Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên:

Luôn hy vọng vào nội lực mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương

Làm thế nào để nuôi dưỡng sức sống của sân khấu truyền thống, trong đó có bộ môn cải lương, giữa bối cảnh làm nghề đầy thử thách hiện nay, có lẽ là câu hỏi thường trực với các đơn vị nghệ thuật trong lĩnh vực này. Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn người trong cuộc từ thực tế hoạt động của Nhà hát.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên.
Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên.

Thích ứng hoàn cảnh khó khăn

- Thưa anh, trong bối cảnh hiện nay, một đơn vị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát Cải lương Việt Nam đang phải đối mặt những khó khăn gì?

- Nhà hát Cải lương Việt Nam nói riêng và nghệ thuật cải lương hiện nay đang phải đối mặt với ba khó khăn lớn. Đó là khó khăn về khán giả khi nhu cầu, thói quen thưởng thức của người xem đã dịch chuyển sang các loại hình giải trí khác. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trẻ đang thiếu hụt nghiêm trọng. Vài năm nay, tại Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, đơn vị đào tạo lực lượng diễn viên trẻ chủ yếu cho nghệ thuật cải lương phía bắc, không có thí sinh thi tuyển vào lớp diễn viên Cải lương. Hiện thực đó là đáng báo động. Trong khi, lớp diễn viên nam và nữ chính của Nhà hát đã ở độ tuổi ngoài 40, chững cả về tuổi đời và tuổi nghề. Cùng với đó là một khó khăn nữa, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang thực hiện tự chủ một phần về tài chính, vậy là vừa tập trung vào công tác chuyên môn vừa phải lo tìm kiếm nguồn thu sự nghiệp để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của anh em, cũng như hoạt động chung tại đơn vị.

- Để giải quyết khó khăn trong việc thu hút khán giả, nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống đã chủ trương đổi mới về mọi mặt, trong đó có áp dụng công nghệ, sử dụng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại. Bình luận của anh về thực tế này?

- Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình giải trí hiện đại khác, việc đổi mới về mọi mặt của sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống là vô cùng cần thiết. Áp dụng công nghệ hiện đại cũng là một cách thức làm tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc sử dụng công nghệ vẫn cần tuân thủ những nguyên tắc của nghệ thuật sân khấu, đó là tính tượng trưng và ước lệ trong thiết kế mỹ thuật.

Nhiều đơn vị lấy cảnh quay thật đưa lên màn led thay cho phông nền sân khấu, đã làm cho vở diễn mang tính tự do chủ nghĩa, mất tính thẩm mỹ và đồng bộ trong sáng tạo. Đôi khi, công nghệ được áp dụng tràn lan, tạo được vẻ hào nhoáng về mặt hình thức bên ngoài nhưng lại non yếu về mặt nội dung cũng như các thủ pháp nghệ thuật cốt lõi bên trong. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các đơn vị dàn dựng quá nhiều tác phẩm đề tài dân gian, dã sử, lịch sử mà thiếu các tác phẩm có nội dung gần gũi với đời sống hiện nay. Nhiều tác phẩm có hàm lượng sáng tạo thấp, na ná giống nhau như kiểu sản xuất hàng loạt càng làm cho nhiều khán giả xa rời nghệ thuật sân khấu.

- Riêng về khó khăn tài chính trên lộ trình từng bước tự chủ trong hoàn cảnh thưa vắng khán giả, Nhà hát đã có những cách khắc phục như thế nào để chia sẻ và động viên các nghệ sĩ, nhân viên gắn bó với đơn vị, thưa anh?

- Mỗi năm, Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng hai tác phẩm mới theo đặt hàng của Nhà nước, thực hiện khoảng 10 buổi biểu diễn phục vụ chính trị bằng nguồn kinh phí được cấp, khoảng 100 buổi biểu diễn có doanh thu thực hiện theo hình thức biểu diễn phục vụ các lễ hội, các cơ quan, đơn vị trong dịp lễ, sự kiện lớn. Các tác phẩm phục vụ đều nằm trong danh mục vở diễn mới nhất được dàn dựng trong nhiều năm trở lại đây.

Nhà hát cũng đã tổ chức nhiều đợt công tác phục vụ khán giả các vùng, miền, trong đó có cả các tác phẩm kết hợp nghệ sĩ hai miền nam-bắc bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Các đợt biểu diễn này đều được giới nghề và khán giả đánh giá cao.

Nhìn chung, ban lãnh đạo cùng anh em nghệ sĩ đã bằng mọi cách vượt qua khó khăn, thích ứng với tình hình mới. Nhà hát cũng tạo điều kiện để anh em vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị, vừa có thời gian để lo cho cuộc sống gia đình. Phần lớn anh chị em sống ổn, một số đắt show cá nhân nên có thu nhập cũng khá tốt.

