N |
gân hàng đang thừa tiền nhưng nhiều doanh nghiệp không vay được vì ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, công ty phải làm ăn có lãi. Đó là những tiêu chí thông thường, nhưng các doanh nghiệp không đáp ứng được, họ mong muốn các ngân hàng giảm điều kiện cho vay. Nhưng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không thể cho vay dưới chuẩn được. Trong tình huống này, tôi cho rằng ngân hàng không thể hạ chuẩn, vì nếu hạ chuẩn sẽ phải đối diện với nợ xấu sau này, khi nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.
Trong một nền kinh tế mà tổng cầu giảm, nguồn cung giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất, kinh doanh, vì càng sản xuất, kinh doanh lại càng lỗ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 15,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Để chấm dứt tình trạng này, theo tôi Chính phủ cần những giải pháp mạnh mẽ, bởi vì sức sống của nền kinh tế phụ thuộc vào sự tồn tại của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tạo công ăn việc làm, sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm, nộp thuế. Chính vì thế phải “hà hơi tiếp sức” cho doanh nghiệp, giữ chân người lao động. Chính phủ nên có những chương trình cho vay đặc biệt từ các ngân hàng chính sách cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với thủ tục nhanh gọn. Tôi là cố vấn cấp cao của một quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quỹ này muốn chuyển đổi từ cho vay gián tiếp thông qua ngân hàng sang cho vay trực tiếp nhưng chủ trương này còn đang được bàn thảo.
Có ý kiến cho rằng dù các ngân hàng “ế” tiền trong khi nhiều doanh nghiệp đói vốn. Ông nhìn nhận như thế nào về dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước? Theo ông, nên có những chính sách điều hành tiền tệ như thế nào để khơi nguồn vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh?
Tất cả các thành phần kinh tế phải thay đổi linh hoạt để thích ứng môi trường mới, điều kiện mới. Trong tình trạng nguồn vốn đang bị nghẽn tại các ngân hàng, phải nhìn nhận vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng thương mại một cách hợp lý, chính xác hơn. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý tiền tệ, và vai trò của các ngân hàng thương mại là một bộ máy tuần hoàn cung cấp tiền cho cả nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước nên có những quy định phù hợp và cần giữ sự kiên quyết trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ.
Các ngân hàng thương mại không thể cho vay dưới chuẩn, nhưng nên xem xét trong phạm vi của mình có thể điều chỉnh được, chẳng hạn việc giảm thủ tục hành chính cho gọn nhẹ, thông thoáng hơn để xét duyệt các hồ sơ tín dụng nhanh hơn. Tôi cho rằng thời điểm này, ngân hàng nên quay trở lại cho vay tín chấp, một loại cho vay không cần tài sản bảo đảm. Các ngân hàng cần thể hiện thiện chí để hoạt động trong môi trường mới này.
Năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn có thể lên đến 329.500 tỷ đồng, cao nhất trong ba năm gần đây. Theo ông, cần xử lý “núi nợ” trái phiếu đó theo hướng nào khi mà rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn, khó có khả năng thanh toán cả gốc lẫn lãi cho những nhà đầu tư?
Đây là vấn đề khó khăn. Ngày 5/3/2023 Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn. Nghị định này sắp hết thời hạn áp dụng, thời gian sắp tới số nợ trái phiếu phải trả rất lớn, phải giải quyết thế nào? Có lẽ vẫn là cách giãn, hoãn nợ một thời gian nữa. Thế nhưng không thể giãn mãi được, đến một lúc nào đó, phải trả. Khi đó, chỉ có hai cánh cửa mở ra. Một là phải trả bằng mọi cách như thanh lý tài sản, đi vay những nơi khác, hai là phải ra tòa mở thủ tục phá sản. Nhưng thường thì khi tòa tuyên bố phá sản, thanh lý tài sản bảo đảm trả lại cho chủ thì khi đó tài sản chẳng còn bao nhiêu nữa.
Nhưng tôi cho rằng thị trường bất động sản vẫn phát triển được vì nhu cầu nhà ở rất lớn. Vấn đề là bây giờ có quá nhiều bất động sản phân khúc cao cấp, giá quá cao, bán không ai mua.
Chính phủ cần có chính sách để giải quyết hàng tồn kho của bất động sản. Theo tôi, nếu các nhà kinh doanh bất động sản không có khả năng thanh toán nợ trái phiếu, hãy để họ phá sản. Khi họ phá sản, tất cả tài sản đó sẽ được thanh lý và bán ra phù hợp hơn với túi tiền của người Việt Nam. Những nhà kinh doanh bất động sản đã gây ra tình thế hiện nay thì họ phải chịu hậu quả đó. Chúng ta phải chấp nhận sự đổ vỡ đó mới có thể làm mới lại, đó như một cuộc đại phẫu để nền kinh tế lành mạnh.
Ông nhận định gì về bức tranh kinh tế của năm 2024 và có những khuyến nghị gì đối với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước?
Ngân hàng đang ế tiền trong khi doanh nghiệp thiếu vốn |
Tôi kỳ vọng tình hình kinh tế năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023. Năm 2023 là năm mà Việt Nam tiếp nối những khó khăn của năm 2022, cũng như chịu dư chấn của đại dịch Covid-19. Năm 2023 có thể là năm đáy của sự khó khăn và sang năm 2024 có thể thuận lợi hơn dựa trên một số cơ sở: Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể sẽ được nới lỏng để đi vào một giai đoạn không thắt chặt. Những chính sách của Chính phủ đưa ra trong năm 2023 cần độ trễ và có tác dụng tốt vào năm 2024. Các thị trường như bất động sản, chứng khoán... đến đáy cũng sẽ phải bật lên. Nhưng mà có sáng sủa hơn, cũng phải đợi vào nửa năm sau, nửa năm đầu vẫn chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi của năm 2023.
Phải ghi nhận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công. Theo tôi, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước dùng công cụ lãi suất để tác động tích cực cho nền kinh tế nhưng chúng ta chưa thấy rõ những tác động đó. Lãi suất giảm, dư nợ lại quá thấp, 10 tháng đầu năm tổng dư nợ mới tăng 7,42% trong khi mục tiêu của chúng ta cho cả năm là 14%, như vậy, mới đi được hơn nửa đoạn đường. Xảy ra hiện tượng ngân hàng ế tiền cho thấy chính sách về lãi suất tỏ ra không hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước có lẽ bắn một mũi tên mà không trúng đích, mũi tên là lãi suất và cái đích để vực dậy nền kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng thấp, hiện tại cũng không cứu được các doanh nghiệp nhỏ. Đáng lẽ ra lãi suất thấp như thế phải cứu được nhiều doanh nghiệp vì chi phí vốn của họ giảm đi.
Xin cảm ơn ông!