Năm 2022, Lê Văn Sơn có tác phẩm được chọn vào vòng Top Final (chung khảo) của giải thưởng Landtag Kunstpreis Nordrhein-Westfalen (Giải thưởng Nghệ thuật của Quốc hội bang Nordrhein-Westfalen) và được trưng bày tại Nhà Quốc hội của bang này. Đây là thành tích nghệ thuật quan trọng, giúp anh dần được biết đến trong hệ thống các gallery uy tín ở Đức.
Lê Văn Sơn đã và đang trải qua một quá trình dài âm thầm, liên tục thể nghiệm, trong đó chất liệu sơn ta đã luôn là một lực hấp dẫn mạnh mẽ, truyền động lực cho anh. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng anh bên lề triển lãm.
Ngấm nhiều thất bại
- Kèm theo quyết định định cư cùng gia đình nhỏ ở Đức là quyết định theo học cao học về nghệ thuật thị giác của anh tại đất nước này. Lý do cốt lõi khiến anh theo đuổi việc học này là gì, bởi tôi có thể hình dung phần nào những khó khăn mà anh phải trải qua do khoảng cách về ngôn ngữ, đặc biệt là phương pháp đào tạo cũng như phương pháp tư duy về nghệ thuật?
- Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế, năm 2008, tôi cũng đã có một khoảng thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là ở Hà Nội, nơi tập trung nhiều giao lưu nghệ thuật quốc tế cũng như các nghệ sĩ trong nước giàu tinh thần thể nghiệm. Tuy nhiên, tôi cảm thấy dường như tôi mới chỉ đang chạm tới hình thức của những hướng thể nghiệm này chứ chưa thấm hiểu được căn nguyên của chúng. Để trả lời câu hỏi ấy với tất cả sự tò mò, tôi quyết định gác lại mọi thứ mà bản thân cảm thấy đã có trong nghệ thuật để học tiếng Đức trong ba năm liền, ngay sau khi cùng gia đình định cư ở Đức (vợ của họa sĩ Lê Văn Sơn là chị Kerstin Schiele, tiến sĩ về Đông phương học, hiện làm việc tại Đại học Công nghệ, Nghệ thuật và Khoa học TH Koln-PV). Năm 2018, tôi trúng tuyển hệ cao học về nghệ thuật thị giác tại Đại học Nghệ thuật và Khoa học xã hội Alanus Hochschule (Alanus Hochschule fur Kunst und Geseschaft), dưới sự hướng dẫn của giáo sư Michael Reisch, cũng là một nghệ sĩ thị giác nổi tiếng ở châu Âu.
Như chị cảm nhận, khó khăn là nhiều khôn kể. Bên cạnh việc phải sử dụng tốt tiếng Đức để học được về nghệ thuật ở đây, tôi còn phải vượt qua sự khó tính vô cùng của vị giáo sư khả kính, sự khó tính đúng là làm cho tôi tốt lên thôi nhưng lúc này đây, nhớ lại, tôi vẫn không khỏi cảm giác chạnh lòng xen bồi hồi. Với ông, luôn là lời phê bình: chưa được, phải làm lại, cần tốt hơn...
- Có len lỏi chút cảm giác chua xót bởi vương vất sự thất bại mỗi khi nghĩ lại những năm tháng là một nghệ sĩ hoạt động sôi nổi ở trong nước, phải không? Việc học như vậy cũng là dự báo cho một sự cạnh tranh khốc liệt trong môi trường nghệ thuật ở đó. Anh đã phải cân nhắc lại từng bước đi của mình như thế nào giữa môi cảnh nghệ thuật hoàn toàn khác biệt ấy?
- Tôi hiểu là phải rèn luyện bản thân thật kỷ luật và lý trí trong công việc. Tôi bắt đầu bằng việc xây dựng cho bản thân một hệ thống lý thuyết tạo hình riêng, khởi đi từ lý thuyết hình học phân dạng mà thật ra chính là những hình nét cơ bản sẵn có trong tự nhiên, phù hợp với tầm nhận thức của bản thân cũng như ngôn ngữ biểu đạt trừu tượng mà tôi lựa chọn. Đa dạng các khối hình toàn vẹn hay phân mảnh ấy cho phép tôi thể hiện được sự không giới hạn trong tương tác giữa tác phẩm mỹ thuật với không gian, giữa các không gian trong và ngoài tác phẩm, mở ra đa chiều cảm nhận của người đối diện, cũng là đa chiều không gian từ nội tâm con người dẫn đến các vùng tưởng tượng khác...
Ở bên này, nếu muốn tiếp tục thể nghiệm với sơn ta, tôi phải tự tìm gỗ, xẻ tấm và tự làm vóc, rồi tự giải quyết tất cả mọi công đoạn với chất liệu khó tính này trong điều kiện khí hậu châu Âu hoàn toàn khác. Từng mũi khoan, vết đinh đóng trên tác phẩm... cũng phải tự làm toàn bộ. Các chất liệu quen thuộc của châu Âu, như sơn dầu, acrylic thì dễ dàng cho việc khai triển hơn nhiều lần và tôi cũng đồng thời làm việc với các chất liệu này. Nhưng sơn ta vẫn là chất liệu mà tôi thật sự muốn đi cùng. Sơn ta kích thích tôi mở rộng các biên độ tương tác với không gian một cách mạnh mẽ.
