“Giấc mơ Nam Phi” qua nhịp pantsula

Ngày bé, Vusi Mdoyi tìm thấy chút niềm vui để xua đi những nỗi thống khổ bằng điệu nhảy đường phố có tên pantsula. Lớn lên, trở thành một biên đạo múa, anh nâng pantsula lên thành một môn nghệ thuật cao cấp. Và thông qua đó, anh kể những câu chuyện đầy cảm xúc về đất nước Nam Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Vusi Mdoyi
Vusi Mdoyi

Từ khoảnh sân tồi tàn

Vusi Mdoyi không thể cưỡng lại những động tác nhảy: bước chân nhanh, động tác vặn đầu gối đến mức bong gân, cú lắc hông, tất cả hòa quyện vào nhau trong điều thường được mô tả là một dạng tapdance (với cách thể hiện và tạo ra giai điệu từ tiếng gõ của đế giày) đô thị.

Lớn lên tại một thị trấn nghèo của người da đen gần Johannesburg vào những năm 80 thế kỷ trước, cậu bé Vusi Mdoyi thích xem cha mình nhảy với bạn bè theo phong cách được gọi là pantsula, trong khoảnh sân đất nằm cạnh ngôi nhà gỗ bốn phòng đơn sơ.

Đó là một niềm vui nho nhỏ trong những ngày đen tối của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Khoảng bảy tuổi, Vusi Mdoyi bắt đầu tập nhảy. Đến năm 10 tuổi, cậu bé đã nhảy trong các lễ hội của trường. 14 tuổi, cậu thành lập nhóm nhảy của riêng mình, cùng những người bạn hàng xóm.

Hiện, ở tuổi 44, Vusi Mdoyi đã là một vũ công và biên đạo múa nổi tiếng, người góp phần thực hiện điều không ai có thể tưởng tượng được trong thời kỳ phân biệt chủng tộc: Biến nghệ thuật đường phố pantsula thành một loại hình nghệ thuật cao cấp, được thế giới ca ngợi và khán giả yêu thích.

Các tác phẩm của Mdoyi có thể xem là những vở kịch sân khấu, với trang phục công phu, nhạc nền và lời thoại kết hợp với nhau để kể nhiều câu chuyện vượt khỏi phạm vi của nghệ thuật múa. Thí dụ, trong một show diễn có tên “Footnotes”, Mdoyi và vũ đoàn đã chơi nhạc nền bằng máy đánh chữ, gõ thông báo trục xuất người thuê nhà chậm nộp tiền. Vở kịch đem tới cảm giác giận dữ và điên cuồng, khi những tiếng la hét thể hiện sự ghê tởm của người thuê nhà vang lên qua loa.

Trong một tác phẩm khác, “Via Sophiatown”, Mdoyi kể câu chuyện về Johannesburg thời trước, nơi ươm mầm cho nghệ thuật và văn hóa của người da đen. Anh kết hợp điệu pantsula với các hình thức khiêu vũ khác trong các buổi biểu diễn vui tươi.

Tác phẩm mới nhất của Mdoyi mang tựa đề “Linh hồn rách nát của người lao động”, kể về những người Nam Phi buộc phải rời bỏ quê hương để tìm việc làm, đồng thời lên án sự bóc lột tàn tệ của hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Trên sân khấu, những vũ công mặc các bộ vest mang phong cách cổ điển, đôi khi trình diễn với những thùng bia. Đây cũng là một chi tiết đặc trưng. Ở Nam Phi, những người trẻ tuổi thường nhảy pantsula cạnh các cột đèn giao thông, cạnh những thùng bia được dùng để đựng tiền xin được từ khán giả.

“Giấc mơ Nam Phi” qua nhịp pantsula ảnh 1
Một cảnh trong tác phẩm "Linh hồn rách nát của người lao động".

Những câu chuyện Nam Phi

Những gì mà “Linh hồn rách nát của người lao động” muốn truyền tải là thí dụ về cách Mdoyi sử dụng vũ đạo “để khiêu khích, đặt câu hỏi và đưa ra tuyên bố”, như chính anh từng chia sẻ.

