Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long:

Nghệ thuật Việt Nam đầy tính nhân văn

Công trình nghiên cứu quy mô về nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh lịch sử, tôn giáo và văn hóa - Vietnam visual arts in history, religion and culture vừa được Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Đây là kết quả quan trọng của nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long sau tròn 30 năm, kể từ bài viết đầu tiên của bà về nghệ thuật Việt Nam, Bat Trang Ceramics: A Living Vietnamese Tradition (Gốm sứ Bát Tràng: Một truyền thống sống động của Việt Nam), đăng tải trong tạp chí quốc tế Arts of Asia. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng bà.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long

Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long (Australia) là đồng tác giả với Tiến sĩ Bùi Minh Trí, viết cuốn Gốm sứ hoa lam Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2001).

Công trình Vietnam visual arts in history, religion and culture dày 500 trang, khổ 25,5x19,5cm, với hơn 300 hình ảnh minh họa. Cuốn sách dẫn người xem tới thưởng lãm một nền nghệ thuật Việt Nam không thể trộn lẫn, không là bản sao mờ nhạt của bất cứ một nền nghệ thuật nào khác, thông qua phong phú thể loại, từ các công trình kiến trúc, điêu khắc, phù điêu, đến tranh vẽ, vật phẩm thiêng... và đa dạng chất liệu: đồ đồng, kim khí khác, đá, gốm sứ, lụa...

Tiếp cận các công trình tôn giáo từ góc độ nghệ thuật

- Có tới hàng nghìn tên riêng bằng tiếng Việt với đầy đủ dấu thanh trong cuốn sách, khiến tôi thật sự ngỡ ngàng vì bà tuy là con dâu Việt Nam nhưng lại không thường xuyên sử dụng tiếng Việt. Bà đã làm thế nào để đi qua thử thách này?

- Đúng là vốn tiếng Việt của tôi kém nhưng tôi ý thức rất rõ về tầm quan trọng của việc có đầy đủ dấu thanh khi viết tên riêng tiếng Việt nhằm tránh sai sót, dù là nhỏ nhất. Với tiếng Việt, nếu thiếu dấu thanh, chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối, lúng túng trước biết bao tên người và địa điểm khác nhau. Nhưng dấu thanh trong tiếng Việt quả là một khó khăn đối với người không nói tiếng Việt như tôi. May mắn là tôi được chồng tôi, anh Nguyễn Kim Long, giúp giải quyết phần công việc khó khăn mà có lúc tẻ nhạt này. Tôi biết ơn anh ấy rất nhiều.

Nhân đây, tôi muốn nói thêm, riêng với tên "Việt Nam", vì sách dành cho người đọc tiếng Anh nên chúng tôi quyết định sẽ dùng phiên bản tiếng Anh "Vietnam".

- 10 năm trước, bà từng nhận định: Nghệ thuật Việt Nam dễ tiếp cận, gần gũi với con người. Bà có thể chia sẻ thêm một số phân tích liên quan nhận định này với bạn đọc của chúng tôi?

- Tôi muốn kể lại cảm xúc của chính mình hơn 50 năm trước, khi lần đầu bước vào một ngôi chùa ở Việt Nam: tôi cảm thấy vô cùng tôn kính và kinh ngạc trước những tác phẩm điêu khắc chung quanh. Mặc dù lúc đó, tôi không biết các bức điêu khắc ấy nói về điều gì nhưng tôi chắc chắn có thể tiếp cận được như những tác phẩm nghệ thuật. Bạn không cần phải là một nhà sử học nghệ thuật để đánh giá cao khía cạnh này nhưng mặt khác, nếu bạn muốn nói về tượng tôn giáo từ góc độ hiểu triết lý và lịch sử tôn giáo đằng sau đó thì khi có được kiến thức, bạn sẽ hiểu sâu hơn và đánh giá cao những bức tượng ấy ở góc độ nghệ thuật.

Về những quan sát của tôi rằng, nghệ thuật Việt Nam trong các triều đại phong kiến gần gũi với con người, có nghĩa là tôi đang nói về kích thước vật lý. Cho dù đó là những bức tượng điêu khắc ở chùa chiền, đình làng hay cung điện, nhìn chung, tất cả đều có liên quan và rất gần với kích thước thông thường của con người. Ngay cả những cung điện vĩ đại nhất cũng không phải là nghệ thuật hoành tráng, không khiến người xem choáng ngợp hay sợ hãi. Chuyến viếng thăm các cung điện và công trình kiến trúc khác bên trong Ngọ Môn ở Huế đã khẳng định điều đó. Dường như chúng không chứa đựng khát vọng trở thành cao lớn nhất, vĩ đại nhất mà là cảm giác hòa làm một với thiên nhiên, trên bình diện con người, do đó thân mật và dễ gần.

- Điều gì khuyến khích bà tiếp tục dành 10 năm để bổ sung, nâng cấp nội dung cuốn sách đã xuất bản, trở thành công trình lần này?

