Đã hơn mười năm tôi mới về Co Mạ thăm bố con Vừ. Nắng sấy giòn chân tóc. Chó nấp sau hàng rào thò mõm sủa rụng trái táo mèo thơm lựng.
Thằng Lử chẻ củi ngoài sân, tóc xõa nửa trán, môi mím, cặp lông mày rậm hơi nhíu lại, nhìn tôi lạ lẫm. Nói trống không.
- Thảo quả sắp chín, bố ở trên nương, ít về.
Thằng Lử giống Vừ quá! Môi lúc nào cũng như cười.
- Tối nay, dì ở lại với con nhé! Dì là bạn thân của mẹ con.
Thằng Lử lại cười, mười lăm tuổi, đã ra dáng một chàng trai.
Khoảng nắng cuối ngày chui qua tán cây làm mảnh sân rách nham nhở.
Đã hơn mười năm. Căn nhà treo trên lưng núi vẫn không thay đổi.
Chiều vãi hoàng hôn xuống lũng. Đàn dê đè ngang đoạn đường vắt qua rừng đuổi nhau về chuồng, đám gái bản ngực vừa nhú, ào qua suối, đánh rơi mùi cỏ mật ngọt khé, khói chui qua mái tranh, bị gió vồ lấy tước xơ xác...
Bóng Vừ bẻ cong con dốc lên nhà. Nhìn thấy tôi, mắt như sắp rơi ra vì ngạc nhiên, giọng khách sáo:
- Lâu lắm, cô giáo mới về chơi, ở lại ăn tối với thằng Lử nhé!
Mặt Vừ đỏ như chùm thảo quả vừa chín đột ngột, tựa như nắng, tựa như lửa, tựa như hoa chuối. Mang từ rừng về ăm ắp một khoảng trời thơm, đất thơm, bước chân thơm, gió từ tốn uống từng giọt mồ hôi thơm lựng trong nếp gấp tay áo. Tôi bị Vừ ném xuống vực, rơi mãi, tới khi giật mình, vấp phải tấm váy phơi sát bếp. Mùa chảy qua những đường thêu đã bạc, ngoen ngoét đắng.
Đã bao nhiêu năm đi qua? Sao mắt Vừ không thấy, tai Vừ không nghe, bụng Vừ không biết là tôi thương Vừ nhiều hơn Say thương Vừ?
Những lời định nói chảy về, đầy ắp trong miệng, lúng búng, ngậm lâu quá nên chúng vỡ vụn, khô khốc như nắm đá răm. Chỉ nghĩ thôi, sao cũng thấy đau?
Tôi đứng im. Nhìn thẳng vào mắt Vừ. Đôi lông mày rậm hơi nhíu lại, giấu cái khó nói đang rối rít xộc vào mớ tóc bù xù kia mà cào cấu. Ánh mắt lạnh như đá hoang trên núi của Vừ như nắm bùn ném thẳng vào lòng tự ái của tôi đang xoắn xít dồn lên.
Tôi, Vừ và Say cùng nhau đi học từ lúc cả ba đứa đứng đến bụng con dê mẹ. Vừ kém Say hai tuổi, tôi kém Vừ một tuổi. Cả ba đứa học chung nhau một cô giáo, cả ba đứa đã hứa với cô. Cùng nắm tay nhau mang nhiều cái chữ về bản, đuổi cái đói đi thật xa.
Nhà tôi cách nhà Vừ một quả đồi. Vừ có hai chị gái đã lấy chồng. Say cách nhà Vừ một nương mận, chung nhau con suối, mỗi tối đàn dơi bay ngược gió, xô nhau rối cánh tìm chỗ ngủ trên ngọn cây cao hơn mỏm đá.
Một ngày, cả Vừ và Say cùng nghỉ học. Mây nháo nhác buồn như giọt mực nhỏ vào tờ giấy thấm.
Chiều đổ nắng xuống lũng, tôi đến nhà tìm bạn. Gió lật tung sỏi dưới lòng suối cạn. Đá xỉn màu rêu, hoa mận trắng như tuyết. Tiếng Say hát, tiếng cười của Vừ, bàn tay nằm trong nhau, hôi hổi nóng.
Tôi quay về, đi như chạy. Chia đều nước mắt trên những phiến đá.
Mây ngừng trôi. Cả dải đồi rên siết vì đau. Cuối năm ấy, Vừ và Say làm vợ chồng.
Tôi học sư phạm, dạy dưới xã Lóng Sập. Lần nào về nhà, tôi cũng đến thăm vợ chồng Vừ. Say mắt một mí, má tròn căng, mặc váy mới, nụ cười mụ mị như hoa anh túc.
