Thành phố cho người tị nạn khí hậu

Cuộc chuyển dời không mong muốn
0:00 / 0:00
0:00
Bờ sông Meghna tại Ramdaspur, quận Bhola sạt lở. Ảnh: AP/MAHMUD HOSSAIN OPU
Bờ sông Meghna tại Ramdaspur, quận Bhola sạt lở. Ảnh: AP/MAHMUD HOSSAIN OPU

Khi sông Meghna trong đêm nuốt chửng ngôi nhà mái tôn của gia đình Mohammad Jewel và Arzu Begum ở làng Ramdaspur thuộc quận Bhola, một trong những khu vực ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền nam Bangladesh chỉ hơn một năm trước, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ ngôi làng quê hương. Cặp vợ chồng cùng bốn cậu con trai nhỏ chuyển đến thủ đô Dhaka, cách nhà của họ hơn 100km. Jewel nói, “chúng tôi lớn lên cùng con sông, chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng bây giờ nó đã lấy đi mọi thứ của chúng tôi. Trái tim tôi đau nhói khi nghĩ về làng quê, tổ tiên và quá khứ. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình”.

Các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu đang gây ra tình trạng thời tiết thất thường ở nước này, dẫn đến sự sạt lở của các bờ sông và sự phá hủy các ngôi làng. Hơn 130 con sông chảy qua quốc gia nằm ở vùng trũng thấp này, một số dễ gây lũ lụt nghiêm trọng. Trong mùa gió mùa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, nhiều con sông đổi dòng, nuốt chửng các khu chợ, trường học, nhà thờ Hồi giáo và những ngôi nhà gần bờ. Hàng triệu người có nguy cơ phải di dời và trở thành người tị nạn khí hậu do mực nước biển dâng, xói mòn sông, bão lốc và nước mặn tràn vào đất liền. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới được công bố vào năm ngoái, Bangladesh dự kiến sẽ chiếm khoảng một phần ba số người tị nạn khí hậu nội địa ở Nam Á vào năm 2050.

Ông Ashit Sarkar, 58 tuổi, cư dân ở Burigoalini Union, Shyamnagar, quận Satkhira phía tây nam cho biết, ông đã phải chuyển nơi ở nhiều lần, kể cả sau cơn bão lốc xoáy nghiêm trọng Aila năm 2009. “Năm nay, đợt mưa lũ tháng trước đã cuốn trôi nhà cửa, vườn rau, ao tôm của tôi. Tôi cũng buộc phải chuyển nhà đến khoảng 9 hoặc 10 ngôi làng ở thị trấn Shyamnagar”, ông nói.

Uớc tính có hơn 2.000 người di cư đến thủ đô Dhaka mỗi ngày, trong đó nhiều người dân ở các thị trấn ven biển đến đây do biến đổi khí hậu. Ở phía bắc thủ đô Bangladesh, giới chức đang xây dựng nơi trú ẩn cho người di cư và cải thiện nguồn cung cấp nước, nhưng gia đình của Jewel và Begum là một trong số nhiều người không thể hưởng lợi từ những dự án này. Bởi thế cuộc sống họ vô cùng bấp bênh do công việc không ổn định, lại phải trả đủ thứ chi phí từ tiền thuê nhà đến mua thức ăn.

Dhaka là điểm đến của phần đông người di cư. Nhưng thủ đô, một trong những siêu đô thị phát triển nhanh nhất thế giới, đã quá đông đúc và chưa sẵn sàng để xử lý cuộc khủng hoảng di cư đang gia tăng của đất nước. Khoảng 1/3 người dân trong thành phố này đang sống trong các khu ổ chuột. “Khả năng sẽ có thêm 10 triệu người di cư đến và sống trong các khu ổ chuột ở thành phố Dhaka nên sẽ rất khó quản lý,” nhà khoa học khí hậu Saleemul Huq nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh A.K. Abdul Momen cảnh báo, rằng cộng đồng quốc tế không thể không chú ý đến vấn đề người di cư khí hậu. Ông Momen cho biết: “Chính phủ đang tìm cách thúc đẩy điều kiện sống tốt hơn cho những người di cư trong nước, trong khi vẫn tiếp tục duy trì việc phát triển kinh tế xã hội. Một nhu cầu cấp thiết đối với các quốc gia là lồng ghép vấn đề di cư khí hậu vào các chính sách và kế hoạch phát triển quốc gia”.

Nơi thắp niềm hy vọng cho người nhập cư

Theo Ngân hàng Thế giới, số người Bangladesh phải di dời do tác động của biến đổi khí hậu có thể lên tới 13,3 triệu người vào năm 2050 và khiến nước này trở thành quốc gia di cư nội địa lớn nhất.

Viện nghiên cứu Trung tâm Quốc tế về Biến đổi khí hậu và phát triển (ICCCAD) lên kế hoạch nhằm giảm bớt áp lực lên Dhaka bằng cách chuyển hướng những người di cư khí hậu khỏi thủ đô đông đúc, hướng tới các thị trấn và thành phố nhỏ hơn. ICCCAD đang giúp các thành phố “thân thiện với người nhập cư” này xây dựng năng lực để họ có thể cùng nhau tiếp nhận khoảng 10 triệu người nhập cư trong những năm tới. ICCCAD cũng đã xác định hàng chục thành phố vệ tinh có khả năng tiếp nhận khoảng nửa triệu người di cư mỗi thành phố, danh sách được lựa chọn dựa trên mức độ gần gũi với các trung tâm kinh tế như cảng hoặc khu chế xuất.

