Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân:

Tôi chỉ có sự hào hứng và thể nghiệm

Vở opera “Vầng trăng Điện Biên” vừa được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam hoàn thành. Dù không kịp ra mắt vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) nhưng tác phẩm được nhạc sĩ kỳ vọng sẽ chuyển tải được âm hưởng hào hùng của một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Tôi nghĩ tôi đã hoàn thành nhiệm vụ

- Thưa nhạc sĩ, cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc sáng tác bản opera “Vầng trăng Điện Biên”?

- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các giới, các ngành, đặc biệt là giới văn học nghệ thuật đều hướng tới chủ đề lớn để sáng tạo. Nói về cơ duyên thì cách đây khoảng nửa năm, nhà văn Châu La Việt có gửi đến tôi cuốn tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của anh, với mong muốn rằng, tôi sẽ chuyển thể nội dung cuốn tiểu thuyết của anh sang hình thức nhạc kịch opera. Anh từng là một người lính trong thời kháng chiến chống Mỹ và nay, là một nhà báo. Tôi đã nhận lời viết tác phẩm này với tư cách là tác giả âm nhạc.

Đây là vở nhạc kịch thứ hai mà tôi viết, sau vở “Lá đỏ”, năm 2016. Lý do thì có nhiều, song điều tôi thấy hứng thú với kịch bản văn học là nhà văn Châu La Việt đã khai thác về Chiến thắng Điện Biên Phủ ở góc nhìn mới, nói về các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên năm xưa là các văn nghệ sĩ, như là văn công, nhà báo, nhà thơ, họa sĩ. Đây là lực lượng quan trọng, cổ vũ tinh thần của quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và thật may mắn, vở opera do tôi viết đã nhận được đề xuất đưa vào danh sách các tác phẩm đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Ông đã viết trong tâm thế như thế nào?

- Nội dung của vở opera là dựng lại những chân dung các văn nghệ sĩ, như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, những người chỉ huy âm nhạc… Họ là bộ phận dùng văn nghệ phục vụ trực tiếp chiến hào.

Nhân vật trung tâm của vở là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông là một người lính đồng thời là nhạc sĩ sáng tác. Vở diễn sẽ lý giải cho khán giả ngày nay hiểu tại sao lại có những bài thơ, bài hát được sáng tác ngay tại chiến trường. Cũng trong vở opera, có các nhân vật từng xuất hiện trong các sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận như cô gái Thái trong vở opera “Cô Sao”, hoặc là kỷ niệm gắn bó với ông như cô du kích chèo đò qua sông Thao (nhân vật trong bài hát “Du kích sông Thao”)... Đến sự kiện ngày 7/5/1954, lúc đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận nghe tin Mường Phăng được giải phóng, ông là người đã thức trọn một đêm để viết “Bài ca chiến thắng Điện Biên”.

Câu chuyện trong vở opera đưa khán giả đến với người thật, việc thật, những người đã làm nên các tác phẩm bất hủ với thời gian. Với hào hứng như thế, với đề tài hấp dẫn như thế, đặc biệt là nói về người cha của mình, tôi nghĩ tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.

- Viết một vở opera mà trong đó, nhân vật trung tâm lại là người cha của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông có chịu nhiều áp lực?

- Với một người sáng tác chuyên nghiệp, ai là nhân vật trung tâm không quá quan trọng, dù đó là cha tôi. Vấn đề đối với tác giả ở đây là làm sao khắc họa nhân vật thật tốt và thật đúng. Hơn thế, tác phẩm opera còn phụ thuộc vào diễn xuất của diễn viên. Các nghệ sĩ sẽ làm sống lại các nhân vật trong tác phẩm. Khi sáng tác bản opera này, tôi chỉ có sự hào hứng và thể nghiệm, không có áp lực nào ở đây. Vở opera có ba màn và bốn cảnh, dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ một giờ 20 phút đến một giờ 40 phút.

