Tác giả trẻ Trần Hải Anh:

Nỗ lực thấu hiểu nguồn cội

Ra mắt lần đầu tại Pháp vào đầu năm 2023, cuốn tiểu thuyết bằng tranh "Sống"- chứa đựng câu chuyện một người mẹ kể cho con gái về thời gian tại chiến khu miền Tây Nam Bộ giai đoạn 1969-1975, đã phát hành được hơn 8.000 bản và giành được giải thưởng của Ban giám khảo một liên hoan truyện tranh uy tín ở Pháp. Nhân dịp "Sống" được chuyển ngữ sang tiếng Việt, xuất bản và phát hành tại Việt Nam, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng tác giả Hải Anh.
0:00 / 0:00
0:00
Hải Anh (bên phải) và Pauline Guitton trong buổi ra mắt "Sống" tại Hà Nội. Ảnh: Viện Pháp tại Hà Nội
Hải Anh (bên phải) và Pauline Guitton trong buổi ra mắt "Sống" tại Hà Nội. Ảnh: Viện Pháp tại Hà Nội

Mẹ tôi rất đặc biệt và cuộc sống của bà cũng vậy

- Chúc mừng Hải Anh với tác phẩm "Sống" vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam. Bạn có thể chia sẻ cảm hứng khởi nguồn của tác phẩm này được chứ?

- Tôi lớn lên tại Paris (Pháp) trong một gia đình luôn hướng về cội nguồn Việt Nam. Mẹ tôi là đạo diễn điện ảnh Việt Linh, một nhà làm phim năng động, thường đi đây đó để tham dự các liên hoan phim hoặc làm phim. Khi ở nhà, mẹ rất hay chia sẻ với hai cha con tôi nhiều kỷ niệm trên phim trường hoặc những câu chuyện lúc còn ở chiến khu của bà. Mỗi lần khách đến chơi nhà, bà lại kể cho họ nghe những câu chuyện khó tin ấy.

Phải nói, bà là một người kể chuyện tuyệt vời. Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu hết chúng, nhưng tôi có thể thấy trên khuôn mặt mọi người biết bao ấn tượng sau câu chuyện kể của bà. Tôi chỉ có thể hiểu rằng mẹ tôi rất đặc biệt và cuộc sống của bà cũng vậy. Sau này, tôi nhận ra những câu chuyện ấy hóa ra không xuất hiện ở bất cứ đâu, dù là phim ảnh hay là văn học. Vì vậy tôi biết mình sẽ phải kể lại chúng.

- Vì sao Hải Anh lại chọn hình thức tiểu thuyết đồ họa (graphic novel) cho tác phẩm này?

- Tôi là một người đam mê truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa từ khi còn nhỏ. Cùng với người bạn thân nhất là Pauline Guitton, đồng tác giả và họa sĩ minh họa của "Sống", chúng tôi đã cùng đọc sách hằng ngày ở trường và chia sẻ cho nhau những cuốn sách mà mình yêu thích. Từ những điều đó mà tác phẩm này được ra đời. Tuy học và làm việc trong lĩnh vực điện ảnh nhưng cả hai chúng tôi đều hình dung "Sống" như một cuốn truyện tranh, không chỉ vì niềm yêu thích với thể loại này, mà cuộc sống trong chiến khu cũng rất mơ hồ về mặt thời gian, vì vậy tôi chọn cách kể theo từng chủ đề riêng biệt, thay vì theo trình tự thời gian chặt chẽ. Bên cạnh đó, chúng tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng, hình minh họa sẽ truyền tải cảm giác dịu dàng và thơ mộng hơn, dù cho câu chuyện có nặng nề thế nào đi nữa.

- Trong tác phẩm này, bên cạnh câu chuyện ở vùng kháng chiến của đạo diễn Việt Linh, còn có một mạch là câu chuyện giữa Hải Anh và mẹ ở thời hiện đại. Vì sao bạn lại chọn lối kể song tuyến này?

- Việc thể hiện quá trình phỏng vấn/trò chuyện với mẹ của tôi là có chủ ý. Một trong những thông điệp tôi muốn truyền tải qua "Sống" là chúng ta nên dành thời gian để ngồi lại và trò chuyện với bố mẹ mình. Sau khi khám phá ra mẹ của mình năm 16 tuổi là người thế nào và hiểu những điều đã góp phần hình thành bà như bây giờ, tôi càng thấu hiểu bản thân mình hơn với tư cách là một người con gái cũng như một người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, thật cần phải có hai mốc thời gian để thể hiện được những tác động ấy đến mối quan hệ của mẹ con chúng tôi.

Hành trình truyền cảm hứng giàu ý nghĩa

- Quá trình được nghe mẹ kể chuyện hẳn là rất thú vị với Hải Anh?

