Chị là tác giả của hai cuốn sách: "Lịch sử chữ quốc ngữ" (1615 - 1919) - được đánh giá là "cuốn sách đầy đủ nhất về vấn đề này" và "100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ". Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với chị về những phát hiện, lý giải rõ hơn quá trình hình thành và xác lập vị thế của chữ quốc ngữ - một giá trị đặc sắc trong nền văn hóa Việt Nam.
TS Phạm Thị Kiều Ly |
Bước đường sáng tạo và hoàn thiện một công cụ hữu ích
- Thưa TS Phạm Thị Kiều Ly, từ những nghiên cứu của chị, quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống ký tự ghi các âm của tiếng Việt bằng mẫu tự Latin có điều gì đặc sắc?
- Chúng ta cần đặt sự khởi đầu của quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ trong bối cảnh trào lưu chung của ngữ học truyền giáo. Khi các linh mục người châu Âu được phái đi truyền giáo tại các châu lục Mỹ, Á, Phi, do cần học tiếng bản địa, họ đã ghi các âm và biên soạn ngữ pháp của những ngôn ngữ đó bằng ký tự Latin.
Bắt đầu từ năm 1615, khi lần đầu các giáo sĩ Dòng Tên tới Đàng Trong, họ đã học tiếng Việt từ người bản xứ. Francisco de Pina, giáo sĩ người Bồ Đào Nha, người soạn bản từ vựng đầu tiên năm 1619, đã nhờ người Việt đọc lớn tiếng các âm Việt để ông phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha. Còn Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo người Avignon, học tiếng Việt của một em bé 13 tuổi theo như chính ông ghi lại. Nhưng có lần ông nhờ người giúp việc mua Cá, nhưng lại nhận được một rổ Cà (!), ông hiểu là đã phát âm sai. Hay lần khác, ông bảo người giúp việc đi chém tre nhưng trẻ con trong nhà chạy toán loạn vì tưởng linh mục sai chém trẻ con (!)… Khó khăn cần vượt qua của các nhà truyền giáo khi học tiếng Việt chính là chuyển từ vùng ngôn ngữ nhấn mạnh trọng âm đến một ngôn ngữ bản địa có thanh điệu như một bản xướng âm. Nhưng vượt qua những khó khăn đó, Alexandre de Rhodes đã soạn được văn phạm tiếng Việt rồi in cùng với cuốn Từ điển Việt - Bồ-La tại Roma năm 1651.
- Cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, chữ quốc ngữ cũng có một "số phận" và vị thế khác biệt?
- Bên cạnh một nền giáo dục mới được thiết lập với sự xuất hiện các trường của người Pháp, chữ quốc ngữ được coi là nền tảng để hình thành và phát triển báo chí, xuất bản ở Việt Nam ngay từ nửa cuối thế kỷ 19 bởi chính người Việt Nam. Chúng ta hẳn còn nhớ ấn bản đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Gia Định báo ra mắt năm 1865 tại Nam Kỳ. Sau đó, nhiều tờ báo của người Việt cũng đóng vai trò phổ biến chữ quốc ngữ và giáo dục kiến thức cho dân chúng. Vị thế của chữ quốc ngữ tiếp tục được khẳng định qua Phong trào Duy Tân (1906-1908) và trường Ðông Kinh nghĩa thục (1907) chủ trương dạy chữ quốc ngữ, dùng chữ quốc ngữ phổ biến kiến thức cho quần chúng bình dân để "khai dân trí, chấn dân khí...". Hội truyền bá quốc ngữ trong những năm 1938 - 1945 đã phổ biến chữ quốc ngữ cho hàng vạn quần chúng. Cùng với đó là sự thắng thế tuyệt đối của chữ quốc ngữ trong địa hạt văn học, đặc biệt qua phong trào Thơ mới và trào lưu hiện thực phê phán (1930-1945) quy tụ những nhà thơ, nhà văn sáng tác theo lối mới hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ. Sau khi Việt Nam giành lại độc lập năm 1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào xóa nạn mù chữ rộng khắp, và tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho người dân mọi tầng lớp, lứa tuổi.
Các nghiên cứu của tôi nhìn nhận chữ quốc ngữ đã trở thành cây cầu nối Việt Nam với thế giới hiện đại, là "bản lề" cho sự canh tân văn hóa. Vai trò của chữ quốc ngữ dần biến đổi - từ một công cụ để học tiếng Việt của các giáo sĩ phương Tây, tới công cụ giao tiếp và học tập giữa các thừa sai phương Tây và những chủng sinh người Việt, rồi dần giữ vai trò công cụ mang tri thức khoa học và xã hội cho đại chúng và biến thành văn tự chính thức.
