Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Nóng chuyện tính đúng, tính đủ

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. Đây là dự thảo thu hút sự quan tâm của công luận và được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại nghị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Con thuyền và dòng sông

Tại phần thảo luận, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu hết sức quan tâm là cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng, như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai xin thôi tự chủ là một thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Thực tế, cơ chế tự chủ đã thực hiện khá thành công ở một số trường đại học.

Cho rằng những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động đang là một khoảng trống trong dự thảo luật, vị đại biểu này đề nghị: cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào luật quy định về tự chủ của bệnh viện công.

Theo ông Cường, cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh, tổ chức bộ máy và con người phù hợp các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, kể cả những vấn đề về tài chính. Cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định các cấp độ tự chủ để xác định quyền hạn đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã đạt được.

Ngoài ra cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư: mua sắm, đi thuê, liên doanh, liên kết để có máy móc, trang bị và sử dụng có hiệu quả nhất cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu khám, chữa bệnh...

Sử dụng hình ảnh con thuyền và dòng sông, trong phát biểu của đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), có phần nhấn mạnh: "Dự thảo Luật có 121 điều thì chỉ có một từ "tự chủ" duy nhất được nêu ở Điều 106, đó là chi ngân sách cho tự chủ. Như vậy, tôi rất đồng tình là chúng ta cần phải có một chương hay một mục về cơ chế tự chủ. Tôi cho rằng, cơ chế tự chủ cũng giống như một dòng sông; nếu dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó sẽ được an toàn và rất tiện lợi. Còn nếu chúng ta xác định không cẩn thận thì rất dễ đánh đắm con thuyền đó. Thực tế hiện nay, cơ chế cho các bệnh viện tự chủ như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K gần như hiện tượng con thuyền đã bị đắm vì cơ chế không đầy đủ. Đặc biệt là hai vấn đề lớn trong tự chủ, con người và kinh phí, đều không giải quyết được".

Còn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh), thời gian qua, những bệnh viện đầu ngành phải rút khỏi tự chủ là vì "thực chất chưa có tự chủ".

Bảo đảm tính khả thi, không đội chi phí cho người dân

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), còn có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh cơ chế bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; các quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; xã hội hóa; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…

Đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh, theo đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai), dự án Luật vẫn chưa đề ra được nguyên tắc tính đúng, tính đủ, và chi đúng, chi đủ. Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm tính phù hợp, toàn diện, khả thi theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương. "Tính đúng, tính đủ là điều rất đúng nhưng chúng ta cần phải có quy định mục tiêu là tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân"-đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nhấn mạnh.

Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, theo đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình), có sự bất cập khi dự án Luật chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ những quy định liên quan nội dung này để bảo đảm khả thi, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thuận lợi, hiệu quả trong thi hành, áp dụng trên thực tế.

Cho rằng thiết chế Hội đồng Y khoa Quốc gia là một tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này, theo như thông lệ quốc tế, song, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng-sai trong các tai biến y khoa. Vì hiện nay, các tai biến y khoa, đặc biệt là ở cơ sở ngoài công lập, đang được xử lý một cách rất lúng túng và chúng ta cần có sự công bằng trong toàn hệ thống, phải ủng hộ sự phát triển của hệ thống ngoài công lập.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng báo cáo, làm rõ hơn một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan vấn đề dinh dưỡng trong khám và chữa bệnh; mốc áp dụng các quy định được đề ra trong dự thảo; hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật... Bộ trưởng Y tế cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp các ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình thấu đáo, chỉnh lý dự thảo, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội để bảo đảm tính khoa học, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, phù hợp định hướng phát triển của toàn bộ hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.