MUMBAI - thành phố của triệu giấc mơ

NDO - Với du khách phổ thông và không sành về trà như tôi, hương vị của món trà 500 rupee (khoảng 150 nghìn đồng) trong khách sạn 5 sao Taj Mahal Palace bên bờ biển Ả Rập chẳng mấy khác biệt so với nước trà 5 rupee (1,5 nghìn đồng) ở rìa khu ổ chuột lớn nhất thế giới Dharavi. Nhưng nếu có dịp đến Mumbai (Ấn Ðộ), hãy thử cả hai, để trải nghiệm những khung cảnh và cảm xúc cực kỳ phong phú, phức tạp chung quanh.
0:00 / 0:00
0:00
MUMBAI - thành phố của triệu giấc mơ

Chạm ánh hào quang Bollywood

Mumbai là thủ phủ bang Maharashtra ở duyên hải tây nam Ấn Độ, có khí hậu nhiệt đới quanh năm ấm áp, ngày dài nhiều nắng cùng gió biển. Đó là một điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất phim - khá tương đồng với Hollywood ở Los Angeles (Mỹ). Hơn một thế kỷ qua, Mumbai chứng kiến sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ hay thường được gọi là Bollywood (sự kết hợp của tên cũ Bombay với Hollywood) khi tập trung những xưởng phim, hãng thu âm, đài truyền hình, công ty quảng cáo lớn nhất Ấn Độ. Hàng nghìn bộ phim cùng chương trình giải trí tiếng Hindi được phát hành mỗi năm tạo nên sức ảnh hưởng vượt ngoài biên giới quốc gia tỷ dân, và là niềm tự hào của người Ấn. Đến nỗi, có câu nói rằng: Mọi đứa trẻ Ấn Độ đều mơ trở thành diễn viên hoặc cầu thủ bóng gậy (cricket).

Tôi tin rằng nhiều người Việt Nam, ít nhất là hầu hết bạn bè tôi, biết đến Bollywood qua một số tác phẩm như “Ba chàng ngốc” - bộ phim vào đời phải xem của giới trẻ, “Triệu phú khu ổ chuột” - đã giành 8 giải Oscar danh giá... hay những tựa phim truyền hình kéo dài cả nghìn tập như “Cô dâu 8 tuổi”.

Khi đến Mumbai, tôi mới hình dung được người Ấn Độ mê Bollywood đến nhường nào. Rạp chiếu phim và thông báo tuyển diễn viên xuất hiện khắp nơi, áp phích khổng lồ giới thiệu phim đang hoặc sắp ra mắt bao phủ hầu như khắp các trung tâm mua sắm hoặc nút giao thông đông đúc. Bật ti-vi vào giờ bất kỳ, thử chuyển kênh đến mỏi tay cũng không hết lựa chọn phim, các MV ca nhạc hay quảng cáo tràn ngập nam thanh nữ tú với vẻ đẹp hoàn hảo. Một khách sạn bình dân nho nhỏ trong ngõ cũng dành không gian treo đầy ảnh chân dung các diễn viên, đạo diễn huyền thoại màn bạc...

Lang thang trên những con phố ở khu đồi Malabar hoặc bãi biển Juhu, đôi lúc tôi thấy có những hàng dài người đứng xếp hàng trước một ngôi nhà đẹp với vẻ trông ngóng. Sau khi hỏi và nghe giải thích, tôi có thể đoán được đó là những người hâm mộ đang chờ thần tượng của mình. Dù không biết những cái tên đó, tôi vẫn cảm nhận được sự nổi tiếng và trọng vọng mà những siêu sao nhận được. Ở Mumbai, biệt thự của các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ giải trí thậm chí còn trở thành điểm du lịch rất hút khách. Chẳng hạn như căn nhà gỗ Jalsa của diễn viên kiêm người dẫn chương trình Amitabh Bachchan, một trong những tài tử đóng nhiều phim và nhận thù lao cao nhất lịch sử điện ảnh nước này.

