Viết để “trả nợ” những năm tháng chiến trường
- Thưa nhà văn, vì sao đến nay, bà mới quyết định cho xuất bản “Chạm vào ký ức”?
- Thật ra, tôi đã dự kiến viết cuốn sách này từ rất lâu, ngay sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Trong sách, nhân vật chính, là tôi, đã từng trăn trở, đi nhiều, chứng kiến nhiều mà vẫn chưa thể viết được cái gì “cho ra hồn”.
Sau chiến tranh, có quá nhiều công việc kéo tôi đi. Tôi làm công tác biên tập ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, rồi lại được phân làm Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội, ngay khi Ban mới được thành lập, rất nhiều việc phải lo. Đan xen với việc cơ quan, tôi vẫn viết về đề tài chiến tranh, ở các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng không nguôi đau đáu một cuốn sách mà tôi gọi là “trả nợ” cho những năm tháng ở chiến trường. Nói như nhà văn Ngô Thảo, đây là cuốn sách “gọi hồn” các đồng đội.
Chồng tôi, nhà văn Chu Lai, động viên tôi cứ viết tất cả những gì mà một phụ nữ như tôi từng trải qua, chứng kiến ở chiến trường. Gần đây, tôi cảm thấy cuốn sách này đã đến lúc được viết ra, và quyết định tập trung hẳn cho nó. Trong lúc nghiền ngẫm, tôi chợt nhớ tới ba cuốn sổ ghi chép ở chiến trường mà tôi từng nhờ một người em cùng cơ quan giữ hộ; trong đó có rất nhiều tư liệu chân thực giúp tôi hoàn thiện cuốn sách.
- Bà đã viết cuốn sách trong bao lâu?
- Chỉ hơn một năm, khá nhanh, tựa như có gì thôi thúc mình, cả khi nấu cơm, tôi cũng nghĩ về nó. Điều này khác hẳn với thông thường, tôi vốn lười và viết chậm (cười).
- Như bà vừa chia sẻ, “Chạm vào ký ức” bao gồm những câu chuyện, chi tiết chân thực, nhưng bà lại xếp nó vào thể “truyện ký”, mà không phải là “hồi ký”?
- Hồi ký hay nhật ký dễ khiến người đọc soi xét về người thật, việc thật được nhắc tới. Nếu điều này xảy ra, có khi nhân vật trong sách lại bị phiền phức; bản thân tôi không muốn như vậy.
Tôi để tác phẩm ở thể loại “truyện ký” là để mỗi người đọc tự do với cách hiểu của họ về câu chuyện trong đó. Cuốn sách này rất đặc biệt, nó nói được điều tôi muốn nói, ghi lại hết những điều tôi muốn nhớ, từ khung cảnh đến con người trong năm tháng khốc liệt của thời thanh xuân của tôi nơi chiến trường. Ở tuổi 23, tôi đã đối diện hiện thực đời sống quá sức của mình, sống dưới bom đạn và có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi cũng đã chứng kiến hàng trăm, hàng nghìn sự hy sinh của những thanh niên cùng thế hệ. Nhìn lại, tôi thấy mình thật sự đẹp, dám sống, dám chiến đấu, và dám chết cho lý tưởng cách mạng.
- Tuy nhiên, trong tác phẩm này, có một số nhân vật nguyên mẫu là nhà văn nổi tiếng, như Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi, và bà đã để tên thật của họ. Những người bạn ấy đã nói gì khi cùng bà ngắm lại một thời quá khứ của họ qua từng trang viết?
- Tôi mới chỉ gặp nhà văn Nguyễn Bảo. Ông ấy đọc sách của tôi xong, nói là rất thích, còn khen: “Bà tài thế, sao bà nhớ các chi tiết giỏi thế?!”. Thật ra, nếu không có những ghi chép trong nhật ký hỗ trợ, tôi vẫn nhớ rành rẽ được nhiều sự kiện, chi tiết, vì tất cả những điều đó đã thuộc về phần đời đẹp nhất của mình.
Cuốn truyện ký “Chạm vào ký ức” của nhà văn Vũ Thị Hồng. |
Gửi một thông điệp đến lớp trẻ
- Được biết, khi chiến tranh kết thúc, bà mới chỉ 25 tuổi. Về thời điểm ấy, bà đã viết trong sách: “…Một đoạn đời sẽ chấm dứt không phải bằng dấu chấm hết, mà bằng dấu chấm hỏi”. Bà đã vượt qua “dấu chấm hỏi” đó như thế nào?
