Hành trình xây dựng hệ sinh thái trầm hương
Những ngày ở Tây Nguyên, ông Tưởng dày công tìm hiểu, ghi chép tất cả những gì liên quan tới trầm. Càng tìm hiểu càng thấy trầm hương là một sản vật cực kỳ quý giá mà cả thế giới đều thèm muốn. Tìm hiểu qua rất nhiều nguồn tư liệu, ông nhận thấy trầm hương xứ ta đã nổi tiếng trên con đường tơ lụa thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, từ Trung Quốc sang Trung Đông.
Ngoài ra, còn con đường tơ lụa trên biển, xứ Đàng Trong có Hội An, xứ Đàng Ngoài có Phố Hiến. Trầm hương Việt Nam lừng danh thời đó, khi cập bến ở một hải cảng của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cùng với nhiều hương liệu khác như hồi, quế, hồ tiêu, tạo mùi thơm lan tỏa nên người ta đặt tên luôn là Hương Cảng (cảng thơm - Hồng Kông ngày nay).
Nhưng hồi đó, trầm là hàng quốc cấm, buôn bán trầm sẽ bị tịch thu. Lệnh cấm khiến trầm trở nên trầm lắng. Nhiều cuộc tịch thu trầm hương diễn ra khiến cho trầm vốn thơm mà phải dấu mình trong những góc tối. Lúc đó, ông Tưởng đã quyết phục hưng ngành trầm hương, muốn vậy, trước hết phải đưa sản vật này ra khỏi danh sách hàng quốc cấm.
Ông Tưởng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, cùng đồng nghiệp viết nhiều bài báo, gặp các yếu nhân của ngành nông nghiệp lúc ấy để thuyết phục, cuối cùng trầm hương đã được đưa khỏi danh sách hàng quốc cấm. Lệnh cấm bãi bỏ, ông xin thôi công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, về Nha Trang lập Công ty Trầm hương Khánh Hòa.
Những ngày đầu mới thành lập công ty, ông Tưởng đã đi nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, khai mở thị trường, hành trình đó cũng gian nan như “ngậm ngải tìm trầm”. Đến hôm nay, hành trình của người đàn ông này đã giúp Việt Nam xuất khẩu rất nhiều trầm hương sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, UAE, Mỹ. Càng ngày Công ty Trầm hương Khánh Hòa ATC càng trở nên thăng hoa, trở thành một thương hiệu Việt Nam được trong và ngoài nước ưa chuộng.
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã cho chế tác 100 chiếc quạt làm từ trầm hương làm quà lưu niệm tặng các đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 lần thứ nhất tại Nha Trang, tạo ra ấn tượng về sản phẩm mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ông cũng đã đầu tư xây dựng Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa độc đáo - trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ của thành phố du lịch Nha Trang và mở cửa miễn phí phục vụ du khách. Mới đây Bảo tàng đã được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam đã trao tặng kỷ lục Bảo tàng Trầm hương đầu tiên tại Việt Nam.
Dịp đại lễ 30/4/2019, Công ty Trầm hương Khánh Hòa phối hợp với VTV tổ chức lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam trong không gian mở, trên đại lộ Trần Phú bên vịnh biển Nha Trang. Nghi lễ dâng trầm với sự thăng hoa của hương thơm, sắc màu và âm nhạc đã tạo nên những dấu ấn khó quên. Một chương trình mà khi pháo hoa bung nở rực rỡ trên tháp Trầm Hương, báo hiệu sân khấu hạ màn nhưng khán giả vẫn nán lại. Cảm nhận trầm hương trực tiếp đã khiến khán giả cảm thấy tự hào về sản vật của đất nước và quyến luyến sân khấu vẫn còn vương vấn những làn khói thơm.
Ông Tưởng chia sẻ về nguyên cớ làm lễ dâng trầm: “Tôi muốn góp chút công sức để phát triển trầm hương trở thành niềm tự hào gắn với trí tuệ, lòng nhân ái, khoan hòa, nâng tầm hình ảnh của người Việt trên thế giới. Trầm hương Khánh Hòa là một sản vật có giá trị kinh tế cao, không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn là một dấu ấn văn hóa độc đáo gắn với đời sống tâm linh của vùng đất, dân tộc Việt Nam”.
Nhiều năm nay, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã miệt mài xây dựng “hệ sinh thái” trầm hương với tư duy khác biệt và sáng tạo. Với ông, trầm hương không chỉ để thưởng thức hương thơm mà còn nhiều giá trị to lớn khác đủ tạo nên một ngành kinh tế mạnh. Ông đang làm rượu, trà và nước hoa từ trầm hương. Rượu ngâm với trầm hương sẽ cho ra thứ đồ uống được chưng cất từ linh khí trời đất có tuổi từ trăm năm đến cả nghìn năm.
