Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024)

Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại *

Lịch sử, cho dù đã được nhắc nhớ, được nghiên cứu, tìm hiểu suốt mấy chục năm qua, vẫn luôn có quá nhiều câu chuyện cần phải được kể.
0:00 / 0:00
0:00
Những tấm biển di tích lưu dấu về một thời... chưa xa lắm.
Những tấm biển di tích lưu dấu về một thời... chưa xa lắm.

(tiếp theo và hết)

Kỳ 3: NHỮNG THƯỚC PHIM ĐANG MỜ DẦN...

Trên hành trình tìm lại dấu tích của con đường tiếp vận "có một không hai" của lịch sử dân tộc, chúng tôi chợt nhận ra một thực tế nghẹn lòng: Khi mà tầm vóc vĩ đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ càng trở nên sừng sững trong nhận thức của hậu thế, khi mà sự tôn vinh, tri ân ngày càng được ghi khắc sâu đậm hơn bởi chính những nhận thức về sự hy sinh, sức mạnh và vinh quang của dân tộc, thì, véc-tơ nghiệt ngã của thời gian dường như lại đang tăng tốc, phủ lên ký ức những nhân chứng sống của lịch sử, những chủ nhân đích thực đã làm nên kỳ tích chấn động nhân loại ấy, bức màn sương mờ ảo, khiến cho, có những câu chuyện sẽ không còn cơ hội được kể…

Với Tây Bắc, đến và ở lại

Trong những cựu thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng tôi có cơ hội tìm gặp, hành trình sống và cống hiến cho Tây Bắc của họ còn tiếp tục nối dài sau ngày 7/5/1954 lịch sử, với rất nhiều những hy sinh thầm lặng.

Như cụ Lê Văn Du (sinh năm 1937, thôn Đạt Tiến II, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) là thanh niên xung phong ở đội 34. Trong cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi cụ kể: Hết chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi lại đi làm con đường từ Lai Châu đi Ma Lù Thàng, để chuyển hàng viện trợ từ Trung Quốc sang. Khi đó Hà Nội chưa được giải phóng đâu. Tây Bắc ngày đó "rừng thiêng nước độc", thiếu thốn, sốt rét đã quật ngã nhiều đồng đội. Họ yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thanh niên xung phong ở Chăn Nưa (nghĩa trang liệt sĩ thanh niên xung phong thời chống Pháp duy nhất trên cả nước) nằm cạnh con đường đó - giọng ông chùng xuống. Đến năm 1957, có chủ trương đưa hai vạn thanh niên xung phong về các địa phương phục vụ phát triển kinh tế, nên tôi về quê. Đơn vị tôi cũng về hết.

Còn có rất nhiều thanh niên xung phong đã ở lại với Tây Bắc, như cụ Trần Văn Túy, sinh năm 1931, hiện ở xã Nà Mường (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Theo trí nhớ đã có chút trùng lắp, được nhắc gợi bởi người con trai trưởng cũng theo chân bố rời quê hương Thái Bình lên với Tây Bắc từ năm 1969, cụ Trần Văn Túy đã ở lại Mộc Châu theo sự phân công của tổ chức ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu năm 1955, cụ về quê, cưới người con gái đã ước hẹn từ trước khi đi chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi đưa vợ cùng lên công tác ở Sơn La. Khó khăn, vất vả, nên sau khi sinh người con trai đầu, hai vợ chồng cụ phải gửi con về quê Thái Bình nhờ người em trai nuôi giúp, đến năm 1969 mới đón lên ở cùng bố mẹ. Cụ từng tham gia phục vụ ngành thương nghiệp, chuyên phụ trách việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông nối Sơn La với miền xuôi, rồi chuyển sang công tác trong ngành lâm nghiệp, làm đến Phó Giám đốc Lâm trường 3 rồi nghỉ hưu theo chế độ, đối với cụ và cả đại gia đình có 7 người con gồm 3 trai, 4 gái ấy, Sơn La đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Là những người nhận nhiệm vụ khai mở con đường từ Mộc Châu vào Nà Mường năm xưa, giờ ngôi nhà của cụ Túy vẫn nằm ngay cạnh con đường ấy, nhưng con đường thì đã được trải nhựa to, rộng. Ký ức về những tháng ngày gian khó, hiểm nguy mấy chục năm về trước ấy, giờ vẫn được nhắc nhớ, thỉnh thoảng, trong những câu chuyện kể. Bao gian nan, vất vả, thường được gói gọn lại trong… vài cái lắc đầu. Ở nơi chốn bình yên, ít xáo trộn như Nà Mường này, những nét vẽ của lịch sử cũng đang mờ dần, lặng lẽ…

Những dấu tích chỉ còn… trong sử sách

Trong nhiều cuộc trò chuyện với các nhân chứng lịch sử, và trong nhiều tài liệu nghiên cứu về Điện Biên Phủ của các sử gia, nhân chứng nước ngoài, có một điều được đặc biệt nhắc đến: Những con đường ra trận rộn rã tiếng hò tiếng hát, những tuổi thanh xuân phơi phới và hạnh phúc, khi tìm được lý tưởng sống và được sống, cống hiến cho niềm tin, lý tưởng của mình.

Khi tìm đọc các tài liệu về con đường tiếp vận chiến lược từ hậu phương Thanh-Nghệ lên Điện Biên Phủ năm xưa, chúng tôi xúc động đọc lại lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về những đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong dịp về thăm tỉnh Thanh Hóa lần thứ hai, năm 1957: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó". Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số hơn 200 nghìn lượt người, 27 triệu ngày công; cùng với hàng vạn xe đạp thồ, thuyền ván, xe bò, ngựa thồ… vận chuyển 50% khối lượng lương thực phục vụ chiến dịch. Tính chung các đợt huy động, cả khi dân đang trong thời kỳ giáp hạt, Thanh Hóa đã cung cấp 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, hàng trăm con trâu bò và hàng chục tấn rau, đậu, lạc, vừng…

Nếu có dịp đọc những tài liệu so sánh về nhân lực, vật lực của hai phía tham chiến trong cuộc đọ sức lịch sử ở lòng chảo Điện Biên Phủ năm ấy, sẽ thấy những con số thống kê đó trở nên hết sức sống động, đưa tới sự hình dung về những miền quê nghèo xơ xác mà lại luôn rộn rã tiếng cười, những con người ăn đói, mặc rét nhưng đôi mắt luôn ngời sáng niềm tin, sẵn sàng thắt chặt hơn nữa chiếc dây lưng buộc bụng để dành thêm phần lương thực ít ỏi còn lại ủng hộ cho bộ đội.

Những thế hệ sau có thể sẽ không hiểu hết được, không cảm hết được những xúc cảm hết sức chân thành đó, khi không có được cơ hội trực tiếp lắng nghe và nhìn vào những đôi mắt, khuôn mặt bừng sáng của các chứng nhân lịch sử, những con người đã kiên cường sống vượt qua hai thế kỷ, khi họ nhắc tới mấy tiếng Điện Biên Phủ, như chúng tôi, trong những ngày tháng rất đặc biệt này.

Sự khắc nghiệt của thời gian còn khiến cho nhiều dấu tích, nhiều địa danh gắn với những tháng ngày hào hùng mà cũng đầy bi tráng đó, đã phai nhòa. Những Cành Nàng (Bá Thước), Hồi Xuân (Quan Hóa), Cửa Hà (Cẩm Thủy) của tỉnh Thanh Hóa, rồi Suối Rút (Mai Châu- Hòa Bình)... những nơi chốn từng sôi động, rầm rập bước chân của cả một thế hệ người Việt ưu tú, hừng hực tinh thần yêu nước, cống hiến vượt trên cả sức mình cho cuộc chiến đấu giành lại quyền làm chủ đất đai Tổ quốc mình, giờ chỉ còn lưu dấu bởi những… tấm biển di tích.

Ngay ở các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, sự khó hiểu trong ứng xử của cơ quan chức năng cũng khiến cho những nhân chứng lịch sử và nhiều người dân quan tâm tới di tích cảm thấy băn khoăn, nặng lòng. Đơn cử như tấm bia di tích Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu đang được đặt trên địa bàn xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ). Trên nội dung tấm bia còn ghi rõ: Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu-KM 62, song, sau hai lần di chuyển địa điểm, hiện tấm bia lịch sử này được đặt cách vị trí KM 62: 1 km. Chỉ những người ít nhiều có kiến thức về địa điểm này mới có thể tìm được đến nơi, và muốn vào gần tấm bia thì phải biết… nhảy, do… có một con mương nhỏ ngăn cách quốc lộ với con đường bê-tông dẫn vào tấm bia. Lịch sử luôn cần sự chính xác đến từng chi tiết, vậy nhưng, việc điều chỉnh, thay đổi những thành tố của di tích, mà câu chuyện tấm bia trên đây là một thí dụ, đang khiến cho những ghi chép phần nào trở nên khác biệt so với thực tế.

Tìm lại dấu tích con đường huyền thoại * ảnh 1

Con đường dẫn vào bia di tích Trạm hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu- KM

62.

★★★

Câu cuối trong ca khúc Tình ca Tây Bắc của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã được nhiều giọng hát tên tuổi của đất nước ngân vang: Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân. Trong các cuộc trò chuyện với các nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm xưa, chúng tôi đều được nghe họ nói rằng, đất nước hòa bình như ngày nay là sung sướng quá rồi. Dù còn khó khăn, nhưng hòa bình vẫn là điều may mắn, hạnh phúc nhất. Khi đất nước lâm nguy, mỗi người dân mang dòng máu Việt đều sẵn sàng tận hiến cho Tổ quốc, nhưng thẳm sâu trong mỗi trái tim và ẩn chứa ngay trong sự hy sinh không hề toan tính ấy, là khát khao cháy bỏng về một nền độc lập, tự do, hòa bình vĩnh viễn cho non sông gấm vóc này, cho chính họ và những thế hệ cháu con, cho chính hôm nay!

Có thể, chính họ tự nhận thấy mình may mắn hơn những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên chiến hào, trên những chặng đường hành quân đầy gian lao, hiểm nguy của cuộc kháng chiến. Song, chính họ đang mang tới sự may mắn cho hậu thế, khi vẫn lưu giữ được, và kể lại, để những thế hệ người Việt hôm nay có thể cảm nhận được phần nào niềm tự hào về nguồn sức mạnh vô song của tình yêu đất nước, trong huyết quản mỗi con người Việt Nam, thuở ấy.

Kỳ 1: Những "cột mốc" khí thế và kiêu hãnh

Kỳ 2: Những "bất ngờ lớn" của lịch sử

(*) Xem Nhân Dân cuối tuần từ số 17, xuất bản ngày 28/4/2024.