Cái khó ló cái khôn
- Năm tập phim khai thác đề tài chống tham nhũng nhưng không đề cập tới bất kỳ một vụ án nào, không nhắc tới tên tuổi hay sử dụng hình ảnh cụ thể của bất kỳ một cá nhân liên quan. Nghe như thể không có nguyên liệu, thực phẩm trong tay nhưng lại phải trổ tài dọn ra mâm cỗ thịnh soạn vậy?
- Ngay từ trong quá trình nghiên cứu, sau khi tìm đọc nhiều án lệ, tham vấn nhiều chuyên gia, tôi cùng đạo diễn Nguyễn Nhật Duy đều thấy khá tuyệt vọng về nguồn hình ảnh có thể đưa vào tác phẩm. Bởi thế, thực hiện một bộ phim tài liệu khoa học mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm phòng, chống tham nhũng là giải pháp tối ưu mà lãnh đạo Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam) đưa ra. Phim sẽ chủ yếu đề cập những kiến giải cùng góc nhìn của nhiều chuyên gia ở đa lĩnh vực, từ đó cung cấp thông tin một cách khách quan và khoa học cho khán giả về cuộc chiến cam go đang diễn ra với nạn tham nhũng tràn lan này.
- Chị có thể chia sẻ cụ thể về cách thức đặc biệt mà nhóm làm phim đã thực hiện trong tác phẩm lần này?
- Bắt tay vào việc, chúng tôi nhận ra cách kể chuyện quan trọng hơn việc dùng hình ảnh gì. Khai thác tối đa nguồn tư liệu khổng lồ từ VTV và Truyền hình Quốc hội, tận dụng nguồn tranh biếm họa giàu ngữ nghĩa và nhiều lớp ẩn dụ của báo Tuổi trẻ, sử dụng đồ họa (dù rất khiêm tốn vì nguồn kinh phí eo hẹp)… là những cách thức mà đội ngũ chúng tôi đã chọn, để giúp mềm hóa những nội dung phỏng vấn liên tục nối nhau trong phim.
Nhóm dùng những góc máy, khuôn hình mang tính liên tưởng, gợi chứ không tả. Kiểu như dùng đồ họa thể hiện chương trình Thách thức danh hài (kênh HTV7-Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh), nơi thí sinh sắm vai quan chức đoạt giải vì phát ngôn "dùng tiền lương mua biệt thự khủng và sắm siêu xe" để dẫn vào tập thứ tư, bàn về văn hóa và đạo đức trong phòng, chống tham nhũng… Hay chuyển tải những kết quả tích cực của công cuộc đấu tranh thông qua hệ thống loa phóng thanh trên nhiều miền đất nước, trích dẫn những câu nói của các bậc tiền nhân để dẫn đề.
Sử dụng hiệu quả âm nhạc là một thủ pháp xuyên suốt, trở thành thế mạnh trong những tác phẩm của đạo diễn Nhật Duy cũng được chúng tôi tận dụng tối đa, nhằm bắc một nhịp cầu kết nối mạch chuyện, gợi mở và làm dày thêm cảm xúc.
Cũng có chính trị gia đánh giá, cách thể hiện còn khá thô sơ, thời lượng phỏng vấn nhiều quá. Nhưng thú thật, chúng tôi có thể ngoái nhìn lại với chút tự hào, rằng, cả nhóm đã sử dụng tối đa mọi công cụ có thể, mọi nguồn lực có được trong tay để có thể nói với nhau: mình đã "tay không bắt giặc"!
- Tôi còn nghe nói, "mâm cỗ thịnh soạn" ấy được "nấu nướng" bằng khoản ngân sách thách thức mọi "đầu bếp", dù rất giỏi xoay trở?
- Sau nửa năm chuẩn bị và hoàn tất kịch bản, nhóm phải đối mặt với chủ trương cắt giảm ngân sách của cơ quan. Trong vai trò nhà sản xuất, tôi chưa bao giờ triển khai bộ phim nào với kinh phí thấp như vậy. Khó khăn về mặt nội dung, chúng tôi có thể cùng nhau vượt qua. Nhưng khi thù lao chi trả cho mọi người quá ít ỏi thì thành thật mà nói, tôi đã muốn bỏ cuộc. Thật may mắn, tất cả đều động viên ngược lại tôi, đều muốn loạt phim này trở thành hiện thực. Và như thế, chúng tôi đã trải qua bốn tháng bên nhau, vô cùng khó khăn nhưng cũng đầy hứng khởi.
