Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn:

Thơ của bố giúp tôi khơi cảm hứng âm nhạc

Trong tour diễn của ông và các học trò qua nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên. Tranh thủ từng khoảng thời gian trống hiếm hoi trong quá trình chuẩn bị cho hai đêm diễn tại Hà Nội (ngày 2/6) và Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 3/6) vừa qua, ông trò chuyện cùng Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn (ngoài cùng, bên phải) và ba học trò chơi “tám tay” trên cùng một cây đàn trong buổi biểu diễn ngày 2/6 tại Hà Nội. Ảnh: Công ty Thanh Việt
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn (ngoài cùng, bên phải) và ba học trò chơi “tám tay” trên cùng một cây đàn trong buổi biểu diễn ngày 2/6 tại Hà Nội. Ảnh: Công ty Thanh Việt

Ý nghĩ đầu tiên là về Việt Nam

- Thưa ông, ý tưởng về một tour lưu diễn tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với học trò đã bắt đầu như thế nào?

- Ý tưởng cho những buổi diễn Gala với học trò là niềm mơ ước của nhiều người thầy vì càng có nhiều trò giỏi, thầy càng “nở mũi” (cười).

Tôi nghĩ đến dự án này sau cuộc thi Piano quốc tế Chopin tại Ba Lan năm 2021 với chiến thắng vang dội của hai học trò Bruce Liu (Giải nhất) và JJ Bui (Giải sáu). Đó là sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử tại tất cả các cuộc thi âm nhạc lớn trên thế giới khi thầy và trò đồng Giải nhất, dẫu cách nhau tới 41 năm. Sau kỳ cuộc đó, ngày càng có đông học trò xin theo học với tôi, tại hai nhạc viện Oberlin và New England ở Mỹ. Thế là tôi lại càng có điều kiện lựa chọn học trò ưu tú. Ngay trong tour đầu tiên này, đã có nơi mời đích danh học trò diễn cùng tôi rồi đấy.

- Như vậy, đây là chương trình mà ông là người lên ý tưởng cũng như lựa chọn học trò tham dự?

- Vâng, đây là chương trình mà tôi có thể nói, tôi ký tên xác nhận 100% là của mình ở góc độ chuyên môn nghệ thuật: từ chọn bài cho từng học trò đến cách thức trình diễn song tấu cùng các em, một đàn (còn được gọi là “biểu diễn bốn tay” - PV) hay hai đàn…

Có 30 em đang theo học tôi, trong đó, chừng 10 em đã được giải quốc tế và sẵn sàng “trình làng”. Nhưng vì là chương trình kéo dài, lại diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nên tại mỗi nước, chỉ có tôi và từ ba đến bốn học trò cùng biểu diễn, tránh quá đông, tốn kém chi phí. Các em sẽ thay phiên nhau theo địa điểm diễn.

- Cả ba học trò biểu diễn cùng ông tại Việt Nam lần này đều là người gốc Á. Điều này gợi liên tưởng trong tôi về học trò người Việt Nam của ông…

- Trong hàng chục năm dạy học của tôi, cũng có đến khoảng 10 học trò là người Việt hoặc gốc Việt, chủ yếu tại Đại học Montreal (Université de Montréal), Canada. Trong số đó, một số học trò hiện nay đã là giảng viên nòng cốt của Khoa Piano, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Nhân đây, tôi cũng chia sẻ thêm là lâu nay, có một sự trỗi dậy của châu Á riêng trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc hàn lâm. Khoảng 90% số học trò hiện theo học tôi là người châu Á hoặc gốc châu Á. Đây là một thực tế khiến ta nên suy ngẫm đấy. Có một sự thụt lùi nhất định của Việt Nam nếu so các nước láng giềng về thành tựu trong lĩnh vực này: Đã từ lâu, Việt Nam gần như vắng bóng tại các cuộc thi piano quốc tế quan trọng chứ chưa kể chuyện được giải. Nếu như những năm 80, 90 thế kỷ trước, người châu Á chỉ xuất hiện lác đác tại các cuộc thi piano quốc tế lớn thì nay, tại nhiều cuộc thi này, họ giữ vị trí áp đảo.

- Vậy vì sao ông quyết định chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên của tour diễn quanh thế giới đầu tiên của ông với học trò?

- Chuyến lưu diễn kỳ này vì là lần đầu nên có thể gọi là thử nghiệm, bao gồm trước tiên là ba địa điểm ở châu Á là Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, mỗi nơi đều có hai buổi liên tiếp. Tới tháng 8, chúng tôi sẽ có hai buổi diễn ở hai nước châu Âu. Đợi đến học kỳ sau, tour diễn tiếp tục phát triển sang Thụy Sĩ, Mỹ, Canada.

Còn tại sao lại bắt đầu từ Việt Nam ư? Bản thân tôi rất mong muốn tour diễn này còn chứa đựng một ý nghĩa nào đó khác hơn bên niềm vui của người làm thầy. Tôi muốn có một cái gì đó thật sự “dính dáng” đến mình, thật sự là của mình - một người Việt Nam nên tôi chọn Việt Nam là điểm khởi đầu.