Tôi xoa mái tóc hoe hoe của thằng Lử, hỏi Say:
- Vừ không ở nhà à?
- Không! Vừ vay tiền ngân hàng mua rừng thảo quả, đang trồng, mấy ngày về một lần thôi. Mày làm người nhà nước rồi, sướng hơn đàn bà ở bản, nên quên cả việc lấy chồng à?
- Chưa gặp được người thương mình, chưa gặp được ai tốt như Vừ, hiền như Vừ.
Tôi định nói thế, nhưng đã kịp lủm đi. Nhớ đến Hùng. Thầy giáo người Kinh lên đây đã lâu, Hùng đã hơn một lần nói muốn làm rể Sơn La. Tôi chỉ cười, để những lời ấy trượt qua vai, rơi xuống đất, lạnh căm.
- Mày cũng sướng mà! Vừ hiền, lại thương mày nhiều thế còn gì?
Say nhìn ra khoảng rừng trước mặt, ngọn gió ngang qua, cào xước từng lời. Buốt xót.
- Thương mà để tao mặc váy cũ, thương mà để cái bụng tao đói, thương mà để tao ngủ cái giường bằng tre. Thương cũng làm cái gì? Tao dại quá! Ngày ấy tao không lấy Vừ thì bây giờ tao cũng được da trắng, tóc dài. Anh Lầm bảo tao không hợp với việc nấu cám lợn, không hợp mặc váy cũ dính nước đái con, không hợp ăn mèn mén...
- Anh Lầm là ai? Ở đâu?
Tôi hỏi, mặt đã ran ran nóng, lời Say bò qua bò về trong tai, bò đến khi cái tức bục ra, chui vào tiếng khóc của thằng Lử.
- Anh Lầm mua gỗ, mang bán ở xa lắm, lần nào lên bản, anh ấy cũng cho thằng Lử nhiều kẹo, cho tao dây hoa buộc tóc, cho đôi giày vải đi không đau chân, cho cả cái áo treo vú lên. Anh Lầm khen tao đẹp.
Tai tôi ù đi, nhìn thằng Lử khóc chán lại lê la chơi một mình. Tôi muốn ôm nó vào lòng, siết nó thật mạnh.
Mùa xuân năm ấy, nông choèn như cái lỗ hàng đêm con nhái bén nằm đợi bạn tình. Say để thằng Lử ở nhà, mặc váy mới, đi qua bên kia con dốc, không về nữa.
Mỗi lần đến thăm thằng Lử, nghe muôi gỗ va vào miệng chum, mới biết có Vừ ở nhà, rượu nhoai ra, nằm im ỉm dưới đáy ống vầu đã lên nước nâu óng. Hơi ngun ngún bốc lên, tôi ôm thằng Lử. Nhìn Vừ vo cái đau lại, đốt họng. Khói cay, bóng Say vỡ toe toét trong rượu, nước mắt của Vừ khiến con đàn bà trong tôi tróc từng mảng nham nhở. Rượu chảy. Vừ không nhìn thấy tôi chạy xuống con dốc đẫm sương, nhầy nhụa như bãi chó nôn. Thằng Lử bốc bải những gì còn sót lại đã chan rượu, ăn chưa no bụng thì chếnh choáng say, ôm con chó ghẻ ngủ cạnh quẩy tấu đứt một quai, lăn lóc trong xó nhà.
Mặc những quan tâm của Hùng, mỗi cuối tuần, tôi lại đi qua những phiến đá xỉn màu rêu, ôm thằng Lử vào lòng. Trước khi tắm táp cho nó, tôi hít no nê mùi tóc khen khét, mùi mồ hôi chua chua, rin rít nơi cổ. Tôi thả khát khao vào mùi thịt nướng thơm cả gian bếp cũ mèm, muốn nhìn môi thằng Lử bóng nhờn những mỡ, muốn nghe tiếng giòn tan của hàm răng Vừ nghiền ngọn măng đầu mùa. Muốn cả một lần dựa vào vai người đàn ông đang ngập ngừng chạy trốn chính mình.
Thằng Lử về ở với bà nội. Vừ xoay trần với nương thảo quả, sơn tra. Mấy tháng mới về nhà một lần. Những ký ức buồn cũng vơi.
- Sao cô giáo không lấy chồng đi? Kén mãi thế? Làm nhiều tiền cũng không bằng có một gia đình.
- À ... ừ... tôi chưa tìm được người ưng cái bụng thôi.
- Vừ tìm mẹ cho thằng Lử đi... cũng mười mấy năm rồi còn gì?
