Thế giới nghệ thuật siêu nhỏ đầy mê hoặc với những tác phẩm gần như không thể xem được bằng mắt thường do các nghệ sĩ điêu khắc tạo nên, là minh chứng cho kỹ năng vô song và khả năng sáng tạo vô biên của họ. Những sáng tạo nghệ thuật của Tiến sĩ Willard Wigan nằm trong số đó, chúng nhỏ tới mức chỉ có thể xem qua kính hiển vi, thường được thể hiện bên trong lỗ kim, trên đầu ghim hoặc thậm chí trên lông mi con người.
Willard Wigan đã giành được hai kỷ lục thế giới về tác phẩm điêu khắc thủ công nhỏ nhất. Kỷ lục đầu tiên vào năm 2013 dành cho một chiếc xe máy vàng 24 carat cực nhỏ. Sau đó, ông tiếp tục phá kỷ lục của chính mình vào năm 2017 bằng cách điêu khắc phôi thai con người từ sợi thảm. Theo Kỷ lục Thế giới Guinness, tác phẩm này có chiều rộng 0,05388 mm (53,88 micron) và được đặt bên trong một sợi râu rỗng của chính Wigan. Ông còn có nhiều sáng tạo đáng kinh ngạc khác được nhiều người biết tới như nhà thờ được chạm khắc từ một hạt cát và một bản sao của Mona Lisa nhỏ hơn đầu que diêm.
Cuối năm ngoái, Wigan đã tạo ra tác phẩm “Ba nhà thông thái tí hon” cho dịp Giáng sinh với hy vọng mang lại “ánh sáng hy vọng và bình an cho thế giới”. Ông đã sử dụng lông mi của chính mình làm cọ vẽ và làm việc 16 giờ mỗi ngày trong 4 tuần (khoảng 600 giờ). Người nghệ sĩ đã tự tay tạo ra những nhà thông thái nhỏ bé đội vương miện vàng 24 carat cưỡi lạc đà làm từ các mảnh ny-lon nhỏ hơn dấu chấm và sử dụng các mảnh lấp lánh cực nhỏ để vẽ nền đầy sao, tất cả đều nằm trong lỗ kim.
Để tạo ra được những tác phẩm như vậy, Wigan đã phải mất nhiều năm rèn giũa kỹ năng và kỹ thuật của mình, thúc đẩy mình vượt qua những giới hạn tưởng chừng không thể khắc phục nổi của bản thân. Việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, tập trung và tĩnh lặng. Ông đã dành nhiều năm rèn luyện trí óc và cơ thể của mình để đáp ứng những yêu cầu này. Trong khi hầu hết người lớn có nhịp tim khi nghỉ ngơi từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút, ông đã học cách giảm nhịp tim của mình xuống 40 nhịp/phút. Nghệ sĩ cho biết: “Tôi phải làm việc giữa các nhịp tim bởi nếu không làm như vậy thì mạch đập ở ngón tay sẽ nẩy lên. Chỉ một sai lầm nhỏ thôi thì mọi chuyện sẽ kết thúc”.
Những tác phẩm của Tiến sĩ Willard Wigan có mức độ chi tiết và hoàn thiện đáng kinh ngạc. Đó là bởi theo ông, trước khi bắt đầu điêu khắc, ông đã tưởng tượng tác phẩm cuối cùng trong đầu và kiểm tra từng chi tiết nhỏ. Mức độ chi tiết phụ thuộc vào kích thước và độ phức tạp của tác phẩm điêu khắc, cũng như chất liệu ông dự định sử dụng. “Nếu tôi muốn tạo ra một tác phẩm điêu khắc nhỏ hơn, có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện những chi tiết phức tạp và tôi có thể phải dành hàng tháng với hàng trăm giờ để đạt được sự hoàn hảo. Tôi chỉ đưa tác phẩm điêu khắc tới mọi người khi thấy hoàn toàn hài lòng với độ chính xác và tỷ lệ”, ông giải thích.
| |
Tiến sĩ Willard Wigan. Ảnh | Express & Star |
Sinh năm 1957 trong một gia đình di cư nghèo gốc Jamaica tại thị trấn Wednesfield (Anh), thủa nhỏ ông gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, bị thầy cô chê trách, bị bạn bè bắt nạt do mắc Aspenger cộng thêm chứng khó đọc và viết khiến ông luôn cảm thấy lạc lõng. Có giáo viên từng nói, ông sẽ không bao giờ đạt được bất cứ thành tựu gì. Điều đó khiến ông cảm thấy mình như một kẻ thất bại và bị tổn thương sâu sắc. Ông luôn sống trong nỗi sợ hãi và đau đớn vì bị coi là khác biệt. Niềm an ủi của ông nằm trong nhà kho ở cuối khu vườn, nơi ông kết bạn với một đàn kiến. Và đó cũng là nơi ông làm ra tác phẩm đầu tiên của đời mình lúc 5 tuổi: ngôi nhà kiến thu nhỏ.
