TP Hồ Chí Minh

THAY ÐỔI ÐỂ THÍCH ỨNG PHÁT TRIỂN MỚI

Vừa rồi, nhân xem bộ ảnh của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh hàng đầu TP Hồ Chí Minh, hướng tới nửa thế kỷ Sài Gòn giải phóng, gợi cho tôi nhiều xúc động và suy nghĩ. Các bức ảnh đẹp dưới góc nhìn nghệ thuật, trực diện thời sự, hay lướt qua, đều nhằm làm nổi lên chủ đề thành phố đổi thay, qua ống kính của nhiều thế hệ cầm máy. Đó là sự đổi mới trong tâm thức, trong cách nhìn, phản ánh và khái quát hiện thực theo những khuynh hướng khác nhau. Một số ảnh bộ hoành tráng, không chỉ là phép so sánh giản đơn, để người thưởng thức cảm được sự kỳ diệu của khuôn hình và thấm thía những chi tiết xúc động trong từng bước đi của thành phố tiến về tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh cầu Thủ Thiêm 2 chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 28/4/2022. Ảnh: Nguyễn Minh
Toàn cảnh cầu Thủ Thiêm 2 chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng ngày 28/4/2022. Ảnh: Nguyễn Minh

Những ngày sắp bước sang năm mới, mỗi người thường dễ nghĩ về năm quá khứ, năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, để lại nhiều mất mát đau thương và tâm trạng âu lo căng thẳng thường trực. Đến nay, tình hình đã sáng sủa, dịch bệnh không còn là mối quan ngại hàng đầu, dù tình hình có những tác động bất lợi, cả cấp thời và lâu dài, nhưng kinh tế vẫn ổn định và tăng trưởng tốt. Khát vọng phát triển thấm sâu và lan tỏa mạnh vào đời sống, hướng tới những mục tiêu to lớn và cụ thể vào dịp 100 năm thành lập Đảng (2030), tầm nhìn tới 100 năm thành lập nước (2045).

Sự đổi thay có điều âm thầm, có điều hiển lộ. Rõ nhất là những điều mắt thấy. Nhưng cũng không ít những khuất lấp mà người thường không dễ nhận ra. Đổi mới quản lý, tăng chỉ số hài lòng của dân, cùng với phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, là những mũi đột phá, đã nhiều cố gắng nhưng thành tựu không phải là điều thấy được một sớm, một chiều. Đó là những việc cần làm nhưng không hề đơn giản, mà thành phố này thử thách lại nhiều, nhất là công việc hầu như ở quận huyện, phường xã nào cũng đều quá tải. Tình trạng này xảy ra căng hơn ở những nơi có sự tiếp xúc nhiều với dân như bệnh viện, trường học, hộ khẩu, hộ tịch, chuyển đổi đất đai. Có quận số dân đông gần bằng một tỉnh nhỏ, có phường số dân nhiều bằng cả quận ở thủ đô. Thế mà biên chế nhân sự vẫn vận dụng theo tiêu chí chung như cả nước, thì cố gắng mấy cũng khó có thể làm vừa lòng người có việc phải đến công đường giải quyết.

Các thay đổi có tính hiển hiện thì nhiều hơn. Không ít bà con Việt kiều lâu lâu có dịp về thành phố đều ngạc nhiên về sự thay đổi của gương mặt phố phường. Ngay người sống tại đây, nếu ít ra khỏi nhà, nay có dịp đi quận nọ quận kia, nhất là các quận vùng ven ngoại, cũng thấy bất ngờ. Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, chậm tiến độ do những khó khăn bất khả kháng, nay đã hoàn thành cơ bản, các ga đang hoàn thiện, toa xe đã về, chờ ngày chạy thử. Mấy đường phố chính ở khu vực ga trung tâm Chợ Bến Thành đến Nhà hát thành phố, sau nhiều năm ngổn ngang do thi công dưới ngầm, nay được hoàn trả mặt bằng, là một hiển lộ dễ thấy, đường phố khang trang, thông thoáng, ai qua cũng phấn khởi. Cầu Thủ Thiêm 2 khánh thành nối trung tâm quận 1 với quận 2, không chỉ khiến dân hai bên sông cảm thấy vui, mà cả thành phố cùng vui và mong chờ khởi công tiếp hai cầu nữa, nối trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm với quận 4, quận 7. Việc chỉnh trang thành phố, cải tạo kênh rạch, mở rộng đường sá góp cho thành phố thay đổi nhanh hơn. Việc chống ngập có tiến bộ, nhất là vùng quận 8, nhưng một số điểm ngập nặng ở quận 7, quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức... vẫn chưa giải quyết được nhiều. Khắc phục những yếu kém về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, từng được xem là nguyên nhân ách tắc nhiều việc, cho nên một số dự án về lĩnh vực này khẩn trương lo triển khai. Quốc hội đã thông qua quyết sách thực hiện vành đai 3 của thành phố, liên quan đến cả Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đây là một dự án lớn, đầu tư gần trăm nghìn tỷ đồng, làm cho thành phố sôi động thêm. Tiến hành theo cách cải tiến, nên hiệu quả và tiến độ nhanh hơn. Tính đến đầu tháng 11/2022, thành phố cũng như các tỉnh bạn đã hoàn thành cơ bản cắm mốc giới, từng bước giải tỏa mặt bằng, sẵn sàng cho khởi công đầu năm tới, quyết tâm hoàn thành phần đường vào năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ năm 2026. Điều chắc chắn là khi Dự án hoàn thành, sự kết nối giữa các đầu mối giao thông lớn, các cảng biển, các tỉnh thành lân cận sẽ thuận lợi, thông suốt, mà cũng là cách giảm áp lực giao thông cho chính nội thành.

Sau vành đai 3 sẽ triển khai Dự án vành đai 4, mở rộng liên kết lớn hơn giữa thành phố với toàn vùng, rồi tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài, nối thông Liên Á qua ngả Tây Ninh, cũng là một công việc lớn cần tiến hành khẩn trương. Lãnh đạo thành phố hiểu rằng, việc phát triển trong giai đoạn mới này như người đã lớn mà phải mặc bộ quần áo đã chật, rất cần thay đổi, để thích ứng tình hình phát triển chung. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 Khóa XV, nhiều đại biểu đã nêu các vướng mắc, dự báo những phát sinh về các vấn đề cơ bản và thiết thực của thành phố, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời, như tổ chức bộ máy, quyền tự chủ trong quản lý đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển văn hóa xã hội, xây dựng trung tâm tài chính... Ngay việc tổ chức thành phố trong thành phố, như kiểu Thủ Đức, cũng đòi hỏi những quy định mới, tăng phân cấp phân quyền, làm sao vừa phát huy được tính chủ động của cơ sở, lại không để kẽ hở dẫn đến tham nhũng thất thoát. Như vậy, vừa khuyến khích tính sáng tạo dám nghĩ dám làm của người quản lý, vừa không "mất cán bộ" trong khi thực hiện. Cũng tại kỳ họp mới đây, Quốc hội yêu cầu một mặt tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/QH/2017, mặt khác giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh để Quốc hội xem xét, quyết định, thay thế cho Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.

Chúng ta thấy thành phố không phát triển đơn độc, mà trong thế đi lên chung của cả nước. Xác định vai trò, trách nhiệm của thành phố cũng như mở rộng nhiều vấn đề về quyền hạn, về phương thức quản lý đã được tháo gỡ bằng những Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, Chính phủ, nhưng cuộc sống là sự vận động không ngừng, chuyển động liên tục trong quá trình phát triển, cho nên luôn luôn đặt ra những đòi hỏi mới cần giải quyết và cần thích ứng kịp thời.

TP Hồ Chí Minh lâu nay được coi là tiên phong của sự năng động, sáng tạo, nghĩa tình. Từ tháo gỡ khó khăn mở ra bước đột phá trong cách làm ăn mới về sản xuất và lưu thông phân phối những năm đầu giải phóng, đến các hoạt động rất ý nghĩa sau này, như phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, lũ lụt, thiên tai... được cả nước học tập và phát huy. Tính nhân văn này hình thành từ lớp người đi mở đất, kết tinh và lan tỏa trong cộng đồng, tạo nét riêng của vùng đất. Truyền thống ấy được phát huy trong thời đại mới càng có ý nghĩa trong việc xây dựng hệ giá trị của quốc gia, con người hôm nay. Điều này cũng phù hợp với sự thay đổi của tình hình, khi vừa qua Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW "về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045", trong đó có TP Hồ Chí Minh. Trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 24 nêu rõ: "Xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò đầu tầu trong liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; có trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước". Tinh thần này sẽ liên quan trực tiếp đến các địa bàn, tác động mạnh mẽ, kích thích nhiệt tình lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng cao để làm giàu cho đất nước và bản thân, mở ra liên kết nhiều mặt với các vùng, các tỉnh, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, nhìn toàn diện, trong thực tiễn đây đó vẫn còn những mảng chưa được sáng, như tiến độ nhiều dự án lớn còn chậm, việc giải ngân đầu tư công thuộc loại thấp, nhiều việc tồn đọng đã lâu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Có điều cả nước chăm lo cho sự phát triển bằng cách trân trọng vị thế và tính đặc thù của thành phố, thì thành phố lại lấy tinh thần "vì cả nước, cùng cả nước" làm phương châm ứng xử và mục tiêu phát triển của mình. Quan hệ hai chiều tốt đẹp ấy như tiếp thêm năng lượng cho nhịp độ phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Hơn nữa, những truyền thống tốt đẹp từng được thử thách trong kháng chiến cũng như hòa bình, đang được phát huy, hòa quyện với sự phát triển chung của quốc gia, của khu vực, hợp thành sức mạnh mới. Với vị thế đặc biệt, lại được cả nước hỗ trợ, khích lệ và tin yêu trên đường đi tới, vì vậy, chúng ta có thêm lý do để vui và hy vọng về ngày mai tươi sáng nơi thành phố vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu.