- Được biết, anh vừa hoàn thành dự án âm nhạc cổ điển "Giai điệu Nga-2024", với ba đêm diễn tại Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, cùng hai masterclass về thanh nhạc. Hàng loạt tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng, dân ca Nga, cùng những tác phẩm trong thời kỳ Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô viết đã mang đến cho khán giả Việt Nam nhiều trải nghiệm thú vị. Anh có hài lòng về dự án?
10 năm học ở Nga, trong tôi thấm đẫm các giai điệu mang tâm hồn Nga. Với tour diễn đầu tiên, khi mang không gian nhạc cổ điển Nga về Việt Nam, tôi chú trọng vào những điều mà mình sẽ làm tốt nhất.
Để thực hiện chương trình, tôi bỏ một phần tiền túi của mình, phần còn lại xin tài trợ và có sự đồng hành, giúp đỡ của những đơn vị khác. Ngoài Hà Nội, việc khán giả Đà Nẵng và Huế cũng đón nhận, lấp đầy khán phòng khiến tôi có đôi chút bất ngờ. Nói chung, tôi thật sự hài lòng.
Tôi luôn tâm niệm, nhạc cổ điển như "tấm danh thiếp lịch thiệp" của mỗi quốc gia, giúp ích nhiều trong ngoại giao quốc tế. Tại nhiều quốc gia, nhạc cổ điển có chỗ đứng rất vững chắc. Chính sách phát triển văn hóa Việt Nam cũng nhấn mạnh: Vừa phải bảo tồn âm nhạc truyền thống, vừa tiếp thu những giá trị của nhân loại. Đi diễn rồi tôi mới thấy, khu vực miền trung Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện để phát triển âm nhạc cổ điển, cả cơ sở vật chất, lẫn trao đổi học thuật.
- Từng biểu diễn ở nhiều nước, anh thấy họ có những cách thức nào để phát triển âm nhạc cổ điển?
Một yếu tố rất quan trọng là phải tạo khẩu vị cho người nghe, tức là hướng dẫn khán giả cách nghe, cách thưởng thức. Tôi từng diễn tour ở Nhật Bản. Nhiều buổi diễn được tổ chức ở những địa phương nhỏ, nằm cách xa các thành phố lớn. Ở đó, họ có cách "bắc cầu" cho nhạc cổ điển rất hay. Cụ thể, trong nhiều đêm diễn, khán giả được nghe từ những bài hát, giai điệu quen thuộc, rồi mới giới thiệu sang những tác phẩm khác.
Tôi nhớ, một lần tôi biểu diễn ca khúc có phần giai điệu được sử dụng trong quảng cáo của một công ty nước giải khát ở Nhật Bản. Khi nghe tôi hát, đến đoạn giai điệu quen thuộc và nổi tiếng đó, khán giả đứng dậy vỗ tay không ngớt. Và buổi diễn đã diễn ra thành công. Tôi cho rằng, Nhật Bản có cách tạo niềm hứng thú cho khán giả sâu sắc. Trong khi đó, nhiều đêm nhạc cổ điển ở Việt Nam, dàn nhạc và ca sĩ chơi những nhạc phẩm còn hơi xa lạ với khán giả.
- Thực tế, ở Việt Nam, nhạc cổ điển vẫn kén người nghe, so các dòng nhạc khác. Vậy theo anh, Việt Nam có lợi thế gì để phát triển dòng nhạc này?
Nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam chứa đựng rất nhiều giá trị lớn. Một số tác phẩm opera đầu tiên của Việt Nam, như vở Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, chứa nhiều giá trị cổ truyền Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những người tiên phong đưa nét độc đáo của âm nhạc Ngũ cung Việt Nam vào opera. Ngũ cung của Việt Nam rất hay. Thậm chí, khi tôi hát ở nước ngoài, khán giả cảm nhận giống như là kiểu âm thanh từ thiên đường, rất êm dịu. Tôi nghĩ mầu sắc của Ngũ cung Việt Nam là cả một kho báu quý giá.
