Nghìn năm giấc mộng Đôn Hoàng

"Ta cãi cha mẹ, cãi huynh trưởng, nghe lời chàng mà đến Đôn Hoàng. Vì chàng, ta đợi ở Đôn Hoàng, đợi đến ba năm".
0:00 / 0:00
0:00
Hồ Nguyệt Nha lúc hoàng hôn.
Hồ Nguyệt Nha lúc hoàng hôn.

ĐẤY là bức thư của Meve, một cô gái từ Samarkand (Uzbekistan), đi theo tiếng gọi tình yêu mà đến Đôn Hoàng từ 1.800 năm trước. Chẳng ai biết mối tình của cô ra sao. Mãi tới năm 1907, hậu thế mới tìm được bức thư ấy, chôn dưới cát Đôn Hoàng. Bao nhiêu thương hải tang điền, đền đài cũng vùi trong cát, số phận bao nhiêu cô gái như Meve, cũng cứ thế mà cuốn theo gió cát.

Mùa này, sa mạc Gobi bắt đầu những trận bão cát đầu tiên, tầm nhìn đã mờ mịt. Giữa thời hiện đại, con đường cao tốc xuyên thẳng sa mạc và thảo nguyên thẳng băng, cũng gắn biển hạn chế tốc độ chỉ 40-60 km/giờ. Mấy nghìn năm trước, bao nhiêu lâu mới có thể từ Uzbekistan tới được Đôn Hoàng?

Đôn Hoàng (Cam Túc, Trung Quốc) vốn dĩ là một ốc đảo nằm giữa sa mạc Gobi. Trên con đường tơ lụa cổ đại, Đôn Hoàng là điểm dừng chân chính trước khi vào sâu Trung Nguyên. Người ta tìm thấy ở đây sự sống, tìm thấy giữa bão cát một nơi trú chân, một nơi để bấu víu vào sau những ngày tháng vật lộn trên sa mạc.

Bởi thế, Đôn Hoàng mới có một hệ thống hang động Mạc Cao rộng lớn, mà mỹ thuật đạt tới đỉnh cao suốt mấy trăm năm. Trong số ba "thạch quật" (hang động có khắc tượng Phật) lớn nhất Trung Quốc, Đôn Hoàng có những bức tượng, tranh vẽ tinh xảo nhất, mức độ rộng lớn nhất, và cũng được bảo tồn nghiêm ngặt nhất. So với Đại Đồng (Sơn Tây) hay Long Môn (Hà Nam), Đôn Hoàng là nơi khởi đầu, cũng thể hiện rõ nhất sự giao thoa văn hóa Đông-Tây. Cô hướng dẫn viên ở Đôn Hoàng nói, Đôn Hoàng được bảo vệ ngay trong thời kỳ cách mạng văn hóa.Một số bức tượng ở Đại Đồng và Long Môn bị sơn đỏ, hay thậm chí bị phá hủy, nhưng tại Đôn Hoàng vẫn gần như còn nguyên.

NGHÌN năm trước ngăn sông cách núi, Meve đợi mãi không thấy chàng trai của mình đâu. Nhưng bây giờ, Gobi sa mạc mà như không phải sa mạc. Tiểu Lữ, anh bạn dẫn đường, chỉ mạn phía tây, bảo: Những mùa cao điểm, cổng chính Hưởng Sa Sơn không đủ cả chỗ đậu xe, người ta phải mở cả cổng phía tây và phía bắc cho du khách tới thăm. Nhiều cô gái tới sa mạc chỉ để hoàn thành một bộ ảnh phi thiên (phong cách mỹ thuật nổi tiếng Đôn Hoàng), coi như một "dấu ấn để đời".

Tháng 8, sa mạc Gobi đông vui tấp nập, như trung tâm Đôn Hoàng ngày xưa. Chỗ này ngày dài đêm ngắn. Bình minh từ 6 giờ sáng, nhưng hoàng hôn phải 20-21 giờ tối mới bắt đầu. Chưa tới 21 giờ, trời vẫn sáng, người người lũ lượt leo lên đồi cát để ngắm hồ Nguyệt Nha trong ánh điện. Minh Sa, có nghĩa là tiếng cát, nhưng đông người quá, chỉ nghe thấy tiếng gọi nhau, tiếng hô chụp ảnh.

Hết hoàng hôn hồ Nguyệt Nha, Tiểu Lữ kéo chúng tôi đi xem vở diễn thực cảnh Lại gặp Đôn Hoàng, một vở diễn nhiều thoại, giới thiệu rất nhiều nhân vật, ngoài Meve, hệ thống nhân vật trải dài dễ tới nghìn năm, từ Tần, Hán, Đường, tới cả những nhân vật thời Minh, Thanh, Dân quốc. Nghìn năm, rồi tất cả đều chìm dưới cát, như lời thoại kết thúc. Hậu thế cũng thôi không còn đánh giá nữa.

CON đường tơ lụa khổ ải, giờ chẳng có đoạn cao tốc nào không đạp ga ô-tô được tới 120 km/giờ. Tiểu Lữ thì thầm: "Đường đẹp và thẳng quá, nên năm nào cũng chục người chết vì tai nạn lúc buồn ngủ". Bỗng dưng thở dài, nghĩ những người cưỡi lạc đà dọc đường tơ lụa năm nào, ngủ có khi là ác mộng.

"Đôn Hoàng thì ngủ sao được, 9 giờ tối có khi mới bắt đầu vui chơi, phải 4-5 giờ sáng người ta mới dọn hàng", Tiểu Lữ bổ sung. Cậu chỉ vào công trình ngổn ngang dọc đường: "Tòa này tỉnh định xây làm cổng chào, nhưng dừng luôn rồi".

Vài trăm năm nữa, rồi chúng cùng vùi với cát, như bức thư của Meve mà thôi...