Mối tình đẹp trên đất nước Triệu Voi

NDO - Được học tập ở Việt Nam, trở về nước khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng, tiến sĩ Langkone Xaignavong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Toyo (Lào) đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình và có một mối tình đẹp như phim với một người con gái Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Langkone Xaignavong và Phạm Thị Kim Dung hạnh phúc tại Nhà máy Toyo (Lào).
Ông Langkone Xaignavong và Phạm Thị Kim Dung hạnh phúc tại Nhà máy Toyo (Lào).

Từ sinh viên nghèo đến ông chủ thương hiệu nổi tiếng

Trong chuyến công tác tại Lào, chúng tôi có dịp đến thăm Tập đoàn Toyo, một doanh nghiệp nổi tiếng tại Lào được nhiều lãnh đạo cấp cao trong nước và quốc tế đến thăm và khá bất ngờ khi ông chủ Toyo có một hành trình khởi nghiệp đầy ý nghĩa.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo cách thủ đô Viêng Chăn 120 km, ông Langkone Xaignavong (sinh năm 1977) từng có một tuổi thơ lam lũ vì nhà rất nghèo. “Khi mới 4 tuổi, tôi đã phải đi gánh nước, giã gạo. Ở trong nhà lúc nào cũng cần một phi nước để sinh hoạt, nên mỗi ngày phải gánh nhiều chuyến và 2 người gánh mất mấy tiếng mới đầy”, ông chủ Toyo nhớ lại tuổi thơ của mình. Đến khi học cấp 3 ông phải đi làm thuê đủ mọi việc để có tiền ăn học như: làm vườn, bán bánh kẹo... Trong mỗi lần di chuyển từ nơi học về quê đường sá khó khăn, ông phải bắt rất nhiều chặng xe, nên từ đó ông đã nhen nhóm ước mơ làm kỹ sư xây dựng. Nhờ học giỏi, ông đã trúng tuyển học bổng của Chính phủ Việt Nam và được sang học tại Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Từ nền tảng kiến thức được học tập tại đây, ông đã tiếp tục theo học thạc sĩ ở Philipines và Đức rồi lại làm tiến sĩ tại Việt Nam.

Kể về động lực khởi nghiệp, tiến sĩ Langkone Xaignavong chia sẻ, tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng trở về nước năm 2001 nhưng ông vẫn thất nghiệp. “Tôi học kỹ sư xây dựng để xây nhà 30 tầng nhưng về nước thì chỉ được xây nhà 3 tầng trên diện tích nhỏ hẹp, nên tôi không có việc làm”, ông kể.

Trong lúc đó, Chính phủ Lào có chương trình xóa đói giảm nghèo, cấp nước cho thành thị, nông thôn và tưới tiêu nông nghiệp, rất cần ống nước để xây dựng. “Chúng tôi thường phải nhập sản phẩm từ Việt Nam, Thái, Singapore, với thời gian đặt hàng mất 2 tuần và vận chuyển thành 5 tuần. Để bảo đảm tiến độ thi công, sẽ phải chịu áp lực rất lớn về thời gian”, ông chia sẻ.

Từ thực tế đó, ông quyết định khởi nghiệp sản xuất các ống công nghiệp phục vụ nhu cầu của đất nước. Thành lập vào năm 2001, đến nay Toyo đã không ngừng lớn mạnh trở thành một tập đoàn hàng đầu tại Lào. Đặc biệt, Toyo đã góp phần giải quyết khó khăn về kinh tế, tạo ra sản phẩm phục vụ sự phát triển của đất nước. Một trong những trụ cột của tập đoàn là Nhà máy Toyo, được xây dựng trên diện tích 14 ha với công nghệ vận hành sản xuất sạch, máy móc hiện đại và đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy, ông Langkone Xaignavong tự hào chia sẻ: “Đến nay Nhà máy Toyo Lào đã nhận được giấy chứng nhận chất lượng Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9901:2015 và Tiêu chuẩn quốc gia Lào 71:2019. Nhà máy có đội ngũ kỹ thuật có hơn 20 năm kinh nghiệm sử dụng công nghệ hiện đại từ ​​châu Âu và châu Á trong sản xuất ống. Hiện nay, năng lực sản xuất của nhà máy khoảng 100 nghìn tấn mỗi năm. Chúng tôi có 5 chi nhánh, trên 1.000 nhà phân phối và thực hiện nhiều dự án nông thôn giúp người dân thoát nghèo. Tất cả các sản phẩm của Nhà máy Toyo đều được bảo đảm về mặt kỹ thuật và thân thiện với môi trường”.

Kể về những thành công của mình trong hành trình khởi nghiệp trên đất nước Triệu Voi, tiến sĩ Langkone Xaignavong luôn nhấn mạnh rằng đó là nhờ những kiến thức đã được học ở Việt Nam. “Cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã cho tôi suất học bổng để tôi được học tập và khởi nghiệp sau này. Khi tìm hiểu kiến thức về ngành nước, tôi đã quay lại Việt Nam để nghiên cứu vì nhận thấy Việt Nam có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này và tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Việt Nam. Có thể nói để khởi nghiệp thành công với Toyo là sự kết tinh của mối quan hệ Việt-Lào”, ông chủ Toyo xúc động nói.