Nhà khoa học khí hậu Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi khí hậu và Phát triển đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của người dân. Ông ủng hộ việc thích ứng bằng cách chuẩn bị các “thành phố chống chịu với biến đổi khí hậu” để làm nơi ở cho những người tị nạn khí hậu. Thành phố Mongla, nằm cách Vịnh Bengal khoảng 50km, có thể là một thí dụ điển hình. Huq giải thích: “Mục đích của một thành phố như vậy là đón nhận những người tị nạn và ngăn chặn tình trạng đổ xô đến các thành phố lớn như Dhaka hoặc Chattogram để tìm việc làm. Theo ý tưởng này, chúng tôi thiết kế những ngôi nhà chống lũ và bảo đảm phương tiện sinh nhai cũng như môi trường chung sống thân thiện với cộng đồng dân sở tại”.

Thành phố nhỏ ven biển Mongla là nơi sinh sống của khoảng 220.000 người. Khoảng 15.000-20.000 người đã di cư đến Mongla trong 5 năm qua, do bị thu hút bởi các hoạt động kinh tế đang phát triển ở đây, bao gồm khu chế xuất và các khu nhà ở của chính phủ. “Người dân ở nhiều vùng ven biển thất nghiệp hoặc buộc phải đổi nghề do nguồn cá tự nhiên ở các sông và kênh ven biển suy giảm một phần do độ mặn tăng cao di biến đổi khí hậu”, ông Kamalesh Majumder, một quan chức của Mongla nói. Khoảng 7.000 người hiện đang làm việc tại khu chế xuất ở Mongla cho hai công ty. Ông Majumder cho biết là một số công ty từ Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ tham gia khu vực này với nhiều cơ hội việc làm hơn.

Thành phố cho người tị nạn khí hậu ảnh 1

Công nhân qua sông Mongla mỗi sáng để làm việc tại khu chế xuất. Ảnh: AP PHOTO/MAHMUD HOSSAIN OPU

Thành phố cảng này hoạt động như một mô hình đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Với bờ kè dài 11km, hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước mới xây dựng, cũng như hệ thống loa phóng thanh để cảnh báo cư dân về các cơn bão sắp tới, thành phố đã và đang đầu tư đều đặn vào cơ sở hạ tầng để có khả năng phục hồi tốt hơn khi đối mặt với mực nước biển dâng cao và các cơn bão lốc ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khoản đầu tư tham vọng nhất của nó là vào con người. Trong những năm tới, thành phố đặt mục tiêu thu hút hàng nghìn người di cư do khí hậu từ các vùng ven biển lân cận, với hy vọng rằng họ sẽ thúc đẩy nền kinh tế và biến Mongla thành một trung tâm công nghiệp thịnh vượng.

Cô Makul Begum là một trong số họ đến thành phố cùng chồng và ba đứa con vào năm ngoái để tìm việc làm. Ngôi làng nhỏ của cô cách Mongla một giờ lái xe, bị ngập lụt trong cơn bão Aila năm 2009 đã phá hủy nhà cửa và sinh kế của họ.“Trại cá bị ngập, cá chết hết”, người phụ nữ 30 tuổi nhớ lại. Không có nguồn thu nhập, gia đình buộc phải vay nợ và bán đồ trang sức để tồn tại. Kể từ khi chuyển đến Mongla, Begum đã làm việc trong khu chế xuất gần đó, may đồ da với mức lương 10.000 taka (106,69 USD) mỗi tháng. Đầu tư nước ngoài vào khu chế xuất của thành phố từ các quốc gia như Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây, tạo ra hàng nghìn việc làm mới.

Thị trưởng Mongla Sheikh Abdur Rahman cho biết các dự án cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như một tuyến đường sắt mới và nạo vét sông để mở rộng luồng lạch cho các tàu lớn hơn, cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Nếu những dự án này được hoàn thành, nhiều nhà máy sẽ được xây dựng ở đây và nhiều người di cư có thể tìm được việc làm”, ông giải thích và cho biết thêm rằng thành phố đã chứng kiến những thay đổi lớn trong thập niên vừa qua. “10 năm trước ở đây chẳng có gì, giờ trong khu chế xuất đã có gần 10.000 công nhân”, ông nói.

Nhà khoa học môi trường Huq cho biết, Mongla là thành phố đầu tiên thực hiện các kế hoạch do ICCCAD đưa ra và ông tin rằng những thành phố khác sẽ nhân rộng mô hình này. Chuyên gia hy vọng thành phố sẽ đưa ra một tầm nhìn về thích ứng với biến đổi khí hậu cho các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng di cư nội địa ngày càng tăng. Nó mang lại cho người di cư sự lựa chọn “khi nào họ muốn đi, họ muốn đi đâu và họ muốn đi như thế nào thay vì bị buộc phải đi - điều đang xảy ra hiện nay. Đó là cách tiếp cận tích cực đối với vấn đề di cư”, ông nói.

Thành phố cho người tị nạn khí hậu ảnh 2

Khu ổ chuột Korail ở Dhaka. Ảnh: KAZI SALAHUDDIN RAZU/GETTY IMAGES