Sống - Đẹp

"Nhà khoa học của nhà nông"

Trong số hơn 60 gương mặt được tôn vinh tại sự kiện Nhà khoa học của nhà nông 2022, người trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Huỳnh, 29 tuổi, người dân tộc Tày ở Văn Yên (Yên Bái). Anh là gương mặt vốn không mấy xa lạ với cộng đồng thanh niên dân tộc thiểu số, bởi hàng chục năm nay thương hiệu Bếp nóng lạnh Huỳnh Phát do anh Huỳnh tạo dựng đã và vẫn đang "làm mưa làm gió" trên thị trường bếp dân dụng phía bắc, đặc biệt là cộng đồng nông thôn còn khó khăn. Bếp Huỳnh Phát có gì hấp dẫn mà bà con tin yêu và không ngừng lan tỏa đến vậy?
0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Văn Huỳnh giành được nhiều giải thưởng từ sáng kiến bếp nóng lạnh.
Nguyễn Văn Huỳnh giành được nhiều giải thưởng từ sáng kiến bếp nóng lạnh.

Bếp của người nghèo

Văn Yên, mảnh đất Huỳnh sinh ra, là huyện miền núi nghèo nằm phía bắc của tỉnh, cách thành phố Yên Bái gần 40km. Tuổi thơ Huỳnh cũng như hầu hết trẻ em nơi đây, nhọc nhằn bởi gia đình nghèo, hằng ngày đeo gùi theo mẹ lên nương rẫy, đeo giỏ xuống suối mò cua bắt cá. Ấn tượng nhất là những mùa đông khắc nghiệt, trâu bò chết rét, trẻ con co ro suốt mùa đông, không tắm vì lạnh. Ngày còn bận đi làm, tối đến quây quần bên bếp củi, đó là những khoảnh khắc dễ chịu thư giãn hạnh phúc nhất trong ngày của hầu hết mọi người. Bản tính tò mò ham học, hồi 15, 17 tuổi, sở thích của Huỳnh là loay hoay nghịch, nghĩ ra những mẹo nhỏ cải thiện công năng sử dụng cho đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Huỳnh nhớ đó là một buổi tối mùa đông mưa rét, ngồi bên bếp, củi ẩm cháy leo lét, khói bốc lên nhiều đến nỗi cay xè cả mắt. Một ý nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu cậu thanh niên nghèo, làm sao để tiết kiệm củi nhất có thể, làm cách nào giảm bớt khói, muội? làm sao tận dụng tối đa nhiệt năng của bếp... Không để ý tưởng nhảy nhót mãi trong đầu, Huỳnh bắt tay vào mày mò chế tạo chiếc bếp đa năng độc nhất trên đời...

Nghĩ đến đâu mày mò đến đó, ngoài giờ lên nương, anh nhặt nhạnh tận dụng phế liệu cũ như vỏ tôn, đoạn ống nước tuýp sắt, vòi... về tỉ mẩn hàn xì lắp ghép. Vốn không được học hành đến nơi đến chốn, cứ mày mò làm theo trải nghiệm từ cuộc sống, sự thông minh trời phú và lòng kiên trì, ròng rã bốn năm trời đeo đuổi, Huỳnh cứ làm đi làm lại, chi tiết nào chưa được thì sửa, mẫu này lỗi nát quá thì bỏ đi làm lại từ đầu. Năm 2014, đứa con tinh thần của Huỳnh đã hoàn tất, toàn thân vỏ bếp được làm từ inox với nguyên lý đối lưu tự nhiên, tận dụng khoảng 80% lượng nhiệt trong bình bảo ôn. Bài toán anh đặt ra là một sản phẩm tiêu tốn một lượng chất đốt ít nhất, khói bụi, muội hạn chế nhất nhưng lại thu về lượng nhiệt năng thừa nhiều nhất. Mùa đông năm ấy mẹ anh phấn khởi mời bà con hàng xóm đến lấy nước nóng về dùng. Chất đốt ở rừng vốn sẵn, cứ duy trì bếp là nước nóng thoải mái sử dụng. Anh Huỳnh giải thích: Khi đưa nguyên liệu vào đun nấu, vỏ bếp có gắn máy thiết bị thu nhiệt , theo đường ống từ bếp, nhiệt năng được đẩy lên bình bảo ôn làm nóng nước và dự trữ ở đó. Tiếng lành đồn xa, chiếc bếp đa năng của Nguyễn Văn Huỳnh được nhiều người biết đến, đã có những đơn đặt hàng đầu tiên...