Tôi chỉ có sự hào hứng và thể nghiệm ảnh 1

Cảnh trong vở Cô Sao, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng. Ảnh: Huyền Nga

Opera không kén khán giả

- Từ lâu, nhiều người luôn mặc định opera là một thể loại âm nhạc kén khán giả bởi tính hàn lâm. Khi viết vở opera “Vầng trăng Điện Biên”, ông sử dụng các thủ pháp nghệ thuật nào để tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng?

- Opera không kén khán giả mà là nhiều khán giả Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận với loại hình đỉnh cao, kết tinh nhất các giá trị của âm nhạc và nghệ thuật sân khấu. Vì thế, với một tác phẩm opera, đề tài dù là lịch sử, chiến tranh cách mạng hay hiện đại, chỉ cần nhạc sĩ viết hay và xúc động, vẫn sẽ hấp dẫn và lôi cuốn người xem.

Ở đây, vấn đề chính là trình độ nghệ thuật, trình độ dàn dựng, biểu diễn cũng như sự quảng bá tác phẩm cần được nâng cao hơn. Mặt khác, trong sáng tác, tùy vào từng nhân vật với những tính cách riêng, nhạc sĩ sẽ sử dụng chất liệu âm nhạc phù hợp với sự thể hiện của họ. Opera là một hình thức âm nhạc độc lập. Dựa theo tính cách của nhân vật, tác giả sẽ chuyển thể lời nói của nhân vật bằng giai điệu. Về âm nhạc, tôi xin được giữ kín để tạo bất ngờ cho khán giả tới thưởng thức.

- Từ trải nghiệm cá nhân, ông thấy thể loại này đặt ra những thách thức gì cho một người sáng tác chuyên nghiệp như ông?

- Thách thức đầu tiên mà opera luôn đòi hỏi ở người sáng tác là tư duy tổng thể. Nhạc sĩ không chỉ có trình độ, sự am hiểu về nhạc không lời, nhạc có lời mà còn cần có kiến thức về dàn nhạc, về thanh nhạc mới có thể dựng lên nhân vật. Đây không phải là một ca khúc, hát lên trong vài phút là hết, mà là một tác phẩm có các nhân vật xuyên suốt, đối thoại trong khoảng thời gian dài cả tiếng đồng hồ. Vì vậy, việc hiểu được quy luật kịch tính, quy luật xây dựng tác phẩm như một tác phẩm sân khấu, đòi hỏi tác giả phải có kiến thức, để liên kết các nhân vật một cách dài hơi và tạo thành một mạch nối, mang tới một thông điệp, một chủ đề nhất định.

- Vừa làm công tác quản lý, vừa làm công việc sáng tác, hẳn là ông đã phải xoay trở vất vả để hoàn thành tác phẩm?

- Tôi vừa làm công tác quản lý, bao quát đời sống văn học nghệ thuật của cả Liên hiệp với 10 hội chuyên ngành cấp trung ương và 63 hội ở tỉnh, thành phố. Và tôi vẫn sáng tác nhiều loại hình âm nhạc khác như ca khúc, nhạc không lời (cười). Vì vậy, tôi không thể ngồi bàn giấy sáng tác liên tục tác phẩm opera này. Nói chung là cứ tranh thủ thời gian giữa công việc hành chính và sáng tạo đan xen. Đây là một vở có sự tích cóp, chắt lọc kể từ khi nhận được mong muốn của anh Châu La Việt vào tháng 2/2023. Chỉ đáng tiếc là do thời gian và điều kiện khách quan, vở diễn không thể ra mắt công chúng đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay. Chúng tôi phải chờ nhiều điều kiện khác về tổ chức, tài chính, thủ tục hành chính... Tôi hy vọng vở sẽ ra mắt vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau (2025).

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về nước, tham gia giảng dạy môn Sáng tác, Phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Nhạc sĩ đã viết nhiều tác phẩm khí nhạc, âm nhạc trong phim, vở diễn sân khấu... Có thể kể tới: “Rhapsodie Việt Nam”, ballet “Hồng hoang”, nocturne “Tiếng vọng”… Tác phẩm khí nhạc của ông đã được biểu diễn tại một số nước trên thế giới. Năm 2012, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật.