Nhiếp ảnh gia Khánh Phan:

Mang vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Điểm nhấn trong chuyên môn nhiếp ảnh của Khánh Phan chính là sự tươi trẻ, đổi mới và gặt hái nhiều thành công. Nhưng phía sau đó là gian khó của một người theo đuổi những khoảnh khắc đẹp của đời sống vốn nhiều khi thật khó nắm bắt, nhất lại là với một phụ nữ đã có gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Mang vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Thành công từ mồ hôi, nước mắt

- Người ta hay dùng từ "cuộc chơi" để nói đến việc ai đó theo đuổi một lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng với chị, nhiếp ảnh có phải là cuộc chơi hay còn là gì hơn thế nữa?

- Ban đầu là cuộc chơi, là đam mê cá nhân thuần túy, nhưng theo thời gian, nhiếp ảnh ngày càng có nhiều ý nghĩa với tôi. Nhiếp ảnh giúp tôi cân bằng cảm xúc, khiến tôi lạc quan. Năm 2016, sau nhiều sóng gió cuộc sống, tôi đã có lúc gần như suy sụp nhưng rồi tự nhủ, mình phải cố gắng vững vàng để làm điểm tựa cho con nhỏ. Tôi cũng nhận ra, để có thể báo hiếu cha mẹ, tôi cần lo tốt cho bản thân mình trước hết. Vì thế, tôi mua một chiếc máy ảnh để tự động viên mình. Ban đầu, tôi chỉ đi chụp ảnh hoa, lá trong công viên cho khuây khỏa. Nhưng những vẻ đẹp nhỏ xinh, đơn giản ấy đã khiến tôi bất ngờ nhận ra cuộc sống này thú vị đến nhường nào. Từ đó đến nay, tôi làm việc chăm chỉ và nghiêm túc. Điều đó khiến tôi dần trở thành chuyên nghiệp.

Nhiếp ảnh là một nghề không hề dễ dàng. Không những phải làm việc cật lực mà bạn và gia đình bạn phải hy sinh rất nhiều cho công việc này. Để theo đuổi nhiếp ảnh, tôi phải đầu tư thời gian, tiền bạc và sức khỏe một cách liên tục. Không phải lúc nào tôi cũng có một chuyến sáng tác thành công, những lần như vậy thử thách cảm xúc và độ bền bỉ với nghề rất nhiều.

- Chị có thể chia sẻ với bạn đọc một vài kỷ niệm hay bài học khó quên từ lúc xác định đi theo con đường chuyên nghiệp cho đến nay?

- Để săn bức ảnh như ý, tôi thường phải xa gia đình dài ngày, leo núi, đối mặt với sóng biển dữ dằn hay đứng trên đồi cát bỏng rát, canh chừng sương đêm trong nghĩa địa… để sáng tác. Tôi đã "nằm gai, nếm mật" đúng nghĩa trong công việc này.

Ngày bão là tác phẩm yêu thích mới nhất mà tôi chụp được trong một cơn giông lớn ở Đầm Lập An, TP Huế (Thừa Thiên Huế). Lúc có dấu hiệu giông gió đến, các đồng nghiệp khác đi cùng tìm cách trú mưa và tránh sét đánh. Còn tôi gan lì ở lại, đứng chụp ảnh giữa cơn mưa gió cuồn cuộn và sét đánh liên tục xuống đầm. Đầm Lập An chuyển trạng thái ánh sáng liên tục vì sấm chớp và tôi nghĩ, tôi đã chụp được bức ảnh tuyệt vời.

Mẹ tôi từng khóc rất nhiều khi thấy con gái vất vả đêm hôm. Tôi có thể lên đường săn ảnh bất cứ lúc nào, chạy xe máy cả đêm, vác theo túi máy ảnh nặng hàng chục kg. Khi còn nhỏ, con trai tôi cứ khóc chạy theo mẹ mỗi khi thấy tôi lủng củng đồ nghề, dắt xe ra khỏi nhà...

- Và điều ấy khiến chị có lúc nào muốn dừng lại với nhiếp ảnh?

- Tôi mang mối duyên quá lớn với công việc này (cười). Cứ mỗi lần cảm thấy nản chí, một số điều tuyệt vời lại trở lại với tôi: Một giải thưởng lớn hoặc một dự án hay. Tôi đã sáng tác được sáu năm, có lẽ không còn đắng cay, ngọt bùi nào trong nhiếp ảnh mà tôi chưa từng trải qua và hiện tại, nhiếp ảnh là một phần cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ rằng, khi đam mê điều gì đó một cách nghiêm túc thì ta không thể dễ dàng từ bỏ.