Những hệ quả/kết quả vượt ngoài dự tính và những điều mong muốn
- Tác dụng rồi vị thế tăng lên của hệ thống chữ viết mới có lẽ nằm ngoài mọi hình dung của các thế hệ nhà truyền giáo phương Tây và chính quyền thực dân Pháp tại Việt Nam, thưa chị?
- Việc đào tạo giáo sĩ của giáo hội nhất thiết phải bao gồm việc học tiếng Latin. Nhưng tiếng Latin rất khó học nên các giám mục người Pháp để các chủng sinh người Việt học cách viết tiếng Việt bằng ký tự Latin (chữ quốc ngữ). Đây được coi như một "bước đệm" để học tiếng Latin dễ hơn. Chúng tôi cho rằng, ở Việt Nam, nếu không có những biến cố chính trị-xã hội, giáo dục thì số phận chữ quốc ngữ cũng sẽ giống như khoảng 140 kiểu chữ viết đã rơi vào quên lãng mà các nhà truyền giáo Dòng Tên đã tạo ra cho các ngôn ngữ bản địa trên thế giới. Khi xảy ra quá trình xâm lược và thực dân hóa ở Việt Nam, quả thật, sự thay đổi chữ viết kéo theo sự đứt gãy về văn tự và (rộng hơn là) văn hóa. Người Việt đã phải đối diện với cuộc thay đổi các loại văn bản và cách thức học tập. Tuy nhiên, cần xem xét vấn đề này cụ thể trong từng giai đoạn và dưới các góc nhìn khác nhau.
Khi so sánh số phận chữ quốc ngữ với các trường hợp Trung Quốc, Nhật Bản hay gần hơn là với Lào và Campuchia, chúng ta sẽ nhận thấy việc chuyển chữ quốc ngữ thành chữ viết chính thức là thành quả của hai ý chí song song: Ý chí của giới cầm quyền thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ hơn, muốn xích hai nền văn hóa Việt-Pháp lại gần với nhau cùng với ý chí của tầng lớp sĩ phu Việt Nam, coi chữ quốc ngữ là công cụ để nâng cao dân trí và tinh thần dân tộc.
Ưu điểm của chữ quốc ngữ là dễ học, dễ nhớ. Người học chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc, biết viết, trong khi cần 10 năm để nắm vững chữ Hán theo lối giáo dục cũ. Mặt ích lợi của loại chữ mới này là giảm thời gian học so với chữ tượng hình. Nhờ đó người dùng chữ quốc ngữ có thể dành nhiều thời gian hơn để tiếp thu những kiến thức khoa học mới trong trường học. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh: Chữ viết chỉ là công cụ để truyền tải tri thức. Chương trình giáo dục hiện đại hơn, cùng sự bùng nổ của báo chí và ngành xuất bản mới đã giúp những người Việt cấp tiến tiếp nhận được nhiều tư tưởng và tri thức tiến bộ thông qua hệ thống chữ viết mới của mình.
Theo tôi, chính chương trình học mới, các khái niệm mới, mà người học được tiếp cận trong môi trường tân học đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc phát triển trong thời kỳ đầu thế kỷ 20 với những câu hỏi về quyền con người, về Tổ quốc, về độc lập, tự do, dân chủ... Chữ quốc ngữ đã vượt khỏi phạm vi nâng cao dân trí mà đã trở thành công cụ đắc lực giúp khai phóng tư tưởng, cổ động tinh thần yêu nước và ý thức về quyền con người. Điều này nằm ngoài ý muốn của các nhà cầm quyền thực dân.
- Hẳn là hành trình nghiên cứu về chữ quốc ngữ của chị sẽ vẫn còn tiếp tục? Cùng với đam mê và sự kiên trì của bản thân, chị có mong muốn gì thêm?
- Di sản tư liệu chữ quốc ngữ và các tư liệu liên quan đến Việt Nam thời truyền giáo rồi thời thực dân còn nằm rải rác ở các kho lưu trữ tại Propaganda Fide (Roma), tại Vatican, tại Lisbon (Bồ Đào Nha), tại Avila (Tây Ban Nha), tại Paris, Aix-en-Provence, Lyon (Pháp)... Chúng tôi mong muốn tiếp cận các kho lưu trữ đó, thỏa thuận với các cơ sở lưu trữ để số hóa khối tư liệu này. Mục đích của chúng tôi là "hồi hương" dần những tư liệu còn nằm ở các kho lưu trữ nước ngoài về Việt Nam. Đây là một dự án dài hơi, mất nhiều công sức, nhưng cần thiết để các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu gốc mà không phải mất công đi xa… (cười).
- Xin cảm ơn Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly về cuộc trò chuyện thú vị này!