- Tôi và bố mẹ rất thân thiết, gần gũi với nhau. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều, cả trong bữa ăn cũng như qua điện thoại và thư tín. Chúng tôi chia sẻ rất nhiều và tôi chưa bao giờ cảm thấy bố mẹ muốn giấu tôi bất cứ điều gì. Vì thế mà tôi tưởng mình luôn luôn biết rõ, thấu hiểu bố mẹ. Nhưng khi thực hiện "Sống", tôi nhận ra rằng bản thân đã sai. Chúng ta không bao giờ biết rõ mọi người như chúng ta nghĩ.

Ngồi xuống, nghe mẹ kể về những năm tháng tuổi thiếu niên và việc mẹ đã lớn lên như thế nào mà không nài ép bà phải nói những điều tôi muốn nghe đã giúp cho tôi mở rộng tầm mắt. Khi còn nhỏ, tôi luôn coi mẹ như một "siêu anh hùng" và nghĩ rằng, mẹ sinh ra đã như vậy. Qua chuyện kể của mẹ, tôi nhận ra hành trình sống của bà đã định hình bà như người phụ nữ giờ đây, một người đấu tranh rất nhiều và phải học cách để tự sinh tồn, qua đó giúp tôi thêm thấu hiểu bà. Đây là bài học quý giá nhất tôi học được từ "Sống", và tôi sẽ mãi biết ơn tất cả những gì đã cho tôi dũng khí để nói chuyện với bố mẹ mình.

- Bạn có thể chia sẻ thêm về hành trình ra mắt tác phẩm ở Pháp?

- "Sống" được xuất bản vào tháng 1/2023, ngay trước thềm khai mạc Liên hoan Truyện tranh quốc tế tại Angoulême - một trong những liên hoan truyện tranh lớn nhất ở châu Âu. Có cảm giác như giấc mơ đã thành hiện thực khi chúng tôi có thể bắt đầu chuyến ký tặng sách ở đó. Nhà xuất bản của chúng tôi treo một tấm áp phích lớn về "Sống" ở ngay lối vào nơi diễn ra sự kiện. Thật không tin nổi khi có một tấm áp phích cực kỳ hoành tráng về một cuốn sách với tựa đề bằng tiếng Việt xuất hiện tại đó!

Trong thời gian lễ hội diễn ra, rất nhiều độc giả đã đến gặp chúng tôi. Họ rất tò mò về "Sống" dù đây chỉ là cuốn sách đầu tay của cả hai người và họ cũng không biết nhiều về Việt Nam. Trong suốt năm 2023, chúng tôi đã ký tặng ở Pháp, Thụy Sĩ và Canada. Thật là một trải nghiệm khó quên khi được gặp gỡ và trò chuyện với các độc giả.

- Hải Anh nghĩ gì về việc ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam dành thời gian tìm lại những trang sử hào hùng của dân tộc? Là một người sinh sống từ lâu ở Pháp, bạn nghĩ thế nào về sự cần thiết của những tác phẩm như "Sống" với người trẻ sống xa quê hương?

- Tôi tin vào tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguồn cội và cha mẹ chúng ta trong quá trình trưởng thành. Đây là lý do tại sao tôi hy vọng "Sống" có thể truyền cảm hứng cho bất kỳ người Việt Nam nào dành thời gian để tìm hiểu về cha mẹ mình, về cách mà họ đã trưởng thành. Có điều gì đó rất gần gũi khi biết cha mẹ chúng ta đã trải qua những khó khăn nào để có được ngày hôm nay, vì chính chúng ta rồi sẽ trải qua những giai đoạn tương tự trong thời niên thiếu hay những lần đầu: lần đầu nấu ăn, lần đầu biết rung động trước người khác giới, lần đầu yêu và được yêu… Khi tôi nhìn những người bạn của mình ở Pháp, tôi thấy những điều nói trên thường rất tự nhiên. Nhưng với những đứa trẻ lớn lên trong sự nuôi dưỡng của hai nền văn hóa, chúng tôi thường phải đối mặt với những khoảng cách về thế hệ, văn hóa, địa lý… Nhưng tôi tin rằng, ai cũng có sự tò mò này và mọi thứ sẽ thay đổi khi chúng ta dám tìm hiểu, dám thấu hiểu và dám yêu thương.

- Bạn đã tiếp tục các dự án mới sau "Sống" rồi, phải không?

- Nhiều bạn đọc hỏi tôi về phần tiếp theo của "Sống" (cười). "Sống" là tác phẩm đầu tay của tôi; chính nó đã thúc đẩy tôi viết nhiều hơn, và trở lại điện ảnh. Tôi đã tham dự một chương trình lưu trú về viết ở Brittany (Pháp) để viết một kịch bản phim ngắn và sẽ quay tại Việt Nam. Tôi cũng đang ấp ủ nhiều câu chuyện khác về Việt Nam và cả Pháp nữa để hoàn thành trong tương lai.

- Chân thành cảm ơn Hải Anh về cuộc trò chuyện!

"Sống" do Ankama Éditions (Pháp) xuất bản năm 2023. Bản tiếng Việt của "Sống" do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Năm 2023, Hải Anh là một trong năm gương mặt người Việt Nam được tạp chí Forbes vinh danh là gương mặt trẻ xuất sắc dưới 30 tuổi tại châu Á.