Với nhiều người, âm nhạc cổ điển đang là một trong những công cụ hữu ích để truyền bá văn hóa dân tộc. Nhiều nhạc sĩ Việt Nam cũng đã kết hợp các nhạc sĩ nước ngoài để cùng tạo ra những tác phẩm mới mẻ, có tính giao thoa giữa các nền văn hóa, trong đó quảng bá được âm nhạc dân gian Việt Nam. Dù vậy, để nhạc cổ điển phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam, cần thêm nhiều nỗ lực từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân chung tay. Và quan trọng hơn, phải có lộ trình cụ thể, nhằm phát triển, quảng bá bản sắc dân tộc thông qua nhạc cổ điển. Để làm được điều đó, theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng là công tác trao đổi học thuật giữa các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài phải diễn ra thường xuyên hơn nữa.
- Là người tâm huyết với âm nhạc Việt Nam, anh đã có dự định gì cho thời gian tới?
Tôi đang có một vài kế hoạch. Sắp tới biểu diễn ở châu Âu, tôi dự định trình diễn dân ca Việt Nam bằng hình thức cổ điển. Thí dụ, có một số ca khúc, như Lý ngựa ô Huế, Bèo dạt mây trôi, Đi cấy, Qua cầu gió bay quen thuộc với người Việt, nhưng còn lạ lẫm với khán giả châu Âu, song họ vẫn đón nhận nồng nhiệt.
Tôi nghĩ cần chọn những bài dễ nghe trước, tạo thích thú, tò mò cho khán giả, từ đó họ tự tìm hiểu sâu hơn. Tôi cũng sẽ tận dụng những chuyến lưu diễn để chăm chú học hỏi cách người nước ngoài làm việc, phát triển, quảng bá âm nhạc. Với kiến thức đó, tôi hy vọng có thể góp phần nhỏ sức mình để cùng cộng đồng phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam, quảng bá rộng rãi hơn văn hóa dân tộc ra bạn bè quốc tế. Khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, tôi muốn trở về Việt Nam làm việc, cống hiến, dù thực tế có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài.
- Quyết định trở về Việt Nam làm việc, ngoài các cơ hội chờ đợi, còn vì yếu tố nào khác không?
Gia đình tôi ở Quảng Bình, miền trung nắng gió. Nghĩ về quê hương, tôi luôn nghĩ về những điều bình dị. Chẳng hạn, nhiều khi đi nước ngoài lâu, mình nhớ sắn, nhớ khoai. Đấy là tuổi thơ của mình. Tôi muốn về nước, cũng là vì muốn được gần gũi với gia đình.
Tôi luôn nghĩ, ở lại nước ngoài làm việc là quyết định để sung sướng cho cuộc đời mình thôi. Nhưng như thế hơi ích kỷ. Để mà sống ích kỷ với cuộc đời này thì dễ lắm. Sống sao cho ý nghĩa mới khó. Ngạn ngữ Nga có câu: "Nơi sinh ra luôn là nơi tốt nhất cho mình". Đã nhận rất nhiều từ quê hương, đất nước mình để ra nước ngoài học tập, tôi coi đó là món nợ quê hương. Một món nợ cần cống hiến để trả ơn. Nói như thế, cũng không có nghĩa ở nước ngoài thì là vô ơn với quê hương. Làm việc ở đâu cũng là làm việc. Quan trọng nhất là công việc của mình có giúp ích được cho quê hương không, có cống hiến được gì cho Tổ quốc mình không.
Hiện tại, tôi thấy thoải mái với đam mê. Tôi còn ấp ủ nhiều dự định, như việc mở một cơ sở để tăng cường hợp tác với nước ngoài, tạo thêm nguồn lực phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Tôi thật sự mong cuộc đời mình mang lại cho quê hương một chút giá trị nhỏ.
- Xin cảm ơn anh!