"Làm mới" sự tử tế

"Siêu thị của Abdelhamid Idrissi (ảnh bên) là một cuộc cách mạng. Ở đó, không có sự hạ thấp hay xúc phạm nào, chỉ có phẩm giá và sự giúp đỡ", Femke Halsema - Thị trưởng Amsterdam (Hà Lan), phát biểu khi tham dự khai trương siêu thị FRIS. Tại sao là siêu thị thay vì ngân hàng thực phẩm, câu trả lời nằm ở góc nhìn mới mẻ của chàng trai 33 tuổi gốc Bắc Phi.
0:00 / 0:00
0:00
"Làm mới" sự tử tế

Tư duy khác về lòng trắc ẩn

Giống như mọi siêu thị khác ở khu vực Amsterdam Nieuw-West, tại FRIS cũng có những kệ hàng luôn đầy ắp sản phẩm và đội ngũ nhân viên nhiệt tình phục vụ. Nhưng có một điểm khác biệt ở siêu thị mới này: mọi thứ đều miễn phí.

FRIS, khai trương vào cuối tháng 1 vừa qua, là một sáng kiến ​​mới về cách làm từ thiện. Thay vì trở thành một ngân hàng thực phẩm vốn phát đồ ăn theo kiểu "bố thí", siêu thị này chào đón người nghèo như một khách mua hàng bình thường. Chỉ khác là sau khi thanh toán, họ sẽ ký vào hóa đơn miễn phí thay vì trả tiền. Điều này khiến những người nghèo không cảm thấy xấu hổ.

Abdelhamid Idrissi, người sáng lập dự án siêu thị FRIS đang là giảng viên của Trường đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam. Idrissi giải thích: "Lựa chọn mô hình siêu thị vì tôi cho rằng, phẩm giá cá nhân rất quan trọng. Mọi người nên có quyền lựa chọn những gì họ cần. Chúng tôi muốn cung cấp cho các gia đình nghèo đầy đủ thực phẩm mỗi ngày. Nói chung là mọi thứ cơ bản mà họ cần, kể cả những sự tư vấn".

Theo Idrissi, những ai cần hỗ trợ có thể đến khu vực tầng lửng tại siêu thị FRIS. Ở đó có bàn uống cà-phê và đội ngũ chuyên gia sẵn lòng tư vấn. Họ sẽ giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn trong mọi vấn đề, từ nợ nần, tìm việc làm cho đến cả việc làm thế nào để vượt qua cơn nghiện.

"Chúng tôi muốn giữ chặt những gia đình này lại nhằm tìm cách hỗ trợ tối đa, và chỉ để họ đi khi chắc chắn rằng con cái của họ sẽ ngủ ngon vào ban đêm", Abdelhamid Idrissi nói. "Tất nhiên, những việc này cũng hoàn toàn miễn phí".

Phẩm giá của "cho" và "nhận"

Femke Halsema, Thị trưởng Amsterdam, là người ủng hộ nhiệt tình cho dự án siêu thị miễn phí này. "Nếu bạn nghèo, đấy không phải tội lỗi mà là sự xui xẻo", bà nói. "Nhưng ở Hà Lan, chúng ta đôi khi có xu hướng làm bẽ mặt những người nghèo… Siêu thị của Idrissi vì thế là một cuộc cách mạng. Ở đấy có phẩm giá và sự giúp đỡ".

Còn Sofyan Mbarki, giám đốc các vấn đề kinh tế của Amsterdam, nói rằng ông rất hy vọng dự án FRIS sẽ khiến nhiều doanh nghiệp suy nghĩ về việc hỗ trợ những người kém may mắn. "Đây không phải là về lợi ích tài chính, mà là lợi ích cho xã hội", ông nói. "Thật đau đớn khi ở một vùng đất giàu có như Hà Lan mà vẫn cần có các ngân hàng thực phẩm".

Abdelhamid Idrissi, nhà sáng lập FRIS cho biết dự án này cần một khoản ngân sách lên đến 250.000 euro, và anh đang trên đường tìm kiếm nguồn tài chính qua việc gây quỹ cộng đồng. Hiện FRIS đã thu xếp được một nửa số tiền cần có, cũng như đã nhận được các tủ lưu trữ thực phẩm do một số doanh nghiệp tại Hà Lan quyên tặng siêu thị.

"Làm mới" sự tử tế ảnh 1
Các em nhỏ cùng gia đình được giúp đỡ tại phòng học của Stichting Studiezalen.

Hỗ trợ cộng đồng là lẽ sống

FRIS, trong tiếng Hà Lan có nghĩa là "tươi mới". Idrissi chọn cái tên này vì muốn cho siêu thị trở thành nguồn cảm hứng để những gia đình gặp kỳ khó khăn tìm lại niềm tin vào bản thân. "Chúng tôi muốn họ nhìn mọi thứ theo cách lạc quan, gạt bỏ ưu phiền để tự làm mới chính mình", anh nói.

Siêu thị miễn phí cũng không phải dự án từ thiện đầu tiên của Abdelhamid Idrissi. Chàng trai từng sáng lập Stichting Studiezalen, tổ chức từ thiện đang điều hành các lớp học miễn phí cho học sinh ở Thủ đô Amsterdam và Zaandam - thành phố phía tây bắc Hà Lan.

"Nghèo không chỉ là thiếu tiền. Nó còn là sự nghèo nàn về học vấn và kinh nghiệm sống. Tôi đã vượt qua điều đó trong quá trình học đại học và vì thế, muốn chia sẻ điều này với các em nhỏ", Idrissi nói.

Kể từ sau khi khai trương phòng học đầu tiên vào năm 2011, Stichting Studiezalen đã phát triển lên tới 47 phòng học ở Amsterdam và Zaandam, nơi 1.400 trẻ em được giúp đỡ mỗi tuần. Có 200 người làm việc cho Stichting Studiezalen: 44 nhân viên cố định được trả lương cùng nhiều thực tập sinh và tình nguyện viên.

Các phòng học của Stichting Studiezalen giờ đây đã trở thành những trung tâm hỗ trợ toàn diện, nơi không chỉ trẻ em tiểu học, mà cả học sinh trung học và sinh viên cùng gia đình họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. "Phòng học không chỉ để học tập mà còn là nơi các em có thể trút bỏ mọi lo lắng, tổn thương và bày tỏ ước mơ", Idrissi nói. "Các em đều thông minh, hài hước và đủ mạnh mẽ. Nhưng chúng thiếu kiến thức, vốn sống, sự tự tin và trên hết là thiếu cơ sở tài chính".

Nhờ nỗ lực hỗ trợ cộng đồng không mệt mỏi, Idrissi đã được chính quyền thành phố Amsterdam vinh danh là "Công dân của năm" vào năm 2019. Nhưng chàng trai này bộc bạch, phần thưởng lớn nhất đối với anh chính là sự lan tỏa lòng tử tế. "Cuối cùng, những đứa trẻ và các gia đình được giúp đỡ lại trở thành đại sứ của chúng tôi, để giúp truyền đi thông điệp về lòng trắc ẩn và sự tôn trọng phẩm giá. Đấy là điều tuyệt vời nhất", anh tự hào.