Xác minh, xử lý từ bằng chứng người dân cung cấp

NDO - Chủ xe ô-tô mang BKS 30G-00.xxx đã bị Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng vì hành vi vượt đèn đỏ. Ðiều đáng nói ở đây là một người dân đã quay clip vượt đèn đỏ của lái xe này trên đường Kim Liên và gửi cho cơ quan công an. Ðây là một cách làm mới để tăng cường phạt nguội...
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nước cho phép người có thẩm quyền xử phạt sử dụng bằng chứng của người dân cung cấp để phạt nguội. Ảnh | Khả Vân
Nhà nước cho phép người có thẩm quyền xử phạt sử dụng bằng chứng của người dân cung cấp để phạt nguội. Ảnh | Khả Vân

Công an TP Hà Nội vừa công khai trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông như: Ô-tô chở quá số người quy định; ô-tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; ô-tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc.

Đối với các thông tin phản ánh của người dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải bảo đảm tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật. Công an TP Hà Nội khẳng định, các thông tin cung cấp của người dân được bảo đảm, bí mật về danh tính.

Hiện nay, Công an Hà Nội có 3 kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về vi phạm trật tự ATGT gồm: Fanpage Công an thành phố, đường dây nóng phản ánh vi phạm trật tự ATGT và gửi trực tiếp đến trụ sở Công an thành phố.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Đội đã tiến hành lập hồ sơ phạt nguội khoảng 12 trường hợp vi phạm từ phản ánh trên mạng xã hội và clip người dân gửi về.

Thiếu tá Chinh cho biết: “Việc phạt nguội thông qua hình ảnh, video người dân gửi về trải qua khá nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian xử lý hơn so với việc phạt nguội qua camera giám sát của lực lượng chức năng. Một số trường hợp video người dân gửi về không thể sử dụng để phạt nguội do hình ảnh không rõ ràng. Khi mời chủ phương tiện lên làm việc, họ thường “chối” không vi phạm.

Sau 7 ngày triển khai, PC08 Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận hàng trăm thông tin phản ánh, qua đó xác minh, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm từ hình ảnh người dân cung cấp. Từ đó nhiều trường hợp vi phạm giao thông đã bị phạt nguội nhờ bằng chứng người dân cung cấp.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết mô hình này nằm trong Kế hoạch số 145 của UBND thành phố Hà Nội về việc xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Việc tố giác các hành vi vi phạm giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành Luật Giao thông đường bộ, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh. Mọi người giám sát lẫn nhau, ra đường sẽ có ý thức chấp hành.

Phạt nguội vi phạm giao thông bằng hình ảnh người dân cung cấp có căn cứ pháp lý như thế nào? Theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2021, những hình ảnh do người dân cung cấp bao gồm hình ảnh trích xuất từ camera hành trình hoặc video ghi lại bằng điện thoại có thể sử dụng làm “bằng chứng” tiến hành phạt nguội. Cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ người dân và đối chiếu xác thực để thông báo xử phạt đối với người vi phạm giao thông.

Từ ngày 21/5/2022, người dân có thể gửi hình ảnh thu được từ camera hành trình đến các đơn vị CSGT địa phương hoặc các trang thông tin, diễn đàn giao thông. Đồng thời, người dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực của hình ảnh vi phạm giao thông đã cung cấp trước pháp luật. Bộ Công an sẽ dùng ứng dụng VNEID để thực hiện tiếp nhận dữ liệu, xác minh hình ảnh và phạt nguội đối với phương tiện vi phạm.

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường đại học GTVT cho rằng khi sự giám sát trở nên chặt chẽ và rộng khắp, sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi lái xe vi phạm, hạn chế phần nào áp lực công việc cho lực lượng CSGT. Tuy nhiên, quy định này cũng có thể gặp phải những bất cập như chất lượng và độ tin cậy của các hình ảnh và clip.

Vì thế, cần hoàn thiện hơn về cơ chế tiếp nhận, đánh giá và lưu trữ các bằng chứng. Những quy định liên quan tới người cung cấp bằng chứng và phản hồi đối với họ cũng nên được xem xét. Tiếp nhận và xử lý các phản ánh cung cấp từ người dân là cần thiết nhưng không nên coi đó là giải pháp thay thế cho các hệ thống chuyên dụng. Việt Nam nên tiếp tục triển khai hệ thống giám sát bằng hình ảnh chuyên dụng để có các bằng chứng xác thực, có hệ thống, mang tính tin cậy cao.