Lần này cũng là lần đầu, tôi có một “ông bầu” tại quê hương. Khi lựa chọn như vậy là tôi có một sự tin tưởng về chuyên môn vì nghệ sĩ và nhà tổ chức phải đi được với nhau trên một hành trình có rất nhiều việc đòi hỏi tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Tôi cũng vui vì thấy có sự thay đổi mới mẻ trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam và hy vọng, sau sản phẩm đầu tiên, chúng tôi sẽ cùng mở ra nhiều hợp tác khác, ngay từ nửa cuối năm nay.

Vẫn luôn hồi hộp trước từng buổi diễn

- Có gì khác trong một buổi biểu diễn với học trò nếu so các hình thức biểu diễn quen thuộc của ông, như cá nhân hoặc kết hợp cùng một số nghệ sĩ nổi tiếng khác?

- À, tôi được đem “gà nòi” đi theo nên có cái ấm áp khác. Mỗi em mỗi vẻ, trình độ và nhận thức thẩm mỹ của từng em trong âm nhạc đều rất khác với tôi. Làm thế nào để chấp nhận và giữ được cá tính của từng em trong nghệ thuật mới quan trọng, chứ không nên đào tạo một cách dễ dàng theo lối công nghiệp, em nào cũng theo phong cách của tôi được. Vì vậy, ngoài giờ học, tôi cũng dành thời gian trò chuyện, tỉ tê cùng học trò, để biết điểm mạnh, điểm yếu của từng em mà tìm lối đi phù hợp. Ban đầu, tôi chỉ tính chuyện trò với chúng để hiểu hơn về nền tảng giáo dục gia đình - điều tôi vốn luôn vô cùng coi trọng bởi đối với một người theo đuổi con đường nghệ thuật, như cái gốc của tôi mà cha mẹ để lại, là phải bắt đầu từ sự chân thành. Dần dà, hầu như mọi bữa ăn trong ngày đều là khoảng thời gian tôi làm “chị Thanh Tâm” của các em, là nơi để các em dốc bầu tâm sự đủ chuyện (cười).

- Ông có thể nhận xét vắn tắt về cá tính âm nhạc của ba học trò cùng ông biểu diễn trong chương trình này?

- Bạn nhiều tuổi nhất, Zitong Wang (sinh năm 1999), đang theo học bậc tiến sĩ với tôi tại Nhạc viện New England có lối chơi thật tự nhiên, dễ dàng như bẩm sinh là vậy, hợp các bài nhạc trữ tình. Kai-Min Chang (sinh năm 2001), cũng đang theo học tôi tại Nhạc viện New England, có một nội tâm mạnh mẽ, có thể chơi ngon lành đủ các dạng bài nhạc, từ nhỏ nhẹ, tiểu phẩm đến vô cùng quy mô, rầm rộ. Cô bé ít tuổi nhất, theo học tôi tại tư gia ở Canada vì chưa đủ tuổi học lên hệ đại học, Sophia Shuya Liu (sinh năm 2008) lại là người có cá tính phát triển sớm, đúng kiểu “không biết sợ là gì”. Nghe cô bé chơi đàn, tôi cảm thấy mình như trẻ lại. Khi tham gia các cuộc thi quốc tế căng thẳng, sức ép lớn mà em cứ chơi phăm phăm, trăm phát trăm trúng; người thì nhỏ nhắn mà không rõ sức ở đâu để có thể chơi các bài nhạc cần thể lực như sáng tác của Lizst. Trong khi bản thân tôi hiện tại, trước mỗi buổi diễn, vẫn nguyên cảm giác hồi hộp…

- Qua trò chuyện, mới thấy là giọng nói của ông không hề có chút pha tiếng nước ngoài cho dù ông đã không sống ở Việt Nam nhiều năm. Điều này khiến tôi nhớ lại cách đây chưa lâu, trên chuyên mục Trò chuyện cuối tuần, một nhà nghiên cứu phê bình văn học đã phân tích về vẻ đẹp tiếng Việt trong thơ của thân phụ ông, nhà thơ Đặng Đình Hưng. Phải chăng, vẻ đẹp ấy cũng góp phần giúp ông giữ được âm sắc tiếng Việt trong giọng nói của mình?

- Làm nghề nhạc, thính giác có phần nhạy cảm hơn nên giúp tôi giữ được giọng nói như ý. Nhắc đến thơ của cụ, bạn lại làm tôi nhớ đến thời phổ thông cấp ba, tôi học môn Văn dốt lắm, thường được thầy nhận xét: “văn gì mà khô như ngói!” (cười).

Lâu lâu, tôi đọc lại thơ của cụ để khơi nguồn cảm hứng âm nhạc. Thơ của cụ nhiều biểu tượng, đôi khi là “ảo ảnh”, là phi thực, thật phong phú cho cảm hứng âm nhạc.

- Vô cùng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở!

Chương trình biểu diễn của Đặng Thái Sơn và các học trò là sự kiện đầu tiên của chuỗi “Thanh âm bất tận” dành riêng cho âm nhạc cổ điển, bắt đầu từ tháng 6/2024 và dự kiến diễn ra thường niên, do Công ty Thanh Việt sản xuất.