Làm nghề bằng tất cả sự chuyên nghiệp

- Nhiều năm qua, chủ đề ảnh du lịch và văn hóa Việt Nam đã được các tay máy trong và ngoài nước khai thác khá kỹ lưỡng nên chắc hẳn có nhiều áp lực với chị, một người đi sau?

- Thực tế là ở Việt Nam, các tay máy phần lớn đều theo đuổi ảnh hiện thực. Chính vì thế, ảnh du lịch và văn hóa Việt Nam có hàng nghìn nhà nhiếp ảnh cùng "săn". Và bạn cứ thử hình dung, cùng chụp ruộng bậc thang mà có tới cả nghìn ống kính, sẽ rất dễ nhàm chán, dễ giẫm chân lên nhau. Điều đó đã tạo áp lực rất lớn khi tôi lựa chọn thể loại ảnh này. Tuy nhiên, tôi lại không cho đó là rào cản hay điều gì lớn lao khiến mình dao động và từ bỏ.

Tôi yêu phong cảnh và đất nước mình. Và vì yêu, tôi mới đủ sức mạnh để tạo nên các bức ảnh nhiều cảm xúc, khiến người xem cũng xốn xang như tôi. Từ các bức ảnh đã đoạt giải quốc tế và được các hãng thông tấn nước ngoài mua, tôi tin rằng, vẻ đẹp Việt Nam đã được quảng bá ra thế giới. Đó là một cách giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam đầy cảm hứng và sinh động. Tất nhiên, tôi cũng nghĩ là có lẽ, tôi cũng phần nào may mắn khi ảnh của mình được chọn ra từ hàng trăm nghìn ảnh khác và được trao giải trong một cuộc thi tầm quốc tế.

Mang vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế ảnh 1
Chợ cá trên biển, Bằng Danh dự - Giải thưởng Siena Drone Awards 2020 (Italy). Ảnh: NVCC

- Bộ sưu tập giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế của chị khiến nhiều người ghen tỵ trong khi với nhiếp ảnh, yếu tố kỹ thuật và phương tiện kỹ thuật rất quan trọng. Chị không ngại "bật mí" một vài bí quyết chứ?

- Làm việc nghiêm túc, chăm chỉ là bí quyết thành công của tôi. Tôi rèn luyện sức khỏe mỗi ngày để phục vụ sáng tác. Tôi cập nhật các kỹ thuật chụp ảnh và xử lý hậu kỳ mới, tìm hiểu về các xu hướng nhiếp ảnh thế giới. Thêm nữa, muốn thành công trong nhiếp ảnh, cần kiên trì, kiên trì vô cùng, tôi nghĩ vậy. Cuối cùng là chữ "duyên".

- Nhiều nhà nhiếp ảnh gắn bó với nghề bằng cách "lấy ngắn nuôi dài", tức là nhận làm các dịch vụ chụp ảnh để có kinh phí đầu tư trở lại cho ảnh nghệ thuật. Còn với chị thì sao?

- Tôi chưa từng nhận chụp ảnh dịch vụ đơn lẻ. Tôi chỉ nhận làm theo dự án bên cạnh việc tập trung sáng tác. Trong hai năm qua, tôi làm việc cho nhiều dự án của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Sony Việt Nam và một số nhãn hàng. Tôi không quá chú trọng việc phải kiếm thật nhiều tiền, đủ sống là ổn. Tôi tập trung vào phát triển bản thân và sáng tác.

- Vì một bức ảnh không phải là sáng tác độc bản, có thể nhân bản nên việc bán ảnh, chuyển nhượng quyền sử dụng tác phẩm được chị xử lý ra sao?

- Tôi không gặp quá nhiều rắc rối trong việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm của tôi. Thông thường, người sử dụng ảnh đều xin phép và có hợp đồng chuyển nhượng tác quyền, nhất là với các bức ảnh nổi tiếng của tôi. Khó tránh khỏi việc sử dụng hình ảnh không ghi nguồn tác giả, nhất là trên các trang tin trực tuyến và mạng xã hội. Bản quyền là một câu chuyện dài trong nhiếp ảnh và tôi nghĩ sớm muộn, Việt Nam sẽ phải có chế tài nghiêm khắc hơn trong việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm nhiếp ảnh.

- Mục tiêu tiếp theo của chị trong nhiếp ảnh, bên cạnh các giải thưởng và các dự án hợp tác là gì?

- Tôi muốn truyền đam mê và kỹ năng nhiếp ảnh cho các bạn trẻ xác định theo đuổi nghề nghiệp này bằng cách tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành và thảo luận chuyên ngành tại một số trường đại học, chuỗi chương trình do các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp của nước ta thực hiện.

- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!