Bán đảo Ả Rập xuất hiện thường trực trên tin tức mỗi ngày vì trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới nơi đây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, nhiều trung tâm kinh tế tài chính ở các đảo quốc bé nhỏ vùng Vịnh mang đến hình ảnh những công trình kiến trúc xa hoa hiện đại, giới siêu giàu đi siêu xe... Tôi lựa chọn Oman, một điểm đến còn xa lạ với nhiều du khách. Khi máy bay hạ dần độ cao xuống thủ đô Muscat, tôi đã không khỏi thích thú khi khung cảnh hiện ra đích thực như trong những truyện cổ Ả Rập huyền bí lãng mạn: hàng nghìn hàng vạn tòa nhà vuông thành sắc cạnh, trắng muốt hay nâu trầm, nhấp nhô giữa những núi đá sừng sững vươn ra biển, thấp thoáng bóng cây chà là và đặc biệt không có nhà cao tầng phủ kính sáng loáng. Thủ đô mà không có nhà chọc trời! Khác hẳn với các nước còn lại trên bán đảo Ả Rập, Oman là nơi còn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống đầy tự hào.
Việc quy định không cho xây nhà chọc trời với kiến trúc "hộp kính" hiện đại là do quốc vương (sultan) Qaboos bin Said (mới băng hà năm 2020) kiên quyết bảo vệ kiến trúc đặc trưng bản địa liên tục trong 50 năm trị vì đất nước. Nếu thế thì làm sao mà đất nước phát triển được, hẳn sẽ có bạn đọc nghĩ. Vậy mà bước xuống máy bay là một nhà ga hành khách cực kỳ hiện đại, sàn nhà lát đá hoa cương. Quầy nhập cảnh ốp gỗ sang trọng, còn thanh ngăn hành khách đứng giữa hai quầy là một thanh dài hình trụ bằng đá granite vàng kem vân nâu. Đặc biệt nhất là cả sân bay thoang thoảng một mùi hương rất trang nhã. Về sau tôi mới biết đó là mùi tinh dầu frankincense và sân bay dùng những máy hình hộp cao đến mét rưỡi để xông dọc hành lang cho thơm! Dĩ nhiên sự giàu có của Oman đến từ dầu khí nhưng cũng không thể không kể đến sự điều hành của nhà vua ở một trong những nước quân chủ chuyên chế cuối cùng trên thế giới.
Vào những năm 60 thế kỷ trước, các nước trên bán đảo Ả Rập toàn cát và làng chài liên tục tìm ra dầu mỏ và xuất khẩu. Trong khi đó Vua Said bin Taimur (cha của Vua Qaboos bin Said) lại chần chừ không xuất khẩu dầu và đóng cửa Oman, muốn đất nước cứ "giữ nguyên quê mùa". Nhiều cuộc nổi dậy và cả âm mưu ám sát diễn ra vì điều kiện sống quá tồi tàn trong khi dân ngồi trên mỏ dầu. Nhà vua càng trở nên hoảng sợ và ra nhiều điều luật vô lý như cấm hút thuốc, cấm đá bóng, cấm đeo kính đen hay cấm nói chuyện nhiều hơn 15 phút và cả chính con trai mình là hoàng tử Qaboos đi học ở Anh về cũng bị nhốt trong cung cấm. Qaboos đã cùng người Anh làm đảo chính để lên ngôi. Đất nước mà ông "thừa kế" có ba trường học, 10 cây số đường nhựa, tỷ lệ biết chữ 5% và tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi là 25%. Vua Qaboos đã mở cửa đất nước và dùng tiền thu được từ dầu mỏ để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân với tốc độ và quy mô đáng kinh ngạc. Ông trở thành nguyên thủ cầm quyền lâu nhất ở Trung Đông và cả thế giới Ả Rập trong 49 năm 6 tháng, với sự tôn kính tuyệt đối của người dân Oman. Hiện tại Vua Haitham bin Tariq (em họ Vua Qaboos) đã lên ngôi nhưng khắp mọi nơi ở Oman vẫn treo ảnh hai vua ngồi cạnh nhau trên... hai ngai vàng giống hệt!
Vì không có nhiều nhà cao tầng nên thủ đô Muscat trải dài miên man dọc bờ biển đến 40km. Tôi thuê xe tự lái trên những cao tốc thênh thang sáu làn và xe cộ trên đường, không hề nhìn thấy xe cũ, tất cả đều mới bóng loáng, bao gồm cả chiếc xe tôi thuê. Đi lui xuống miền nam vài trăm cây số, đường băng qua những hoang mạc mênh mông, núi đá hùng vĩ vô cùng nhưng tuyệt nhiên không một bóng cây, ngọn cỏ. Đường nhựa vẫn cứ sáu làn thẳng tít cánh... đại bàng bay và cột đèn đều tăm tắp như... cấy lúa, dù xe cộ đi lại trên đường rất thưa thớt.
Nhà vua Haitham trước khi lên ngôi đã có 18 năm làm Bộ trưởng Di sản và Văn hóa nên ngành du lịch của Oman ngày càng được chú trọng trong mục tiêu chung là đến năm 2040, việc khai thác dầu chỉ còn chiếm 10% GDP vì thực tế là nguồn dầu mỏ sẽ hết trong hơn một thập kỷ nữa nếu vẫn khai thác cật lực như hiện nay.