- Ngay khi hoàn thành Arts of Việt Nam 1009-1945 (Nhà xuất bản Thế Giới, năm 2013), tôi đã thấy cần phải viết tiếp. Việc viết một cuốn sách như thế này đặt ra nhiều câu hỏi mà không phải tất cả đều có thể trả lời được cùng lúc. Hơn nữa, trong thập niên vừa qua, Việt Nam liên tục có các phát hiện khảo cổ học. Cuộc khai quật ở khu vực Ba Đình (TP Hà Nội) đã diễn ra; Cổng Đoan Môn trước đây được cho là thế kỷ 15 nay được đặt đúng vào thế kỷ 17. Ngoài ra, niên đại của địa điểm đắm tàu ở Cù Lao Chàm cũng từng không rõ ràng. Các văn bản liên quan bằng tiếng Anh xuất bản ở bên ngoài Việt Nam khó hiểu và không chính xác. Tôi cũng thấy mình cần trình bày một góc nhìn rộng hơn về gốm trong nghệ thuật làng quê, như ở Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh) và Thổ Hà (tỉnh Bắc Giang).

Công trình của tôi được tham chiếu từ nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ học và các chuyên gia văn hóa Việt Nam. Từ đó, tôi cũng đưa ra những quan sát của riêng mình. Thí dụ, tôi rất muốn nói rõ về một chi tiết mà tôi quan sát được trong các biểu tượng thời Lý: Tam bảo của Phật giáo được đặt giữa một đôi rồng ở bên trong lá bồ đề-biểu tượng của Phật giáo; tư duy hình tượng này thể hiện sự tôn kính và hòa hợp của quân quyền đối với đạo Phật. Đây đồng thời là một hình tượng tuyệt vời, chính xác, súc tích và đẹp mắt về mặt nghệ thuật… song tôi chưa từng được đọc một đề cập nào như vậy từ các văn bản tiếng Việt.

Nghệ thuật Việt Nam đầy tính nhân văn ảnh 1
Vẻ đẹp ở góc độ nghệ thuật của một bảo vật quốc gia, bức tượng Quan âm chùa Hội Hạ (tỉnh Vĩnh Phúc), được nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long đề cập trong cuốn sách.
Ảnh: Nguyễn Kim Long

Nhiều người Việt Nam ở trong nước đã mua sách

- Bà có thể lượng hóa kinh phí và thời gian dành cho công trình này theo cách đơn giản nhất? Và tại sao bà không tìm kiếm tài trợ, ít nhất là cho công trình vừa được xuất bản?

- Ở bên ngoài Việt Nam, rất khó để có được tài trợ cho chủ đề này. Là một người nước ngoài như tôi, lại càng khó tìm nguồn tài trợ ở Việt Nam. Thực tế, trong quá trình thực hiện cuốn sách đầu tiên, vợ chồng tôi đã gửi đi một số đề nghị, đề xuất…

Chồng tôi đã làm việc trong nhiều dự án phát triển ở Việt Nam từ năm 1989, bên cạnh đó là rất nhiều chuyến về nước thăm đại gia đình. Trong mỗi dịp như vậy, vợ chồng tôi tranh thủ mọi cơ hội để đến các địa điểm văn hóa và tôn giáo, viện bảo tàng, các bộ sưu tập tư nhân. Chồng tôi luôn chuẩn bị sẵn máy ảnh. Đó là những cơ hội để chúng tôi tìm hiểu về nghệ thuật và văn hóa của Việt Nam ở thời điểm trước khi nhiều ngôi đình, chùa được tu bổ...

Bên cạnh đó, tôi tìm hiểu qua các nghiên cứu của người Việt Nam. Chồng tôi đã hỗ trợ tôi rất nhiều khi dịch các bài viết tiếng Việt cho tôi; chúng tôi đã dành không biết bao nhiêu thì giờ để làm việc này. Anh ấy luôn kiên nhẫn làm sáng tỏ những câu hỏi mà tôi nêu ra, rồi lại tìm kiếm tài liệu tiếng Việt liên quan... Đúng hơn, công trình này là một nỗ lực chung của chúng tôi.

- Đầu tháng 6 vừa qua, bà đã giới thiệu công trình của mình tại Hiệp hội Nghệ thuật châu Á ở Australia (The Asian Arts Society of Australia –TAASA). Bà có thể chia sẻ thêm về phản hồi của người tham dự sau phần giới thiệu sách của bà?

- Tôi tập trung vào một số hình ảnh trong cuốn sách nhưng kết thúc bằng việc mô tả hình ảnh trên trang bìa: bức tượng Pháp Vân ở chùa Dâu (tỉnh Bắc Ninh). Đây là một chủ đề mới đối với khán giả hôm đó và mọi người đều đồng ý rằng, hiểu biết về nghệ thuật thị giác Việt Nam của họ chưa đầy đủ. Một số người cũng ngạc nhiên khi biết cuốn sách không có sẵn tại các hiệu sách ở Australia và phải đặt hàng từ Việt Nam.

Nghệ thuật Việt Nam đầy tính nhân văn ảnh 2

Ảnh: Minh Đạo

- Thêm nữa, thế giới hiện nay dường như chỉ đang thích thú với những thứ dễ đọc và dễ tìm thấy trên internet. Hy vọng dành cho việc phát hành ấn phẩm này của bà là gì?

- Tôi chỉ có thể hy vọng rằng, ngoài kia, có đủ những người quan tâm nghiêm túc đến việc đọc một nghiên cứu rộng dài về nghệ thuật Việt Nam-chủ đề vẫn ít được biết đến ở bên ngoài đất nước. Tất nhiên là tôi hy vọng người đọc tiếng Anh sẽ mua sách để có thể hiểu hơn về Việt Nam. Nhưng một ngạc nhiên lớn đối với tôi khi được biết nhiều người Việt Nam ở trong nước đã mua nó để đọc.

- Chân thành cảm ơn bà về cuộc chuyện trò cởi mở!