Nếu muốn hiểu hơn về kinh đô Bollywood, hãy tham gia một tour tham quan phim trường (với giá khoảng 1,5-1,8 triệu đồng được bán trên các nền tảng đặt chỗ trực tuyến hoặc trực tiếp tại văn phòng du lịch địa phương). Hướng dẫn viên sẽ đưa bạn đến một số địa điểm quay phim lừng danh, bao gồm các xưởng phim lâu đời với bối cảnh nguy nga tráng lệ, ga tàu hoặc quán cà-phê thường có đoàn phim và ngôi sao đến ghi hình, trường quay rộng nơi thực hiện đại cảnh nhảy múa hoặc lễ hội, tìm hiểu về các kỹ thuật như đóng thế hoặc lồng tiếng...

MUMBAI - thành phố của triệu giấc mơ ảnh 1

Du khách có thể chọn lựa nhiều tour khám phá và trải nghiệm phim trường Bollywood.

Nếu có hứng thú, du khách còn có thể thuê trang phục truyền thống Ấn Độ cầu kỳ và sặc sỡ để mặc thử và được các vũ công chuyên nghiệp dạy một số động tác đơn giản. Cần nói thêm rằng với mật độ cảnh quay ca hát, nhảy múa dày đặc trong phần lớn phim, mỗi diễn viên Ấn Độ được coi là thành công đều đồng thời là ca sĩ, vũ công biểu diễn. Trở thành ngôi sao điện ảnh không đơn giản và không thể trông chờ vào may mắn mà phải là một quá trình nỗ lực kể cả với người có năng khiếu.

Mumbai thu hút người nhập cư từ mọi vùng miền Ấn Độ đến tìm kiếm cơ hội trở thành diễn viên, đạo diễn hoặc trở thành một phần của tất cả các dịch vụ phụ trợ tạo nên ngành công nghiệp hào nhoáng, sôi động này. Một người Việt bạn tôi sinh sống và làm việc tại đây được 3 năm kể rằng nhiều xu hướng thời trang của phụ nữ lập tức lên cơn sốt sau khi được một nữ diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng lăng-xê trên phim ăn khách.

Giữa hai thế giới

Mumbai nổi tiếng nhiều tỷ phú với lối sống xa hoa bậc nhất, đồng thời cũng là thành phố có nhiều khu ổ chuột hơn bất cứ nơi nào ở Ấn Độ. Nhưng tôi không cần phải đi xa để thấy sự đối lập của hai thế giới đó bởi gần như kề bên mỗi dãy phố thương mại hay khu mua sắm sang trọng đều có một khu dân cư cũ nát, nhếch nhác.

Trái ngược với sự phồn hoa và sạch sẽ của những nhà hàng, cửa hiệu dành cho du khách và tầng lớp trung lưu trở lên, chỉ cần rời khỏi cửa và hướng mắt sang góc đường là dễ dàng bắt gặp những người lao động nghèo, đen nhẻm đang lặng lẽ làm công việc chân tay. Vừa trầm trồ hoa mắt trước vẻ đẹp lộng lẫy tinh xảo của một tòa nhà, có thể lập tức chùng xuống khi thấy cạnh đó là khu ổ chuột đầy phụ nữ và trẻ con trông nghèo khổ.

Nhưng bạn tôi bảo rằng như vậy “thuận tiện cho đôi bên, người nghèo có việc để làm, người giàu có nguồn nhân công giá rẻ”. Sự phân hóa ấy phổ biến trong xã hội Ấn Độ và đặc biệt rõ nét ở Mumbai, thành phố đông dân nhất và là trung tâm tài chính, giải trí của cả đất nước với tốc độ phát triển nhanh chóng. Với 22 triệu dân (thống kê năm 2023) Mumbai là một đại công trường đầy ắp công trình đang xây dựng, những cao ốc, khu đô thị, nhà hát, dinh thự tư nhân...

