Khó đếm tính được hết các festival ở những thành phố ven bờ biển của nước Pháp. Từ phim ảnh, âm nhạc, thủy triều đến thuyền. Mỗi mùa hè đến, nước Pháp tổ chức gần 300 festival khác nhau, từ cấp độ huyện đến tỉnh và thành phố và festival các thành phố ven biển luôn là một trong những hoạt động độc đáo, với nhiều hình thức khác lạ.
Thành phố Granville nằm bên bờ Đại Tây Dương, thuộc tỉnh Normandie của nước Pháp năm nào cũng có một festival đặc biệt về biển, nó thu hút hàng triệu khách thăm quan dù chỉ là thành phố nhỏ.
Năm 2023, Granville tổ chức Festival quốc tế về nghề đi biển và thuyền đánh bắt cá. Dọc bờ biển Đại Tây Dương, bên cạnh cảng thuyền buồm đầy ắp thuyền hiện đại là những con thuyền đánh cá bằng gỗ được phục chế và phục dựng để du khách thăm quan. Điều hay của festival là nó mang tính quốc tế, người ta có thể thấy thuyền của Tây Ban Nha, của Nhật cũng có mặt, chiếc khinh hạm Shtandart thuộc khinh hạm Baltic của Pierre Đại Đế được đóng lại vào năm 1999 xứng đáng là một kiệt tác, đậu lừng lững ở bến cảng như nhân chứng của một giai đoạn mà văn minh nước Nga đã phải khiến người ta trầm trồ. Những chiến thuyền và thuyền đánh cá này cho người ta không chỉ có cơ hội được ngắm những tác phẩm được làm bởi bàn tay nghệ nhân, mà còn được học thêm về lịch sử, đặc biệt là lịch sử của những trận hải chiến và nghề cá.
Nhưng có lẽ điều thú vị nhất bên cạnh những hoạt động như chiếu phim về biển, thưởng thức hải sản... là du khách được xuống thuyền, ra khơi dưới những cánh buồm lồng lộng gió với thủy thủ đoàn cũng là các tình nguyện viên đến từ nhiều nơi trên thế giới. Ban đầu các tình nguyện viên là những người yêu biển, thích được tham gia vào các hoạt động giới thiệu về thuyền và nghề cá, rồi cuối cùng trở thành thủy thủ đoàn thực thụ trong những dịp festival.
Hỏi chuyện một tình nguyện viên đến từ Anh, cậu bảo “Đại Tây Dương mà thiếu những hoạt động này thì thật là đáng tiếc, nó cho chúng tôi ý thức rõ về di sản nghề cá mà các nước đang chia sẻ đại dương này đã và đang làm, và điều quan trọng hơn là nó bắt chúng tôi phải nghĩ về lãnh hải của mình. Ra biển, tự do đấy nhưng mỗi thủy thủ đều phải biết là mình được đi đâu”.
Như vậy là Festival thuyền và nghề cá vô hình trung là một hoạt động vừa thúc đẩy du lịch, vừa quảng bá di sản văn hóa của các nước có nghề cá lại vừa khiến người ta nghĩ về lãnh hải của mình.
Pháp là đất nước mà biển bao quanh ba bề. Sở hữu Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, văn hóa của các vùng biển tạo nên sự giàu có về cả văn hóa lẫn kinh tế cho nước Pháp. Tuy thế trong lịch sử của ngành hàng hải, hải chiến và bị mất bờ biển chưa bao giờ là câu chuyện mà người Pháp quên, dù ngày hôm nay người Viking đã góp phần làm nên sự đa dạng cho văn hóa của suốt dải bờ biển Bắc Đại Tây Dương của Pháp.Dự những festival nhắc cho người ta nhớ về bờ biển mà mình đang sở hữu, với tất cả vẻ đẹp của văn hóa, di sản và ngành nghề không thể không liên hệ tới Việt Nam.
Hình dung rằng mỗi năm vào những mùa khác nhau, trải dài từ Trà Cổ đến Mũi Cà Mau là những festival với nhiều câu chuyện khác nhau về biển. Biển và những câu chuyện gắn liền với biển của người Việt Nam giàu có hơn nhiều quốc gia, dù nhiều phần trong những câu chuyện ấy là chống quân xâm lược. Festival ngoài trời với mô hình của những chiếc cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, những chiến thuyền giúp Ngô Quyền thắng quân Nam Hán. Triển lãm về đường Hồ Chí Minh trên biển, từ bộ quần áo, chiếc mũ cho đến quân trang, chắc chắn rằng đều xa lạ và giúp học hỏi nhiều cho thế hệ đi sau. Festival thuyền buồm của người đánh cá miền bắc, festival thuyền gỗ của người đánh cá miền nam. Người miền trung với những chiếc thuyền có đôi con mắt đằng trước.
