Người đưa nem nướng Việt Nam đi khắp nước Thái

Từ lâu, ẩm thực Việt Nam đã nổi tiếng khắp thế giới với những món ăn độc đáo, giàu dinh dưỡng như phở, bánh mì, nem rán... Thế nhưng, ở Thái Lan, không phải những đặc sản nổi tiếng kể trên mà món nem nướng (người Thái gọi là “nẻm nương”) mới là món ăn Việt quen thuộc nhất với người dân bản địa.
0:00 / 0:00
0:00
Rất đông khách tới mua hàng và ăn uống tại trung tâm ẩm thực, thương mại VT Namnueng
Rất đông khách tới mua hàng và ăn uống tại trung tâm ẩm thực, thương mại VT Namnueng

Thật ra, đối với những người dân vùng đông bắc Thái Lan, món “nẻm nương” chẳng phải là thức ăn xa lạ. Từ khi những người Việt đầu tiên tản cư từ Lào sang năm 1946, nơi đây đã trở thành vùng đất có đông kiều bào sinh sống nhất ở Thái Lan, khiến các món ăn của người Việt như nem nướng, giò hay bánh mì... trở nên quen thuộc với người dân bản địa.

Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị H., giảng viên tiếng Việt tại một trường đại học lớn của Thái Lan kể rằng, từ nhiều năm trước, các sinh viên của chị có dịp sang Việt Nam đều ước ao sẽ đi ăn thử món “nẻm nương” Việt Nam để xem có khác gì so với ở Thái Lan hay không.

Tuy vậy, thay vì chỉ giới hạn ở trong các nhà hàng Việt như các món phở, bánh mì, bánh canh... nem nướng trở thành món ăn chiếm được cảm tình đặc biệt của thực khách bản địa, khiến nó trở nên nổi tiếng và xuất hiện tại hầu khắp các vùng miền ở xứ sở Chùa Vàng. Và không thể không nhắc tới người đóng góp một phần công sức rất lớn giúp tạo nên cái sự quen thuộc này chính là doanh nhân Hồ Văn Lâm (tên Thái là Thong Kulthanyawat), chủ thương hiệu VT Namnueng ở tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái Lan.

Là Việt kiều thế hệ thứ 2 ở Thái Lan, món ăn này đã luôn gắn bó với ông ngay từ những năm tháng tuổi thơ. Mẹ của ông Lâm, với gánh “nẻm nương” đã tần tảo gánh vác cả gia đình, nuôi con cái lớn khôn. Sau này, khi trải qua đủ các loại nghề nghiệp, ông Lâm vốn vẫn trăn trở với ước mơ đưa món “nẻm nương” vang danh trên đất Thái, đã quyết định lấy nghề làm nem nướng gia truyền để tiếp tục phát triển sự nghiệp.

Năm 1995, “đứa con tinh thần” đầu tiên của ông Lâm đã chính thức ra mắt với thương hiệu VT Namnueng. Theo ông Lâm, VT chính là từ ghép hai chữ cái đầu tiên của chữ Vỵ (tên mẹ ông) và Tuân (tên cha ông). Ông Lâm dí dỏm cho hay: “Lẽ ra tôi định để tên bố tôi lên trước, nhưng như thế người ta lại đọc thành cái ti-vi, nên đành phải đảo ngược lại”.

Theo ông Lâm, bí quyết giúp làm nên thành công của thương hiệu VT Namnueng chính là chất lượng và uy tín. Các loại nguyên liệu sản xuất nem nướng của ông đều là thực phẩm tươi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được những xiên nem nướng ngon, công ty của ông chỉ dùng thịt giò heo để giúp cho nem có cấu trúc dẻo và dai.

Nước chấm cho nem được pha chế theo công thức nguyên bản như ở Việt Nam, chỉ có sự khác biệt là tăng thêm độ ngọt để phù hợp với khẩu vị của người Thái. Ông Lâm còn tìm cách cải tiến, chế biến các suất “nẻm nương” với đầy đủ các nguyên liệu chế biến sẵn, các loại rau, gia vị, nước chấm cần thiết, đóng thành hộp để khách hàng mang đi đây đó dễ dàng và có thể tự chuẩn bị để ăn ở nhà hay khi đi du lịch.

Bởi cái tâm trong nghề như vậy, đến nay, thương hiệu VT Namnueng của ông Lâm đã có hơn 100 cửa hàng đại lý tại 28 tỉnh trên khắp Thái Lan. Không chỉ vậy, món nem nướng của ông còn được xuất khẩu ra một số thị trường khác như Lào và Singapore.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng rau sống dùng trong các suất “nẻm nương”, ban đầu ông Lâm đã thuê riêng gia đình các công nhân trồng rau nhằm đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, ông nhận thấy đây không phải cách làm lâu dài nên đã quyết định đầu tư cả trăm triệu baht xây nhà kính, mua công nghệ thủy canh của Nhật để trồng rau sạch.