May mắn là những người chưa từng có kinh nghiệm làm phim về chính luận như chúng tôi nhận được sự động viên nhiệt tình và lòng tin của các anh chị em đồng nghiệp cũng như các cấp lãnh đạo Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự. Việc thuyết phục thành công Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận vai trò cố vấn cho phim khiến chúng tôi có thêm sự tự tin và lòng quyết tâm để triển khai dự án. Ông như một kiến trúc sư uy tín kiến tạo toàn bộ nền móng công trình.
Hai đạo diễn phỏng vấn Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng. Ảnh: NVCC |
Tuổi trẻ là một lợi thế!
- Sau khi xem hết các tập phim, tôi có cảm tưởng "Không lùi bước" hướng tới một bộ phận khán giả nhất định chứ không phải là phim dễ xem với mọi khán giả. Nhưng số liệu khá nhiều người theo dõi phim này trên ứng dụng VTVGo nếu so các tác phẩm cùng đề tài lại cho thấy sức hấp dẫn riêng của phim?
- Đúng như chị nhận xét, phim không đặt đích số đông người xem ngay từ trong định hướng ban đầu. Nhưng dù vậy, chúng tôi vẫn đặt tiêu chí tác phẩm của mình phải dễ hiểu. Trong nhóm, người trẻ nhất sinh năm 2000 và lớn tuổi nhất sinh năm 1985, đều lần đầu thử sức với dòng phim "khó nhằn" này.
Không có kinh nghiệm làm phim chính luận nên chúng tôi cũng không biết giới hạn của mình ở đâu, mình phải sợ hãi hay tránh né điều gì. Đối với chúng tôi, các vị chuyên gia là những người thầy tận tâm và kiên nhẫn. Bởi thế, chúng tôi đến gặp họ trong tâm thế như tờ giấy trắng, chỉ mong muốn tìm hiểu và học hỏi, chưa rõ điều gì thì xin họ giảng giải, mổ xẻ tới tận cùng vấn đề.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi áp dụng triệt để mọi kỹ năng cơ bản của một nhà báo để khai thác tối đa tri thức của các chuyên gia. Kế đó là toàn bộ kỹ năng biên tập để lựa chọn, sắp xếp những nội dung mà 20 khách mời chia sẻ vào từng tập phim. Cái khó nhất của đề tài nhạy cảm này là đặt lịch phỏng vấn khoảng 20 khách mời chỉ trong khoảng thời gian hai tháng vì điều kiện kinh phí ngặt nghèo. Mỗi vị chuyên gia chỉ có thể dành cho chúng tôi thời gian nhất định, có người chỉ 20 phút. Vì thế, "thắng hay thua" - câu trả lời nằm trong tay người trực tiếp thực hiện phỏng vấn.
Cuối cùng là kỹ năng kể chuyện, dẫn dắt qua từng tập để tạo nên một chỉnh thể.
- Và các bạn sẽ sớm có những bước đi kế tiếp chứ?
- So những tác phẩm trước của chúng tôi, loạt phim này mang tầm cỡ lớn lao hơn, in đậm tinh thần chung không lùi bước của người dân Việt Nam khi phải đối mặt nghịch cảnh. Được tin tưởng, được giao trọng trách, quá trình làm phim cũng đã truyền cảm hứng tích cực cho người trẻ chúng tôi. Nếu có cơ hội kế tiếp, chúng tôi luôn sẵn sàng.
- Cảm ơn chị về một cuộc trò chuyện cởi mở!
Sau khi tập đầu tiên của bộ phim tài liệu "Không lùi bước" nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả xem trên nền tảng số VTVGo, Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết định chính thức phát sóng phim này tại khung giờ 20 giờ 30 phút trên kênh VTV1, từ ngày 11/9 đến 19/9/2023. Đội ngũ thực hiện phim gồm hai biên kịch Trịnh Phong Chương và Nguyễn Thanh Nga, quay phim Lê Đình Hưng, đồng đạo diễn Phan Ý Linh và Nguyễn Nhật Duy.
Phan Ý Linh (sinh năm 1991) bắt đầu công việc đạo diễn tại Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2021. Trước đó, chị giữ vai trò nhà sản xuất phim tài liệu tại kênh VTV7- Đài Truyền hình Việt Nam.