1 Tháng ba, xuân đã cạn, buổi ra mắt sách của nhà văn 9X Đức Anh, Thúy đến sớm và ra về rất muộn, tận lúc đã tàn cuộc.
Nữ tác giả đã thành danh, tên tuổi nổi bật của văn đàn trong những thập niên đầu thế kỷ 21 đã tự thấy sửng sốt ngỡ ngàng khi tiếp xúc với những đồng nghiệp trẻ hơn mình tận 20 tuổi: “Ngày xưa các chú hay nói hữu xạ tự nhiên hương. Nhưng những 9X viết văn trước khi khai cuộc đã khảo sát tìm xem độc giả cần gì để điều chỉnh viết theo nhu cầu của bạn đọc. Mục tiêu số một của các bạn ấy là sách in ra phải bán được. Sách của Đức Anh in lần đầu 5 nghìn bản, con số trong mơ với hầu hết các nhà văn Việt Nam. Đây là xu hướng hoàn toàn mới chỉ có ở lứa 9X, 8X chưa có và 7X càng không thể có được. Trên bình diện thế giới, văn học Việt Nam nhỏ bé như vậy mà đời sống đã có những biến động lớn, với những diễn biến không ngờ. Nhu cầu của người đọc đã có sự thay đổi lớn”.
Dẫu vậy, Thúy không hoang mang: “Có gì mà phải hoang mang chứ”.
Chị đã đi một chặng đường rất dài, không chỉ là độ dài thời gian mấy thập niên, cô bé mộng mơ ở miền núi đá hoang vu, 6, 7 tuổi đã đọc Mẫn và tôi, đọc tất tật những cuốn sách hiếm hoi có trong tủ sách gia đình được người cha tích cóp; tối thứ bảy áp tai vào radio nghe Câu chuyện cảnh giác trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chặng dài cũng không hẳn ở khoảng cách địa lý gần 300 cây số Hà Nội-Vị Xuyên (Hà Giang) mà đi hết con đường cách trở ấy phải mất cả ngày vật vã, Đỗ Bích Thúy đã đi được tới tận cùng con người mình, được là mình, được sống rực rỡ với nghề nghiệp và danh xưng mà số phận đã dành cho mình: viết văn, nhà văn.
Hơn 20 năm, tính riêng từ dấu ấn Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi, Đêm cá nổi...giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến nay đã có 23 đầu sách, đã thành nhà văn nổi tiếng có lượng độc giả trung thành, Đỗ Bích Thúy lại không hề ảo tưởng về công việc của mình.
Với chị, lao động văn chương cũng là một nghề bình thường như mọi ngành nghề, thậm chí còn không được như các lao động khác vì không nuôi sống được người làm nghề.
Viết văn thuần túy là công việc thỏa mãn bản thân mình, nó quan trọng trước hết với cá nhân mình, chẳng có gì ghê gớm với đời sống mặc dù có thể trong chính cuộc sống của mình, Thúy vẫn nhận được những chia sẻ của độc giả, kiểu như: “Có một câu văn, nửa trang trong cuốn sách này đã làm thay đổi cuộc đời em, là cái phao cho em bấu víu trong giây phút yếu mềm bế tắc nhất”.
Người đàn bà viết đã chắt chiu gìn giữ những khoẳnh khắc rưng rưng xúc động ấy, lấy chính tình cảm của bạn đọc làm chốn nương tựa, trú ngụ, tiếp tục rút ruột mình ra mà viết, viết như trang viết cuối cùng, viết cho chính mình để rồi gặp được những tri âm...
2 Thúy bảo, khi từ báo Hà Giang chuyển về Hà Nội, thành người của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, không ít lời ra lời vào ấn định rằng, bị “bứng” khỏi vùng đất của mình, như cái cây đang đà phát triển bị bật gốc đào rễ rời về miền thổ nhưỡng khác, vùng khí hậu khác, không còn được chăm chút bằng nguồn dưỡng chất quen thuộc, cội cằn héo úa, chị sẽ không thể viết được nữa.