- Lúc ở chiến trường, tôi thường xuyên bị sốt rét, người gầy nhỏ, chỉ tầm 38-39kg. Nghĩ đến bệnh tật, tôi không sợ chết mà chỉ sợ mình không được đi tiếp vào chiến trường cùng đồng đội, phải một mình trở ra bắc. Như tất cả các cô gái khác, chúng tôi đối diện chuyện thường nhật là đói ăn, đói mặc, tóc rụng, mất kinh, bế kinh, sốt rét, nỗi đau đớn khi chứng kiến cái chết của người thân, đồng đội... Nhưng tôi nghĩ mình đang tuổi trẻ, mình không thể quay về phía sau.
Chiến tranh kết thúc, tiếp nối là chuỗi ngày đi khám, chữa bệnh liên miên. Những chuyến đi an dưỡng theo tiêu chuẩn không làm tôi khá hơn. Nhiều câu hỏi ập đến: Tôi sẽ sống tiếp thế nào với hai bàn tay trắng; liệu có thể chữa khỏi bệnh tật được không. Tôi còn nhớ nguyên cái cảnh khi từ chiến trường về đến Hà Nội, đi xích lô về nhà, người trả tiền xe là mẹ. Sau đó, tôi lại trải qua một đợt phẫu thuật hạch thượng đòn…
Kể từ khi được làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, công việc cuốn đi, tôi cũng đã vượt qua được thời kỳ khó khăn ấy.
- Nếu như có ai đó nói rằng, chiến tranh là thứ ký ức cần phải quên đi thì bà sẽ nói gì với họ?
- Tôi nghĩ đơn giản, nếu không có ký ức thì làm gì có hiện tại hay tương lai. Viết một cuốn sách về ký ức đơn giản chỉ là gửi một thông điệp đến lớp trẻ, dù mỗi thời mỗi khác nhưng đừng quên rằng, có một thời, ông bà, cha mẹ chúng ta đã sống như thế.
- Nhân đây, từ thực tiễn công việc của mình, bà có thể chia sẻ thêm về công tác lưu trữ tư liệu liên quan đến giai đoạn hai cuộc chiến tranh ở nước ta trong thế kỷ trước. Thí dụ, những ghi chép chân thực của bà ở chiến trường, ngoài việc là tư liệu cho tác phẩm văn chương còn cần được lưu trữ như những nguồn tài liệu trực quan sống động nữa. Trong thực tế còn rất nhiều những lớp tư liệu, ký ức như vậy cần được tập hợp và hệ thống hóa, để lại cho thế hệ tương lai...
- Về công tác lưu trữ tư liệu nói chung, Nhà nước đã làm rất nhiều rồi, tuy nhiên tôi cho rằng vẫn là chưa đủ. Chúng ta vẫn làm theo kiểu chắp vá, chưa đầu tư trọng điểm, khoa học và hệ thống. Cần nhiều hình thức lưu trữ như số hóa dữ liệu, làm các phim tư liệu…
Một cách quan trọng để lưu giữ ký ức chung ấy là xây dựng được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm với cuộc chiến tranh vĩ đại mà dân tộc ta đã đi qua. Về việc này, tôi cảm thấy giới văn nghệ sĩ còn nợ nhân dân. Một thí dụ, cho đến giờ, sau gần 50 năm hòa bình mà vẫn chưa hề có tác phẩm nào tương xứng với tầm vóc đường Trường Sơn - con đường huyết mạch trong chiến tranh chống Mỹ.
Bên cạnh đó, tôi thấy rằng, không chỉ Nhà nước mà mỗi người, mỗi gia đình chúng ta đều phải có ý thức lưu giữ những di sản ký ức chiến tranh của dân tộc; đó là hành trang rất cần thiết bởi vì quá khứ có khả năng rất lớn trong việc tự giáo dục của mỗi người. Dẫu rằng, việc lưu giữ những di sản ký ức như vậy ngay trong gia đình mình là việc không dễ dàng. Tôi có thể chia sẻ một chút từ câu chuyện trong chính gia đình chúng tôi. Cá nhân tôi đã phải mò mẫm khắp nơi, từ Cục Lưu trữ quốc gia đến nhiều nguồn khác để sắp xếp một khối lượng tư liệu về các văn nghệ sĩ trong gia đình. Bố chồng tôi, anh trai chồng và chồng tôi đều viết văn, viết kịch và đại gia đình chúng tôi đã vinh dự được đón nhận một Giải thưởng Hồ Chí Minh, hai Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
- Xin cảm ơn nhà văn Vũ Thị Hồng về cuộc trò chuyện!
Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng (bí danh Nguyễn Thị Bắc Hà) là phóng viên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bà từng giành nhiều giải thưởng văn học, như Giải A - Cuộc thi viết về người phụ nữ trên mặt trận an ninh với tiểu thuyết “Trở lại là em”, do Bộ Nội vụ tổ chức; Giải A - Cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội với ký “Ở ấp Thanh Mỹ”; Giải thưởng văn học 5 năm (1990-1995) của Bộ Quốc phòng.