Luôn hy vọng vào nội lực mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương ảnh 1
Cảnh trong vở Nợ nước non của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Ảnh: NVCC

"Ðo ni đóng giày" cho từng vai diễn

- Như anh chia sẻ, lứa diễn viên chính của Nhà hát hiện tại đã ở độ chững cả về tuổi đời và tuổi nghề trong khi nhân tố trẻ lại đang thiếu vắng. Theo anh, yếu tố "ngôi sao" từng có ý nghĩa quyết định đối với sức sống của nhiều vở cải lương trước đây, có vai trò như thế nào trong việc thu hút khán giả giữa bối cảnh làm nghề nhiều biến đổi hiện nay?

- Nhân tố "ngôi sao" được xác lập phần nhiều do phẩm chất, tài năng và cái duyên sân khấu thiên phú của nghệ sĩ, bên cạnh đó là sự chi phối mạnh mẽ của quy luật thị trường, trong đó có yếu tố thị hiếu của khán giả.

Khách quan mà nói, nhân tố ngôi sao là khá quan trọng tạo nên sức hút không nhỏ cho một tác phẩm, một đơn vị nghệ thuật. Có một bộ phận khán giả đi xem các vở diễn chỉ để được gặp các thần tượng của mình. Nhưng suy cho cùng, việc thiếu vắng các ngôi sao thế hệ mới cũng là một hiện thực mang tính quy luật khách quan. Xin nhấn mạnh là sự vắng bóng của các ngôi sao cải lương thế hệ mới, còn các ngôi sao đã từng tỏa sáng qua nhiều thế hệ trước vẫn đang tiếp tục đóng góp cho sân khấu cải lương ở những mức độ khác nhau.

Giữa xu hướng sáng tạo và tiếp nhận hiện nay, thành công của một tác phẩm không hoàn toàn phụ thuộc vào các ngôi sao mà là kết quả từ quá trình nỗ lực của cả một tập thể. Khi xây dựng các vở diễn, nhiều năm nay, chúng tôi thực hiện việc "đo ni đóng giày", xây dựng hệ thống nhân vật chính có già, có trẻ dựa trên lực lượng thực tế cũng như sở trường, sở đoản của từng nghệ sĩ. Từ đó, hiệu quả mà các tác phẩm đạt được mang dấu ấn của cộng đồng sáng tạo với thái độ và trách nhiệm cống hiến cao.

Hiện tại, Nhà hát Cải lương Việt Nam chúng tôi vẫn đang sở hữu một thế hệ nghệ sĩ trẻ đầy hứa hẹn, như Minh Nguyệt, Lê Trung Tuấn, Ngọc Linh, Tuấn Thịnh, Việt Anh, Trần Hải, Trần Cường, Văn Hiệp… Các em đang được Nhà hát hết sức quan tâm để tạo nên lực lượng kế thừa xứng đáng với truyền thống hơn 70 năm vẻ vang của đơn vị.

- Và anh cũng vẫn đặt niềm tin vào sự quan tâm trở lại của khán giả trẻ dành cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là cải lương?

- Nghệ thuật cải lương về bản chất là một nghệ thuật mang tính thích ứng, hội nhập và biến đổi cao. Nó có thể tiếp thu mọi giá trị tiên tiến nhất của nghệ thuật sân khấu đương đại thế giới để làm giàu cho ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Đó chính là lợi thế vô cùng lớn để nghệ thuật cải lương có thể thích ứng với tình hình và tìm hướng phát triển.

Bên cạnh đó, về dài hạn, khi đã hội nhập sâu rộng, sòng phẳng và đạt được trình độ tương đồng với thế giới, chắc chắn sẽ nảy sinh nhu cầu tìm kiếm sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Khi ấy, giới trẻ tất yếu sẽ hình thành xu hướng trở lại với những giá trị truyền thống và góp phần tôn vinh di sản của cha ông mình, dân tộc mình. Trong bối cảnh ấy, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc hiện nay nếu biết nỗ lực tốt trong việc bảo tồn, lưu giữ vốn cổ, thì việc phục hưng nền văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam là điều chắc chắn xảy ra.

Song, để có thể bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, không chỉ trông vào sự phát huy nội lực của từng nghệ sĩ, từng đơn vị nghệ thuật. Lúc này chỉ có Nhà nước mới đủ lực, bằng cơ chế, chính sách, để xoay chuyển tình thế. Nhà nước cần đầu tư nâng cấp về mọi mặt để nghệ thuật truyền thống có thể khẳng định vị thế và phát triển mạnh mẽ…

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!