“Khi tôi xem các buổi biểu diễn tác phẩm của anh ấy, tôi không chỉ nhìn vào những động tác cơ thể, mà hơn thế là nội dung ẩn chứa”, Sello Pesa, một vũ công và biên đạo múa người Nam Phi cho biết. “Anh ấy có điều gì đó muốn nói. Anh ấy nuôi dưỡng hoặc truyền tải những ý tưởng vào pantsula”.

Gregory Maqoma, một nghệ sĩ Nam Phi nổi tiếng khác, người từng hướng dẫn Mdoyi, nhận xét: “Để tạo nên các tác phẩm đáng kinh ngạc đang lưu diễn khắp thế giới hiện nay, đối với tôi, nguyên nhân chính là sự khác biệt từ tầm nhìn”.

Năm 1998, Mdoyi lần đầu giành giải thưởng tại một lễ hội khiêu vũ quốc gia. Người điều hành lễ hội đã kết nối anh với Jackie Semela, người sáng lập Nhà hát Khiêu vũ Soweto. Sau đó, cùng C. Brian Williams, cựu sinh viên Đại học Howard, ông Semela cho ra đời chương trình Step Afrika!, tổ chức lần đầu tại Soweto vào năm 1994, chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Nelson Mandela chiến thắng, trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của đất nước.

Step Afrika! là sự kết hợp hoàn hảo step dance của người Mỹ gốc Phi với điệu nhảy truyền thống của châu Phi. Những trải nghiệm khi làm việc cùng C. Brian Williams tại Step Afrika! đã làm Mdoyi dấy lên cảm giác tự hào về các điệu nhảy Nam Phi.

Trong thời kỳ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thống trị, người châu Phi thường cảm thấy xấu hổ về nền văn hóa của chính họ. Nhưng Mdoyi đã tự thay đổi nhận thức ấy. Từ chỗ ngưỡng mộ cách người Mỹ da mầu tiếp thu văn hóa đường phố và chuyên nghiệp hóa nó, anh nhận ra người Nam Phi da đen có thể làm được nhiều điều.

Một phần nhờ những mối quan hệ được tạo ra thông qua Step Afrika!, Vusi Mdoyi đã có chuyến "xuất ngoại" đầu tiên, trong vai trò diễn giả trong một hội thảo về pantsula tại Anh vào năm 2001. Năm sau, Mdoyi lưu diễn quốc tế với Via Katlehong, một công ty trình diễn pantsula được đặt theo tên thị trấn quê hương của anh. “Bây giờ, pantsula đã là một hình thức hoạt động văn hóa-xã hội thông qua việc kể câu chuyện của chính chúng tôi”, anh tự hào.

Tri ân quê hương

Đối với Mdoyi, việc tập trung vào khiêu vũ trong giai đoạn trưởng thành từ một thiếu niên đã giúp anh tránh xa bạo lực đồng thời đem lại cho anh một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hiện tại, Mdoyi có hai công ty chuyên sáng tạo các chương trình biểu diễn pantsula và dạy nhảy. Thu nhập từ nghề vũ công được đầu tư vào bất động sản. Nhờ đó, Mdoyi xây dựng một ngôi nhà rộng rãi, hai tầng ở Katlehong, bao gồm cả phòng tập cho học viện pantsulacủa anh.

Ngoài việc kinh doanh, Mdoyi cũng là Giám đốc đồng sáng lập của Impilo Mapantsula Global Movement, một phong trào thúc đẩy, nghiên cứu, ghi chép và đóng góp vào việc xây dựng các tiêu chuẩn của pantsula. Sự đam mê với pantsula không chỉ truyền cảm hứng để Mdoyi giới thiệu loại hình này tới các không gian nghệ thuật khác nhau trên thế giới mà còn thôi thúc anh biến pantsula thành chìa khóa đổi đời cho nhiều thanh niên nghèo.

Mdoyi ấp ủ hy vọng xây dựng một studio lớn hơn để phát triển học viện khiêu vũ của mình tại quê hương. “Thời niên thiếu, những studio chuyên nghiệp quá xa vời đối với chúng tôi. Thậm chí cho đến bây giờ , nhiều nơi vẫn không phục vụ người da đen”, Mdoyi giải thích. “Vì thế, tôi muốn những thanh niên ở thị trấn này được tiếp cận với những không gian chuyên nghiệp, nơi họ được chào đón và trân trọng tài năng”.