- Thằng Lử có mẹ mà! Say sẽ về, đi mãi, cái chân biết mỏi sẽ về thôi!
Lời Vừ như gai táo cào qua gấu váy cũ, nham nhở những vết đau.
Tôi đã đi, đã tìm đến quay quắt, mệt nhoài, sao Vừ không hỏi tôi có muốn làm mẹ thằng Lử không? Chắc tôi sẽ đồng ý ngay, tôi sẽ không bỏ đi như Say, sẽ yêu thương thằng Lử nhiều lắm, sẽ cùng Vừ lên rừng chặt cây, dựng ngôi nhà nhìn xuống thị trấn, nhiều cửa sổ. Sáng có nắng, chiều có mùi thịt sóc béo nú ní nướng trên than hồng, tối có tiếng cười của ba người. Tại sao Vừ cứ vo mình lại mà sống trong chờ đợi?
Dạo này Vừ ít uống rượu, muôi gỗ chỉ chạm miệng chum khi có việc.
Cảnh nhà heo heo, buồn xơ xác. Cối đá xay ngô, những chiếc bát sứt miệng, chõ mèn mén, cây khèn có chín tua đỏ, chuồng gia súc với những thanh phang được bào cẩn thận, nhẵn bóng. Chiếc váy cũ treo ngoài hồi bếp ám khói, mùi đắng như mật lợn. Chiếc lù cở, chậu tắm bằng gỗ thơm của Say.
Tất cả vẫn cũ kỹ, quen thuộc, như thể mỗi sáng. Say bước ra sân, nheo mắt nhìn mặt trời đã lên cao, cười với thằng Lử, lùa cái lược gỗ vào mớ tóc thơm mùi cúc dại, đeo lù cở, dắt trâu ra khỏi chuồng, tiếng đuôi quất vào mông đuổi muỗi, con nghé rúc dưới bụng mẹ nũng nịu tìm bầu vú căng nhức sữa. Đàn dê nhảy cẫng lên, be be sung sướng. Vừ mài cái thuổng thật sắc, bẩy củ măng non ngọt lừ, vào rừng gỡ con chuột mới đẻ một lứa ra khỏi bẫy kẹp. Thằng Lử vỗ tay cười tưng tưng. Nắng chết dấp sau dãy núi. Say địu lù cở đựng mớ cải lấm tấm hoa vàng trên nương về nhà, chia niềm vui lên những tảng đá dọc đường. Khói ấm trườn qua sàn. Người đàn bà ngâm mình trong thùng gỗ có thứ lá thơm mà chồng vẫn gọi là bùa mê. Khi căn nhà bị đêm nhào thành thứ bột đen mướt. Lửa vẫn râm rỉ cháy, môi thằng Lử bóng mỡ, Vừ nói muốn trồng thêm thảo quả, Say vừa lườm chồng vừa đưa bát rượu ngang mặt Vừ, bảo uống nốt bát này thôi. Vất vả rủ nhau trốn vào hai má đỏ au.
Chiều nhừ như ngô bung đượm lửa. Mảnh sân rụng dày một lớp xác lá, tấp kín cả ang nước thắt thẻo bên hông vài cái mộc nhĩ đã khô.
Vừ đi nhấc rọ đánh từ tối qua. Tôi thèm mùi cá suối nướng vàng lựng, thèm mùi thảo quả, thèm cả mùi bồ hóng nhuộm vàng ửng túm ngô trên sàn. Thằng Lử cúi đầu, lí nhí chào tôi rồi chạy theo bố. Bóng hai người khuất sau lùm ngô lố nhố đeo những bắp đã thâm râu. Đám lá bị gió gom lại cuối sân, nhói lên nỗi buồn tê dại.
Vừ không biết Say hằng ngày vật lộn với những thùng hàng giáp biên giới để mưu sinh, không biết Say chỉ sống với Lầm chưa đến hai năm thì bị thằng đàn ông có lời nói ngọt hơn mật ong rừng ấy bỏ rơi để theo con đàn bà trẻ hơn, hai người chưa kịp có đứa con nào. Chuyện gặp lại Say sau hơn mười năm, tôi vui mừng ôm lấy vai bạn. Say lạnh lùng hất tay ra, nói mày nhầm người, rồi đi như tan vào khoảng không mờ sương sau những con đường len qua rừng. Không còn sức vác hàng thuê, Say về lấy rượu bán lẻ những buổi chợ phiên, gặp tôi, Say quay đi. Gió trên núi ồ ạt đổ về, sàm sỡ hất tung vạt váy cũ.
Nhà vắng đàn bà. Bao nhiêu năm vẫn không quen.
