Cơ hội từ một chuyến bay
Trong một lần từ Puerto Rico đến Quần đảo Virgin, chuyến bay của Richard Branson bị hủy. Trong khi phần lớn mọi người đều bế tắc, Richard vòng ra phía sau, thuê một chiếc máy bay và viết lên bảng đen: “Quần đảo Virgin, một chiều, 39 USD”.
Richard đã gặp tất cả những người có chuyến bay bị hủy, và thành công lấp đầy chuyến bay riêng đầu tiên của mình. Khi đến Quần đảo Virgin, một hành khách còn nhận xét: “Hãy cải thiện dịch vụ một chút, bạn có thể tham gia vào ngành hàng không”.
Câu nói đó ngay lập tức “châm lên ngọn lửa kinh doanh” thẳm sâu bên trong Richard Branson. Lúc bấy giờ, ngành hàng không do những ông lớn thống trị, và ý tưởng thành lập một hãng hàng không mới gần như là điều không thể. Tuy nhiên, Branson đã nhìn thấy cơ hội tạo ra sự khác biệt.
![]() |
Branson luôn nhìn ra những cơ hội tạo nên khác biệt. |
Branson đã gọi những người bạn thân và thông báo sẽ trích một phần lợi nhuận từ công việc kinh doanh Virgin Records để thuê một chiếc Boeing 747 cũ. Đó là bước đầu trong quá trình thành lập hãng hàng không thương mại - cạnh tranh trực tiếp với ông lớn British Airways.
Như lời kể của Branson, bạn bè ông đã cười phá lên vì tưởng đây là câu nói đùa, trong sự tức giận vì bị hủy chuyến. Những người khác lại sững sờ nhìn ông, trong khi vẫn đang giơ những chiếc nĩa trên không trung. Branson bình thản: Việc khởi nghiệp kinh doanh chẳng có ý nghĩa gì, trừ khi bạn làm điều đó vì cảm giác thất vọng!
Với phương châm “tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người khác và trở thành điều khiến bạn tự hào”, trong thời điểm mọi người đều bối rối và bị xao nhãng bởi cảm giác thất vọng, Branson đã chớp lấy thời cơ, dù cho nó chỉ vừa kịp lóe lên.
“Học cách làm và ngã”
Lúc còn nhỏ, Branson đã gặp phải thách thức rất lớn do chứng khó đọc. Ông thất bại trong hầu hết các kỳ thi. Tuy nhiên, khi bạn bè của Branson xuất sắc trong các môn yêu cầu kỹ năng chính tả và toán học, ông lại tìm thấy niềm an ủi nhờ quá trình tư duy sáng tạo và nỗ lực giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Nhìn về những năm tháng học đường, Branson đúc kết: “Điều cản trở bạn không phải là con người bạn, mà là những gì bạn nghĩ bản thân không thể trở thành”.
Trở lại với Virgin Atlantic và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên năm 1984. Chiếc Boeing 747 đi thuê ấy đã bị một đàn chim bay vào động cơ, gây ra thiệt hại lớn. Sự cố này khiến hãng không được cấp chứng nhận vận chuyển hành khách, vì họ chẳng còn máy bay nào hoạt động.
Thay vì hoảng loạn hay bỏ cuộc, Branson vẫn giữ sự lạc quan. Ông nhanh chóng tái cấu trúc các công ty và rút tiền từ các dự án khác để phục vụ việc sửa chữa. Khi chiếc Boeing trở lại bầu trời, Virgin Atlantic cũng nhận được chứng nhận cần thiết. Chuyến bay đầu tiên từ Gatwick đến Newark cuối cùng cũng diễn ra thành công.
“Tôi cho rằng bí quyết để phục hồi không chỉ là không sợ thất bại mà còn sử dụng chúng như công cụ thúc đẩy và học hỏi… Không việc gì phải buồn khi phạm sai lầm, miễn là bạn không vướng vào cùng một vấn đề hết lần này đến lần khác”, Branson khẳng định.