Mối tình như... trong phim

Tiếp xúc với tiến sĩ Langkone Xaignavong, chúng tôi rất ngạc nhiên vì ông không chỉ nói tiếng Việt như người Việt mà rất hiểu phong tục văn hóa Việt Nam. Khi được hỏi ông đã học tiếng Việt như thế nào, vị đại gia mới tiết lộ, có “bà xã” là người Việt. Hai người quen nhau từ thời sinh viên trong một tình huống như... phim. “Hôm đó là ngày Tết của Lào, chúng tôi ở ký túc xá nhà A3 (Đại học Bách Khoa), nên đã tổ chức lễ té nước theo phong tục, cứ ai đi qua ký túc là bị té nước. Có một cô nữ sinh bị té ướt 3 lần, cứ vào thay quần áo đi ra lại bị ướt và không thể đi học được. Cô ấy giờ là vợ tôi”, ông chủ Toyo vui vẻ kể lại khởi đầu bất ngờ của mối tình duyên bền chặt giữa hai vợ chồng.

Mối tình đẹp trên đất nước Triệu Voi ảnh 1

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam sang thăm và làm việc với Tập đoàn Toyo tại Lào.

Không biết “người tính hay trời tính”, hai người sau đó lại có duyên gắn bó khi cả hai cùng làm công tác Đoàn. Bà Phạm Thị Kim Dung vợ ông, quê ở Hải Phòng, khi đó là thư ký Hội Sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội, còn ông làm Chủ tịch Hội Sinh viên Lào tại Hà Nội, nên hay gặp nhau. “Trong những lần nhìn thấy nhau thì dần nảy sinh tình cảm. Cuối cùng cô ấy đồng ý về Lào với tôi. Khi ấy Lào còn nghèo, cũng rất cần người có chuyên môn giỏi”, ông cười. Bà Phạm Thị Kim Dung hiện là Tổng Giám đốc của Toyo với cái tên Lào: Dalakham Xaignavong. Ông Langkone và bà Dalakham cũng là thành viên của Ủy ban Cố vấn về kinh tế cho Hội Công thương Quốc gia Lào.

Chia sẻ về mối tình của mình, bà Phạm Thị Kim Dung cho biết, bà theo học ngành quản trị kinh doanh ở Viện Đại học Mở Hà Nội, sau đó học thạc sĩ tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. “Thời đó, tôi ở ký túc xá Đại học Bách Khoa cùng em trai, rồi cơ duyên đã gặp anh Langkone. Ấn tượng của tôi là anh rất thông minh, giỏi tiếng Việt và tiếng Anh”, bà Dung kể. “Sau khi tốt nghiệp đại học chúng tôi cưới nhau. Tôi chưa biết tiếng Lào, nhưng vẫn theo chồng về quê chồng. Mọi người bảo tôi “mù màu”, chỉ thấy mỗi màu hồng”.

Hồi đó, khi dẫn ông Langkone về nhà chơi, bà khá bất ngờ khi cả nhà đều đồng ý. “Hóa ra anh ấy đã “đánh du kích” từ trong ra ngoài. Cậu em tôi chính là người đã giúp anh Langkone đi chào họ hàng, giới thiệu với bố mẹ. Anh ấy đã “tấn công” em mình chứ không phải mình”, bà Dung kể.

Sau khi theo chồng về Lào, bà cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Khi đó hai vợ chồng chỉ có đôi bàn tay trắng. Bà đi cầm cố hộ chiếu để lấy hàng hóa về bán thuê và được hoa hồng. Ông nhận vẽ thiết kế, công trình nhà máy. “Tôi xin được một công việc bán hàng và hai vợ chồng nhận thực hiện được một dự án đầu tiên với 4.500 USD tiền lãi. Với số tiền đó chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn”, bà Phạm Thị Kim Dung nhớ lại.

Khi hỏi về bí quyết thành công, bà Phạm Thị Kim Dung cho rằng đó là niềm tin và đam mê của tuổi trẻ. “Ngọn lửa của tuổi trẻ là sức mạnh phi thường. Sự thành công là nhờ nghị lực, kiên trì, bền bỉ, có lý tưởng”, bà nói. Chia sẻ về việc tạo động lực làm việc cho các bạn trẻ Lào, bà Phạm Thị Kim Dung cho biết bà luôn giúp các bạn trẻ tìm thấy tình yêu trong công việc, bởi với họ môi trường làm việc rất quan trọng. “Phải tạo ra hạnh phúc trong công việc thì họ sẽ gắn bó lâu dài”, bà nhấn mạnh. Có lẽ kinh nghiệm này cũng là bài học quý không chỉ riêng của Toyo Lào mà với tất cả những người làm quản lý ở bất cứ quốc gia nào.