Trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng mức quan hệ từ Đối tác toàn diện lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diệnmà bỏ qua mức Đối tácchiến lược. Theo ông, sự kiện đặc biệt này có ý nghĩa gì?
Trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước từ ngày 10-11/9/2023 của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra Tuyên bố chung, chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác với một quốc gia từ mức Đối tác toàn diện lên thẳng mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, bỏ qua mức Đối tác chiến lược, chỉ trong vòng 10 năm (từ 2013 đến 2023).
Đối tác chiến lược toàn diện là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.
Hoa Kỳ là một trường hợp đặc biệt trong các đối tác của Việt Nam, được nâng thẳng mức quan hệ từ Đối tác toàn diện (xác lập năm 2013) lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện (xác lập năm 2023), mà bỏ qua mức Đối tác chiến lược.
Điều có ý nghĩa đặc biệt. Thứ nhất, việc này phản ánh đà quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và thực chất trong 28 năm vừa qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, nhất là 10 năm trong khuôn khổ Đối tác toàn diện. Thứ hai, và đặc biệt ấn tượng, là việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước, nhất là các nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, trong đó có tôn trọng thể chế của nhau. Thứ ba, cả hai phía đều coi trọng và mối quan hệ hợp tác này đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Thứ tư, hiện dư địa mở rộng hợp tác còn rất nhiều, thể hiện rõ nét qua kết quả chuyến thăm lần này, về các mặt, nhất là về kinh tế, thương mại, công nghệ, sáng tạo và chuyển đổi xanh. Đó là một chặng đường dài, với sự nỗ lực của cả hai bên, vượt qua khác biệt, đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ từ cựu thù trở thành Đối tác rồi Đối tác toàn diện và nay là Đối tác chiến lược toàn diện.
Xin ông phân tích sâu hơn về 10 năm Đối tác toàn diện. Đây là khoảng thời gian quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có những bước tiến dài, tạo tiền đề cho bước phát triển nhảy vọt lên Đối tác chiến lược toàn diện?
Đây là thời kỳ quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ nhất và sâu sắc nhất, thể hiện qua mấy điểm nổi bật: Quan hệ về chính trị đối ngoại được thúc đẩy, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa hai bên. Đặc biệt, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao, đáng chú ý nhất là chuyến thăm đầu tiên và lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Hoa Kỳ vào tháng 7/2015. Chuyến thăm có tính biểu tượng cao nhất cho tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Lần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, định ra khuôn khổ hợp tác trong thời gian lâu dài, cũng như nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, đó là tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Trong đó, việc tôn trọng thể chế chính trị là yếu tố quan trọng, nhất là khi hai nước có những khác biệt về chế độ chính trị xã hội. Tôi cho rằng đó là một dấu ấn lớn.
Nếu 10 năm trước (năm 2013), khi Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, thương mại giữa hai nước mới đạt khoảng 35-36 tỷ USD, đến hiện tại đã tăng gần gấp 4 lần. Năm 2022, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt mốc 100 tỷ USD. Tôi nhìn lại quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian qua, có cả tính chiến lược và tính toàn diện.
Trong 10 năm qua, hai Tổng thống Hoa Kỳ thuộc các đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đó là ông Obama và ông Trump đều đến thăm Việt Nam. Điều đó thể hiện quan hệ của quốc gia với quốc gia, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự đồng thuận của 2 đảng lớn nhất của Hoa Kỳ, họ đều coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, không chỉ là dịp nhìn lại những gì đã đạt được trong quan hệ hai nước 10 năm qua, mà quan trọng hơn định hướng cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong những thập niên tới. Tôi rất chú ý đến câu chuyện thúc đẩy các cơ sở để phát triển quan hệ, đó là hiểu biết, tin cậy về chính trị và đặc biệt là thông qua việc làm sâu sắc các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ. Có rất nhiều lĩnh vực mới mà hai bên có dư địa để hợp tác và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ không chỉ trên bình diện hợp tác song phương mà còn đa phương, trong khu vực và thế giới, nên hợp tác hai nước trong khuôn khổ của ASEAN, APEC, Liên hợp quốc tiếp tục được nhân lên.
Với việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ông kỳ vọng gì về hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới?
Điểm chốt trong chuyến thăm lần này là liên quan đến các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ và xây dựng lòng tin và hiểu biết giữa hai bên nhất là khi chúng ta bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đó là hướng tới chất lượng phát triển cao hơn, phù hợp với định hướng năm 2030 và 2045 của chúng ta, dựa vào công nghệ và sáng tạo, thúc đẩy phát triển bền vững.
Chắc chắn kinh tế và khoa học công nghệ sẽ có những đột phá trong hợp tác của hai nước. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là trọng tâm trong thời gian tới, nhưng để hợp tác phát triển lĩnh vực này cần nỗ lực của hai bên, thí dụ chúng ta khai thác thế mạnh của Hoa Kỳ về công nghệ, tài chính xanh, hạ tầng xanh nhưng bản thân chúng ta cũng phải tiếp tục đổi mới để tạo ra sức hấp dẫn. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng được đánh giá là hấp dẫn. Tuy nhiên, để có thể “hấp thụ” sự chuyển dịch chuỗi cung ứng về công nghệ, chúng ta sẽ cần phải rà soát lại yêu cầu của các nhà đầu tư.
Chuyến thăm là cú hích về chính trị và kinh tế nhưng người thực hiện chính là cộng đồng doanh nghiệp của hai bên, làm sao môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh ở Việt Nam thuận lợi hơn. Để hỗ trợ cho câu chuyện này, trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, phía Hoa Kỳ khẳng định sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam có ba khâu then chốt để đột phá phát triển kinh tế là chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. Rất vui là trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, phía Hoa Kỳ khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực theo đúng định hướng thích ứng công nghệ và sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chíp.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của ngoại giao nhân dân trongviệc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong quá khứ, hiện tạivà tương lai?
Đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có những giai đoạn lịch sử khác nhau. Giai đoạn khi hai nước chưa có quan hệ ngoại giao thì ngoại giao nhân dân đã tạo ra cầu nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thậm chí khi đang trong chiến tranh. Ngoại giao nhân dân lúc đó đã tạo ra phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam.
Khi kết thúc chiến tranh, Hoa Kỳ cấm vận Việt Nam thì chính ngoại giao nhân dân đã tạo ra phong trào đòi bình thường hóa quan hệ và bỏ cấm vận Việt Nam. Có rất nhiều cựu binh, vốn là những cựu thù ở hai đầu chiến tuyến đã đi những bước đầu tiên để hàn gắn vết thương chiến tranh, nối lại quan hệ hai nước.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột đối ngoại của Việt Nam bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong bất cứ hoạt động đối ngoại nào cũng đều đan xen cả ba trụ cột đó. Ngày nay, đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tăng cường hiểu biết, khắc phục hậu quả chiến tranh và mở rộng ra những hoạt động khác như giáo dục và các nhóm xã hội khác nhau không chỉ giúp những nhà hoạt động chính sách hiểu biết về Việt Nam mà người dân với người dân cũng có sự gắn bó hơn. Người dân Hoa Kỳ đã thấy một Việt Nam khác, không chỉ gắn với chiến tranh mà còn là một Việt Nam đổi mới, hội nhập, có vị thế, đồng thời là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, và có thể mang lại lợi ích cho hai phía.
Xin cảm ơn ông!