Không ngừng thể nghiệm với sơn ta
- Chứ không phải là vì đây còn là chất liệu mỹ thuật độc đáo của Việt Nam mà nhờ nó, anh muốn thể hiện điều khác biệt của cá nhân giữa thế giới nghệ thuật phương Tây nơi anh đang sinh sống?
- Chà, tôi phải thừa nhận là tôi có suy nghĩ ấy. Nước Đức có một bảo tàng dành riêng cho sơn mài nhưng là giới thiệu sưu tập đồ sộ mỹ nghệ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, một số nước khu vực Trung Đông, trong đó có những món đồ được làm từ thế kỷ thứ 5, tinh xảo vô cùng..., song không hề có món đồ nào đến từ Việt Nam. Trong khi đó, ở nước mình, ta đã tự hào có một nền hội họa sơn mài... Bản thân tôi đã tốt nghiệp đại học với chuyên ngành Sơn mài dưới sự hướng dẫn của người thầy, họa sĩ sơn mài gạo cội Trương Bé. Tôi thiển nghĩ, mình cũng nên làm gì nữa chứ...
Nhưng làm gì thì làm, ở Đức, tôi phải quay trở lại với phần nền tảng lý thuyết tạo hình căn cơ nhất. Người sáng tạo phải bắt đầu từ một ý tưởng, một chặng đường ý niệm, rồi thành thục với hội họa trên bề mặt không gian phẳng hai chiều, dần từng bước tiến đến mở không gian ba chiều và nhiều chiều hơn nữa, giao thoa với điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt... Đó là một vòng xoáy trôn ốc tiệm tiến đến nấc bậc mới trong tư duy sáng tạo nghệ thuật chứ tôi không thể đốt cháy giai đoạn một cách hồ hởi như khi còn ở Việt Nam được.
- Trong khi sơn ta được pha chế theo kinh nghiệm thuần túy của người Việt, nhưng anh vẫn có nó để sáng tác giữa một môi cảnh nghệ thuật đầy yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn kỹ thuật cho chất liệu tạo hình như ở Đức, châu Âu. Điều này khiến tôi rất tò mò, anh đã làm thế nào?
- Về việc để đưa được chất liệu sơn ta sang Đức, đó là sự kỳ công với giúp đỡ rất nhiều từ những người bạn trong nước. Với các mầu pha chế khác, như vàng, bạc hay các màu khoáng từ tự nhiên, tôi đều phải mua tại châu Âu. Cách duy nhất để vượt qua là thể nghiệm không ngừng, bị sơn "ăn" nhiều lần, trái ngược hẳn khi ở Việt Nam.
- Thể nghiệm là cụm từ được anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện của chúng ta. Anh hiện là một nghệ sĩ toàn thời gian ở Đức và lựa chọn này, có lẽ không thực tế cho lắm về mặt đời sống vật chất?
- Đúng. Khó khăn. Giữa hàng nghìn, hàng chục nghìn người lựa chọn nghệ thuật để dấn bước như tôi ở đây, có lẽ chỉ có chưa đến một phần trăm số người đạt tới thành công cả về thương mại. Nhưng nhìn lại gần 10 năm đã qua, kể từ khi tôi bắt đầu xác định chú tâm học tiếng Đức để đi học lại về nghệ thuật ở đây, tôi đã qua được nấc số 0 rồi (cười).
- Anh đang nuôi hy vọng điều gì cho vị thế của bản thân trong thế giới nghệ thuật thị giác rộng lớn này ở thì tương lai?
- Tôi chỉ có thể nói, phải tin tưởng vào sự bền bỉ của chính mình. Bên cạnh công việc sáng tạo của cá nhân, tôi cố gắng cùng một số người bạn nghệ sĩ lập nhóm giám tuyển độc lập để tổ chức giới thiệu triển lãm nhóm tác phẩm của nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ đang lên ở trong và ngoài nước Đức. Năm 2022, chúng tôi đã có triển lãm đầu tiên, nhan đề Promised Land (nhóm ArtCrossingOver), được Trung tâm văn hóa Alten Pfandhaus, thành phố Cologne, chấp thuận trưng bày. Hiện tại chúng tôi đã được chấp thuận một sự kiện tiếp theo cho năm 2025. Đây là nơi để tôi hy vọng sẽ giới thiệu được nghệ sĩ và tác phẩm đến từ Việt Nam mình.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở!
Nghệ sĩ Rosemarie Bassi, chủ Gallery, cùng họa sĩ Lê Văn Sơn trong buổi Trò chuyện nghệ thuật với những chia sẻ chuyên môn về chất liệu sơn ta Việt Nam dành cho các khách mời mục tiêu của Gallery, ngày 4/8/2024. Ảnh: NVCC |