Nếu tính từ thời điểm bắt đầu công việc kinh doanh năm 16 tuổi, Richard Branson đã mua lại hơn 40 công ty tại 35 quốc gia. Các doanh nghiệp này bao gồm Virgin Atlantic, Virgin Money, Virgin Balloon Flights, Virgin Casino và Virgin Galactic. Thực tế, một số dự án của ông, như Virgin Cars, Virgin Drinks (với Virgin Cola và Virgin Vodka), Virgin Clothing và Virgin Brides (công ty váy cưới)... đều đã... thất bại.
Không ai khác, chính Branson hiểu rằng nếu bản thân không chấp nhận rủi ro, thành công sẽ không tự dưng tìm đến. Ngay trong lúc mọi thứ không diễn ra hoàn hảo, bạn cũng phải nhanh chóng đứng dậy, để rồi sẽ trở lại thách thức vấn đề vào lần khác - khi đã chuẩn bị kỹ càng hơn. “Bạn không tập đi bằng cách tuân theo các quy tắc. Bạn học bằng cách làm và ngã”, ông triết lý.
![]() |
Richard Branson cũng hướng tới mục tiêu chinh phục không gian. |
Lối đi riêng cho người chiến thắng
Thành công của Richard Branson có được đến từ sự kết hợp độc đáo giữa những phẩm chất cá nhân đặc biệt. Không chỉ vì cách ông nhìn nhận và nắm bắt cơ hội, chính lối tư duy độc đáo được áp dụng trong từng thử thách riêng biệt cũng khiến thế giới phải ngưỡng mộ.
Với mục tiêu tuyển dụng vị trí giám đốc điều hành, chính ông đã đóng giả làm lái xe taxi trực tiếp đến sân bay. Một nửa số ứng viên lớn tiếng phàn nàn về việc phải tự cất hành lý, những khó khăn khi phải ngồi chen chúc nhau phía sau người tài xế lớn tuổi chậm lề rề. Trái ngược, ba người khác vẫn vui vẻ giúp bác tài đặt va-li vào cốp xe, tâm sự cởi mở cũng như hỏi chuyện về các địa danh mà họ thấy suốt dọc đường.
Khi tới khu điền trang, Branson khiến tất cả ngỡ ngàng khi tháo bỏ chiếc mặt nạ nhăn nheo ra. Những người từng phàn nàn xuyên suốt chuyến đi đã bị loại bỏ. Và một trong những giám đốc điều hành mới được tuyển dụng, Sara Bakely, thậm chí đã phát triển rực rỡ đến mức trở thành đại biểu của thế hệ tỷ phú tiếp theo.
Branson luôn cố gắng sử dụng sự thành công của mình để tạo ra những ảnh hưởng tích cực. Trong suốt nhiều năm qua, ông là người ủng hộ các vấn đề về sức khỏe, giáo dục và công bằng xã hội, đồng thời cũng nỗ lực tận dụng sức ảnh hưởng của mình để cải thiện nhận thức về biến đổi khí hậu. Vị tỷ phú đã công bố giải thưởng từ thiện Virgin Earth Challenge - cam kết trao 25 triệu USD cho bất kỳ ai tìm ra cách loại bỏ hàng tỷ tấn CO2 khỏi bầu khí quyển mà không làm ảnh hưởng tới môi trường. Branson cũng không có ý định nghỉ hưu, mà dự định sẽ làm người ủy thác cho một số tổ chức từ thiện, để dành phần lớn thời gian thúc đẩy các sáng kiến phi lợi nhuận. Trong số đó, Healthcare Foundation đóng vai trò quan trọng thúc đẩy cuộc chiến chống bệnh AIDS thông qua nỗ lực giáo dục. Quỹ này cũng đã tham gia vào chiến dịch vận động “Cha mẹ chống thuốc lá”, nhằm hạn chế quảng cáo về thuốc lá và tài trợ cho các hoạt động thể thao.
Richard Branson không trở thành tỷ phú chỉ vì đam mê kiếm tiền. Trong ông, còn là khát khao chinh phục thử thách, để kiến thiết những giá trị bền vững. Thay vì bám vào công thức sẵn có, ông “dám mơ lớn”, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và học hỏi từ thất bại để không ngừng phá vỡ giới hạn. Vì thế, Richard Branson trở thành một trong những biểu tượng truyền cảm hứng của giới doanh nhân.