Chúng tôi dừng chân ở Sur, một thành phố bên bờ biển cách Muscat 150km. Đây là thành phố nằm xa nhất về phía đông bán đảo Ả Rập vươn ra biển Ả Rập và Ấn Độ Dương, từng là nơi giao thương nhộn nhịp một thời với hương liệu, gia vị và nô lệ giữa châu Âu và châu Á cho đến tận khi kênh đào Suez thông đường qua Biển Đỏ. Oman vốn là đế chế hàng hải, kiếm nguồn lợi từ biển bao gồm cả thương mại và khai thác hải sản. Ngành công nghiệp không khói là một hướng đi mới mẻ ở đây. Bờ biển dài 3.165km nhưng hoàn toàn nguyên sơ như thuở khai thiên lập địa và khí hậu nóng quanh năm khiến Oman có lợi thế rất lớn về du lịch biển. Những bãi cát mịn màng kéo dài vô tận này không chỉ cho du khách tắm mà còn là nơi để mỗi năm 20.000 con rùa từ khắp vùng Vịnh, Biển Đỏ và Ấn Độ Dương về đẻ trứng. Trên thế giới có 7 giống rùa biển thì Oman có 5. Việc tại sao loài rùa biển sau 25-30 năm lại có thể tìm về đúng nơi chúng sinh ra để đẻ trứng vẫn là một bí ẩn với các nhà khoa học.
Tôi đến khu bảo tồn rùa biển ở Ras Al Jinz, một làng chài giữa mênh mông núi đá và nước biển xanh ngằn ngặt. Hóa ra khách du lịch cũng khá đông, hầu hết là khách phương Tây trung tuổi, đặc biệt là người Anh và người Đức vì họ thích du lịch khám phá thiên nhiên ở Oman. 9 giờ tối, đoàn người nối đuôi nhau đi bộ ra bãi biển tối om nhưng sao trời sáng rực. Thật may mắn chúng tôi đã được chứng kiến hai rùa mẹ dốc sức đẻ từng quả trứng và dùng hết sức lực còn lại để vùi cát lên. Nhiệt độ của cát quyết định giới tính của rùa, dưới 28 độ sẽ nở ra rùa đực còn trên 31 là rùa cái. Thời tiết cuối tháng 9 ngày nóng 35-38 độ nhưng đêm dịu lại còn 25-26 nên rùa nở ra sẽ lẫn cả đực và cái. Sau bao chờ đợi nữa, chúng tôi cũng được thấy một chú rùa con mới nở, chui lên từ lòng cát và lon ton bò về phía biển. Tạm biệt chú rùa, mong một ngày chú sẽ quay lại đây. Thiên nhiên quả thực kỳ diệu!
Hôm sau chúng tôi dừng chân ở Nizwa, một thành phố cổ với tòa thành từ thế kỷ 17 cao lừng lững ngay giữa trung tâm. Mỗi thành phố ở Oman thời xưa đều có một pháo đài, vào thời chiến nó là nơi cố thủ cuối cùng của cư dân chung quanh với giếng nước ngọt, kho trữ lương thực, hệ thống bảo vệ chằng chịt, gài bẫy tinh vi và đường hầm dài hàng cây số. Thời bình thì pháo đài là trung tâm hành chính, giáo dục và sinh hoạt cộng đồng của cư dân một vùng nhưng cũng để quan sát 360 độ phòng giặc cướp tấn công từ bất kỳ hướng nào. Ngày nay chợ (ở Oman gọi là souq) trong thành cổ Nizwa vẫn họp sôi động mỗi ngày, người địa phương mặc những bộ áo dài truyền thống bán rất nhiều món đồ thủ công và thức ăn đặc sản.
Lại nói về trang phục thì không phải trong chợ truyền thống người ta mới ăn mặc vậy mà khắp cả Oman, đâu đâu đàn ông cũng mặc áo dishdasha dài đến mắt cá chân và đi dép. Phụ nữ cũng mặc váy dài và quấn khăn quanh mặt, để lộ một chút tóc mái phía trước. Phụ nữ trang điểm và trang sức đủ mốt trên đời, các bạn nữ trẻ còn đeo cả kính áp tròng đủ màu. Ta thường nghĩ phụ nữ Hồi giáo phải quấn khăn, nhưng hóa ra đàn ông Oman cũng vậy, không quấn khăn thì đội mũ kuma hình trụ như một niềm tự hào bản sắc dân tộc nhưng cũng để chống cái nắng... vỡ đầu ở đây!
Ẩm thực Oman giống các nước Trung Đông với bánh mì dẹt, cơm hạt dài, hummus đậu gà béo ngậy, thịt cừu nướng kebab, gà nướng ướp nhiều gia vị thơm lừng nhưng khác ở chỗ không hề cay. Văn hóa Oman hướng biển nên còn có thêm nhiều loại cá và đặc biệt là bữa ăn luôn luôn có xa-lát rau sống ăn rất mát và ngọt. Đến đây, tôi mới hiểu vì sao tuy khí hậu nóng khô nhưng người ta ăn thức ăn cũng khô mà không có canh như Việt Nam bởi lẽ ăn cơm thịt nướng với xa-lát xong thấy rất nhẹ nhàng, không đầm đìa mồ hôi như ăn lẩu hay ăn phở, một xúc tác có thể "hầm nhừ" bạn dưới cái nắng Trung Đông. Ngoài phố 3 giờ chiều vắng lặng như tờ vì hàng quán phải 5 giờ mới mở rồi tưng bừng đến nửa đêm. Sau bữa ăn nhà hàng thắp lên hương trầm thoang thoảng, nhâm nhi ly cà-phê đen pha tiểu đậu khấu (ở đây uống cà-phê nhiều hơn uống trà) với miếng bánh sữa halwa thấy thời gian trôi cực kỳ chậm rãi. Bỗng thấy hiểu ra tại sao nụ cười luôn thường trực trên những gương mặt Oman từ người cảnh sát cửa khẩu, tài xế taxi, anh đầu bếp hay cô bán vé tham quan và họ được coi là những người hạnh phúc nhất trên một ốc đảo thanh bình giữa Trung Đông nhiều dâu bể.