“Mẹ là nguồn cảm hứng quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Bà phát hiện ra những ngôi nhà kiến thu nhỏ tôi làm và động viên tôi tiếp tục con đường này”, ông chia sẻ. Ông tiếp tục tạo ra những mô hình nhỏ bằng những vật liệu dễ kiếm như những mảnh gỗ, mảnh thủy tinh, hạt cát và sợi vải. Nghe lời mẹ “việc càng nhỏ thì danh tiếng càng lớn” khiến ông kiên trì vượt qua những giới hạn của bản thân, tiếp tục giảm kích thước tác phẩm ngày càng nhỏ hơn nữa.
Sáng tạo nghệ thuật ở cấp độ nhỏ tới mức khó tưởng tượng được như vậy có vô vàn thách thức. Ông phải có nghiên cứu ở quy mô siêu nhỏ, đặc biệt là dự đoán tác động của các lực như ma sát, trọng lực và điện từ. Lực tĩnh có thể khiến các vật liệu hút vào nhau hoặc đẩy nhau, trong khi tiếng ồn và sự rung động từ ngoại cảnh dễ dàng gây gián đoạn quá trình sáng tác. Rung động mạnh có thể làm hỏng cả tác phẩm. “Một lần tôi đang cố gắng làm việc trong studio tại nhà thì một chiếc xe tải lớn đậu bên ngoài gây tiếng ồn và rung lắc dữ dội. Tôi buộc phải chuyển tác phẩm đến một nơi an toàn, cách âm để tiếp tục làm việc”, ông Wigan cho biết. Cũng có những tình huống khó chịu ít ai tưởng tượng được là khi “một con ruồi bay dưới kính hiển vi và làn gió từ cánh ruồi có thể thổi bay tác phẩm”. “Tác phẩm khiến tôi phát điên. Nhưng vinh quang là khi tôi hoàn thành nó, khi người khác nhìn thấy nó”, ông thừa nhận.
Việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật dưới kính hiển vi có thể mất từ sáu tuần đến ba tháng, với ngày làm việc kéo dài tới 18 giờ. Ông đã tạo ra các công cụ làm việc cực nhỏ một cách hết sức công phu, tỉ mỉ, sử dụng các mảnh kim cương, thủy tinh, gỗ và lưỡi dao cạo. Ông thiết kế các công cụ tạo hình, những chiếc nhíp nhỏ xíu và thậm chí sử dụng lông mi làm cọ vẽ. “Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng mỗi tác phẩm điêu khắc đều truyền tải một thông điệp mạnh mẽ, một lời nhắc nhở sâu sắc rằng thế giới của chúng ta đang biến mất và chúng ta phải hành động”, ông nói.
Thế giới siêu nhỏ không chỉ giúp ông thoát khỏi sự lạc lõng và chế giễu của người đời mà còn trở thành một tấm gương về lòng quyết tâm, sự bền bỉ không ngừng nghỉ và niềm đam mê đẩy ranh giới của nghệ thuật siêu nhỏ đến những tỷ lệ khó tưởng tượng được. Tác phẩm của ông đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, ông đã được vinh dự trao MBE (Huân chương Anh) vào năm 2007. Vào tháng 1/2018, Willard Wigan đã nhận được bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Warwick để ghi nhận những đóng góp quan trọng của ông cho nghệ thuật và điêu khắc.
Vương miện St Edward được điêu khắc tinh xảo đặt trong lỗ kim. Ảnh | DailyMail |
Vào năm 2023, nghệ sĩ đã tỏ lòng tôn kính Vua Charles bằng cách tạo ra một bản sao nhỏ cực kỳ chi tiết của Vương miện St Edward, được chế tác vào năm 1661 cho lễ đăng quang của Vua Charles II. Công việc này “tương đương với việc thực hiện phẫu thuật tim cho một con kiến” vì nó đòi hỏi một bàn tay vững vàng và sử dụng các dụng cụ chính xác cực nhỏ. Ông đã sử dụng một trong những sợi lông mi của mình để vẽ tác phẩm và lấy một sợi nhỏ từ áo sơ mi của ông làm viền dưới cùng của tác phẩm điêu khắc tượng trưng cho phần lông của vương miện.
Willard đã thực hiện một tác phẩm điêu khắc tương tự cho cố Nữ hoàng Elizabeth. Đó là một mô hình vương miện cực nhỏ đặt trên đầu một chiếc ghim 2mm. Các tác phẩm điêu khắc phức tạp và mang tính cá nhân của Wigan phản ánh những trải nghiệm và cảm xúc của ông. Hành trình cuộc đời ông đã truyền cảm hứng cho những người khác tìm thấy lòng can đảm để tạo nên những thay đổi tích cực của riêng họ. Tác phẩm nghệ thuật dưới kính hiển vi của ông là thông điệp gửi đến nhân loại: Những điều nhỏ nhặt cũng quan trọng và những điều nhỏ nhặt nhất lại tạo nên tác động lớn lao nhất - như chính lời tự bạch trên trang cá nhân của Tiến sĩ Willard Wigan.