Bếp lạnh ngắt, con gà lạc mẹ cố sức bới cối chuối giã dở, vo ve những con bọ li ti bay ngang mặt. Tôi vừa dọn những ngổn ngang trong bếp, mồi thêm củi, bùng ngọn lửa, đợi bố con Vừ mang cá về nấu bữa chiều. Tôi sẽ ngồi xới cơm, Vừ nhìn tôi, nghiêng bát rượu, chếnh choáng say, thằng Lử vừa phồng má nhai, vừa cười.
Con chó nằm sát bao lõi ngô, không thèm nhấc mõm sủa, mắt tôi vấp lù cở nằm ngửa tênh hênh trong góc.
Cái buồn chạy về như lúa lép vãi khắp nhà.
Lợn mẹ dẫn đàn con qua sân, làm rơi những vết chân trên lối đi tôi vừa nhổ đám cỏ dại, gió cắm hơi mát vào chiều, cóc quấn nhau làm tình trong bụi lau nham nhở vết dê gặm.
Tôi đổ đám chuối vằm lẫn một chậu ngô hạt cho lũ lợn ăn, lông gà bay ngang qua mặt. Đổ nước nóng vào thùng gỗ bị sứt một miếng trên miệng. Mùi của Say đẩy tôi loạng choạng. Kệ. Tôi thấy ánh mắt Vừ đứng từ xa đốt cháy thân thể tôi. Ánh trăng soi vào tiếng rên rỉ của lũ mèo hoang cào xước mỏm núi. Tôi nghiêng thùng. Nước đổ lênh láng, ngấm vào đá. Ánh mắt Say hờn dỗi.
Đêm đổ gió lên những ngọn cây. Hơi nóng chảy vào hai má tôi bỏng rát. Lửa vẫn thức, chỉ có thằng Lử đã ngủ say.
- Vừ à... Váy phơi ngoài sàn sắp mục rồi...
Lời nói của Vừ bị khói bẻ vụn:
- Ừ... Mai phơi váy mới ...
Ánh mắt tôi đốt bóng Vừ nghiêng trên vách. Đốt đến khi đá ngoài suối chảy ra, dậy mùi khát.
Vừ ngồi hong vết thương đang ăn da non. Lửa liếm vào mảng rách vừa bị tôi cào rỉ máu.
Vừ mang chiếu trải gian giữa, giục tôi vào buồng ngủ. Nếu Vừ còn đứng đấy, chắc tôi đã ôm lấy tấm lưng rắn chắc kia, vùi mặt vào mớ tóc khét mùi nắng, siết bàn tay chai sần, không cần xua đuổi những khao khát đang từng hồi bùng lên riết róng.
Tôi áp mặt xuống gối, tìm hơi thở ấm nóng của người đàn ông cả tôi và Say cùng đem lòng thương. Nếu đổi chỗ cho nhau, biết đến bao giờ tôi mới bỏ hai bố con Vừ mà đi như Say?
Tiếng gà rộn lên phía bên kia núi. Lửa chưa ngủ. Tiếng muôi gỗ, hơi rượu, tiếng thở nghiền vụn ngọn khói. Tàn đêm, tiếng Say cười, vắt kiệt cái hừng hực trong tôi. Loãng ra. Nhạt thếch.
Nắng nấn ná vàng ngọt. Tôi chào Vừ. Chân xuống dốc mà như bước hụt. Khói siết anh vào ngưỡng cửa nham nhở vết dao chém cũ kỹ của thằng Lử. Cảm giác trơ trọi khiến tôi ngộp thở. Bóng Hùng rõ dần dưới màn sương trắng rão.
Tôi đến chợ tìm Say. Hỏi mua rượu, nếm thử. Cố tình chê rượu nhạt. Vờ như không quen biết. Say ngẩng đầu lên nhìn. Lời tôi rát như giấy nhám mài vào má, trôi qua bờ mi trắng nõn:
- Ngày Say đi, chớp rạch bức vách chui vào nhà, sấm sét đánh tan hoang tiếng cười thằng Lử trong mỗi bữa ăn. Hơn mười năm. Vừ đã trả hết nợ số tiền mua nương thảo quả rồi, thằng Lử đã lớn, cái váy của Say phơi ngoài trái bếp bị khói ăn sắp rách rồi. Thằng Lử vẫn nhớ mẹ nó làm món cải đắng muối chua ăn cùng mèn mén không biết no.
Say bật lên.
- Thằng Lử có đi học không?