Không cần phải là một người giàu hay quý tộc, tôi cũng có thể nếm thử sự sang chảnh bằng trải nghiệm uống trà chiều tại khách sạn Taj Mahal Palace, một biểu tượng xa xỉ ở Mumbai. Nhà hàng này mở cửa cho mọi người kể cả khách không lưu trú. Kiến trúc tuyệt đẹp, phục vụ tiêu chuẩn thượng lưu cùng danh sách dài những chính khách, nhân vật hoàng gia, nghệ sĩ nổi tiếng đã ở đây mang lại sự phấn khích cho mọi thực khách.

Tuy ý định khám phá khu ổ chuột Dharavi của tôi phải bỏ qua do tắc đường đến tối muộn, hôm sau tôi vẫn quyết định ghé thăm một khu ổ chuột khác là Dhobi Ghat. Đi du lịch mà tìm đến khu ổ chuột, nghe thì có vẻ kỳ quặc nhưng ở Mumbai thì đó cũng là một phần của thành phố này. Nhiều khu ổ chuột là điểm tái chế, buôn bán đồ cũ, sản xuất thủ công mỹ nghệ như đồ da, đồ gỗ... và thậm chí gìn giữ một phần văn hóa lâu đời của người Ấn Độ.

MUMBAI - thành phố của triệu giấc mơ ảnh 2

Một góc khu giặt là ngoài trời Dhobi Ghat.

Trong ngôn ngữ bản địa, “dhobi” là người làm nghề giặt quần áo bằng tay, “ghat” là ngôi làng. Như tên gọi, Dhobi Ghat khu giặt ủi thủ công lớn nhất Ấn Độ, địa điểm quay bộ phim xuất sắc đoạt giải Oscar “Triệu phú khu ổ chuột” (năm 2008) và phim bom tấn Ấn Độ “Dhobi Ghat” (2010). Một phần lớn quần áo, ga trải giường tại nhiều khách sạn, nhà hàng, bệnh viện ở Mumbai đều được gửi đến đây để giặt, ngoài ra còn có trang phục trong lễ hội lớn hay đám cưới. Xưởng giặt hoạt động từ sáng sớm với hàng nghìn nhân công, nhìn qua thì có vẻ chật chội, lộn xộn, nước thải tràn khắp nơi, nhưng khi quan sát kỹ sẽ thấy họ có quy trình khá trật tự, “loạn mà không rối”.

Đầu tiên, một nhóm phụ trách vận chuyển quần áo bẩn đến, phân loại sơ bộ. Đồ cần tẩy hoặc giặt bằng nước nóng để riêng trong khi phần lớn quần áo được ngâm trong bể đã hòa sẵn nước giặt. Một nhóm khác lấy ra vò, hoặc quấn thành một cục rồi dùng gậy đập mạnh để vết bẩn bong ra. Sau đó, một số người làm công việc sấy bằng máy, hoặc cho vào lồng rồi quay tròn thật mạnh để tách nước khỏi vải. Tiếp theo, nhóm thợ đem đồ treo lên dây hoặc trải ra các bề mặt phẳng, tận dụng mọi không gian có thể trong dãy nhà lụp xụp. Ở một góc, đồ có vẻ đã khô được một số người là (ủi) và gấp gọn. Cuối cùng, các gói đồ được gom lại và vận chuyển đi.

Những công đoạn hoàn toàn thủ công thường được người xưa thực hiện bên bờ sông hay giếng, nay vẫn tồn tại giữa thế kỷ 21 trong trung tâm của một đô thị hiện đại. Không hiểu bằng cách nào thợ giặt có thể đem trả đúng đồ mà không nhầm lẫn khi hàng vạn món đồ được giặt chung như vậy. Chắc hẳn họ phải có ký hiệu riêng đã được quy ước và làm đến quen tay...

Ở Mumbai, những xưởng phim hoành tráng hay xưởng giặt tồi tàn ở đó cả trăm năm qua, đã, đang và sẽ nuôi sống cả triệu con người cùng ước mơ của họ.