Ông đang cùng các đối tác và cộng sự xây dựng Làng hòa bình và sáng tạo (được gọi tắt là iNhaTrang). Trên diện tích 2.000 hecta giữa khung cảnh rừng núi sông biển đảo giao hòa gần thành phố Nha Trang, iNha Trang có tham vọng trở thành nơi hội tụ của các học giả, những nhà sáng tạo công nghệ, những nghệ sĩ, nhà sáng tạo văn hóa hàng đầu thế giới. Trong đó, sẽ có những nghiên cứu mang tính đột phá để trầm hương Việt Nam vươn xa. iNha Trang được kỳ vọng sẽ tạo sức mạnh cho nền kinh tế dựa trên sự sáng tạo.
Đánh giá cao về những việc làm của doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, Giáo sư John Quelch (Mỹ), được mệnh danh là “thầy phù thủy thương hiệu” nổi danh toàn thế giới, cho rằng sức hút từ văn hóa Thiền Trầm độc đáo, mùi hương nồng ấm của trầm sẽ góp phần tạo nên sức hút rất lớn của thành phố Nha Trang với thế giới.
Hữu xạ tự nhiên hương, năm 2019, ông Nguyễn Văn Tưởng trở thành doanh nhân Việt Nam đầu tiên được mời đích danh tham dự diễn đàn Liên minh lãnh đạo thế giới (Club de Madrid) tại Tây Ban Nha. Diễn đàn quy tụ 102 cựu nguyên thủ của 60 quốc gia cùng hàng trăm học giả và doanh nhân tên tuổi. Tại diễn đàn này, ông đã kể về câu chuyện trầm hương, cũng là câu chuyện của Việt Nam: Trải qua đau thương, vẫn luôn là một dân tộc nhân ái, ưa chuộng hòa bình.
Tình yêu và lòng biết ơn với biển đảo tổ quốc
Đại dịch Covid-19 ập đến, Công ty Trầm hương Khánh Hòa cũng như hầu hết các doanh nghiệp khác đều gặp khó khăn. Nhưng dường như doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng thấm nhuần bài học từ triết lý tạo nên trầm hương: Càng tổn thương càng mạnh mẽ, càng gian khó càng vươn lên. Đây lại là thời điểm ông và doanh nghiệp của mình trợ giúp và chia sẻ nhiều với cộng đồng, đặc biệt dành tình yêu cho biển đảo, Tổ quốc, trong tình yêu đó còn có cả sự hàm ơn.
Tháng 5/2020 khi các ngư dân ở các tỉnh duyên hải miền trung gặp khó vì dịch Covid-19, tàu phải nằm bờ, ông Nguyễn Văn Tưởng đã cùng các cộng sự đã “ba cùng” để chia sẻ với bà con. Chương trình “Tiếp sức ngư dân giữ biển” của Công ty Trầm hương Khánh Hòa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao tặng cho ngư dân các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn 50 tấn gạo. Tại tỉnh Khánh Hòa, chương trình còn trao 50 tấn gạo tại Đồn Biên phòng Đầm Môn, Đồn Biên phòng Vạn Hưng, Đồn Biên phòng Cam Hải Đông, Đồn CKC Nha Trang, Đồn Biên phòng Vĩnh Lương.
Vượt sóng ra đảo Lý Sơn, trao tặng gạo cho những ngư dân ngày đêm bám biển, ông Tưởng đã đứng lặng trước những ngôi mộ gió của những người lính trước đây vâng mệnh triều đình trấn thủ quần đảo Hoàng Sa nhưng một đi không trở lại. Thắp nén trầm hương trước Đài tưởng niệm và Nhà lưu niệm hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nhìn những chiếc thuyền bé như lá tre nhưng đã cùng đội hùng binh kiên gan vượt sóng bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông ngộ ra cội nguồn sức mạnh nơi đây.
Năm 2020, Công ty Trầm hương Khánh Hòa đã tham gia lễ dâng trầm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, Côn Đảo nhân dịp Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Một cảnh tượng linh thiêng đã diễn ra khi trong đêm tĩnh lặng, các thiếu nữ mặc áo dài trắng tay cầm lư trầm lan tỏa khói hương thành kính dâng lên đài liệt sĩ trong tiếng chuông ngân vang.
Ông chia sẻ: “Thời khắc ấy, cảm giác thiêng liêng xâm chiếm tâm hồn tôi. Trong tôi tràn ngập tình cảm biết ơn, biết ơn những bậc tiền nhân, những anh hùng, liệt sĩ, những người đương thời đã gìn giữ để có biển đảo Tổ quốc tươi đẹp hôm nay”.
Và với lòng biết ơn đó, Công ty Trầm hương Khánh Hòa đã gửi hàng nghìn khối đất giàu hợp chất hữu cơ (đất màu) tới Trường Sa để nuôi dưỡng mầu xanh trên các hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Mới đây, trong chuyến thăm Trường Sa cùng đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng đã vinh dự được Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo vệ Chủ quyền biển đảo.
Ông Tưởng tâm sự: “Ở quần đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, chúng ta mới thấy được tầm nhìn của cha ông - một tầm nhìn dài rộng để lại cho con cháu muôn đời sau một không gian chủ quyền và nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, vô giá. Tôi đặc biệt đánh giá cao Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết vừa đúng vừa trúng khi khẳng định: Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”.