- Nó học hết lớp chín rồi, nghỉ hè xong sẽ vào trường nội trú huyện. Nhưng nó dứt khoát không chịu đi học nữa, sợ bố đi nương một mình. Sợ mẹ về bất chợt không gặp ai ở nhà sẽ lại bỏ hai bố con mà đi, sợ hàng tối không ai lùa lũ dê về, trâu bán trả ngân hàng nhưng vía vẫn ở lại nên chưa dỡ bỏ chuồng, sợ không có nó ở nhà bố sẽ lại uống rượu nhiều.
Say mặc kệ lời của tôi cào cấu những ý nghĩ đang chảy về trong đôi mắt đỏ hoe, đôi tay luống cuống vò nham nhở mảnh nắng đậu trên vành nón cũ kỹ.
Tôi trở lại nhà Vừ trong một trưa đầy gió. Những bụi cỏ dại nhao nhác bên lối đi đã được dọn quang, cái ang nhỏ dưới gốc mận đổ đầy nước, thùng tắm bằng gỗ thơm được cọ sạch sẽ, đám lau bị chặt trụi, lũ sên vỡ nhà nằm co dưới nắng. Trên sào, tấm váy mới của Say xòe như cánh bướm khổng lồ. Thằng Lử nhìn tôi. Mặt hí hớn như chó vừa săn được thỏ. Nó bảo bố để dành nhiều thịt chuột, thịt sóc chờ mẹ về. Ba con gà đang ấp, con dê mới đẻ thêm hai con, thảo quả đang thu rộ. Tôi đưa cho Lử một đôi dép, cái cặp mới và hai bộ quần áo. Bảo mẹ nó gửi. Thằng bé ôm vào lòng. Nó giống Vừ, giống từ cái bao dung, tử tế.
- Con còn nhớ mẹ không?
- Con không biết... Bố nói mẹ về sẽ làm nhà mới, con vẫn được đi học.
Ngày Tết Độc lập. Chợ tình Mộc Châu. Phiên chợ của tha thứ, của yêu thương, Say đợi bố con Vừ ở đó. Ngô vừa xay, vỏ còn ấm. Tiếng Vừ như tan vào gió.
- Làm đàn ông, để vợ mặc váy cũ là cái lỗi của mình rồi.
Ánh mắt Vừ ướt mèm. Người đàn ông quên nắng cho bản thân nhưng chưa bao giờ làm rơi những yêu thương. Bình minh cựa mình đón tinh khôi, sương trong vắt, ngẩn ngơ, rót vào tiếng cười như bùa mê của thằng Lử.
Những chùm thảo quả đỏ lựng, thu trở mình, gió mang nỗi nhớ se sắt, tiếng khèn của Vừ chuốc say cả triền đồi. Mưa cuối mùa chao mềm nỗi nhớ. Đêm. Trăng vỡ ra, sóng sánh trong mắt Say.
Tôi mặc váy mới. Hùng cười, hiền như nắng:
- Gái ngoài ba mươi, ngọt như rượu ủ mật.
Tôi quay lại, giấu ánh mắt ấy vào ngực mình:
- Anh về xuôi, hay ở lại cướp dâu?
Giữa thu. Đêm dài hơn hay sao mà chạm khẽ cũng thấy yêu thương.
Minh họa | TÙNG NGUYỄN |
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU
Cả câu chuyện như một ngọn gió thu thổi trong đêm tĩnh lặng qua những cánh rừng, những ngọn núi, những ngôi nhà và làm tôi không sao ngủ được. Nhưng đó là một đêm mất ngủ đầy thổn thức và mang một cơn mơ đẹp lạ lùng.
Một tình yêu đẹp tựa ban mai trên những thửa ruộng miền núi ngày mùa và trong như nước đầu nguồn của một con suối chảy từ sâu thẳm cánh rừng. Có một nỗi buồn dâng lên trong mỗi nhân vật của câu chuyện. Nhưng nếu không có những nỗi buồn như thế thì cuộc sống này sẽ tẻ nhạt và vô cảm đến nhường nào. Nghe thật nghịch lý, nhưng đấy là một nghịch lý cần thiết.
Tác giả Duyên Phùng đã mang cho tôi một ngọn gió thu đẹp và da diết. Ngọn gió ấy thổi qua tôi và làm vang lên những vẻ đẹp từ lâu tưởng như biến mất. Tôi cảm thấy tôi đã sống trong ngôi nhà ấy, bản làng ấy và chứng kiến toàn bộ câu chuyện ấy. Và tôi muốn trở về Cọ Mạ để được hít thở hương thảo quả, để được nghe giọng nói của Vừ, của Lử, của Say,... cho dù nơi ấy và những người ấy chỉ có ở trong những trang viết của nhà văn.