Bình luận

Nghịch lý leo thang

Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine, khi các đơn vị quân Nga áp sát Kiev, giới quan sát nhận định rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc với lợi thế nghiêng về phía Moscow. Thế nhưng thực tiễn chiến trường đã không như dự đoán.
0:00 / 0:00
0:00
Một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở Plesetsk, Nga. Ảnh: AP
Một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở Plesetsk, Nga. Ảnh: AP

Nguy cơ đòn hạt nhân chiến thuật

Đánh bật các đơn vị đổ bộ đường không của Nga khỏi một sân bay cách Kiev chỉ khoảng chừng 20km, vốn được coi như là đầu cầu để Moscow tiếp tục đổ quân mở rộng phạm vi tác chiến đe dọa trực tiếp thủ đô, phía Kiev đã trụ vững sau những đòn choáng váng lúc ban đầu.

Không những thế, được sự tiếp sức kịp thời của Mỹ và các đồng minh với những khoản viện trợ vũ khí, thiết bị quân sự khổng lồ, Kiev còn khuếch trương chiến quả, dần thoát ra khỏi thế bị động. Bằng đòn nghi binh chiến lược, họ lấy lại được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Kharkiv, đồng thời gây sức ép mạnh mẽ buộc Nga phải rút quân ra khỏi thành phố công nghiệp chiến lược Kherson, chuyển sang bờ Đông sông Dnieper để thiết lập tuyến phòng thủ tại đây...

Ukraine cũng tổ chức thành công một số cuộc tấn công nhằm vào cầu Kerch, tuyến liên kết đường bộ duy nhất giữa lục địa Nga với bán đảo Crimea. UAV của Ukraine tấn công vào nhiều cơ sở quân sự, năng lượng ở sâu trong lãnh thổ Nga, thậm chí có những thời điểm còn đe dọa cả thủ đô Moscow của LB Nga. Hạm đội biển Đen của hải quân Nga phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề sau các chiến dịch tấn công phá hoại của phía Ukraine. Cả những máy bay cảnh báo sớm A-50 trị giá hàng trăm triệu USD của Nga cũng bị bắn hạ...

Các lực lượng Nga đã tổ chức phòng thủ thành công trước cuộc phản công chiến lược được chuẩn bị kỹ càng của phía Ukraine bắt đầu từ giữa năm 2023, đánh thiệt hại nặng các đơn vị của Kiev. Thế nhưng có những thời điểm trong hai năm qua, những bước tiến của phía Ukraine trên chiến trường cũng như một số đợt tấn công vào hạm đội biển Đen, cầu Kerch và một số thành phố của Nga tạo cảm giác Ukraine, với sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ và các đồng minh, dường như thắng thế.

Đó chính là lúc mà người ta nghĩ đến một hiểm họa đáng sợ: Nếu Ukraine thực sự thắng thế đúng như ấn tượng được truyền thông Mỹ và đồng minh vẽ ra trước con mắt của thế giới, khả năng Moscow sử dụng đòn tấn công hạt nhân chiến thuật để lấy lại thế chủ động đã được tính đến!

Đấy cũng là khả năng mà Moscow, trước sự quan ngại chung của thế giới, luôn bác bỏ với lý do là học thuyết hạt nhân của Nga không cho phép làm điều đó.

Nhưng, ở đây có một vấn đề: đấy là cách người Nga diễn giải học thuyết đó như thế nào! Hãng tin Reuters từng dẫn tuyên bố của Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, Dmitry Medvedev vào tháng 7/2023, rằng Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các cuộc phản công của Kiev thành công. “Hãy tưởng tượng, nếu các cuộc tấn công của Ukraine do NATO hậu thuẫn diễn ra thành công và lấy đi một phần lãnh thổ của chúng tôi, chắc chắn chúng tôi buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân theo các quy tắc trong sắc lệnh của Tổng thống Nga”, ông D.Medvedev nói.

Mỹ và đồng minh tăng cường hỗ trợ để lấy lại thế quân bình

Tuyên bố của Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga cho thấy một “nghịch lý leo thang”: nếu Ukraine giành được những thành tựu (chiến lược) trên chiến trường, cuộc xung đột sẽ không đi đến chỗ kết thúc; trái lại, nó sẽ có khả năng leo thang từ một cuộc chiến tranh thông thường thành một cuộc xung đột có vũ khí hạt nhân. Đó là thời điểm khi cuộc phản công hè - thu 2023 của Ukraine mới bắt đầu và chưa ai biết kết quả của nó sẽ như thế nào. Đến mùa xuân 2024, đã rõ là Ukraine không đạt được các mục tiêu của cuộc phản công được đặt rất nhiều kỳ vọng của họ. Từ tấn công, Kiev chuyển sang thế phòng thủ chiến lược. Với tương quan như vậy, đương nhiên là người ta không còn nhắc đến khả năng Nga sử dụng đến loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nữa.