Góp phần thay đổi bộ mặt quê hương

Từ ý nghĩ chợt lóe một tối mùa đông lạnh lẽo của hơn 10 năm trước, hôm nay trở Giám đốc điều hành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát, đó là cả hành trình dài không ngừng nỗ lực tìm tòi học hỏi của Nguyễn Văn Huỳnh. Tám năm đến với người dùng, sản phẩm bếp nóng lạnh thương hiệu Huỳnh Phát đã phát triển được 18 đại lý tại Yên Bái và các tỉnh lân cận, với hơn 8.000 khách hàng sử dụng. Vào mùa đông, nhu cầu sử dụng nước nóng của người dân nhiều hơn, xưởng sản xuất Huỳnh Phát nhộn nhịp suốt ngày đêm. Hơn ai hết, Huỳnh hiểu nhu cầu của bà con là gì để làm ra sản phẩm đáp ứng. Chính vì thế, bếp Huỳnh Phát có chỗ đứng trong đời sống. Trên thực tế, hiện nay đời sống bà con phần nào cải thiện ít nhiều, đã có nhiều hộ dân lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, nhưng hạn chế là mùa lạnh thì không hiệu quả; sử dụng bình nóng lạnh thì tốn tiền điện, đun gas tính ra chi phí cũng đáng kể. Trong khi bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát tận dụng củi, mùn cưa, rơm rạ, vỏ trấu... đều là những thứ có sẵn, rẻ tiền, phù hợp với bà con nông thôn, gia đình nhỏ hay lớn đều tận dụng nhiệt thừa để có nước nóng thoải mái cho sinh hoạt.

Năm 2016, sản phẩm bếp mang thương hiệu Huỳnh Phát ra đời, khởi phát chỉ là hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. 22 tuổi bước vào công việc kinh doanh, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, vốn liếng không có, Huỳnh thừa nhận bản thân thiếu hụt mọi mặt, cả kiến thức, kinh nghiệm quản trị, kế toán sổ sách... Ai đó nói, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau, Huỳnh chiêm nghiệm, quyết định kêu gọi các thành viên địa phương tham gia. Năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát chính thức ra đời với 18 thành viên, giám đốc là thành viên chủ chốt, người sáng lập Nguyễn Văn Huỳnh. Từ đó Huỳnh Phát mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng thêm sản phẩm. Hiện nay, hệ thống bếp Huỳnh Phát hoàn thiện và phát triển năm loại sản phẩm: bếp đun củi nóng lạnh; hệ thống nồi đun tắm lá thuốc; hệ thống nồi nóng lạnh, xông hơi; nồi hơi nấu rượu và bếp trấu nóng lạnh. Bếp nóng lạnh Huỳnh Phát hiện có cơ sở sản xuất ở Yên Bái và một xưởng mới đặt ở Ba Vì (Hà Nội). Ba năm vừa rồi, doanh số trung bình đạt hơn ba tỷ đồng.