Có bao nhiêu người sinh sống ở thành phố có thể hiểu được văn hóa ứng xử của ngư dân vùng biển chung quanh những con thuyền? Lễ phạt mộc là gì? Giáp ghim ra sao? Tống mộc đưa dăm, rồi hành thuyền phóng thủy. Nếu có cơ hội được dự những lễ như cúng sương mành của người miền trung, lễ cầu mùa của miền nam, cúng biển miền bắc chắc chắn rằng xúc cảm với đời sống của ngư dân sẽ khác.
Khi bước xuống Khinh hạm Shtandart của Pierre Đại Đế, một bạn tình nguyện viên vốn là sinh viên ngành khảo cổ đã giới thiệu cho khách tham dự Festival về thuyền và nghề cá rằng họ đang đứng trên con thuyền được phục dựng lại từ Khinh hạm của Pierre Đại Đế, biển Manche không như biển Baltic nhưng linh hồn của những con thuyền thì như nhau - nghĩa là nó sẵn sàng tiến về phía trước, căng buồm chở gió.
Khinh hạm Shtandart được phục dựng từ khinh hạm Baltic của Pierre Đại Đế (thế kỷ thứ 18). |
Có bao nhiêu người Việt Nam đã được đặt chân xuống con thuyền của một ngư dân đang hành nghề đánh bắt cá trên sông và trên biển? Có bao nhiều người hiểu rằng từ “bám biển” ý nghĩa thực sự là thế nào. Chỉ khi thực sự bước chân xuống một con thuyền của người đánh cá, được giải thích, được nghe rằng con người được phép ngồi đâu, đứng đâu, những đôi mắt trên mũi thuyền để làm gì, những phong tục của người thuyền chài ra sao để mong có một mùa màng ấm no, nhà thuyền bình an trở về với đất liền, khi ấy sự hiểu nó sâu sắc hơn, thấm hơn, thậm chí còn nhen nhóm nhiều xúc cảm tích cực khác của lòng biết ơn, sự thấu cảm.
Mô hình nhà giàn được làm trên bờ biển cho khách tham quan, phải chăng cũng là cách có thể mang đến những giá trị lớn khác nữa ngoài việc người ta có thể thoả mãn con mắt, hiểu biết về những vất vả gian lao và hy sinh của người đang làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải.
Festival Biển nếu chỉ là những cuộc vui, nhảy múa ăn uống trên bờ, thuần mang tính chất phục vụ và quảng bá du lịch thì vẫn chưa hết được khả năng lan toả về văn hóa của nó, càng chưa cho người tham dự hiểu được hết những vẻ đẹp của những vùng đất, con người và tất nhiên rộng hơn là lịch sử.
Biển Việt Nam, đi nhiều sẽ thấy giàu có và phong phú về địa hình, mỗi mảnh đất lại có những nét văn hóa đặc biệt khác nhau, nghĩa là câu chuyện về thuyền và biển ở chỗ này hoàn toàn có thể đem kể ở nơi khác. Thuyền và nghề cá miền bắc có thể đem kể ở miền trung, miền nam, có thể kể ở địa đầu Tổ quốc. Nghĩa là mỗi câu chuyện có thể kể ở nhiều nơi, chia sẻ với nhiều người.
Lịch sử luôn có sự hấp dẫn riêng, tác động lớn lao vào đời sống con người khi nó được “kể” theo một cách giản dị, với những hình thức phong phú và dễ tiếp cận. Chính trị được đón nhận một cách sâu sắc hơn khi người ta thấy nó gần với đời sống tinh thần và tình cảm, và hơn tất cả là người ta có thể hiểu thêm về những đồng loại khác, cuộc sống khác để mở ra những cơ hội tư duy về những điều khác đi, lớn hơn cuộc sống thường nhật.
Thuyền và biển Việt Nam, có bao nhiêu cơ hội để khiến người ta suy tư về những vấn đề lớn hơn bản thân nó?