Diễn biến trên chiến trường đảo chiều nhanh chóng. Đúng một tuần trước ngày kỷ niệm tròn 2 năm nổ ra chiến sự, pháo đài duy nhất của Ukraine ở miền đông, thành phố Avdiika sụp đổ. Kết quả 4 tháng kiên trì bám trụ cứ địa chiến lược này của Kiev tan thành mây khói. Sau Bakhmut thất thủ hồi năm ngoái, đây là vị trí chiến lược thứ hai của Ukraine bị mất vào tay quân Nga có khả năng dẫn tới sụp đổ dây chuyền. Quân Nga thừa thắng tấn công hàng loạt cứ điểm của phía Ukraine dọc theo chiến tuyến gần 1.000 km, nhanh chóng làm chủ một số cứ điểm lân cận thành phố này...

Có thể thấy là sau khi không đạt được mục đích trong cuộc phản công hè - thu 2023 rồi tiếp đến mất cứ điểm chiến lược Avdiika, phía Ukraine đang lâm vào thế bất lợi so với Nga. Vậy phải chăng diễn biến tiếp theo là chiến tranh sẽ đi tới một kết cục có lợi cho phía Nga?

Ở thời điểm này, một lần nữa “nghịch lý leo thang” lại xuất hiện: Mỹ và các nước đồng minh sẽ làm mọi cách, huy động mọi khả năng để Ukraine không tiếp tục bị thất thế trong cuộc đấu với Nga. Gói viện trợ hơn 60 tỷ USD có thể đang bị nghẽn ở Quốc hội Mỹ do cuộc đấu nội bộ giữa hai đảng, nhưng Mỹ và các đồng minh có nhiều cách tăng cường sức mạnh cho Kiev. Các loại vũ khí khoảng cách xa hơn, có tầm sát thương mạnh hơn, hiện đại hơn sẽ được chuyển cho Ukraine. Thông tin tình báo, cả tình báo con người lẫn tình báo điện tử về lực lượng, máy bay, tàu chiến, kho tàng, cầu cống... của Nga sẽ được chuyển giao tích cực cho Kiev để phục vụ các chiến dịch quân sự. Châu Âu cũng sẽ tăng cường cung cấp các gói hỗ trợ quân sự để phần nào bù đắp cho những khoản tiền còn đang bị mắc kẹt bên kia Đại Tây Dương... Có nghĩa là cuộc chiến tranh ở Ukraine sẽ tiếp tục leo thang.

Tuyên bố chấn động của Tổng thống Pháp

Và, đỉnh cao của “nghịch lý leo thang” này chính là tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Sau cuộc gặp với khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris, Tổng thống Pháp E.Macron đã gây chấn động giới quan sát quốc tế khi tuyên bố rằng trong tương lai, sẽ không loại trừ khả năng “các quốc gia phương Tây đưa quân tới Ukraine”.

Tuyên bố của ông E.Macron rõ ràng đã thách thức quan điểm phổ biến lâu nay, rằng việc điều binh lính của các thành viên NATO đến Ukraine sẽ làm leo thang nghiêm trọng nguy cơ xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa NATO và Nga. Chiến lược lâu nay của Mỹ và một số đồng minh chủ chốt chung quanh cuộc chiến ở Ukraine vẫn là hỗ trợ tối đa cho Ukraine thông qua viện trợ nhưng bằng mọi cách tránh tối đa khả năng tham chiến trực tiếp với Nga.

Trong tuyên bố của mình, ông Macron cũng nhấn mạnh một điều là hiện “chưa có sự đồng thuận” về việc điều quân (tới Ukraine). Có thể thấy điều này ngay sau tuyên bố của ông Macron. Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, CH Czech, Slovakia đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ việc đưa bộ binh tới Ukraine tham chiến. “Sẽ không có bộ binh, không có binh lính nào trên đất Ukraine được gửi đến từ các nước châu Âu hoặc các nước thành viên NATO”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố.

Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu không có kế hoạch gửi quân đến Ukraine. Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói “Tổng thống Biden đã nói rõ là Mỹ sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine”. Chỉ có một số chính trị gia ở một vài nước ven Baltic trên tuyến đầu đối mặt với Nga tuyên bố là “cần xem xét” ý kiến của Tổng thống Pháp.

Thế nhưng cần xem xét tuyên bố của Tổng thống Pháp trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang ở trong tình thế Kiev thất thế trước Nga. Bằng tuyên bố phá vỡ rào cản lâu nay về khả năng đụng độ trực tiếp Nga - NATO, Tổng thống Pháp chỉ làm rõ một điều là Mỹ cùng các đồng minh sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Thực hư lời tuyên bố của ông E.Macron ra sao cũng như khả năng hiện thực của tuyên bố đó như thế nào, đó là điều người ta chưa thể biết ở thời điểm này. Tuy nhiên, như quá khứ đã cho thấy, những tuyên bố như của ông E.Macron, ở thời điểm hiện tại có vẻ không phù hợp cũng như chưa nhận được sự đồng thuận (bề ngoài) của Mỹ và các đồng minh, thế nhưng không có gì bảo đảm là nó sẽ không thể diễn ra. Ít nhất, nó cũng là bước chuẩn bị mở đường về mặt tâm lý cho những quyết định có thể có trong tương lai.