Người đưa nem nướng Việt Nam đi khắp nước Thái ảnh 1

Ông Lâm giới thiệu khu trồng rau sạch bằng công nghệ Nhật Bản

Theo chân ông Lâm tới khu nhà kính vô trùng để trồng rau, chúng tôi được chứng kiến hàng trăm giá xà lách xanh mơn mởn sắp xếp theo ngày tuổi của rau để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Tất cả các công đoạn chăm bón, tưới rau đều được thực hiện hoàn toàn tự động, theo quy trình nghiêm ngặt được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao.

Hiện khu trồng rau sạch này cho sản lượng khoảng 1 tấn rau/ngày. Mặc dù loại rau sạch mà ông Lâm trồng bằng công nghệ mới có giá đắt hơn tới 5 lần so với rau trồng đất, nhưng ông Lâm vẫn quyết tâm đầu tư và đang có kế hoạch trong vòng vài năm nữa sẽ mở rộng quy mô khu trồng rau để nâng sản lượng thu hoạch lên 10 tấn/ngày, đủ đáp ứng cho nhu cầu làm nem nướng của công ty.

Khi đến thăm trung tâm ẩm thực, thương mại, cũng là nơi đặt trụ sở công ty VT Namnueng ở đường Phosri, Udon Thani, chúng tôi hết sức bất ngờ trước quy mô của công trình. Với diện tích hơn 2 héc-ta và tổng mức đầu tư hơn 20 triệu USD, trung tâm ẩm thực, thương mại VT Namnueng khánh thành năm 2016 với các khu ăn uống, hàng chục gian hàng thương mại và khu chế biến đồ ăn hiện đại.

Tại đây, ông Lâm còn triển khai dịch vụ Drive-thru, giúp khách có thể đến mua hàng mang về mà không cần đỗ xe. Những dòng khách nườm nượp vào ăn uống, mua hàng, khu ăn uống khang trang, sạch sẽ và những bãi đỗ xe rộng rãi khiến nơi đây chẳng khác gì các khu dịch vụ cao cấp ở phương Tây. Ông Lâm chia sẻ, thời gian trước dịch Covid-19, mỗi ngày nơi đây đón tiếp hàng nghìn lượt khách tới ăn uống tại cửa hàng, mua sắm đồ lưu niệm hoặc mua đồ ăn mang đi. Đến nay, mặc dù đã hết dịch, công việc kinh doanh đang khôi phục dần nhưng vẫn chưa trở lại được như lúc trước.

Là khách quen thường xuyên tại VT Namnueng, chị Rapeephan Chanthara, giảng viên trường Đại học Udon Thani cho biết: “Tôi thực sự ấn tượng với đồ ăn Việt Nam, đặc biệt ở cách sử dụng nguyên liệu và rau. Các món ăn Việt không quá cầu kỳ nhưng hương vị ngon và có nhiều rau. Không những vậy, bạn bè của tôi cũng rất thích đồ ăn ở VT Namnueng và luôn yêu cầu tôi đưa tới đây mỗi khi có dịp đến Udon Thani”.

Ở một bàn gần đó, cả gia đình chị Susunda cũng đang thích thú thưởng thức các món ăn Việt. Chị cho biết: “Tháng nào nhà tôi cũng phải tới đây ăn vài lần. Tôi còn mua rất nhiều nem nướng mang gửi tặng bạn bè, bà con ở Bangkok. Tôi rất thích đồ ăn Việt Nam vì nó ngon, ít chất béo lại có nhiều rau, tốt cho sức khỏe”.

Người đưa nem nướng Việt Nam đi khắp nước Thái ảnh 2

Quầy bán nem nướng đóng hộp

Ông Lâm nhận định, thời gian tới khi quá trình giao thương giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng mở rộng thì người Thái sẽ ngày càng quan tâm hơn tới ẩm thực Việt. Bởi vậy, trong tương lai ông có thể sẽ mở rộng thêm danh mục sản phẩm của VT Namnueng với các món ăn Việt Nam nổi tiếng như phở, bún... “Tuy vậy, tôi sẽ phải nghiên cứu để các món này không chỉ ăn ở quán mà khách hàng có thể mang về nhà tự chế biến thêm,” ông nói.

Bên cạnh khu ẩm thực, các gian hàng trong trung tâm ngoài bán các loại đồ ăn, thực phẩm chế biến sẵn còn có hàng loạt các sản phẩm từ Việt Nam, từ áo dài, nón lá, đồ lưu niệm đặc sắc cho tới các đặc sản như cà phê, chè, nước mắm, bánh đa...

Ông Lâm giải thích: “Là thế hệ Việt kiều thứ 2 tại Thái Lan và luôn tự hào về dòng máu Việt chảy trong mình, tôi không chỉ muốn giới thiệu các món ngon Việt Nam tới người dân Thái và khách quốc tế mà còn muốn cho họ hiểu rõ hơn và yêu những nét văn hóa đặc sắc, phong phú của đất nước, con người Việt Nam. Từ đó góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan”.