Phần vì áp lực muốn đáp trả những định kiến hẹp hòi, phần vì viết đã ngấm vào bản thể như một khát vọng cháy bỏng, Thúy đều đặn cho ra các tác phẩm mới. Quê quán không ở Hà Giang, nhưng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bạt ngàn đá núi này, Đỗ Bích Thúy thân thuộc với vùng cao nguyên Đông Bắc như chính hơi thở của mình.
Không có miền núi, không có vùng văn hóa dân tộc thiểu số, sẽ không có một Đỗ Bích Thúy nhà văn, càng không thể có một Tiếng đàn môi sau bờ rào đá và phim Chuyện của Pao mà bây giờ ngôi nhà của Pao, bối cảnh bộ phim có những khuôn hình đẹp mĩ mãn ấy đã trở thành địa chỉ không thể không ghé qua khi du khách tới với cao nguyên đá Đồng Văn.
Rút cục, văn chương đích thực vẫn có tác động tới đời sống, nhà văn đích thực vẫn có sứ mạng của mình với cuộc đời, như cách mà Hà Giang nhiều năm gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách muôn nơi, chắc có phần nào hiệu ứng từ những trang viết xuất phát tận đáy tâm can của Đỗ Bích Thúy.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh phát biểu tại buổi ra mắt sách Than đỏ dưới tro tàn của nhà văn Đỗ Bích Thúy (bên trái). |
Than đỏ dưới tro tàn tập hợp những tản văn mà phần nhiều trong đó Thúy đứng chuyên mục Sống trong đời sống…viết cho Nhân Dân hằng tháng. Hầu như quanh quẩn chuyện miền núi, những chuyện mà có sống thêm vài cuộc đời nữa, Thúy vẫn dồi dào chất liệu, tình yêu và năng lượng để viết.
20 tuổi, làm phóng viên báo Hà Giang, 4 giờ sáng lên xe từ thị xã, lắc lư tròng trành 7 giờ tối đặt chân xuống huyện lị Đồng Văn phố xá đã im ỉm tối. Ngày đó từ huyện lị xuống các xã chỉ thuần túy đi bộ, hỏi nhau nơi này nơi kia không phải khoảng cách bao nhiêu cây số mà đi mất mấy tiếng đồng hồ?
Đụng đâu cũng nhớ, nhớ đâu cũng ra chuyện, chuyện cô bé con líu lo chơi với các chú bộ đội dừng chân trước khi lên chốt thời chiến tranh biên giới, líu lo thêm vài bước lại ngạc nhiên nhận ra chú này dăm ngày trước ở nhà mình mới đi được mấy bữa đã bị thương, băng bó đầy người điều trị ở lán quân y cạnh nhà..., Đỗ Bích Thúy còn ăm ắp những chuyện đời chuyện người quanh rẻo đất miền núi, làm nguồn dinh dưỡng nuôi nấng nghề văn của mình.
Sinh năm 1975, cùng lứa với những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly..., những cây viết nữ sớm bước chân vào làng văn sớm nổi tiếng, Đỗ Bích Thúy vẫn sung sức, bền bỉ. Được cha, một cựu quân nhân rèn giũa, Thúy nề nếp kỷ luật. Đức tính ấy giúp Thúy, khi bước vào môi trường quân đội, thích nghi dễ dàng mà không hề cảm thấy gò bó.
Được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo từ sớm, lúc mới “thượng úy”, rồi một ngày làm đơn xin thôi trọng trách Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trình bày với các thủ trưởng xin nghỉ lãnh đạo để tập trung viết, tập trung nuôi con, hai cô con gái đang bước vào tuổi lớn, Thúy cứ sẽ sàng đi qua những khúc quanh của cuộc đời mình, tự chủ trong những lựa chọn của số phận mình, luôn giữ cho mình tâm thế thật bình yên của một người viết đẹp...