Bếp lò nóng lạnh Huỳnh Phát như một lẽ tự nhiên ngày càng nhiều người biết đến. Từ những gia đình, hộ gia đình rồi trường học, bệnh viện, khu nội trú, doanh trại... đều thấy sự có mặt của bếp Huỳnh Phát. Huỳnh cho hay, các cô giáo cắm bản khi đến nhà học trò thấy chiếc bếp này thì hỏi thăm, rồi tìm đến Huỳnh. Xã Suối Giàng, xã Nậm Lành của huyện Văn Chấn, nơi phong trào làm du lịch cộng đồng đang phát triển đầy triển vọng, bà con tin chọn sử dụng bếp nóng lạnh để giải quyết một phần bài toán chi phí. Cô trò ở các khu trường nội trú giờ đây được tiện nghi hơn vì không phải khổ sở đi đun nước tắm gội sinh hoạt vào mùa đông. Theo tính toán của Huỳnh, bình hơn 600 lít là thoải mái nhu cầu sinh hoạt cho gần 400 học sinh bán trú sử dụng. Quy mô hộ gia đình thì lắp bình 60 lít là phù hợp.

Khách hàng tìm đến với Huỳnh ngày càng nhiều, số đại lý giới thiệu sản phẩm của anh cũng nhiều hơn. "Em không chỉ vui vì làm ra được nhiều tiền, mà nghĩ với sản phẩm của mình làm ra, cuộc sống bà con mình tiện nghi hơn, đỡ vất vả hơn, điều đó khiến em hạnh phúc", Huỳnh bộc bạch.

Chỉ tính trong huyện Văn Yên có hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc, tập quán cũng như điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chính vì thế sản phẩm bếp của Huỳnh phù hợp đáp ứng nhu cầu của bà con, luôn được ưa chuộng nhiều năm nay. Không chỉ tu chí lập nghiệp, Nguyễn Văn Huỳnh còn là tấm gương vượt khó, làm giàu cho quê hương và giúp các bạn trẻ ở địa phương cùng lập nghiệp - Chủ tịch xã An Thịnh Nguyễn Chiến Thắng tự hào khi nhắc đến Huỳnh và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát đang giàu lên trên chính mảnh đất quê hương ông.

Ước mơ thêm một lần đến Trường Sa

Lớn lên ở nông thôn miền núi heo hút, chưa có điều kiện đi xa, Nguyễn Văn Huỳnh ao ước được một lần đặt chân đến đảo Trường Sa. May mắn mỉm cười khi anh là một trong 10 thanh niên được lựa chọn trong số hàng trăm hồ sơ đăng ký tham gia chương trình Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm đó. Sáng kiến đề xuất của Huỳnh vẫn là sản phẩm bếp đun đa năng tiết kiệm nguyên liệu cho bộ đội Trường Sa. Bếp lò nóng lạnh ba công dụng: đun nấu, tạo nước nóng và chưng chiết nước mặn thành nước ngọt nhằm giải quyết nhu cầu thiếu nước cho các chiến sĩ ở Trường Sa đã gây được sự chú ý và được đánh giá cao.

Một năm sau chuyến hành trình, ý tưởng về chiếc bếp đa năng đã hoàn thành, bếp đặt tại xưởng ở Yên Bái với thời gian nấu thử 40 phút, tận dụng bình bảo ôn 40 lít có thể làm nóng đến hơn 70 độ C và cho chiết xuất được 2,7 - 3 lít nước ngọt. Nguyễn Văn Huỳnh mong ước được thêm một lần ra lại Trường Sa để tận tay lắp đặt bảy bếp nóng lạnh đa năng tặng cho bảy điểm đảo nhằm chia sẻ bớt thiệt thòi thiếu thốn với những người lính đảo. "Tôi mong muốn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê sáng tạo, tới đây sẽ có thêm nhiều sản phẩm hữu ích hơn nữa phục vụ cho đời sống, đặc biệt là bà con nông thôn còn nhiều khó khăn", anh Huỳnh chia sẻ dự định trong thời gian tới. Với cái tâm thiện lành đó, dù chỉ là một khách hàng nhỏ lẻ ở cách xa hàng trăm cây số, hễ gọi đến xưởng là anh em công nhân không quản ngại khó khăn, sẵn sàng lên đường lắp đặt bếp phục vụ bà con.

"Nhà khoa học của nhà nông" ảnh 1

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát vào mùa đông luôn trong cảnh bận rộn với nhiều đơn hàng chuyển đi.