ thuật với một hành lang pháp lý chặt chẽ làm nền tảng để tránh biến quỹ thành công cụ của một ai đó, một cá nhân nào đó.
Song song với đó là cần sự quản lý chặt chẽ hơn về đời sống văn hóa nghệ thuật, giảm tình trạng một bộ phận văn nghệ sĩ chạy theo kinh tế, lợi dụng cơ hội xã hội hóa và tự do trong sáng tác văn học nghệ thuật để làm giàu bằng các chiêu trò phi thẩm mỹ cả về hình thức nội dung tác phẩm, tác phong, trang phục biểu diễn, mánh lới truyền thông, tiếp thị, xâm phạm bản quyền trắng trợn… Những chiêu trò này để lại nhiều di hại về thẩm mỹ xã hội và đặc biệt là ít nhiều làm mất đi nền nếp vận hành một cỗ máy văn hóa của đất nước vốn rất cần sự cẩn trọng và trách nhiệm.
- Thưa ông, như vậy có thể nói để có được nhiều hơn nữa những tác phẩm xứng với tầm vóc lịch sử dân tộc, cần có một sự hợp lực của toàn xã hội, trong đó, việc thể chế hóa các chính sách là một lực đẩy quan trọng?
- Như tôi đã nói, giới văn nghệ sĩ là những người tinh tế, nhạy cảm trước cái thực và cũng có cả phần tự ái cao nữa (cười). Vì vậy, lực đẩy đó quan trọng nhưng cần được vận hành đúng cách, đúng hướng. Cần có một chiến lược đào tạo đội ngũ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này để có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, vị thế của văn nghệ sĩ trong sự phát triển của đất nước; họ góp phần vào xây dựng thế giới tinh thần của con người, xây dựng con người mới với những phẩm chất và chuẩn mực mới trong thời đại mới, thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở!